Nhẫn Claddagh – biểu trưng của tình yêu, tình bạn và...

26/08/2012 06:00
Theo: Nguyễn Thị Phương Trang/Tuoitre
(GDVN) - Dạo quanh Galway – thủ phủ miền tây nước Cộng Hòa Ireland, tôi thích thú chú ý đến những món trang sức mang biểu trưng đặc biệt. Không chỉ đơn lẻ, mà là cả bộ gồm 12 chiếc nhẫn đính đá nhiều màu sắc khác nhau, được ghi hẳn hoi dành cho tháng 1, 2... đến tháng 12.
Đem thắc mắc này đến hỏi anh đồng nghiệp tốt bụng người Ireland là James Duggan, tôi ngộ ra lịch sử khá hay của chiếc nhẫn và thêm yêu thích nó.Truyền thuyết nhẫn Claddagh Được cho là có nguồn gốc từ một làng chài gần vịnh Galway – phía Tây của Ireland. Làng Claddagh vốn nằm ở ngoại vi thành phố, bị phân cách bởi con sông Corrib, là nơi cư ngụ của cộng đồng ngư dân đã bị cấm đoán dùng cuốc, thuổng trong sinh hoạt và bị thống trị bởi một vì vua được bầu chọn định kỳ - người đã cho mình độc quyền sử dụng cánh buồm màu trắng trên chiếc thuyền buồm đánh cá của ông. Chiếc nhẫn thể hiện hình ảnh đôi bàn tay nâng lấy một trái tim đang đội chiếc vương miện. Họa tiết này được giải thích “Hãy để tình bạn và tình yêu ngự trị” (“Let Love and Friendship reign”). Với ý nghĩa đó, chiếc nhẫn đã được một bộ phận xã hội dùng như nhẫn cưới trong suốt hàng trăm năm qua. Thiết kế riêng biệt này gắn liền với câu chuyện của một trong những dòng họ ở Galway, gia đình Joyce.
Nàng Margaret Joyce kết hôn với Domingo de Rona, một thương lái Tây Ban Nha giàu có. Khi qua đời, ông để lại cả gia tài cho vợ và bà đã dùng nó để xây dựng nên những chiếc cầu phục vụ giao thông ở Sligo trong vùng Connacht (tỉnh nhỏ nhất và nằm lệch về phía tây, gồm các hạt Galway, Mayo, Sligo, Roscommon và Leitrim). Margaret tái hôn với Oliver Oge French, thị trưởng Galway, vào năm 1596. Ngày nọ, bà được con đại bàng nhả vào lòng bàn tay một chiếc nhẫn vàng như là phần thưởng cho những việc làm mang tính nhân đạo. Câu chuyện kỳ lạ này còn có một dị bản khác về Richard Joyce – người có cùng họ Joyce với Margaret. Vào năm 1681, ngay trong tuần lễ dự định sẽ kết hôn, trên đường từ Claddagh đến Tây Ấn, Richard Joyce đã bị những tên cướp biển người Algeria bắt và bán làm nô lệ cho một thợ kim hoàn Ma-rốc, người đã dạy anh nghề này. Richard sớm thành thạo nghề kim hoàn và làm nên chiếc nhẫn Claddagh – với đôi bàn tay thể hiện tình bạn, chiếc vương miện tượng trưng cho lòng trung thành và trái tim là biểu tượng của tình yêu – dành tặng cho người – ngỡ đã là vợ mình, người mà Richard không thể nào quên.
Được giải thoát khỏi đời nô lệ vào năm 1689 khi Vua Anh Quốc William III lên ngôi và ký quyết định phóng thích những nô lệ của người Ma-rốc, Richard được người chủ – người thầy của mình, ngỏ ý gả cho anh đứa con gái duy nhất, cùng một nửa gia tài của ông nếu anh đồng ý ở lại Algiers – thủ đô của Algeria. Richard Joyce đã từ chối và quay trở về Ireland – nơi anh được biết - người yêu của mình vẫn đợi chờ anh suốt thời gian anh bị bắt làm nô lệ. Họ kết hôn với nhau không lâu sau đó và nhẫn cưới của họ chính là chiếc nhẫn mà Richard đã làm nên. Richard lập một xưởng kim hoàn và bắt đầu giới thiệu đến công chúng chiếc nhẫn Claddagh. Nhẫn Claddagh nhanh chóng trở nên phổ biến khắp trong ngoài Galway. Phiên bản sớm nhất của chiếc nhẫn được ghi nhận vào những năm 1700 và được khắc vào chữ viết tắt RI (Risteard Iodoc – theo James đây là tên của Richard Joyce trong tiếng Ireland cổ). Kỹ thuật làm nhẫn đã được truyền dạy cho nhiều thợ kim hoàn khác và các phiên bản nhẫn đã được đánh dấu bởi từ viết tắt tên họ của người thợ đã tạo ra nó. Chẳng hạn: RI – Richard Joyce, GR – George Robinson, AR – Andrew Robinson, NB – Nicholas Burdge, JS – John Shadwell,...Ý nghĩa cách đeo nhẫn Claddagh Dù có đến 2 truyền thuyết về nguồn gốc của loại nhẫn này, song “ngôn ngữ” trong cách đeo nhẫn Claddagh thì hầu như không ai bàn cãi. Và vì thế, đeo nhẫn Claddagh cũng là một cách để tự thuật về bản thân mình.
Đeo nhẫn bên bàn tay phải với phần đuôi trái tim hướng ra ngoài ngón tay, nghĩa là trái tim người đeo nó vẫn chưa thuộc về ai. Đeo nhẫn bên bàn tay phải, phần đuôi trái tim hướng vào trong bàn tay, nghĩa là trái tim người đeo đang được ngự trị - chỉ tại thời điểm này. Nếu nhẫn được đeo bên bàn tay trái với trái tim hướng ra ngoài, người đeo nó đã đính ước. Nếu nhẫn được đeo bên bàn tay trái với trái tim hướng vào trong, người đeo nó đã kết hôn.
Biểu trưng Claddagh
Ngày nay, nhẫn Claddagh càng trở nên phổ biến bởi thiết kế quyến rũ, đặc trưng cùng lịch sử gắn liền với ngôi làng Claddagh cổ của hạt Galway trên dòng sông Corrib – hình ảnh đôi bàn tay nâng lấy trái tim đội vương miện đã trở thành biểu trưng của vùng đất cổ xưa Claddagh này. Ngoài phiên bản gốc dưới dạng chiếc nhẫn, người ta còn làm ra các loại trang sức khác mang biểu trưng Claddagh như vòng đeo tay, cài áo, dây chuyền, hoa tai... Thay cho chất liệu vàng truyền thống, trang sức còn được làm từ bạc, vàng trắng và đính thêm đá màu, kim cương... Đây thật sự là món quà lưu niệm ý nghĩa cho những ai đã từng đến Galway.
Biểu trưng Claddagh còn được thể hiện trên nhiều loại chất liệu và vật dụng khác ngoài các món trang sức thông thường. Quà chia tay Ireland mà tôi nhận được là chiếc bình cắm hoa duyên dáng cùng cặp ly rượu chân cao xinh xắn bằng pha lê của xứ Galway (pha lê xếp hàng thứ ha ở Ireland, sau pha lê vùng WaterFord) mà thân chúng được mài mòn thành biểu trưng Claddagh. Nhưng yêu thích nhất vẫn chiếc nhẫn vàng Claddagh – món quà “tự chọn” có được từ James – dù rằng ở Việt Nam bây giờ hiếm ai đeo nhẫn vàng trơn tru như tôi – chỉ với biểu tượng Claddagh tuyệt vời. Chiếc nhẫn mà mỗi khi nhìn thấy, tôi nhớ đến giả thiết về chuyện tình có hậu kia và thấy như mình được gần lại với vùng Galway xa xôi của đất Ireland mà tôi từng có thời gian gắn bó...
Nhận bài dự thi từ 10/7/2012 đến hết 10/10/2012. BẤM VÀO ĐÂY để gửi bài dự thi Tìm hiểu về đất nước, con người và nền giáo dục Ireland hoặc gửi về địa chỉ mail toasoan@giaoduc.net.vn (Số điện thoại hỗ trợ thông tin: 0904.062258).
Điểm nóng

Trường Đại học có kiến trúc tráng lệ và kỳ bí ở Ba Lan.

Tìm hiểu 10 trường Đại học "còi" nhất nước Mỹ.
Những hình ảnh hài hước của các bạn sinh viên trên khắp thế giới (P19) Chùm ảnh: “Chân dung lớp học” trên khắp thế giới.

Mayo, hạt đẹp nhất ở Ireland.

Đại học Quốc gia Maynooth (National University of Ireland - Maynooth).
Theo: Nguyễn Thị Phương Trang/Tuoitre