Đổi mới toàn diện Giáo dục: Tiếng chuông hay tiếng sấm?

22/09/2013 06:37
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Chiều 19/9/2013 Bộ GD&ĐT đã công bố bản dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đề án sẽ được trình Trung ương trong tháng 10/2013.
Từ trái qua: GS Văn Như Cương, ông Mai Liêm Trực, GS Hoàng Tụy là những người tâm huyết đóng góp ý kiến trong công cuộc cải cách, đổi mới toàn diện Giáo dục.
Từ trái qua: GS Văn Như Cương, ông Mai Liêm Trực, GS Hoàng Tụy là những người tâm huyết đóng góp ý kiến trong công cuộc cải cách, đổi mới toàn diện Giáo dục.

Từ khi cách mạng thành công  đến nay, giáo dục đã qua ba lần cải cách (1950, 1956, 1981), lần này tuy gọi là “đổi mới” song thực chất cũng là một cuộc cải cách. Nội dung Đề án bao quát những vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất của sự nghiệp giáo dục Việt Nam trong vài thập kỷ tới. 
Giải pháp then chốt được đề cập là: “đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục (gồm cả chính sách, cơ chế tài chính) và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục”.

Khâu đột phá được lựa chọn là: “đổi mới  kiểm tra, thi và đánh giá”.

Có thể thấy nhiều ý kiến đóng góp được nêu trên các phương tiện thông tin, trong các hội thảo vào tháng 7 vừa qua tại Hà Nội và T/p Hồ Chí Minh đã được Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh lý. 

Để có thể phát biểu về những vấn đề chiến lược, cần có thời gian, bước đầu chỉ xin nêu một vài xuy nghĩ  về một số điều mà Đề án đề cập:

Có thể rút gọn nội dung trong đề án những đề xuất được nhiều người quan tâm:

Thứ nhất: Mục tiêu tổng quát đề ra: “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu tổ quốc, có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả, thực học-thực nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước”.
Có thể thấy đây là một sự mạnh dạn đáng ghi nhận, động chạm đến vấn đề vốn được xem là kinh điển. Con người trước hết phải yêu gia đình mình, nếu ai đó không yêu gia đình mình chắc chắn không thể yêu Tổ quốc,  đồng bào. Nhiều nhà sư phạm, nhà văn nổi tiếng thế giới đã đề cập vấn đề này. Người viết xin trích lại một đoạn trong bài: “Cải cách giáo dục, từ góc nhìn của người thầy” (Dân trí 6/10/2011): 

“Văn hào Nga Ilia Erenbua có một câu nổi tiếng: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vonga, con sông Vonga đi ra biển, lòng yêu nhà, yêu miền quê trở nên tình yêu tổ quốc”. Các em bé Nga được giáo dục trước hết tình yêu cha mẹ, ông bà, gia đình sau đó là tình yêu làng xóm, quê hương. Những tình cảm đó tự nó trở nên tình yêu tổ quốc. Phải chăng con cháu chúng ta cũng đang được giáo dục theo hướng đó hay có điều gì khiên cưỡng cần rút kinh nghiệm?”

Sự xuống cấp đạo đức xã hội đến mức báo động mà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề cập gần đây cho thấy trẻ em không được giáo dục đúng về tình yêu gia đình và tổ quốc. Khi gia đình không còn là tế bào của xã hội, không còn là nơi níu kéo kẻ lầm lỡ thì việc bất hiếu, sống “bụi” của lớp trẻ là hậu quả tất yếu. Chẳng có kẻ nào đối xử tàn tệ với ông bà, cha mẹ lại có thể là kẻ có ích cho xã hội.

Tuy nhiên mục tiêu giáo dục để con người có “khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân” thì dường như chưa đủ. Hãy lấy ví dụ một người bị lạc trong rừng, có thể anh ta không sợ hài, anh ta rất bình tĩnh, nghĩa là anh ta có thể làm chủ bản thân nhưng điều đó chưa đủ đảm bảo cho anh ta giữ được mạng sống. Điều quan trọng là phải làm chủ tình huống, làm chủ hoàn cảnh, phải biết tìm thức ăn, nước uống, phải biết tìm đường thoát khỏi rừng rậm. Một con người biết làm chủ tình huống đương nhiên là con người biết làm chủ bản thân.

Thứ hai: Điều được cả xã hội quan tâm nêu trong mục “IV Nhiệm vụ và giải pháp” theo đó “đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, tin cậy, hiệu quả, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Đây là một định hướng đúng và khoa học, bỏ kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật nghiêm túc và lấy kết quả này cho việc xét tuyển CĐ-ĐH vừa tiết kiệm thời gian, tiền của nhân dân, vừa góp phần giảm tải cho học sinh và tăng tính trách nhiệm cho quá trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên khi thực thi không thể cách lý các trường CĐ-ĐH khỏi quá trình thi tốt nghiệp, không những thế, các trường CĐ-ĐH phải đóng vai trò chính trong tổ chức ra đề, thi cử và chấm thi, chỉ có thế mới giảm bớt tiêu cực có thể phát sinh tại các địa phương.

Thứ ba: Về chuẩn hóa đội ngũ giáo viên: “tiến tới tất cả giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có trình độ đại học, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trình độ đại học trở lên… giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên...”. 
Đã là giáo viên phải tốt nghiệp đại học, đây là chủ trương không phải bàn luận, tuy nhiên chỉ với một dòng định hướng như vậy cũng đủ gây những xáo trộn lớn, khó lường trong xã hội. 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2012 toàn quốc có 366.045 giáo viên tiểu học, 311.970 giáo viên trung học cơ sở, tổng cộng là 678.033 người, gần như toàn bộ số giáo viên này tốt nghiệp cao đẳng, cả nước có 36 trường Cao đẳng Sư phạm. Làm thế nào để nâng cấp cho hơn nửa triệu giáo viên với số trường ĐH sư phạm hiện có? Nâng cấp đồng nghĩa phải nâng lương vậy tỷ lệ chi ngân sách  20% hiện nay phải tăng lên bao nhiêu. Số phận của 36 trường Cao đẳng Sư phạm sẽ như thế nào? nâng cấp hay giải thể?

Thứ tư: Đề án đã nêu đúng nguyên nhân của các thành tựu giáo dục: “những thành tựu, kết quả quan trọng của giáo dục bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc, sự ưu tiên đầu tư của các gia đình cho việc học tập của con em mình; ý thức ham học hỏi và tinh thần vượt khó của học sinh, sinh viên…”.

Rõ ràng tất cả thành tựu của giáo dục không bắt nguồn từ chiến lược giáo dục, từ tư duy giáo dục, sẽ rất tai hại nếu cho rằng tiếp tục dựa vào truyền thống hiếu học chúng ta có thể nâng tầm giáo dục quốc gia ngang bằng với các nước có nền giáo dục tiên tiến. Truyền thống hiếu học chỉ các tác dụng trong việc nâng cao dân trí, xóa nạn mù chữ, nghĩa là ở cấp phổ cập. Giáo dục đại học cần trí tuệ, cần tư duy lôgic, sự hiếu học mới là điều kiện cần chứ chưa đủ, hiếu học không đóng vai trò quyết định tạo nên các nhà khoa học. 

Một số điều cần làm sáng tỏ:

Thứ nhất: Mô hình giáo dục: Đề án định hướng sau năm 2020, bậc trung học cơ sở sẽ là giáo dục bắt buộc (9 năm), Đề án bỏ ngỏ mảng trung học phổ thông và đại học, điều này nên được xem xét lấy ý kiến rộng rãi. Trong bài “Học để làm…ông nọ bà kia” (TuanVietnam.net 4/9/2013) người viết đã nêu quan điểm: “Mô hình GDĐH châu Âu kéo dài 09 năm, vận dụng mô hình đó và tính ưu việt về sự ổn định trong học thuyết đối xứng, chúng ta có thể xây dựng mô hình GD Việt Nam là 9 - 2 - 9. Chín năm GD cơ bản, 02 năm GD định hướng, 09 năm GDĐH. Một người học tập liên tục sẽ đạt trình độ tiến sĩ trước năm 30 tuổi“.
Sự phát triển tâm sinh lý thế hệ trẻ ngày nay sớm hơn so với trước đây, trong các thảo luận về luật hôn nhân gia đình đã có các ý kiến hạ tuổi kết hôn xuống 16 hoặc 17 [1]. Như vậy tốt nghiệp phổ thông ở tuổi 17 không phải là sớm và chương trình phổ thông 11 năm là đủ.

Thứ hai: Đề án chưa đề cập đến quản lý nhà nước hệ thống các trường chính trị, tôn giáo. Có nên đưa tất cả các loại hình trường này vào hệ thống giáo dục quốc dân và chịu sự quản lý nhà nước không? Thống kê chưa đầy đủ cho thấy cả nước có 04 học viện phật giáo, nhiều trường Dòng nằm trong hệ thống nhà thờ Thiên chúa giáo, có những trường Dòng thu nhận cả trẻ em không phải con giáo dân (trường Dòng 31 Nhà Chung…).

Tuy không có số liệu công bố về số lượng song không khó để nhận thấy hệ thống trường Chính trị hiện này đã phổ cập đến cấp huyện. Với gần 700 huyện và 63 tỉnh thành phố, số lượng trường chính trị cả hai cấp đã lên đến vài trăm, tương đương không kém số trường CĐ-ĐH cả nước. 

Đề án cần minh bạch con số 20% ngân sách chi cho các trường chính trị, quốc phòng, an ninh chiếm bao nhiêu phần trăm, còn lại bao nhiêu cho giáo dục từ mầm non đến đại học?

Thứ ba: Về “cấp trên đánh giá cấp dưới, nhà giáo đánh giá cán bộ,…đo lường mức độ hài lòng của người dân”, sẽ khó mang lại kết quả tích cực nếu vẫn chỉ là công việc nội bộ, trong ngành. Cần phải đưa hoạt động này ra ngoài, giống như “kiểm toán độc lập” trong tài chính.
Thứ tư: “Phát triển GD phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đây là những khái niệm rất mới, chưa có tiền lệ. Một thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản xụp đổ đã đủ làm điêu đứng nền kinh tế, nếu thị trường giáo dục rơi vào tình trạng này thì cả xã hội phải gánh chịu. Bằng chứng là mới chỉ có một ĐH Hùng Vương dính vào chuyện bùng nhùng đã khiến cho hàng vạn sinh viên và gia đình mất ăn mất ngủ. 

Giáo dục phải là quốc sách ưu tiên hàng đầu và nó không được phép rơi vào suy thoái chứ đừng nói là xụp đổ. Giáo dục là để đáp ứng các đòi hỏi của sự phát triển khoa học, kỹ thuật, dân trí… nhưng giáo dục sẽ không được tự uốn mình theo sự uốn éo của thị trường.

Trên đây mới chỉ là một vài nhận xét lẻ tẻ, chưa phải là những phân tích tổng quát. Người viết xin mạnh dạn trao đổi, rất mong nhận được ý kiến của bạn đọc.
[1]http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=477

[2] http://thongke2010.mic.gov.vn/Default.aspx?tabid=133
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành