Dự đoán điểm chuẩn ngành Y, Dược, Ngoại ngữ sẽ giữ nguyên hoặc giảm

29/07/2022 11:05
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, điểm chuẩn xét tuyển đại học năm nay sẽ tăng nhẹ.

Phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 cơ bản thể hiện được sự phân hóa và đảm bảo đúng tiêu chí của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học. Dưới góc độ của các chuyên gia giáo dục đại học nhận định, so với năm trước, điểm chuẩn ở phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ tăng nhưng không biến động nhiều.

Điểm chuẩn khối ngành Nông nghiệp tăng từ 0,5 đến 1 điểm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng, Trưởng Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, phổ điểm thi phản ánh kết quả học tập có phần tích cực hơn so với các năm trước.

“Đề thi “nhẹ nhàng” hơn so với năm trước nhưng không vì thế mà đánh giá không đúng năng lực thí sinh. Đề vẫn đảm bảo được mức độ phân hóa nên các trường đại học có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.

Theo tôi, điểm chuẩn các ngành học năm nay sẽ có xu hướng tăng lên. Điều này xuất phát từ việc so sánh phổ điểm giữa những năm gần đây, phổ điểm năm nay có phần tươi sáng hơn, tích cực hơn. Và chỉ cục bộ ở môn Sinh học, Ngoại ngữ có phổ điểm lệch hơn về bên trái, nhưng không nhiều.

Do đó, điểm của những tổ hợp xét tuyển có môn Ngoại ngữ, Sinh học sẽ có xu hướng giảm hoặc không biến động nhiều, tổ hợp có môn Lịch sử, Vật lý sẽ tăng, do đây là môn thi có tính “đột phá” về điểm. Đáng nói, với những ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm chuẩn chắc chắn sẽ tăng lên nhưng “hiếm” có hiện tượng 30 điểm vẫn không đỗ nguyện vọng”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng, hiện nay, đối với các ngành học thu hút nguồn tuyển sinh lớn, những ngành học “hot” của các trường đại học có “thương hiệu” như ngành Truyền thông đa phương tiện, Báo chí, Công nghệ thực phẩm… điểm chuẩn dự báo sẽ tăng.

“Những năm gần đây, điểm chuẩn của các khối ngành Nông – Lâm – Thủy sản đã có sự “tiến bộ” hơn với mức điểm dao động từ 18 đến 22 điểm.

Năm nay, những ngành học thế mạnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thu hút lượng lớn sinh viên nên cũng sẽ có những điều chỉnh về điểm chuẩn.

Cụ thể, Công nghệ thực phẩm là ngành “mũi nhọn”, “chủ lực” của nhà trường trong nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, lượng sinh viên đăng ký xét tuyển rất đông, do đó, căn cứ vào phổ điểm thi có thể dự kiến điểm chuẩn đối với ngành Công nghệ thực phẩm năm nay sẽ tăng khoảng 1 điểm.

Ngoài ra, các ngành học có truyền thống lâu đời khác của Học viện như Thú y, Chăn nuôi thú y, Khoa học cây trồng… sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm”. Còn lại các ngành học khác cơ bản sẽ tương đương năm trước”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng cho biết thêm.

Điểm chuẩn tăng, giảm tùy khối xét tuyển

Cùng về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, với phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, tin tưởng rằng, các trường đại học có thể tuyển chọn những sinh viên đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo từng trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy dự báo, các ngành học xét tuyển bằng khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), điểm chuẩn sẽ có xu hướng tăng lên, nhưng mức độ tăng “nhẹ”. Bởi, điểm môn Lịch sử năm nay có sự cải thiện, cao hơn, nhưng điểm môn Ngữ văn, Địa lý tương tự năm trước.

“Rất khó dự báo mức điểm chuẩn của các trường sẽ thay đổi như thế nào, bởi mỗi ngành, mỗi trường có “quyền” lấy điểm trúng tuyển khác nhau, miễn sao nhà trường đảm bảo được số lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo.

Khách quan có thể nhìn nhận rằng, phổ điểm đẹp thì các ngành hot của các trường top đầu sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với các trường top sau. Tuy nhiên, nói vậy không phải tất cả các khối thi đều có điểm chuẩn tăng hơn năm trước, mà có thể tương đương năm trước, nhất ở là các ngành của trường đại học top giữa.

Theo tôi, điểm chuẩn có thể tăng ở các khối ngành tuyển sinh có sự “góp mặt” của môn Lịch sử, các ngành Y, Dược, Ngoại ngữ khả năng sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ hơn năm ngoái (bởi phổ điểm môn Sinh học, tiếng Anh năm nay lệch trái nhiều hơn)”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy phân tích.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, mọi dự đoán điểm chuẩn khi chưa có thống kê số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký các ngành học rất khó chuẩn xác. Thời điểm này đang trong quá trình thí sinh đăng ký, sắp xếp, thậm chí được thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học nên nếu chỉ dựa vào phổ điểm thi thì việc dự đoán điểm chuẩn sẽ không đủ căn cứ.

“Điểm chuẩn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào số lượng nguyện vọng đăng ký của thí sinh. Số lượng thí sinh đăng ký đông trong khi chỉ tiêu ngành học hạn chế thì nghiễm nhiên điểm chuẩn sẽ tăng và ngược lại. Do đó, việc đưa ra dự đoán điểm chuẩn chỉ mang tính tương đối”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy nhận định.

Bàn thêm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy đưa ra lưu ý khi thí sinh đăng ký nguyện vọng để gia tăng cơ hội trúng tuyển. Theo đó, thí sinh lựa chọn nguyện vọng dựa trên số điểm của bản thân, căn cứ mặt bằng điểm thi và điểm chuẩn của ngành mình mong muốn học năm ngoái là bao nhiêu.

“Ví dụ, tổ hợp khối C00 của ngành này năm ngoái lấy 25 điểm sẽ đỗ nguyện vọng 1, thì năm nay, nếu thí sinh đạt 25 điểm trở lên thì mạnh dạn đặt ở nguyện vọng đầu tiên. Nếu thấp hơn điểm chuẩn năm trước thì thí sinh xem xét đăng ký ngành học này ở trường xếp sau”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy đưa ra ví dụ.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, mọi dự đoán điểm chuẩn chỉ mang tính tương đối, tham khảo. Hiện tại, rất “thiếu” căn cứ để dự đoán điểm chuẩn đầu vào. Bởi, trường chưa nắm được con số tổng lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng cao nhất.

“Trường chưa thể đưa ra mức điểm chuẩn vì còn chờ chốt thông tin tuyển sinh và thực hiện quá trình lọc ảo. Năm nay, trường có thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực nên rất có thể điểm chuẩn các ngành “chủ chốt” sử dụng kết quả thi để xét tuyển sẽ cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán mang tính tham khảo, thí sinh không vì thế mà chủ quan sắp xếp nguyện vọng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền chia sẻ.

Ngọc Mai