Biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn không chỉ là một nhiệm vụ khoa học mà còn là một hành trình dài đầy thách thức đối với các tác giả. Từ việc chọn ngữ liệu vừa mang tính nhân văn, thẩm mỹ, phản ánh sự đa dạng vùng miền, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực của học sinh, đến thiết kế các nhiệm vụ học tập sáng tạo, tích hợp công nghệ và liên môn.
Giai đoạn thực nghiệm sách càng cho thấy rõ những nỗ lực điều chỉnh và hoàn thiện của các tác giả, nhằm đảm bảo sách giáo khoa không chỉ phù hợp với thực tế giảng dạy mà còn mở ra những phương pháp tiếp cận mới, đáp ứng mục tiêu đổi mới toàn diện của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
![Cô Nguyễn Thị Hồng Nam (bên phải) và thầy Nguyễn Thành Thi (chính giữa) - đồng chủ biên sách giáo khoa môn Ngữ Văn trung học cơ sở bộ Chân trời sáng tạo. Ảnh: NVCC z6081988470424_3cd1afafd44d177ed26e9b80fbbb4d40.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/qggenat230201/2024_12_02/z6081988470424-3cd1afafd44d177ed26e9b80fbbb4d40-5787.jpg)
Lựa chọn ngữ liệu hướng tới phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam, đồng chủ biên sách giáo khoa môn Ngữ văn trung học cơ sở bộ Chân trời sáng tạo cho biết, việc khó nhất của việc soạn sách giáo khoa là chọn ngữ liệu (đọc, viết, tiếng Việt) sao cho vừa đáp ứng yêu cầu về thể loại của chương trình, vừa khai thác được các yêu cầu cần đạt về kỹ năng đọc, viết mà chương trình quy định, lại vừa có tính nhân văn, thẩm mĩ, có giá trị giáo dục, có tính đa dạng vùng miền và không quá khó hiểu với học sinh. Khi chọn ngữ liệu, nhóm tác giả luôn quan tâm đến điều này, bởi đối tượng sử dụng sách giáo khoa là học sinh các vùng miền với các điều kiện học tập, kiến thức nền khác nhau.
Thứ 2 là trình bày các kiến thức lí luận văn học (công cụ để đọc hiểu văn bản), kiến thức tiếng Việt sao cho vừa đảm bảo tính chính xác, khoa học, lại vừa dễ hiểu với học sinh. Một trong những biện pháp mà nhóm tác giả sử dụng là nêu các ví dụ cụ thể bên dưới các tri thức, phân tích ví dụ để làm sáng tỏ khái niệm.
Theo cô Hồng Nam, môn Ngữ văn là môn học đòi hỏi học sinh phải có kiến thức về nhiều lĩnh vực: xã hội, tự nhiên, lịch sử, văn hóa,... Điều này được thể hiện trong nội dung các văn bản đơn cử như: Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (văn bản nghị luận), Nam quốc sơn hà, Cốm vòng (văn bản văn học), Vườn quốc gia Cúc Phương, Cột cờ Thủ Ngữ - di tích cổ bên sông Sài Gòn (văn bản thông tin),... và hệ thống câu hỏi vừa kích hoạt kiến thức nền, vừa hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến tạo về lịch sử, văn hóa,...
![Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam, đồng chủ biên sách giáo khoa môn Ngữ Văn trung học cơ sở bộ Chân trời sáng tạo. Ảnh: NVCC. z6081988469640_db6c9fc3aedbdf21caf508b02c30e1b2.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/qggenat230201/2024_12_02/z6081988469640-db6c9fc3aedbdf21caf508b02c30e1b2-8089.jpg)
Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn thiết kế các nhiệm vụ học tập yêu cầu học sinh sử dụng công nghệ thông tin như thiết kế một poster hoặc infographic để giới thiệu về vẻ đẹp của Vườn quốc gia Cúc Phương), sử dụng kiến thức toán học để thực hiện nghiên cứu nhỏ. Chẳng hạn, yêu cầu học sinh thực hiện một khảo sát nhỏ trong lớp sau khi học xong văn bản giới thiệu sách.
Theo đó, học sinh sẽ phỏng vấn sáu bạn, gồm ba nam và ba nữ, với hai câu hỏi: "Bạn xem video clip, xem phim hay đọc sách nhiều hơn? Vì sao?" Sau khi thu thập dữ liệu, các em sẽ thống kê kết quả và rút ra nhận xét từ những thông tin thu được. Bài tập này không chỉ giúp các em sử dụng kiến thức môn Toán mà còn giúp các em có kỹ năng phỏng vấn, biết rút ra kết luận từ số liệu thực tế đồng thời, qua đó, giáo dục tầm quan trọng của việc đọc sách.
Các tác giả sách giáo khoa đã chú ý thiết kế các câu hỏi với các mức độ khác nhau, từ nhận biết chi tiết, sự kiện đến phân tích, suy luận, khái quát, phản biện, sáng tạo, liên hệ,... tác động đến tư duy và cảm xúc của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy của giáo viên nhằm đáp ứng mục tiêu dạy học phát triển năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc biên soạn sách giáo khoa không chỉ dừng lại ở khâu chọn lọc ngữ liệu, xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập đáp ứng yêu cầu chương trình, mà còn đòi hỏi sự đảm bảo về tính khả thi và hiệu quả khi áp dụng vào thực tế giảng dạy.
Một bộ sách giáo khoa chỉ thực sự hoàn thiện khi các nội dung được đưa vào thử nghiệm, điều chỉnh qua phản hồi từ giáo viên và học sinh ở các vùng miền khác nhau. Chính giai đoạn thực nghiệm này là bước kiểm chứng quan trọng, giúp các tác giả nhìn nhận rõ hơn về những ưu điểm, hạn chế của sách, từ đó tiếp tục điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu dạy và học thực tế.
Thực nghiệm sách giáo khoa: Kiểm chứng tính khả thi của bản mẫu trong thực tế
Cô Nguyễn Thị Hồng Nam chia sẻ, trước khi nộp bản mẫu sách giáo khoa cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia vòng thứ nhất, bản mẫu của các bộ Ngữ văn bộ Chân trời sáng tạo từ lớp 6 đến lớp 9 đều được thực nghiệm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, theo đó, thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học và hoạt động giáo dục có từ 105 tiết trở lên, thực nghiệm ít nhất 2 lần.
![Sách giáo khoa Ngữ văn 7, bộ Chân trời sáng tạo. Ảnh minh họa. Screenshot-2022-02-17-095129-20.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/qggenat230201/2024_12_02/screenshot-2022-02-17-095129-20-9073.png)
Mục tiêu của các đợt thực nghiệm là kiểm chứng tính thực tế của bản mẫu, cụ thể: (1) có thực hiện được các yêu cầu cần đạt của Chương trình hay không; (2) có phù hợp với đối tượng học sinh ở các địa bàn: nông thôn và thành phố, các vùng miền hay không; (3) ghi nhận ý kiến của giáo viên và học sinh về ưu, nhược điểm của bản mẫu. Từ đó các tác giả điều chỉnh bản mẫu, sau đó trình cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia.
Bản mẫu sách giáo khoa Ngữ Văn 6 của bộ sách Chân trời sáng tạo đã được thực nghiệm 22 tiết/140 tiết ở Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh; bản mẫu lớp 7: 20/140 tiết ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh; lớp 8: 28/140 tiết ở Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh; lớp 9: 28/140 tiết ở Quảng Ninh, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh. Thực nghiệm cả 4 kiểu bài: đọc, tiếng Việt, viết, nói nghe. Đối với đọc hiểu: thực nghiệm các thể loại đọc hiểu văn bản khác nhau (văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin).
Nhìn chung, giáo viên và học sinh tại các trường thực nghiệm đã đưa ra nhiều phản hồi tích cực về các bản mẫu sách giáo khoa. Về cách trình bày, sách có kênh hình phong phú, thu hút người học. Về nội dung, tên chủ điểm bài học được đánh giá là hấp dẫn, các bài học gắn với thực tiễn và tích hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các văn bản đọc được lựa chọn thú vị, hệ thống câu hỏi giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, đồng thời tạo cơ hội để các em bày tỏ chính kiến. Kết quả thực nghiệm cho thấy học sinh hứng thú với bài học, có những câu trả lời sáng tạo, hiểu được nội dung văn bản và đặc điểm thể loại.
Phần tiếng Việt được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, hỗ trợ học sinh hoàn thành tốt các bài tập thực hành. Trong phần viết, các ngữ liệu mẫu và bảng kiểm giúp học sinh học được cách viết, tự điều chỉnh bài viết của mình, qua đó tăng tính tự học. Đề bài viết và nói gần gũi, khiến học sinh hứng thú hơn với các hoạt động này.
Bên cạnh những ưu điểm, một số trường cũng đưa ra những góp ý thiết thực về nội dung văn bản, câu hỏi, cách đặt câu hỏi và cách trình bày tri thức đọc hiểu sao cho dễ hiểu hơn. Những ý kiến hợp lý đã được nhóm tác giả tiếp thu như thay một văn bản truyện cười, điều chỉnh câu hỏi, bài tập, cách diễn đạt, cách trình bày để giúp giáo viên và học sinh dễ dàng nhận ra mục đích của từng hoạt động và dễ sử dụng.
Qua gần 4 năm dạy sách giáo khoa Chân trời sáng tạo, nhiều giáo viên cho rằng sách giáo khoa Chân trời sáng tạo có nhiều văn bản hay, phù hợp với đối tượng học sinh; phần soạn về viết (kĩ năng khó nhất trong các kĩ năng đọc, viết, nói nghe) cụ thể, chi tiết, các bảng kiểm rất hữu ích cho giáo viên và học sinh; các nhiệm vụ học tập bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên hướng dẫn học sinh đạt được các kỹ năng đọc, viết, nói nghe mà chương trình yêu cầu.
Cô Hồng Nam nhận định, các bộ sách giáo khoa đều tích hợp các kĩ năng đọc, viết, nói nghe, tiếng Việt ở các mức độ khác nhau. Riêng sách giáo khoa Ngữ văn, bộ Chân trời sáng tạo thì bên cạnh tích hợp các kĩ năng, còn tích hợp thể loại với chủ điểm (ví dụ: Hành trình tri thức - Văn bản nghị luận, Cánh cửa mở ra thế giới - Văn bản thông tin, Yêu thương và hy vọng - Truyện,...) để giúp học sinh thông qua việc học tri thức được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, học sinh học kỹ năng sống cách nhìn, tình yêu cuộc sống; cách ứng xử với thế giới tự nhiên, với những người khác.