Đừng đặt mục tiêu to tát là hướng nghiệp đối với học sinh tiểu học

23/10/2020 06:06
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù ủng hộ quan điểm hướng nghiệp cho học sinh cần thực hiện sớm nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, ở cấp tiểu học chưa thể đặt mục tiêu to tát là hướng nghiệp.

Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến thì công tác hướng nghiệp sẽ được thực hiện sớm, liên tục và liền mạch từ lớp 1 đến đại học.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến- Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng ủng hộ chủ trương cần hướng nghiệp sớm cho học sinh.

Tuy nhiên,Tiến sĩ Khuyến cho rằng, không nên gọi là giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học mà gọi là cho học sinh học những kiến thức gắn với thực tế, vận dụng thực tế. Ở mỗi bài học, học sinh có thể liên hệ được với nghề nghiệp của bố mẹ mình, họ hàng nhà mình, như vậy cũng đã có thể xem là thành công bước đầu.

ảnh minh họa: https://wass.edu.vn/

ảnh minh họa:

https://wass.edu.vn/

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói thêm, hướng nghiệp tức là giúp cho học sinh có kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghề nào đó mà các em quan tâm, yêu thích để các em dần đi sâu vào, sau đó có thể hành nghề được.

“Hướng nghiệp là để người học định hình về cái nghề chứ không phải giúp có hiểu biết chung chung về các nghề nghiệp”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.

Còn theo quan điểm của Đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thì trẻ tiểu học mới 6-10 tuổi thì không nên đặt thành vấn đề hướng nghiệp mà trong quá trình giảng dạy các môn học thì giáo viên hoàn toàn có thể giới thiệu các nghề nghiệp để các em nắm được. Khi các em học tới bậc trung học cơ sở thì mới nên hướng nghiệp.

“Đã là giới thiệu nghề nghiệp thì không nên tách ra thành một môn học riêng đối với trẻ tiểu học”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết: Hai mảng công tác chính được quy định trong dự thảo Thông tư là hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hồ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục sẽ được áp dụng xuyên suốt từ tiểu học đến đại học.

Thông tư cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ, các hình thức triển khai, điều kiện đảm bảo triển khai đối với mỗi cấp học. Nhìn vào đó, các cơ sở đào tạo có thể hoạch định kế hoạch, chương trình hoạt động của mình.

Đơn cử như ở bậc tiểu học, sẽ thực hiện 4 hoạt động chính ở mức độ sơ khai, đơn giản. Trước tiên là giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.

Tiếp đến, học sinh tiểu học được hướng dẫn tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Các em rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản như tìm hiểu về gia đình, cộng đồng, quản lý bản thân.

Từ đây, năng khiếu của học sinh sẽ được chú trọng phát hiện, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển cho các em.

Ngoài ra, học sinh tiểu học còn được giáo dục để sớm nhận biết vai trò của đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện.

Các em cũng được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về đổi mới sáng tạo, liên quan đến công dân tích cực, đổi mới sáng tạo, công nghệ, tư duy tài chính. Riêng hoạt động dạy kỹ năng quản lý tài chính, sẽ dạy học sinh biết trân trọng đồng tiền và thành quả lao động có ý nghĩa rất quan trọng, giúp học sinh biết quản lý, biết tiêu pha hợp lý.

Thùy Linh