Đồng nghiệp của bà Thu Nga nhận xét về sự vụ đại biểu bị bắt vì lừa đảo

14/01/2015 12:23
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Bà Bùi Thị An – đại biểu Quốc hội cùng đoàn Hà Nội với bà Châu Thị Thu Nga nói gì về nữ doanh nhân mới bị bắt tạm giam này?

Tối ngày 7/1, bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group), Đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội bị Cơ quan CSĐT (C46), Bộ Công an bắt tạm giam.

Là người cùng đoàn đại biểu Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga, bà thấy bà Nga là đại biểu như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Tôi không thể đưa ra nhận định cụ thể, nhưng có thể thấy hiện tại bà Nga đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Dù có tội hay không thì chưa thể biết được, nhưng trước những hành vi đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Thường vụ Quốc hội đình chỉ quyền hạn, nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội đối với bà Nga.

Như vậy, rõ ràng bà Nga đã vi phạm còn có tội hay không, có tội đến mức nào thì phải chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng.

Từ chuyện bà Nga bị bắt tạm giam, theo bà đó có phải là do sự thiếu sót trong khâu sàng lọc, lựa chọn đại biểu Quốc hội?

Đồng nghiệp của bà Thu Nga nhận xét về sự vụ đại biểu bị bắt vì lừa đảo  ảnh 2

Doanh nhân làm chính trị, được và mất?

(GDVN) - Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar, cái gì là đặc trưng của doanh nhân hãy trả lại cho họ.

Tôi cho rằng chúng ta đã có sơ suất trong khâu lựa chọn, sàng lọc đại biểu quốc hội, nhưng việc này cũng có lý do của nó. Quả là rất đáng tiếc, đặc biệt với thủ đô Hà Nội khi để xảy ra chuyện một đại biểu được dân bầu, dân lựa chọn lại có những vi phạm như vậy.

Sau chuyện này, đương nhiên chúng ta phải rút kinh nghiệm, nhìn lại xem khâu nào còn sơ suất, thiếu sót và tại sao lại có những sơ suất như vậy để khắc phục.

Hiện tại, các cơ quan chức năng của Hà Nội đang rà soát, làm rõ xem chúng ta sơ suất ở khâu nào còn cá nhân tôi cho rằng có lẽ ngay từ giai đoạn đầu – khi người ta xin tự ứng cử, thực hiện quyền của công dân – chúng ta đã để “lọt”.

Trong quá trình thẩm định, lựa chọn các công dân tự xin ứng cử vào vị trí đại biểu quốc hội, có những khâu thuộc về nhân dân, cụ thể là các cử tri ở phường – nơi người đó cư trú sẽ tham gia đánh giá, giới thiệu người đủ năng lực, phẩm chất.

Cùng với đó các cơ quan quản lý cũng sẽ thẩm tra lý lịch, thẩm tra thân nhân, lựa chọn đưa các ứng cử viên sáng giá vào danh sách. Đó là cả một quá trình đánh giá mà theo tôi quy trình của nó rất chặt chẽ. Do vậy, tôi nghĩ với trường hợp bà Nga chỉ có thể do khâu đầu của quá trình thẩm tra chưa được chặt chẽ, cẩn thận lắm dẫn tới sơ suất trên.

Còn một điều nữa cũng không thể không nhắc tới đó là các dự án mà công ty của bà Nga thực hiện được ký kết vào năm 2008 – 2009. Thời điểm đó chưa bộc lộ sai phạm, vi phạm. Theo kế hoạch đến năm 2012 dự án phải hoàn thành, bà Nga phải giao nhà cho đối tác tức là nếu có xảy ra vi phạm thì phải sau thời hạn chót của dự án trong năm 2012 mới biết được trong khi đó từ năm 2011, bà Nga đã xin ứng cử vào vị trí đại biểu quốc hội. Nói cách khác, không ai có thể dự báo trước một năm sau đó bà Nga và công ty của bà ấy vi phạm hợp đồng.

Trong quá khứ, Quốc hội đã phải vài lần đồng thuận ra quyết định bãi miễn tư cách Đại biểu của một số cá nhân. Từ những sự việc như trên, theo bà chúng ta rút ra được bài học gì trong việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới?

Bà Châu Thị Thu Nga (giữa) bị công an đưa đi tối 7/1 - Ảnh: Hoàng Trang
Bà Châu Thị Thu Nga (giữa) bị công an đưa đi tối 7/1 - Ảnh: Hoàng Trang

Quốc hội từng thảo luận rất kỹ, đặt mục tiêu trở thành cơ quan thực sự có quyền lực cao nhất, hoạt động với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, phải bắt đầu từ khâu tuyển chọn, sàng lọc chất lượng đại biểu quốc hội.

Muốn chọn được đại biểu quốc hội xứng đáng cần định lượng các tiêu chuẩn của đại biểu quốc hội. Hơn nữa, trong cả chuỗi công việc để lựa chọn ra đại biểu quốc hội xứng đáng, chuỗi nào chúng ta cũng phải quan tâm, để ý cẩn thận. Tôi xin khẳng định giám sát cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc này. Cộng đồng ở đây bao gồm cả các cử tri ở nơi người đó công tác, cư trú, hay Mặt trận Tổ quốc…Nhưng trên hết, đại biểu của dân thì không được vi phạm pháp luật.

Một trong những tiêu chí chọn đại biểu quốc hội là người đó phải có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Được biết trong suốt quá trình là đại biểu Quốc hội, bà Nga rất ít khi phát biểu và cũng có khá ít phát biểu ấn tượng. Theo bà việc đó phản ánh điều gì?

Phát ngôn có ấn tượng hay không không phải là tiêu chuẩn để chọn đại biểu quốc hội. Chưa kể, mỗi người có nhận định khác nhau trước phát biểu của người khác. Do vậy, rất khó để đánh giá các phát biểu của bà Nga. Muốn biết bà Nga thế nào, hãy hỏi cử tri chứ để đại biểu này nói về đại biểu kia nhiều khi không chuẩn.

Theo bà, doanh nhân làm chính trị được gì và mất gì?

Đồng nghiệp của bà Thu Nga nhận xét về sự vụ đại biểu bị bắt vì lừa đảo  ảnh 4

Bà Châu Thị Thu Nga bị bắt không phải bài học đầu tiên cho Quốc hội

(GDVN) -Trong quá khứ, Quốc hội đã phải vài lần đồng thuận ra quyết định bãi miễn tư cách Đại biểu của một số cá nhân. Nay, chuyện nhân sự Quốc hội lại được nhắc đến...

Không nên vơ đũa cả nắm khi đánh giá giới doanh nhân làm chính trị bởi có rất nhiều người trong số đó làm ăn nghiêm chỉnh, chân chính, bằng tài năng của họ tạo ra những sản phẩm rất có giá trị cho xã hội về cả tinh thần lẫn vật chất tức là có đóng góp rất lớn cho cộng đồng.

Bên cạnh đó cũng không thể không kể đến những kẻ có hành vi lừa dối cộng đồng, lừa đảo hòng chuộc lợi.

Có ý kiến cho rằng việc đưa nhiều những người làm doanh nghiệp vào Quốc hội cũng cần phải nghiên cứu xem xét kỹ để ngày càng nâng cao uy tín của Quốc hội đối với sự tín nhiệm của cử tri. Bà có nghĩ vậy không?

Giới nào cũng cần có người đại diện. Số lượng đại biểu đại diện cho giới đó bao nhiêu là hợp lý, cơ cấu ra sao sẽ được Thường vụ Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, điều này cũng còn tùy từng nơi xem dân sẽ lựa chọn thế nào. Dù là ai đi nữa ta cũng phải lựa chọn những người thật sự tiêu biểu, xuất sắc để đại diện cho cử tri.

Nếu họ không xứng đáng, trước hết cử tri chịu thiệt, sau là chính cái giới người đó đại diện sẽ chịu thiệt.

Theo bà tỷ lệ doanh nhân vào Quốc hội bao nhiêu % là hợp lý?

Việc này tùy thuộc vào từng thời kỳ. Mỗi đất nước có đặc thù riêng nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đưa ra con số hợp lý chứ tôi không thể phát biểu chủ quan được.

Làm thế nào để chọn được những Đại biểu hết lòng vì dân vì nước, chứ không phải là những người thu vén cá nhân trong tương lai thưa bà?

Trước hết phải căn cứ vào tiêu chuẩn để lựa chọn. Ngoài ra, quá trình thẩm định cũng phải chặt chẽ.

Xin cảm ơn bà!

PHONG NGUYÊN