Công cụ thanh toán khi du học

04/03/2012 23:09
Theo tranngocthinh.tk
(GDVN) Để thanh toán các chi phí phục vụ việc du học, các du học sinh nên chọn các công cụ thanh toán tài chính phù hợp với thói quen và điều kiện của bản thân.
Dưới đây là sáu công cụ thanh toán được sử dụng phổ biến

1. Séc ngân hàng (Chi phiếu)

Đây là công cụ khá hữu hiệu vì bất kỳ loại tiên tệ nào cũng có thể thanh toán được bằng séc ngân hàng. Bạn phải trình séc ngân hàng tại ngân hàng bạn mở tài khoản từ 2-15 ngày, trước khi muốn rút được số tiền này.

 Bạn phải được ghi tên là người thụ hưởng trên séc vì không ai, ngoại trừ người thụ hưởng, có thể sử dụng séc ngân hàng. Bạn nên lưu ý giữ séc cẩn thận, nếu một tấm séc ngân hàng bị mất hay bị thất lạc, nhiều ngân hàng không chịu trách nhiệm phát hành một tờ séc mới.

Phí trả cho séc ngân hàng tùy thuộc vào loại tiền tệ ghi trên séc và ngân hàng phát hành. Ví dụ: Ngân hàng ngoại thương VN (Vietcombank) tính lệ phí cho một tấm séc là 0,11% giá trị của tấm séc và mức tối thiểu là 3,3 USD. (số liệu năm 2009)

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

2. Séc du lịch

Đây là loại công cụ tài chính được sử dụng rộng rãi như tiền mặt. Yếu tố an toàn của nó nằm ở chỗ bạn có thể mang theo nó bất kỳ lúc nào. Lúc mua séc du lịch, người mua phải ký tên lên mặt trước của tấm séc, trước sự chứng kiến của nhân viên ngân hàng.

 Khi đổi séc ra tiền mặt, bạn phải ký tên một lần nữa và phải xuất trình hộ chiếu hay bất kỳ giấy tờ tùy thân nào có thể chứng minh chữ ký của bạn. Khi đổi séc, bạn phải trả cho ngân hàng một mức phí khoảng 1% so với giá trị của mỗi tấm séc.

Các ngân hàng phát hành loại séc này ở VN là: ACB, ANZ, Hong Kong Bank, Vietcombank và Incombank. Khi mua, bạn phải trình hộ chiếu và vé máy bay. Nếu séc du lịch bị mất, bạn nên báo ngay cho công ty phát hành loại séc đó để họ thôi không thanh toán cho tấm séc bị mất.

3. Tiền mặt

Tiền mặt là hình thức tiện lợi và dễ sử dụng nhất. Tuy nhiên, tỷ giá đổi đối với tiền mặt thường cao hơn tỷ giá đổi của chi phiếu và séc du lịch.

4. Thẻ tín dụng

Ở Việt Nam bạn có thể tìm thấy thẻ tín dụng được sử dụng ở nhiều nước. Thẻ này có thể dùng mua hàng hay dịch vụ và thanh toán sau. Bạn có thể xin cấp thẻ phụ để sử dụng cùng tài khoản của chủ thẻ chính, của cha mẹ bạn chẳng hạn. Thẻ tín dụng được dùng để rút tiền mặt trực tiếp từ máy rút tiền tự động (ATM).

Bà Vũ Thanh Thủy, Giám đốc ban Dịch vụ- Tài khoản của ngân hàng ANZ, nói: “Thẻ ANZ toàn cầu được chấp nhận tại 930.000 điểm ATM có biểu tượng Cirrus và hơn 3.000.000 điểm thanh toán có biểu tượng Maestro ở 72 nước trên thế giới”. (số liệu năm 2009)

Với việc các ngân hàng Việt Nam ngày càng mở rộng các điểm thanh toán, thẻ tín dụng đang ngày càng được các du học sinh ưa chuộng.

5. Thẻ ghi nợ

Là công cụ thanh toán rất tiện lợi cho du học sinh vì thủ tục đơn giản và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Bạn không phải ký quỹ đảm bảo thanh toán và có thể rút tiền bất cứ lúc nào từ tài khoản của mình. Ngoài ra, tiền để trong tài khoản vẫn tiếp tục sinh lời hàng ngày.

6. Các loại thẻ rút tiền khác
Thẻ ATM quốc tế với các thương hiệu như Visa, Plus và Visa Electron có thể được dùng thay cho tiền mặt để mua hàng hóa và dịch vụ tại các điểm có in logo Visa Electron. Ở nước ngoài, mức phí được tính tại thời điểm giao dịch.

Với việc hiểu biết rõ phương thức thanh toán của các công cụ trên, các du học sinh sẽ chủ động và an tâm trong quá trình học tập tại nước ngoài.
Theo tranngocthinh.tk