Nữ sinh Lào Cai và hành trình chinh phục Đại học Nam Kinh

17/01/2022 06:40
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bùi Ngọc Hà (sinh năm 2000, Lào Cai) hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành tiếng Trung thương mại của Đại học Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc).

Giành học bổng toàn phần du học Trung Quốc và nhiều loại học bổng khác

Năm 2018, Hà giành học bổng chính phủ Trung Quốc để theo học Đại học Nam Kinh. Theo U.S News and World Report Đại học Nam Kinh xếp thứ 6 trong danh sách những trường đại học tốt nhất Trung Quốc. Mức học bổng bao gồm sinh hoạt phí, học phí, ký túc xá, bảo hiểm.

Chia sẻ về quá trình giành học bổng của mình, Ngọc Hà kể, hè năm lớp 11 lên lớp 12, mình bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến việc du học Trung Quốc.

Hà cho biết: “Cái khó lớn nhất là ở thời điểm năm 2017, thông tin về du học Trung Quốc chưa được phong phú như ngày nay và có quá nhiều điều mình không rõ, cũng không biết tìm ai để hỏi.”

Nữ sinh cố gắng tận dụng hết vốn ngoại ngữ mà bản thân có để gõ từ khoá bằng tiếng Việt, Trung, Anh trên Google, dày công lăn lội trong các group, diễn đàn du học để đăng tin và được anh chị đi trước tận tình giúp đỡ. “Những giải đáp của các anh chị có ý nghĩa rất lớn đối với mình trong quá trình nộp hồ sơ”, Hà chia sẻ.

Trong ba năm theo học tại Đại học Nam Kinh, Ngọc Hà còn giành học bổng Sinh viên Quốc tế xuất sắc từ chính phủ Trung Quốc và tỉnh Giang Tô - 2019, 2020, điểm trung bình chung của nữ sinh dao động ở 4.7-4.8/5 trong suốt ba năm học.

Bùi Ngọc Hà khi đang theo học tại Đại học Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bùi Ngọc Hà khi đang theo học tại Đại học Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những ngày đầu ở Đại học Nam Kinh, Ngọc Hà với lợi thế là cựu học sinh chuyên Trung, Trường Trung học Phổ thông chuyên Tỉnh Lào Cai đã vượt qua được rào cản ngôn ngữ - thứ mà nhiều sinh viên lo sợ khi mới du học.

Nhưng đến năm hai đại học, Hà bắt đầu học nhiều môn liên quan đến thương mại hơn, nữ sinh dần cảm thấy choáng ngợp vì từ ngữ chuyên ngành. Thay vì coi từ chuyên ngành là “ác mộng” và trốn tránh chúng, Hà dành nhiều thời gian để tự học và luyện từ, tra từ để làm quen trước khi vào bài giảng mới.

Nhờ có sự chuẩn bị kĩ càng và thời gian ôn tập kiến thức cũ, nữ sinh ghi nhớ từ vựng nhanh hơn và không cảm thấy sợ hãi khi tiếp cận hay sử dụng từ chuyên ngành.

Chia sẻ về phương pháp học tập, Ngọc Hà cho biết: “Mình lên lớp đầy đủ để nắm vững kiến thức và bảo toàn điểm chuyên cần. Trên lớp mình tập trung học, chăm chỉ tương tác với giảng viên”.

Theo Hà đó cũng là một cách giúp thầy cô ghi nhớ mình và bản thân mình cảm thấy thoải mái hơn, mạnh dạn hơn khi trao đổi với thầy cô. Việc ghi nhớ kiến thức ngay trên giảng đường giúp nữ sinh tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức mỗi khi kì thi đến.

Năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa

Ngoài chú trọng học tập, Ngọc Hà còn năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Theo nữ sinh một sinh viên sẽ khó có thể phát triển toàn diện nếu như thiếu đi những hoạt động ngoại khoá.

Hà chia sẻ cô dành khá nhiều thời gian cho việc tham gia câu lạc bộ cùng các bạn sinh viên Trung Quốc. Với nữ sinh, làm quen và giao tiếp nhiều với người bản địa là một trong những phương pháp then chốt giúp mình cải thiện khả năng biểu đạt, từ đó có những bước tiến bộ vượt bậc trong khả năng nói và tăng thêm hiểu biết về đất nước mình du học.

Ngọc Hà (hàng thứ 2 bên trái) tham gia tình nguyện cho chương trình Chào tân sinh viên 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngọc Hà (hàng thứ 2 bên trái) tham gia tình nguyện cho chương trình Chào tân sinh viên 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm ba đại học, Hà xuất sắc giành vị trí quán quân cuộc thi Diễn thuyết dành cho người nước ngoài - “Shared Joy in Jiangsu” được tổ chức thường niên bởi Đài truyền hình Giang Tô, Trung Quốc.

Cuộc thi quy tụ nhiều sinh viên quốc tế từ khắp các trường đại học khác nhau, nhằm cất lên tiếng nói về chủ đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của vùng đất này. Cuộc thi bao gồm 3 vòng: vòng loại, bán kết và chung kết. Để trở thành quán quân của cuộc thi, ở vòng chung kết, Ngọc Hà đã vượt qua 12 thí sinh đến từ nhiều nước khác nhau.

Nữ sinh chia sẻ ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, Hà đã mong được đứng trên sân khấu của cuộc thi này. Tuy nhiên ở thời điểm đó Ngọc Hà chưa có đủ tự tin về khả năng tiếng Trung của bản thân cũng như còn thiếu sự trải nghiệm tại đất nước mới nên nữ sinh không đăng ký tham gia.

Hà kể: “Mãi cho đến năm ba, mình mới đủ dũng khí tham gia và được lựa chọn trở thành đại diện của Đại học Nam Kinh.”

Trong quá trình chuẩn bị, Hà dành nhiều thời gian tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, xem các video của những diễn thuyết gia chuyên nghiệp để học hỏi phong thái từ họ, luyện tập hàng ngày để có thể nói thật trôi chảy.

Ngoài ra, nữ sinh còn tự đặt câu hỏi cho bản thân về nhiều khía cạnh liên quan tới chủ đề của cuộc thi để rèn luyện kĩ năng phản xạ.

Đối với phần diễn thuyết theo chủ đề có sẵn, Hà tự lên ý tưởng, viết kịch bản, hỏi ý kiến thầy cô và bạn bè Trung Quốc để nhận lời góp ý, từ đó trau chuốt ngôn từ hơn và hoàn thiện bài nói của mình.

Ngọc Hà chia sẻ: “Thời gian đầu mọi thứ khá lộn xộn và phải nhận nhiều lời phê bình từ giáo viên hướng dẫn, nhưng sau nhiều lần sửa bản thảo và luyện tập, mọi thứ vào guồng quay hơn và mình cũng thấy yên tâm hơn khi bước chân vào vòng chung kết.”

Mặc dù rất tiếc khi không được trực tiếp đến đài ghi hình và tham gia các hoạt động trải nghiệm do tình hình dịch bệnh, tuy nhiên Hà vẫn rất vui vì cuộc thi vẫn được tổ chức online, và có cơ hội hoàn thành ước nguyện từ năm nhất.

Giành nút Bạc của Youtube

Ngoài chú trọng học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa, Ngọc Hà còn sở hữu kênh Youtube “Kiara lah” với 169.000 người đăng ký. Với lượng người đăng ký và tương tác lớn, nữ sinh giành nút Bạc của Youtube.

Ngọc Hà chia sẻ: “Làm Youtube có thể coi là một trong những bước ngoặt lớn của bản thân mình. Từ ngày lập Youtube, mình trở nên bận rộn hơn, giúp mình học thêm được nhiều kỹ năng mới như quay phim, chụp ảnh, chỉnh sửa video.”

Việc chụp ảnh và làm video giúp Hà quan sát và lắng nghe nhiều hơn. Ban đầu nữ sinh làm Youtube như một trải nghiệm, dần dần việc này thành một sở thích mới, một cách để Hà giải tỏa stress.

Hà chia sẻ nữ sinh cảm thấy biết ơn khi kênh Youtube nhỏ của mình nhận được sự ủng hộ từ mọi người. Những phản hồi tích cực từ người xem là nguồn động lực thôi thúc Hà không ngừng học hỏi và làm mới bản thân để có thể chia sẻ với người xem những kiến thức và trải nghiệm mà mình góp nhặt được trên hành trình trở thành phiên bản tốt hơn.

Để sắp xếp công việc, Hà coi cuốn sổ planner luôn là vật bất ly thân. Lập kế hoạch giúp mình điểm lại được những đầu việc bản thân cần hoàn thành, từ đó sắp xếp quỹ thời gian sao cho hợp lý nhất.

Mặc dù hành trình du học không được trọn vẹn vì mất hai năm phải học online tại Việt Nam do dịch bệnh. Tới đây, Hà sẽ dành thời gian và tâm huyết cho khoá luận tốt nghiệp.

Sau tốt nghiệp, Hà dự định sẽ rời giảng đường một năm và không theo học tại bất cứ ngôi trường nào, cho bản thân thời gian để tự phát triển, tìm tòi và hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu.

Ngọc Hà chia sẻ: “Với mình, thời gian nghỉ ngơi này là một bước lùi vô cùng cần thiết để có những bước tiến xa hơn, vững vàng hơn trên con đường theo học hệ thạc sĩ trong thời gian tới.”

Thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa của Bùi Ngọc Hà:

Học bổng toàn phần chính phủ Trung Quốc cho 4 năm học đại học.

Học bổng Sinh viên Quốc tế xuất sắc từ chính phủ Trung Quốc và tỉnh Giang Tô năm 2019, năm 2020.

Quán quân cuộc thi Diễn thuyết cho người nước ngoài tỉnh Giang Tô, Trung Quốc năm 2020.

Thủ khoa đại học khối D4 (Toán, Văn, Trung) năm 2018.

Thành viên Đội tuyển quốc gia môn tiếng Trung năm 2017, năm 2018.

Huy chương Vàng trại hè Hùng Vương môn tiếng Trung năm 2016, huy chương Bạc trại hè Hùng Vương môn tiếng Trung năm 2017.

Nhật Tân