Nhà tuyển dụng phương Tây thích dùng thực tập viên ở Trung Quốc

31/05/2011 09:23
Với thị trường lao động đang ảm đạm tại Anh, Mỹ, thì Trung Quốc đang cung cấp một cơ hội lớn mở ra một sự nghiệp lâu dài.

Kinh nghiệm làm việc tại châu Á sẽ giúp hồ sơ xin việc của nhiều sinh viên mới ra trường thêm sức nặng trong một thị trường lao động đầy khó khăn hiện nay ở phương Tây.

{iarelatednews articleid='392'}

Gần đây, rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp các ngành từ kỹ thuật cho tới tài chính ở cả châu Âu và Mỹ đang tìm đường đến Trung Quốc, với hy vọng tìm được công việc đầu tiên nhanh chóng và dễ dàng hơn những đối thủ khác.

Lesmes Gutiérrez 23 tuổi, là kỹ sư mới tốt nghiệp Đại học Loughborough (Anh) và sau đó xin đi thực tập 2 tuần tác tại Ngân hàng Baoshang, Bắc Kinh hồi cuối năm ngoái. Anh chia sẻ nhà tuyển dụng tiềm năng ấn tượng hơn với những người có thể sẵn sàng rời khỏi chỗ tiện nghi để đến những nơi xa xôi hơn. “Sẽ là cả bước đi lớn nếu tới một nơi mà bạn chưa biết trước điều gì. Riêng ý tưởng đi đến Trung Quốc đã đủ chứng tỏ sự ý thức và sẵn sàng vận động” - điều đó sẽ hấp dẫn hơn với nhà tuyển dụng.

Và anh không phải là người duy nhất đã phát hiện ra lợi thế cạnh tranh mà kinh nghiệm làm việc tại Trung Quốc có thể mang lại. Đơn xin thực tập tại Trung Quốc đã tăng gấp hơn 3 lần trong hai năm trở lại đây, theo số liệu của CRCC Asia - một công ty tư vấn tuyển dụng có trụ sở tại Luân Đôn.
 

 

Năm 2009, công ty này nhận được khoảng 250 hồ sơ, so với hơn 1.000 trong năm nay (dù mới chỉ tính đến thời điểm này), Giám đốc CRCC Asia Daniel Nivern, chia sẻ. “Nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ và sẽ rất thuyết phục nếu sinh viên tốt nghiệp hiểu được tại sao điều đó lại diễn ra bằng cách đến tận nơi chứng kiến. Với thị trường lao động đang ảm đạm tại Anh, Mỹ, thì Trung Quốc đang cung cấp một cơ hội lớn mở ra một sự nghiệp lâu dài”.

Ông nói, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm với các công ty phương Tây đang tìm kiếm phát triển. “Nhiều doanh nghiệp nhận ra nếu họ muốn là một phần của nền kinh tế toàn cầu, họ cần phải đến Trung Quốc”, ông Nivern - chủ một công ty gần đây tư vấn cho rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp từ Anh và Mỹ và các quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha đến làm việc trong các công ty tài chính, tiếp thị và pháp lý tại Trung Quốc - cho hay.

“Người ta hay nói rằng công việc của tôi tại Trung Quốc sẽ rất có ích cho hồ sơ xin việc”, Alexander Lesher - người vừa tốt nghiệp thạc sĩ Kỹ thuật môi trường tại ĐH Purdue, Indiana, Mỹ và sau đó thực tập 2 tháng tại công ty môi trường Nanjing huangxun Tech ở Bắc Kinh - kể lại.

Anh nói kinh nghiệm của anh ở đây giúp anh hiểu hơn về khác biệt văn hóa. Anh rất bất ngờ bởi cách doanh nhân Trung Quốc bàn chuyện trong giờ ăn trưa. Trong thời gian nghỉ ăn trưa với một nhóm 8 người, một người duy nhất sẽ mua đủ thức ăn cho cả bàn ăn và sẽ luôn đảm bảo mọi người ăn tới mức no nhất có thể. Sau đấy họ hành động một cách khiêm nhường, như thể họ chưa làm gì vậy. Điều đó thường không xảy ra ở Mỹ”.

Những người khác lần đầu tiên đến Trung Quốc đều thấy trong những ngày đầu tiên khá rắc rối. Sophie Corcut - người từng đi thực tập marketing không lương cho công ty hội trợ thương mại Shangrila Farms - nói: “Sinh sống tại Bắc Kinh và tiếp xúc với một thứ ngoại ngữ hoàn toàn khác biệt quả là một thách thức. Mọi thứ từ sang đường hay mùa hàng tại siêu thị đến đếm các con số đều thật khó khăn”. Nhưng đó cũng chính là thách thức mà Corcut, người đã phải vay tiền từ bố mẹ cho chuyến đi, đang tìm kiếm. “Thật tuyệt vời. Tôi đang tìm kiếm cảm giác kích thích đó”.

Corcut hiện làm việc chính thức tại công ty tư vấn Accenture ở Luân Đôn, cô nói: kinh nghiệm 2 tháng làm việc tại Trung Quốc còn bổ ích hơn cả đợt thực tập trước của cô tại nước Anh. “Tôi có rất nhiều kinh nghiệm làm việc ở Anh, nhưng họ đều không cần bạn. Bạn được giao những công việc kiểu sai vặt. Nhưng ở Trung Quốc, họ thực sự đã sử dụng tôi. Tôi thật may mắn vì đã thực tập tại một công ty mới lúc họ đang cần nhiều giúp đỡ”.

Cô nói lúc đầu sau khi tốt nghiệp, cô không chắc có thể làm nghề gì với tấm bằng Lịch sử và tiếng Pháp, nhưng ở Trung Quốc, cô học được cách sử dụng Adobe Illustrator và Photoshop và bắt đầu thiết kế các quảng cáo cho công ty. “Tôi cố gắng thúc đẩy doanh số và tìm kiếm khách hàng mới”, cô nói.

Nhưng một số nhà tuyển dụng cũng cho biết, Trung Quốc không phải là nơi duy nhất có thể giúp sinh viên mới ra trường “ghi điểm”. Chris McCarthy, nhà tuyển dụng của công ty Hays PLC, Luân Đôn, nêu rõ, nhà tuyển dụng không phải chỉ đơn thuần tìm kiếm người có kinh nghiệm tại Trung Quốc, mà họ muốn thấy bằng chứng cho thấy ứng viên tiềm năng sẵn sàng thử thách bản thân.

McCarthy nói: “Nếu châu Âu và Mỹ sắp duy trì vị trí của mình trên toàn cầu, thì giới doanh nhân cần phải sẵn sàng balô trên vai và đi đến những nơi ít thân thuộc hơn. Đó là bằng chứng cho thấy họ sẵn sàng thách thức bản thân, không chỉ riêng ở Trung Quốc, mà nhà tuyển dụng muốn xem. Họ muốn thấy chút tham vọng và chất kinh doanh”.

Theo WSJ/VNN