Dù thế nào, đừng bao giờ xúc phạm thầy cô

05/12/2018 10:54
Hưng Long
(GDVN) - Thầy Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp phân tích, học sinh để quên cái áo hay cái nón thì câu chuyện có thể sẽ đi theo hướng khác.

Nếu không phải là cái quần…

Ngày 30/11, một vị nữ phụ huynh đến Trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh (thành phố Bạc Liêu) có lời nói xúc phạm thầy giáo rồi quay phim và tung lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Hành vi của vị phụ huynh lập tức nhận được sự phản ứng của cư dân mạng. Dưới góc độ phân tích của chuyên gia giáo dục, hành vi trên đáng bị lên án.

Thầy Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, vị phụ huynh đã sai hoàn toàn.

Thầy Nguyễn Quốc Cường. (Ảnh: Q.C)
Thầy Nguyễn Quốc Cường. (Ảnh: Q.C)

So về hành vi tôn sư trọng đạo, so với cư xử của phụ huynh đối với giáo viên thì rất phản cảm. Thực ra, nói về lỗi để dẫn đến câu chuyện cái quần bị vứt đi thì không cần xác định từ giáo viên hay học sinh.

Thầy Cường đưa ra dẫn chứng, nếu bản thân người đàn ông, nếu thấy quần phụ nữ mà để trên bàn của mình thì chắc chắn cũng sẽ vứt đi vì không thể xem xét tỉ mỉ mới hay là cũ, hoặc là như thế nào đó.

Nếu là cái nón hay cái áo thì sẽ đi theo một nghĩa khác, nhưng đây là cái quần đùi. Kế đến, nữ phụ huynh bức xúc tung đoạn phim lên mạng xã hội là có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác. 

Thầy giáo vứt quần học sinh trên bàn giáo viên đang bị tổn thương 

“Không phải tôi trong ngành giáo dục mà bênh vực cho thầy giáo, nhưng đây là hành vi làm nhục người khác”, thầy Cường nói.

Nếu cứ lạm dụng mạng xã hội như thế này, sẽ có những hành vi khác, những tác động khác ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ giữa con người với con người chứ không đứng trên mối quan hệ giữa phụ huynh với thầy giáo.

Thầy Cường phân tích, vừa rồi, trong ngành giáo dục cũng có một số giáo viên (trường hợp cá biệt – PV) có hành vi phản cảm đã ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh người thầy.

Nhưng cần phải nhìn nhận thấu đáo vấn đề, không phải vì hành động cá biệt cả những giáo viên này mà cho rằng phụ huynh được quyền nói, được mạt sát, xỉ nhục giáo viên là không nên.

Nếu phụ huynh nói chuyện có tình có lý, chắc chắn thầy giáo sẽ bỏ tiền ra mua lại cái quần cho nữ học sinh vì thực chất, giá trị cái quần đó là không đáng.

Phụ huynh còn phải giáo dục con gái không nên mang quần áo vật dụng cá nhân của mình đến lớp. Ngoại trừ những bộ quần áo để phục vụ cho việc học như đồ thể dục thể thao.

Thầy Cường đưa ra ví dụ, đơn cử, như những nữ sinh mặc áo dài để chào cờ nhưng đến giờ thể thao thì phải thay ra. Nhưng nhất cử nhất động, không thể lôi thầy giáo ra để nói chuyện như vị phụ huynh trên.

Cần phải có quy tắc ứng xử giữa phụ huynh và thầy giáo

Phụ huynh cần hết sức cân nhắc, hết sức bình tĩnh trong vấn đề ứng xử với giáo viên. Các cháu học sinh trung học ở lứa tuổi lớn cũng không lớn, nhỏ cũng không nhỏ.

Các em ở lứa tuổi này đang học làm người lớn nên dễ bắt chước. Phụ huynh có những lời nói, hành động không chừng mực thì vô tình tạo môi trường không tốt cho chính bản thân con em của mình soi theo.

Thời gian qua, nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến giáo viên bị bạo hành, xúc phạm nhân phẩm, như: Phụ huynh bắt cô giáo quỳ, phụ huynh đánh thầy giáo…

Trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh. (Ảnh: V.T)
Trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh. (Ảnh: V.T)

“Phụ huynh cần phải bình tĩnh để gặp giáo viên phản ánh trực tiếp, hoặc phản ánh với lãnh đạo nhà trường, cần thiết thì đến trình bày với lãnh đạo Phòng Giáo dục hoặc Sở Giáo dục” thầy Cường đưa ra lời khuyên.

Giáo viên là người dạy dỗ con em hằng ngày nên nếu không cẩn thận trong cách hành xử với giáo viên sẽ rất dễ mắc vào những hành vi, như: Làm nhục người khác, cố ý gây thương tích…

Tất cả mọi vấn đề đều có thể giải quyết với nhau bằng thái độ ôn hòa để tránh xung đột trong môi trường sư phạm. Các cháu chứng kiến sự việc sẽ có tác động rất lớn trong việc hình thành nhân cách, ỷ vào cha mẹ, coi thường các thầy cô…

Thầy Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, suy nghĩ này sẽ tiếp theo đến khi các cháu lớn và trưởng thành, ỷ lại vào việc có phụ huynh đứng sau lưng, không tạo cho con tính tự lập trong cuộc sống.

Vẫn sự việc đó diễn ra, nhưng vị nữ phụ huynh biết kiềm chế, không tung đoạn phim lên mạng xã hội thì rất có thể, sự việc sẽ không bị đẩy đi quá xa.

Qua những bình luận, trả lời trên mạng xã hội thì cũng không một ai đồng tình với cách ứng xử của vị nữ phụ huynh trên. Bản thân vị phụ huynh lại là vợ của lãnh đạo cao cấp ở tỉnh Bạc Liêu và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của gia đình.

Thầy Cường chia sẻ, hành vi của nữ phụ huynh đã gây tác động không tốt đến xã hội về hình ảnh người thầy đứng trên bục giảng.

Bản thân vị phụ huynh này còn từng là cán bộ trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam của tỉnh Bạc Liêu nên phải nhận thức được tác dụng và tầm ảnh hưởng của mạng xã hội.

Hành vi của vị phụ huynh dễ làm cho các bạn học sinh trong lớp xa lánh con em mình. Từ việc nho nhỏ, các em nhận thức hay có thể suy diễn, bạn trong lớp có mẹ dữ quá nên xảy ra chuyện sẽ bị mẹ bạn ấy đến nhà chửi rồi quay phim và tung lên mạng xã hội như thầy…

Thầy Cường nói: “Tôi khuyên các vị phụ huynh hết sức cân nhắc, hết sức cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội liên quan đến con cái và mọi việc đều có thể giải quyết được”. 

Hưng Long