Đối diện với muôn vàn khó khăn, EVNNPT đã vượt qua như thế nào?

05/07/2018 17:09
Nhật Minh
(GDVN) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc, EVNNPT đã đạt được những kết quả nổi bật và thành tựu to lớn.

Trong tiến trình hoạt động 10 năm qua (2008 - 2018), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã từng bước khắc phục muôn vàn khó khăn của những ngày đầu thành lập với “vạn sự khởi đầu nan”, có chủ trương đúng và bước đi đúng.

Để lưới điện không ngừng vươn xa. Ảnh: TTXVN
Để lưới điện không ngừng vươn xa. Ảnh: TTXVN

Quản lý vận hành lưới truyền tải điện và sản xuất kinh doanh

Chỉ sau 6 tháng thành lập, khi công việc hợp nhất về tổ chức bộ máy, tài chính và cơ sở vật chất còn đang được hoàn tất, thậm chí một số việc còn dang dở, nhưng đến hết năm 2008, toàn EVNNPT đã bước đầu truyền tải được 71.313 triệu kWh, vượt chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao.

Tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 1,64% giảm 0,36% so với chỉ tiêu đầu năm. Cũng sau đó một thời gian ngắn vào tháng 3/2009, Tổng Công ty đã đóng điện thành công đường dây 220kV Châu Đốc - Tịnh Biên - Takeo cấp điện sang Cămpuchia.

Đường dây 2 mạch dài 69,5km, 210 vị trí cột, công suất truyền tải điện lớn nhất 200MW, sản lượng điện trung bình từ 900 triệu đến 1,4 tỷ kWh/năm.

Công trình này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn góp phần mở rộng quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Tổng Công ty đã kịp thời hoàn thành các công trình lưới điện 500kV đấu nối đồng bộ Nhà máy Thủy điện Sơn La, đưa dòng điện hòa vào lưới điện quốc gia sớm hơn 2 năm so với kế hoạch.

Thêm một “kỷ lục” về tiến độ là ngày 28/12/2012, sau hơn 12 tháng thi công, Tổng Công ty đã đóng điện và đưa vào vận hành Đường dây 220kV Đắc Nông - Phước Long - Bình Long, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 5/5/2014, cùng với Đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, Tổng công ty tiếp tục đóng điện thành công Đường dây 500kV mạch 3 nối từ Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, góp phần quan trọng tạo sự liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam Bộ, khắc phục cả việc thiếu điện trong mùa khô ở những khu vực này, nâng cao khả năng trao đổi điện năng giữa các vùng, miền của đất nước. 

Một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là vận hành lưới điện truyền tải đảm bảo an toàn, liên tục và thông suốt đã được Tổng Công ty chủ động tích cực triển khai; hành lang an toàn lưới điện được kiểm tra, kịp thời khắc phục và ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra.

Năm 2017, toàn Tổng Công ty đã vượt qua các khó khăn “nút thắt” về nguồn vốn, về giải phóng mặt bằng thi công, truyền tải được 166,17 tỷ kWh, đạt 100,5% so với kế hoạch điều chỉnh Tập đoàn giao, tăng gấp 2,33 lần so với năm 2008.

Tổng Công ty đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động mà nhiều đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài EVN từng mơ ước, nhưng vẫn chưa làm được, thể hiện qua năm chỉ tiêu chủ yếu sau:

1/ Giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết kiệm được khoảng 1,97 triệu kWh so với năm 2016, tiết kiệm và thực hiện tối ưu các khoản chi phí theo định mức của EVN giao.

2/ Tăng hiệu quả sử dụng vốn: Thực hiện khối lượng thanh xử lý vật tư, thiết bị kém phẩm chất, tài sản không cần dùng đạt 67,8 tỷ đồng/44,78 tỷ đồng, đạt 151% kế hoạch.

3/ Nâng cao hiệu quả vận hành: thực hiện được 100% khối lượng sửa chữa lớn so với kế hoạch; các chỉ tiêu về suất sự cố, sự cố/100km đường dây, thời gian bình quân xử lý sự cố, điện năng truyền tải không cung cấp được đều thực hiện tốt hơn so với chỉ tiêu kế hoạch EVN giao.

4/ Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động: Tổng Công ty đã thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ lao động hiện có, hạn chế tối đa tuyển dụng lao động mới (năm 2017 tuyển 5 lao động/176 lao động theo kế hoạch EVN duyệt.

Các chỉ tiêu về suất sự cố hàng năm đều đạt yêu cầu theo hướng năm sau giảm hơn năm trước liền kề (năm 2017 giảm 50 sự cố so với năm 2016).

Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm mà cách đây chục năm chưa phát sinh rõ rệt, thì mấy năm gần đây đã khiến Tổng Công ty phải dành nhiều công sức chú ý, khắc phục.

Đó là tình hình vận hành đảm bảo cung cấp điện năng diễn ra khá căng thẳng, do lưới truyền tải còn nhiều nơi chưa đảm bảo đáp ứng tiêu chí N-1, là tiêu chí bảo đảm không sa thải phụ tải khi hệ thống điện bị sự cố hoặc hệ thống phải vận hành ngoài giới hạn kỹ thuật cho phép…

Bên cạnh đó tình hình diễn biến thiên tai phức tạp xảy ra suốt từ Bắc vào Nam, nhất là ở khu vực miền Trung cũng ảnh hưởng đến mức độ an toàn của lưới điện.

Không ai có thể quên được mức độ tàn phá khủng khiếp của các cơn bão số 9, 10, 12, còn được gọi là “siêu bão” tại khu vực miền Trung và ven biển một số tỉnh miền Nam.

Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm rất cao, cán bộ, công nhân kỹ thuật của Tổng Công ty đã bám địa bàn, nhanh chóng khôi phục lưới điện truyền tải ở những khu vực này, nhất là giữ vững “trục xương sống” đường dây 500kV Pleiku - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh, góp phần giảm thiệt hại về kinh tế, đảm bảo dòng điện liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng Công ty đã kiên định chủ động lựa chọn công việc để đầu tư, thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, truyền tải vận hành an toàn tuyệt đối, đáp ứng nhu cầu điện sản xuất cho các doanh nghiệp và điện sinh hoạt cho nhân dân.

Tổng Công ty đã quyết liệt thực hiện các biện pháp, giải pháp kiểm tra, tăng cường công tác sửa chữa lớn, theo dõi vận hành xử lý kịp thời các khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện truyền tải 500kV Bắc - Nam, chống quá tải các trạm 500 - 220kV hiện có, đảm bảo vận hành an toàn đem lại kết quả quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ tăng cường kỷ cương, kỷ luật vận hành trạm nên sự cố trạm, nhất là trạm 220kV giảm đáng kể.

Thường xuyên duy trì công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Các đơn vị tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện và phối hợp với chính quyền các địa phương trong xử lý vi phạm.

Trong suốt 10 năm qua, Tổng Công ty đã vận hành liên tục lưới điện truyền tải đảm bảo ổn định, an toàn, truyền tải hết công suất các nhà máy điện, cấp đủ điện cho các trạm biến áp phụ tải, với tổng sản lượng lũy kế tới cuối năm 2016 đạt 917 tỷ kWh, đưa vào vận hành tăng thêm 48.510 MVA công suất trạm (gấp 1,5 lần khối lượng TBA đầu tư xây dựng từ năm 2007 trở về trước), và 12.749 km đường dây truyền tải (tương đương tổng khối lượng đường dây truyền tải xây dựng cả giai đoạn 2007 trở về trước).

Từ năm 2016 - 2018, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của EVN, Đảng ủy EVNNPT đã chỉ đạo Tổng Công ty tập trung xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của EVNNPT giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó xác định rõ các mục tiêu phải phấn đấu đạt được tới năm 2020.

Tổng Công ty vừa tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và công nhân kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao, vừa hướng tới mở rộng số lượng khách hàng của Tổng Công ty.

Toàn cảnh Trạm biến áp 500kV Pleiku. Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh Trạm biến áp 500kV Pleiku. Ảnh: TTXVN

Đầu tư xây dựng các dự án công trình tuyền tải điện

Khởi đầu là tháng 12/2008, Tổng Công ty đã xem xét và phê duyệt 30 dự án đầu tư xây dựng các công trình liên quan tới lĩnh vực truyền tải điện của các đơn vị trong Tổng Công ty.

Năm 2009 đóng điện 33 công trình, trong đó các công trình lưới điện đồng bộ với các công trình nguồn điện, như Trạm 500kV Quảng Ninh, Đường dây 500kV Quảng Ninh - Thường Tín, Trạm 500kV Dốc Sỏi…

Kiên định với phương châm “Thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong vận hành - Tập trung đảm bảo tiến độ các dự án”, EVNNPT và các đơn vị thành viên đã tiến hành nhiều công việc thu được kết quả khả quan.

Năm 2010 đã hoàn thành đóng điện 48 công trình, khởi công 22 dự án, duyệt 28 dự án đầu tư, 33 dự án thiết kế kỹ thuật với tổng giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng đạt 6.677 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm 2009.

Đặc biệt ý nghĩa là cụm công trình đồng bộ về nguồn sản xuất điện và lưới truyền tải điện của Nhà máy Thủy điện Sơn La giai đoạn 1.

Từ năm 2011 - 2015, EVNNPT đã thực hiện đầu tư các công trình lưới điện truyền tải với khối lượng đầu tư lớn, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất của các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đồng thời đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại các khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam.

Cùng với việc phát triển lưới điện 500kV, EVNNPT đã tập trung đầu tư xây dựng các dự án lưới điện 220kV, đưa vào vận hành phục vụ cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

EVNNPT đã hoàn thành xây mới, nâng cấp các trạm biến áp 220kV đáp ứng kịp thời nhu cầu cung cấp điện cho phát triển phụ tải và giải quyết tình trạng quá tải tại các địa phương trên cả nước.

Năm 2016: khối lượng đầu tư đạt 19.944 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch Tập đoàn giao, giải ngân đạt 18.973 tỷ đồng, đạt 95,1% khối lượng thực hiện.

EVNNPT đã khởi công xây dựng được 44/KH 50 công trình, gồm 8 công trình 500kV, 36 công trình 220kV.

Trong năm 2017, Tổng Công ty tiếp tục hoàn thành khối lượng đầu tư đạt 17.984 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch điều chỉnh Tập đoàn giao; giải ngân các hạng mục và công việc đạt 18.182 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch điều chỉnh; khối lượng đầu tư thuần đạt 11.541 tỷ đồng, đạt 87,2% kế hoạch điều chỉnh, giải ngân khối lượng đầu tư thuần đạt 11.739 tỷ đồng, đạt 88,7% kế hoạch điều chỉnh.

Thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh khoa học - công nghệ”, Tổng Công ty đã mạnh dạn triển khai ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực hoạt động, như: Đã tập trung triển khai hoàn thành chương trình ERP tại Tổng Công ty và các đơn vị thành viên, được Tập đoàn đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhất trong toàn EVN; triển khai áp dụng nhân rộng hệ thống quản lý kỹ thuật và vận hành tại tất cả các đơn vị; xây dựng và ứng dụng phần mềm trong quản lý và sản xuất kinh doanh...

Trong 10 năm qua (2008 - 2018), EVNNPT đã ký mới được trên 270 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA, hoàn thiện các thủ tục gia hạn các nguồn vay cũ, sử dụng các nguồn vốn dư nhằm sử dụng tối đa nguồn vốn.

Hoàn thiện các thủ tục để thu xếp và ký kết 880 triệu USD và 105 triệu EUR nguồn vốn vay ODA.

Cùng với việc thu xếp vốn cho các dự án, EVNNPT đã mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, trong đó chủ động hợp tác đề xuất với các tổ chức tài chính, các cơ quan phát triển quốc tế để có hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các đề tài nghiên cứu và tăng cường năng lực cho Tổng công ty, như: Hợp tác với Cơ quan thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) xây dựng lộ trình công nghệ thông tin; tăng cường năng lực quản lý tài chính và công tác kế hoạch.

Mười năm qua thực sự là “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Tổng Công ty đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đó là một thành công lớn và rất đáng được biểu dương, khích lệ đối với toàn Tổng Công ty.

Vốn điều lệ của Tổng Công ty đến ngày 31/12/2016 là 24.160 tỷ đồng, tăng hơn 3,15 lần so với vốn điều lệ năm 2010 (7.200 tỷ đồng); tổng tài sản là 81.200 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2016 và bước sang năm 2017, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Tổng Công ty đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định, cũng như đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn.

Hệ số bảo toàn vốn là 1,01 lần; khả năng thanh toán ngắn hạn là 1,4 lần; tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,4 lần; tỷ lệ tự đầu tư là 27%. Tổng Công ty đã giải quyết xong các khoản công nợ phải thu, phải trả quá hạn và đến hạn.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Hàng năm, Tổng Công ty luôn coi trọng, quan tâm và thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kỹ sư, thợ kỹ thuật và viên chức, nhân viên khối hành chính về phương pháp, nội dung, kiến thức giải quyết các vấn đề đặt ra trong hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, cập nhật những thay đổi của chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới của các đơn vị thành viên.

EVNNPT đã hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai công tác đào tạo cơ bản và dài hạn…

Trong tổng số hơn 7.122 cán bộ, công nhân viên của Tổng Công ty, có 13 tiến sĩ (đạt 0,18%), 226 thạc sĩ (đạt 3,18%), 2.717 người tốt nghiệp đại học (đạt 38,20%), 1.669 người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp (đạt 28%). Nhiều cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản đã phát huy tốt vị trí, vai trò của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Từ năm 2014 - 2015, hơn 39.000 lượt người được đào tạo mới, đào tạo nâng cao và đào tạo lại về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong nước và quốc tế.

Trong các năm 2015 - 2017, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được chú trọng triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu, đồng bộ từ EVNNPT đến các đơn vị.

Suốt 10 năm qua (2008 - 2018), bằng những công việc thiết thực, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã xây dựng nên hình ảnh tốt đẹp của mình trong lòng nhân dân.

Với sự nỗ lực phấn đấu kiên trì, bền bỉ, cùng những kết quả, thành tựu gây tiếng vang lớn trong suốt 10 năm qua, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thành viên xứng đáng được đón nhận những phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trao tặng: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013; 02 Bằng khen của Bộ Công thương; 01 cờ thi đua xuất sắc và 02 Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Các đơn vị thành viên: Công ty Truyền tải điện 1: Huân chương Độc lập hạng Nhất (2015); Công ty Truyền tải điện 3: Huân chương Độc lập hạng Ba (2013); Công ty Truyền tải điện 4: Huân chương Lao động hạng Nhất (2014).

Quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cán bộ, nhân viên

Việc chăm lo đảm bảo đời sống mọi mặt cho cán bộ, công nhân kỹ thuật, công nhân viên được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu của Tổng Công ty.

EVNNPT đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp cả về tổ chức, tài chính, kinh doanh, cũng như việc phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thành niên, Hội Phụ nữ... chăm lo đời sống mọi mặt cho cán bộ, công nhân viên, hội viên trong toàn Tổng Công ty.

Để đạt mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân viên, EVNNPT đã thực hiện các giải pháp về tự động hóa, nghiên cứu mô hình Trung tâm điều khiển từ xa, Trạm biến áp không người trực nhằm giảm bớt công việc nặng nhọc và độc hại cho công nhân; sửa chữa, bổ sung xe ô tô đưa đón công nhân đi làm...

Kết quả mấy năm gần đây cho thấy số lượng lao động EVNNPT chỉ tăng 01%, trong khi khối lượng công việc đã tăng tới 6,12%.

Thời gian này EVNNPT đã xây dựng và đưa vào vận hành cơ chế phân phối tiền lương tiên tiến theo hướng gắn tiền lương, tiền thưởng với hiệu quả lao động của đơn vị và người lao động.

Nhật Minh