Đừng đổ lỗi cho Thủ tướng Shinzo Abe

19/09/2015 08:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh vẫn ngày càng tự tung tự tác mà ASEAN không thể làm gì ngăn chặn thì hãy để Nhật Bản, Hoa Kỳ làm việc đó.

Nikkei Asia Review ngày 19/9 đăng bài bình luận của Kavi Chongkittavorn, thành viên Viện An ninh và nghiên cứu quốc tế đại học Chulalongkorn ở Bangkok và học giả thỉnh giảng của Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc cho rằng, chiến lược quyết đoán của Thủ tướng Shinzo Abe "chia rẽ" các chính phủ thành viên ASEAN.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: ibtimes.com
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: ibtimes.com

Ông Chongkittavorn nhận định, quyết tâm của Thủ tướng Nhật Bản để thông qua dự luật an ninh mới tạo ra "tình thế khó xử" cho 10 nước thành viên ASEAN. Học giả Thái Lan cho rằng các nước ASEAN mong đợi một cách tiếp cận "bình tĩnh hơn", dựa trên đồng thuận từ phía Nhật Bản.

"Chiến lược của Shinzo Abe có thể tác động nghiêm trọng đến mối quan hệ ASEAN với Nhật Bản với tư cách tập thể hay với từng quốc gia thành viên. Đồng thời chính sách của Abe còn là một cơ hội để ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc làm trung gian hòa giải căng thẳng ở khu vực".

Lý do ông Chongkittavorn đưa ra giải thích cho quan điểm của mình là: "Hầu hết các nước ASEAN đều có những trải nghiệm khủng khiếp trong Thế chiến II. Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar bị phát xít Nhật xâm chiếm. Việt Nam, Lào và Campuchia thuộc Pháp thời đó cũng bị nhượng lại cho Nhật Bản sau khi Pháp thất bại.

Bất chấp những thử thách của chiến tranh, những quốc gia này đã khép lại quá khứ, tái lập tin tưởng lẫn nhau ở mức độ cao nhờ cách tiếp cận hòa bình của Tokyo kể từ sau năm 1945. Trong đó Hiến pháp Nhật Bản cấm quân đội tham chiến ở nước ngoài đã giúp tạo dựng niềm tin trong khu vực Đông Nam Á về chương trình nghị sự lâu dài của đất nước".

Lịch sử là điều không thể thay đổi, hơn ai hết người Nhật hiểu những sai lầm của thế hệ đi trước và ý thức rõ việc không để nó lặp lại. Nhưng không vì thế mà Nhật Bản tự đẩy mình vào thế yếu trước sự gia tăng của chủ nghĩa bành trướng bá quyền ở châu Á - Thái Bình Dương, chấp nhận để quyền và lợi ích của mình bị đe dọa mà không phản ứng.

Cũng xin lưu ý rằng Nhật Bản không phải nước rót tiền nhiều nhất cho quân sự ở châu Á hiện nay. Nhật Bản cũng không phải nước muốn biến cả một vùng biển quốc tế như Biển Đông thành ao nhà của mình. Nhật Bản không dọa bắn máy bay Lào và buộc nó phải quay trở lại nơi cất cánh chỉ vì không báo cáo xin phép khi đi qua khu vực mình đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Bản thân ASEAN đã tồn tại nhiều khác biệt, chia rẽ trong vấn đề Biển Đông và phản ứng trước các hành động bành trướng leo thang của Trung Quốc. Ngoài các nước có quyền và lợi ích bị xâm phạm trực tiếp phản ứng mạnh mẽ, các nước còn lại tùy vào mức độ lợi ích của mình ở Biển Đông và lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc, hầu hết lựa chọn cách mũ ni che tai, thậm chí có nước hùa theo Trung Quốc để kiếm tiền viện trợ.

Chung quy lại cũng chỉ là câu chuyện về lợi ích và khó có thể trách cứ các nước này. Trước khi Mỹ, Nhật Bản lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông, hàng chục năm nay ASEAN cũng không thể buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán ký kết một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để kiểm soát nguy cơ xung đột, Bắc Kinh vẫn ngày càng tự tung tự tác mà ASEAN không thể làm gì ngăn chặn thì hãy để Nhật Bản, Hoa Kỳ làm việc đó.

Chongkittavorn bình luận: "Dự luật An ninh của ông Shinzo Abe sẽ thay đổi bản chất sự tham gia của Nhật Bản vào Đông Nam Á, cho phép Nhật Bản sử dụng lực lượng vũ trang tham gia các hoạt động quân sự quốc tế. Điều này đặt ra những câu hỏi khó với ASEAN.

Cách tiếp cận không khoan nhượng của Abe đã gây ra sự lo lắng của một số thành viên ASEAN, trong đó họ chưa chuẩn bị tâm lý đón nhận một Nhật Bản với tư thế và chính sách quốc phòng quyết đoán".

Chẳng có câu hỏi khó nào cả. Nhật Bản không có mâu thuẫn, cũng chẳng có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay lợi ích ghê gớm nào với các thành viên của ASEAN để phải nói chuyện với nhau bằng binh đao.

Nhưng 3 đường băng 3000 mét và các căn cứ quân sự phi pháp của Trung Quốc đang mọc lên ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì có đe dọa trực tiếp đến an ninh, hòa bình ổn định trong cả khu vực, chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của một số thành viên ASEAN.

"Việt Nam và Philippines hưởng ứng nhiệt tình với chiến lược của Abe. Cả hai nước đã tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Tuy nhiên hành động của họ sẽ được cho là nhằm vào Trung Quốc. Đây là một sự phát triển mà Bắc Kinh sẽ không xem nhẹ", ông Chongttavaron bình luận.

Bắc Kinh xem nặng hay xem nhẹ là chuyện của họ. Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, Philippines bị Trung Quốc đe dọa thì hai nước này không thể không tìm cách bảo vệ mình. Khi ASEAN không thể phát huy được vai trò của mình, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác khác là điều hiển nhiên.

Duy trì hòa bình ổn định, bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế ở Biển Đông không phải là "chống Trung Quốc", xin đừng đánh tráo khái niệm, đổi trắng thay đen.

Học giả Thái Lan cho rằng: "Các nhà lãnh đạo ASEAN cần phát triển và trình bày một quan điểm phối hợp của các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh các cường quốc giải quyết bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai bằng biện pháp hòa bình. Một thỏa thuận như vậy sẽ là bước tiến dài trong việc đảm bảo mục tiêu cốt lõi của ASEAN để phát triển Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, trung lập và ổn định".

Muốn bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, đầu tiên phải bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế ở Biển Đông, đừng để tự do, an toàn hàng không và hàng hải bị Trung Quốc đe dọa. Muốn thể hiện vai trò trung lập và chủ đạo của mình trong chính sân nhà, ASEAN hãy thống nhất tiếng nói buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết COC, dừng ngay các hoạt động leo thang gây hấn chứ không phải quay ra phụ họa theo Bắc Kinh để chỉ trích Nhật Bản và chính sách an ninh mới của Thủ tướng Shinzo Abe.

Hồng Thủy