Đừng để Hà Nội phố nào cũng là phố “Hàng Đào”!

06/03/2018 06:44
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Nguyễn Ngọc Bảo:“Để xảy ra sai phạm thì trách nhiệm thuộc về các quận, huyện và đơn vị thi công, giờ phải tìm ra được nguyên nhân”.

Hà Nội phải đẹp là nhu cầu của công dân thủ đô và cả nước. Vì thế, người dân rất kỳ vọng vào kế hoạch lát đá vỉa hè có độ bền 50 – 70 năm sẽ tô điểm thêm vẻ lịch sự, thơ mộng cho Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiều tuyến phố ở Hà Nội lát đá vỉa hè có độ bền 50 – 70 năm nhưng không hạ ngầm kỹ thuật khiến dư luận bức xúc, cho đó là việc làm vội vàng.

Mặc dù, thanh tra Hà Nội đã chỉ ra các sai phạm trong quá trình lát đá vỉa hè.

Tuy nhiên, có đi thực tế mới thấy rằng sau khi bỏ ra lượng tiền lớn chỉnh tran vỉa hè nhưng các khu phố được lát đá vẫn bừa bộn, nhếch nhác.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa 13. ảnh: giaoduc.net.vn
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa 13. ảnh: giaoduc.net.vn

Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Hà Nội chủ trương lát đá vỉa hè có độ bền 50 – 70 năm cho bền vững không phải đào đi bới lại là một chủ trương đúng.

Việc đầu tư lát đá vỉa hè các tuyến phố đặc biệt các khu phố nội thành là đầu tư mang tính chất bền vững.

Hà Nội đang phát triển mạnh về du lịch, cần những tuyến phố thể hiện bộ mặt Thủ đô.

Do đó, tôi tán đồng phương án đầu tư chiều sâu về vỉa hè, cống rãnh làm sao cho nó đẹp, bền vững.

Phải tính toán đồng bộ để Hà Nội là thành phố mẫu mực về các tiêu chuẩn đường thông, hè thoáng, vỉa hè sạch đẹp”.

Đừng để Hà Nội phố nào cũng là phố “Hàng Đào”! ảnh 2Người ta vội vàng lát đá vỉa hè Thủ đô để làm gì?

Bàn về việc nhiều tuyến phố chưa hạ ngầm kỹ thuật đã cho tiến hành lát đá, vị này cho rằng: “Những khu phố chưa ổn định về mặt hạ tầng thì không nên vội vàng. Bởi vì bới lên, đào xuống như ngày xưa rất bừa bộn, lãng phí.

Ở Hà Nội có một thời người ta cho rằng phố nào cũng là phố Hàng Đào. Vì một ông đi đào, một ông đi lấp, rồi một ông đi đào, một ông đi lấp như thế nó xảy ra sự chồng chéo.

Giờ các sở ban ngành đã thống nhất nên đi chung một hệ thống vừa đỡ tốn kém lại đỡ đào bới.

Do đó, trong công tác lát vỉa hè cần thiết phải tiến hành làm đồng bộ không thể để tình trạng lát đá xong rồi phải bới lên đào hạ ngầm kỹ thuật được”.

Bàn thêm về chủ trương lát đá vỉa hè, vị này cho rằng: “Ở nước ngoài, người ta lát vỉa hè, mỗi viên gạch ở ngoài đường là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải đơn thuần là viên gạch nữa. Mình chưa đủ tiền nên mình làm sao tính bền vững phải được 50 năm trở lên là đúng rồi!

Trong lát đá vỉa hè tôi cho rằng không cần đầu tư dàn trải mà có tiền đến đâu phải làm gọn gàng, sạch đẹp đến đó.

Làm vỉa hè ngoài việc để đi lại thì phải tạo được dấu ấn riêng cho Hà Nội. Yếu tố văn hóa, du lịch, bộ mặt Thủ đô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi lát vỉa hè.

Hà Nội là thủ đô bộ mặt của đất nước cho nên làm gì phải cân nhắc kỹ, phải lâu dài, thể hiện đẳng cấp của thủ đô văn minh, lịch sự, xanh sạch đẹp, bền vững chứ không được làm ẩu, làm cho xong chuyện, làm bằng vật liệu rẻ tiền được một thời gian sau đào đi bới lại”.

Đừng để Hà Nội phố nào cũng là phố “Hàng Đào”! ảnh 3Sai phạm lát đá vỉa hè vì nhiều quận coi thường chỉ đạo của lãnh đạo thành phố

Ông Nguyễn Ngọc Bảo còn cho rằng: “Lát đá vỉa hè cần làm từ nội thành làm ra, lấy lăng Bác, Hoàn Kiếm làm trung tâm rồi mở rộng ra, làm đến đâu đồng bộ đến đó. Hà Nội có quy hoạch tới 50 năm rồi nên tất cả cảnh quan, kiến trúc đi kèm phải tuân theo quy hoạch.

Chưa đồng bộ được hạ ngầm kỹ thuật thì không phải vội vàng làm lát đá vỉa hè. Hà Nội không thể lấy số lượng mà phải lấy chất lượng, văn hóa làm đầu.

Hơn nữa, ngân sách đầu tư cho Hà Nội không phải là nguồn ngân sách quá dồi dào. Vì vậy, khi đầu tư cái gì thì cần phải chắc chắn chứ không đầu tư vội vàng.

Cách triển khai thì các sở ngành của Hà Nội phải ngồi lại với nhau để thống nhất một quan điểm cách làm tránh được lãng phí tiền của dân, tránh trường hợp đào đi bới lại”.

Bàn về trách nhiệm để xảy ra việc nhiều tuyến phố lát đá không đúng chủ trương, ông Nguyễn Ngọc Bảo có quan điểm: “Để xảy ra sai phạm trong lát đá vỉa hè thì trách nhiệm rõ ràng thuộc về các quận huyện và các đơn vị thi công.

Giờ phải tìm ra được nguyên nhân chính là sai ở đâu, chủ trương đúng rồi nhưng triển khai vướng ở đâu thì giải tỏa ở đấy. Cũng phải nhắc nhở khi làm là phải trên tổng thể quy hoạch của thủ đô phát triển bền vững.

Hà Nội quy hoạch cây xanh, vỉa hè, cống rãnh nó không phải là công cụ nữa mà là nét văn hóa, bộ mặt của thủ đô nên chúng ta phải hết sức cân nhắc.

Chủ trương không sai nhưng cách làm phải hết sức cân nhắc, chống lãng phí khi làm rồi còn phải làm lại”.

Lát đá vỉa hè nhưng dây viễn thông vẫn còn chằng chị ở đường Tô Hiệu - quận Hà Đông (ảnh Trinh Phúc).
Lát đá vỉa hè nhưng dây viễn thông vẫn còn chằng chị ở đường Tô Hiệu - quận Hà Đông (ảnh Trinh Phúc).
Cảnh dây điện, dây viễn thông như mạng nhện trên đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (ảnh Trinh Phúc).
Cảnh dây điện, dây viễn thông như mạng nhện trên đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (ảnh Trinh Phúc).
Trên phố Nguyễn Trường Tộ - quận Ba Đình, dây cáp vẫn chằng chịt khi vỉa hè đã lát đá (ảnh Trinh Phúc).
Trên phố Nguyễn Trường Tộ - quận Ba Đình, dây cáp vẫn chằng chịt khi vỉa hè đã lát đá (ảnh Trinh Phúc).
Công trình thi công xong, vật liệu vất ngổn ngang trên đường Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (ảnh Trinh Phúc)
Công trình thi công xong, vật liệu vất ngổn ngang trên đường Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (ảnh Trinh Phúc) 
Yêu cầu đảm bảo tính mỹ thuật khi lát đá vỉa hè không tồn tại trong bức hình này (ảnh Trinh Phúc - chụp trên đường Ngô Thị Nhậm, Hà Đông).
Yêu cầu đảm bảo tính mỹ thuật khi lát đá vỉa hè không tồn tại trong bức hình này (ảnh Trinh Phúc - chụp trên đường Ngô Thị Nhậm, Hà Đông).
Trinh Phúc