Đổi mới giáo dục: "Lo lắng về lực lượng nhà giáo khó chuyển mình"

14/11/2013 07:40
Xuân Trung
(GDVN) - "Một trong những lý do quan trọng nhất là “sức ì” trong tư duy theo thói quen. Thay đổi một thói quen không phải là dễ, có khi nhận thức thấy đúng nhưng thay đổi một thói quen lại thấy ngại". PGS. TS. Trần Kiều – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS. TS. Trần Kiều – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam lo lắng về lực lượng nhà giáo khó chuyển mình, khó thấy được trách nhiệm trong kỳ đổi mới lần này.

Làm loãng "sức ì" của giáo viên

PV: Thưa PGS. TS. Trần Kiều, vừa qua Trung ương đã ban hành Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó xác định chú trọng đổi mới đội ngũ nhà giáo, quan điểm của ông về “quyết sách” này?

PGS. TS. Trần Kiều: Từ trước đến nay chúng ta thường quan tâm tới một điều là để tìm ra nút bấm làm cho nền giáo dục thay đổi. Người thì cho rằng đó là yếu tố thầy giáo, cán bộ quản lí, người lại phải là chương trình sách hay hoạt động quản lí. Nhưng bây giờ thì đã rõ và có thể khẳng định đối với chất lượng của cả hệ thống giáo dục ta thì yếu tố quyết định nhất vẫn là giáo viên, hiểu theo nghĩa số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ, Nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ 8 vừa qua cũng đã khẳng định như vậy.

PGS. TS. Trần Kiều cho biết, muốn đổi mới thành công phải làm loãng sức ì của hơn 1 triệu nhà giáo. Ảnh Xuân Trung
PGS. TS. Trần Kiều cho biết, muốn đổi mới thành công phải làm loãng sức ì của hơn 1 triệu nhà giáo. Ảnh Xuân Trung

Tất nhiên thì cũng phải có những thay đổi cơ bản đối với đội ngũ cán bộ quản lí. Nhiều nước đánh giá trình độ cán bộ quản lí rất cao, như là yếu tố hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục, người hiệu trưởng là cánh chim đầu đàn từ tầm nhìn, sức nghĩ và khả năng điều hành.

Hiện nay số lượng giáo viên và cán bộ quản lí của chúng ta có hơn 1,2 triệu, đội ngũ này không chuyển biến từ quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cho đến nhận thức, hiểu biết cần thiết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì khó lòng đạt được các mục tiêu mong đợi.

PV: Đầu tiên phải có quyết tâm, giáo viên phải nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới căn bản toàn diện, phải thấy được sự thúc bách về trách nhiệm lớn lao của mình, xác định được trách nhiệm của mình là gì?

PGS. TS. Trần Kiều: Tôi thấy sự quan tâm của giáo viên trong sự đổi mới lần này không được rõ, chưa thấy giáo viên có ý kiến nhiều, chưa làm dậy lên trong đội ngũ giáo viên một cái gì đó thông qua trao đổi, thảo luận và từ đó thể hiện ý kiến của họ. 1,2 triệu người có phải ít đâu. Phải để cho họ được bộc lộ và tham gia, chính cái đó  tạo điều kiện cho giáo viên làm chủ được.

Khi nói tới vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong cuộc đổi mới lần này thì trước hết phải làm cho các thầy, cô giáo đồng thuận, sau đó mới nói tới chuyện họ phải làm gì, và để cho họ làm được gì thì xã hội và nhà nước cùng làm gì cho họ. 

Về lý do đổi mới, trách nhiệm đặc biệt quan trọng của đội ngũ giáo viên đối với sự thành bại của đổi mới, điều này liên quan tới động lực, sức mạnh bên trong của giáo viên. Xem ra động lực của nhà giáo hiện nay đang có vấn đề, tức là chưa đủ mạnh để đổi mới. Một số đề tài nghiên cứu về thực trạng đội ngũ giáo viên đã nêu lên tình trạng đó. 

Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đội ngũ giáo viên thông qua các chủ trương và cụ thể hóa bằng các chế độ chính sách tuy nhiên kể cả tôn vinh về mặt tinh thần và đãi ngộ vật chất đều chưa tác động đủ mạnh đến động lực làm việc của giáo viên.

PV: Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có nói trong thời gian đổi mới sẽ đào tạo lại đội ngũ giáo viên, vậy với hơn 1 triệu giáo viên chúng ta sẽ phải làm như thế nào theo ông?

PGS. TS. Trần Kiều: Các nước có thuật ngữ đào tạo và đào tạo lại, đào tạo xong rồi thì ra hành nghề, sau một thời gian hành nghề phải đào tạo lại để thích ứng được với tình hình mới. Ta thì có đào tạo và bồi dưỡng, bồi dưỡng của chúng ta thật ra càng ngày càng có tiến bộ, nhưng hoạt động bồi dưỡng còn gặp nhiều khó khăn. 

Giáo viên phổ thông thường có hai cách bồi dưỡng, bồi dưỡng thường xuyên: theo từng giai đoạn, Bộ Giáo dục có kế hoạch bồi dưỡng dài hạn theo một thời gian nhất định với các hình thức thích hợp.

Hai là bồi dưỡng khi xuất hiện một sự thay đổi lớn nào đó, chẳng hạn thay sách giáo khoa. Cách thức bồi dưỡng của chúng ta là theo hệ thống từ trên xuống dưới, Bộ bồi dưỡng cho cốt cán của sở, Sở bồi dưỡng cho cốt cán của huyện, huyện đến trường và lan tỏa  tới tất cả giáo viên. Với số lượng giáo viên lớn như vậy thì chất lượng bồi dưỡng khó được như mong muốn.

Cả hai khâu đào tạo và bồi dưỡng lần này đều phải có những thay đổi căn bản và mạnh mẽ hơn nữa.

Về phương pháp dạy học thì Nghị quyết XI vừa qua nhận định phương pháp dạy học vẫn lạc hậu, trì trệ, trong khi trên thực tế thì cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học đã được triển khai từ những năm 1992.

Lý do của tình hình đó có nhiều, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là “sức ì” trong tư duy theo thói quen. Thay đổi một thói quen không phải là dễ, có khi nhận thức thấy đúng nhưng thay đổi một thói quen lại thấy ngại.

Lý do nữa theo tôi sức thuyết phục về hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học chưa cao, làm sao đổi mới phương pháp dạy học phải có hiệu quả thật. Việc học của chúng ta hiện nay là làm sao để vượt qua các kỳ thi thì việc dạy cũng làm sao để cho học sinh vượt qua các kỳ thi. Dạy để cùng thi thì làm sao tránh được tình trạng chỉ tập trung vào chữ nghĩa và bỏ qua các yêu cầu khác, nói gọn hơn là sức ép của thi cử, áp lực của việc học nặng về chữ nghĩa khó làm thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên.

"Lo lắng về lực lượng nhà giáo khó chuyển mình"
"Lo lắng về lực lượng nhà giáo khó chuyển mình"
Đổi mới bắt đầu từ gia đình

PV: Có ý kiến nói rằng, phương pháp dạy học của chúng ta ít thay đổi vì chịu tác động của quan niệm về “đầu ra”. Bây giờ “cải tổ” lại đầu ra sẽ tác động trở lại khâu dạy học, ông có ý kiến gì?

PGS. TS. Trần Kiều: Bản thân cái gọi là đầu ra của quá trình đào tạo ở nước ta trong 10-15 năm trở lại đây đã có sự quan tâm và có đầu ra theo những tiêu chí cụ thể. Ví dụ học xong môn Toán bậc THCS thì học sinh đạt được những gì về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Tuy nhiên có các chỉ tiêu về đầu ra mà các trường hết sức quan tâm, coi đó là mục đích cuối cùng của quá trình giáo dục: các tỷ lệ về học sinh khá giỏi, thi đỗ tốt nghiệp, số lượng học sinh vào đại học. 

Đây là biểu hiện dễ thấy nhất của một nền giáo dục ứng thí, cùng với tác động của bệnh thành tích thì những biểu hiện nói trên đã làm cho xã hội băn khoăn nhiều. Chuyển sang một nền giáo dục thực học và thực hiện Nghị quyết đã nêu cần được xem là chuyển biến căn bản, nhưng để đạt được mục đích đó sẽ gặp phải nhiều thách thức to lớn.

Làm được như vậy phải chuyển từ quan niệm, nhận thức, chính sách, nội dung, từ cách làm và không phải chỉ trong ngành giáo dục mà đối với toàn xã hội. Phải có một lộ trình và từng giai đoạn của lộ trình đó đạt được những mục tiêu cụ thể gì, có được mục tiêu cụ thể đó thì cần có giải pháp gì?

Nhận thức của xã hội lại phải bắt đầu từ các giả định và người học. Mỗi gia đình đều xác định mục đích học tập cho con cái với những quan niệm riêng, cách thực hiện riêng, làm sao tạo được sự đồng thuận là rất khó khăn nhưng nếu làm được thì mới có hy vọng chuyển đổi.

Nguyên nhân của những yếu kém, bất cập của giáo dục là do lỗi của ngành giáo dục, nhưng phải tìm thêm từ nhận thức xã hội, gia đình.
PV: Nhưng về phía các trường sư phạm cũng phải đổi mới?

PGS. TS. Trần Kiều: Tất nhiên, trước đây ta hay kêu gọi sư phạm là đi trước một bước hay cải cách ở sư phạm phải thực hiện trước bất kỳ cải cách nào ở giáo dục phổ thông, nhưng chúng ta chưa làm được điều đó một cách có kết quả. Kỳ này tôi thấy các trường sư phạm đã có sự chuyển biến, có khá nhiều đề tài nghiên cứu đã đưa ra các kết luận cụ thể.

Nhưng đó mới chỉ là dừng lại ở lý luận, ngay cả các giải pháp cũng cần phải được thử thách trong thực tiễn. Tôi xin lưu ý đến một giải pháp cực kỳ quan trọng là sự phối hợp đồng bộ giữa sư phạm và phổ thông dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.  

PV: Những ý kiến đóng góp của PGS từ trước tới nay về đổi mới giáo dục được thể hiện như thế nào trong đề án lần này?

PGS. TS. Trần Kiều: Tôi không dám nói về đóng góp của cá nhân, nhưng tôi có tham gia đề tài độc lập cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước làm chủ nhiệm có tên “Giải pháp đào tạo giáo viên phổ thông đáp ứng các yêu cầu chương trình giáo dục sau 2015”. 

Đề tài đã gửi một bản kiến nghị với Trung ương, rất mừng là phần lớn những kiến nghị đó được Trung ương xem xét và đưa vào trong Nghị quyết (tất nhiên không chỉ hoàn toàn là từ đề tài này, có thể có nhiều nơi khác cũng có chung quan điểm và kiến nghị). Chẳng hạn, nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên thực sự, đưa toàn bộ cơ sở đào tạo giáo viên vào một hệ thống riêng, xác định lại cho rõ chức năng của giáo viên là nhà giáo dục chuyên nghiệp...

Xin cảm ơn PGS. Trần Kiều.
Xuân Trung