Đời sống giáo viên có ổn định thì mới mong có học thật, thi thật

16/05/2021 06:11
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần cương quyết cấm các hình thức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Nếu giáo viên vi phạm cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để ngăn chặn.

Vấn đề học thật, thi thật hiện đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và nhất là các thầy cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục. Vậy làm thế nào để học thật, thi thật hiệu quả đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi làm việc ngày 6/5 vừa qua?

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, là một giáo viên dạy trung học phổ thông gần 30 năm, cô Phạm Thị Tú Anh – giáo viên Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cho rằng, để giáo dục Việt Nam thực sự có chất lượng “thật” thì nhà nước cần có sự thay đổi trong chính sách phát triển giáo dục. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự thay đổi trong việc ban hành các quy chế, quy định đối với giáo viên, học sinh.

Nhìn nhận từ thực tế, cô Phạm Thị Tú Anh chỉ ra rằng, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là bệnh chỉ tiêu thành tích trong giáo dục, nạn “học giả”, “bằng giả”, ngồi nhầm ghế, đứng nhầm chỗ...Do đó để giáo dục có chất lượng dạy và học “thật” thì cần ưu tiên làm 7 vấn đề sau:

Thứ nhất, phải thay đổi cách tuyển dụng nhân sự sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hiện nay tức là phải tuyển khách quan, chọn người có đức có tài (vừa hồng vừa chuyên) vào những vị trí xứng đáng. Tránh tình trạng ngồi nhầm ghế, đứng nhầm chỗ.

Thứ hai, các chế độ chính sách, lương thưởng, đãi ngộ nhân tài phải phù hợp với năng lực thực sự của từng người.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Thứ ba, đối với chương trình học từ bậc tiểu học đến hết đại học cần phải xem xét lại vì chương trình hiện nay nhiều bài học, nhiều vấn đề không còn phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, nhiều nội dung, môn học quá tải với học sinh các cấp. Hơn nữa, nhiều kiến thức học không áp dụng được vào thực tế.

Thứ tư, cần nhanh chóng bỏ các kỳ thi, cuộc thi không cần thiết trong ngành giáo dục.

Thứ năm, phải chú trọng đào tạo học trò về đạo đức, nhân cách.

Thứ sáu, cần tăng lương cho giáo viên để họ đủ sống với nghề.

Thứ bảy, cương quyết cấm các hình thức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Nếu giáo viên vi phạm cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để ngăn chặn.

Trong khi đó, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên môn Lịch sử, trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) thừa nhận, để đạt học thật, thi thật là một bài toán đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội, toàn hệ thống cho ngành giáo dục, thấm sâu vào từng thầy cô.

Bởi trong thời gian qua, ở một số địa phương vẫn để xảy ra hiện tượng học giả, thi giả, đặc biệt là có đường dây để gian lận thi cử.

Thầy Hướng cho rằng, để học thật thi thật hiệu quả thì nội dung giáo dục phải phù hợp với năng lực của học sinh, chú trọng nhiều đến nội dung thực hành. Bởi nội dung thực hành là yếu tố trực tiếp tác động mạnh mẽ đến việc hình thành kỹ năng, năng lực học tập cho học sinh.

Hơn nữa, trong hoạt động giáo dục thầy cô nhất thiết phải đánh giá, phân loại năng lực học sinh, từ đó đưa kiến thức mới vào bài học phù hợp, kích thích sự hứng thú và phát triển năng lực của học sinh trong học tập.

Đặc biệt, trong kiểm tra đánh giá đề bài kiểm tra phải đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực của học sinh.

Trong khi hiện nay một số đề kiểm tra ở một số môn học chưa phù hợp với năng lực của học sinh, nhiều bộ môn thầy cô đòi hỏi quá cao ở học sinh.

Do vậy, dẫn đến tình trạng hoang mang, lo lắng cho học sinh. Khi kiểm tra học sinh nào cũng muốn làm tốt bài để tránh bị phê bình và nhắc nhở, trong khi năng lực của học sinh chỉ ở mức độ trung bình do đó dẫn đến tình trạng chưa thi thật ở một số địa phương.

Nên khi kiểm tra đánh giá thầy cô ra đề nhất thiết phải phù hợp với từng đối tượng học sinh bởi mỗi học sinh sẽ có năng lực riêng trong môn học. Chứ không phải học sinh nào cũng là học sinh giỏi toàn diện.

“Mặt khác, phụ huynh cũng phải đồng cảm và hỗ trợ giáo viên trong hoạt động giáo dục. Phụ huynh phải biết con em mình mạnh về môn học nào trong học tập từ đó hỗ trợ giáo viên trong hoạt động giáo dục cho học sinh.

Có như vậy việc học thật, thi thật mới hiệu quả”, thầy Hướng khẳng định vai trò quan trọng của phụ huynh.

Thùy Linh