Độc giả phản ứng trước yêu cầu đòi bằng chứng của ông chủ tịch Sầm Sơn

27/07/2012 07:29
H.T (tổng hợp)
(GDVN) -“Nếu tôi là Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải rà soát lại mọi vấn đề báo chí đã nêu. Một nơi du lịch lý tưởng và đáng yêu thì báo chí chắc chắn không nêu vấn đề nhức nhối như đang nói nhiều lần và nhiều năm”. Chia sẻ của độc giả Tuấn Kiệt.
Báo Giáo dục Việt Nam vừa đăng tải loạt bài phản ánh về tình hình phục vụ cũng như nạn chặt chém khách tại bãi biển Sầm Sơn thì cũng đồng thời nhận được hàng loạt ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Như một số bài viết đã đăng tải, ở bài viết này tòa soạn cũng xin trích dẫn những chia sẻ của độc giả về khu du lịch mà cứ mỗi lần nhắc đến người ta lại lên án gay gắt về nạn chặt chém của một bộ phận người dân làm du lịch ở đây và ngao ngán lòng...
Để có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn nạn chặt chém du khách tại bãi biển Sầm Sơn và cũng là để giải đáp những thắc mắc của độc giả những ngày qua, PV báo Giáo dục Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo UBND Thị xã Sầm Sơn là ông Vũ Đình Quế, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn. 
Ngay sau khi bài báo: “Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn thẳng thừng bác bỏ về nạn "chặt chém" vừa được đăng tải thì tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngay sau đó đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Thay vì có được một lời giải thích thấu tình đạt lý là sự thất vọng đến ê chề, phẫn nộ của bạn đọc.

Ông Vũ Đình Quế - Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (ảnh VOV)
Ông Vũ Đình Quế - Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (ảnh VOV)
Không giấu nổi bức xúc và thất vọng, độc giả Trần Quang Tuấn ở địa chỉ email minhtuan_hb@... viết: “Gửi ông Chủ tịch thị xã Sầm Sơn! Chứng tỏ ông không chịu theo dõi thông tin trên báo chí nên ông hỏi chứng cứ đâu về tệ nạn “chặt chém” ở Sầm Sơn. Ông quan niệm, và ông hiểu thế nào về chứng cứ? Hay ông nói như vậy để chặn họng phóng viên? 
Bao nhiêu ý kiến phản ánh trên báo chí, người phản ánh nêu rõ tên, địa điểm, ngày giờ và có chụp ảnh, quay phim đưa lên báo chí. Thưa ông, đấy chính là chứng cứ! Nếu là tôi, khi được phản ánh nhiều như vậy, trước hết tôi buồn lắm chứ. Tôi sẽ cho họp các ban ngành đột xuất, mời báo chí tham dự, sẽ làm quyết liệt và vi hành thử làm du khách.
Tại sao 10 người đến Sầm Sơn thì cả 10 người kêu trời về dịch vụ ở đây mà ông nói cứ như mọi việc êm đẹp lắm, cứ như người ta nói oan cho nạn chặt chém ở đây. Sao người ta không nói về Đà Nẵng như vậy? Ông có nghe đội "Phản ứng nhanh" của Đà Nẵng vây bắt kẻ đánh giầy chặt chém khách 200 ngàn đồng chưa? Bây giờ qua cuộc phỏng vấn của phóng viên, chúng tôi đã có câu trả lời mà lâu nay bán tín bán nghi "Tại sao Sầm Sơn lại có tệ chặt chém khách du lịch?" 
Đề nghị báo Giáo dục Việt Nam cho in toàn bộ ý kiến bạn đọc và gửi cho ông Chủ tịch Sầm Sơn, ngoài phong bì đề rõ "Chứng cứ về tệ nạn “chặt chém” đây!"
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém, những bài tắm nhiều rác thải.... trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Cùng quan điểm với độc giả Trần Quang Tuấn là độc giả Tuấn Kiệt ở địa chỉ email phamhongduong@... : “Sau khi đọc chùm bài viết của báo điện tử Giáo dục Việt Nam và là người từng nếm "quả đắng" khi đến nghỉ
mát ở Sầm Sơn, trước hết tôi rất cảm ơn báo đã có chùm bài phản ánh thực tế nơi đây. 
Tôi cũng bày tỏ quan điểm của mình rằng với những gì Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn trả lời những điều trên thật chưa thỏa đáng, thậm chí có vẻ còn hơi hách dịch. 

Nếu phóng viên đã đặt lịch và đến đúng lịch hẹn mà Chủ tịch UBND thị xã còn hỏi câu hỏi "đến cơ quan công quyền có giấy tờ gì chưa?". Phải chăng cấp dưới không báo cáo, và phải chăng bộ phận thường trực bảo vệ nơi đây không làm nhiệm vụ của mình... để vào phòng rồi mà Chủ tịch mới biết hỏi những câu hỏi như thế. 

Nếu tôi là Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải rà soát lại mọi vấn đề báo chí đã nêu. Một nơi du lịch lý tưởng và đáng yêu thì báo chí chắc chắn không nêu vấn đề nhức nhối như đang nói nhiều lần và nhiều năm.

Cần thiết phải có nhiều địa điểm ghi những số Hotline (đường dây nóng) của những người thi hành công vụ để du khách tiện liên hệ khi có sự cố hoặc phát hiện hành vi sai trái. Tổ chức thêm nhiều đội tuần tra và đặt những điều lưu ý cho du khách đến tham quan tại địa điểm công cộng và các nhà nghỉ, khách sạn”. 
Nhiều du khách, bạn đọc bất bình về thái độ phục vụ nạt nộ của chủ đà điểu tại Hòn Trống Mái, Sầm Sơn - Thanh Hóa (ảnh cắt từ clip)
Nhiều du khách, bạn đọc bất bình về thái độ phục vụ nạt nộ của chủ đà điểu tại Hòn Trống Mái, Sầm Sơn - Thanh Hóa (ảnh cắt từ clip)

Đăng tải loạt bài viết phản ánh về tình trạng chặt chém du khách tại Sầm Sơn, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đồng thời cũng đã đăng tải gần như trọn vẹn những ý kiến phản hồi của độc giả. Mỗi ý kiến phản ánh là mỗi câu chuyện, mỗi nỗi bức xúc khi gặp phải tiêu cực tại bãi biển này.

Vậy mà khi được hỏi đến, như bị dội một gáo nước lạnh, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã không chút suy nghĩ mà phủ nhận trắng trơn những gì mà phóng viên đã phản ánh. Những bán tín bán nghi của độc giả đến thời điểm này nên kết luận thế nào đây? 

“Đã lâu rồi (từ năm 2007) tôi không có địa chỉ Sầm Sơn trong kế hoạch du lịch hay đi chơi nữa. Gần đây có rất nhiều báo chí, thư ban đọc phản ánh về tình trạng chặt chém ... ở Sầm Sơn. Nói chung là xấu, mọi người nêu ý kiến là tẩy chay Sầm Sơn. 

Hôm nay đọc thêm ý kiến của ông chủ tịch UBND thị xã, tôi thấy cũng đến lúc khách hàng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình vì không còn ai giúp đỡ hoặc thiện chí bảo vệ quyền lợi của khách du lịch nữa rồi. Cũng không phải thắc mắc, băn khoăn khi mà từ lãnh đạo cho đến từng cá nhân hành nghề du lịch tại đây vẫn không rút kinh nghiệm. Thế thì khách du lịch chắc sẽ còn bị “chặt chém” dài dài. 

Biển Sầm Sơn cũng sẽ không có trong kế hoạch du lịch của tôi, gia đình tôi. Bạn bè tôi, cơ quan tôi cũng sẽ nhận được lời can ngăn của tôi nếu có ý định đến nơi đây vì đương nhiên, không nên mất tiền mua bực vào người”. Chia sẻ của độc giả Trần Minh Khoa ở địa chỉ email tmkhoata@...

Hỏi Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, nếu theo dõi báo chí, đọc được những lời như thế này của độc giả trên liệu ông có thấy buồn lòng hay không?
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém, những bài tắm nhiều rác thải.... trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
H.T (tổng hợp)