Đừng hiểu tự chủ là Nhà nước cắt hết ngân sách

14/02/2021 06:40
Đỗ Thơm (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tự chủ được Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) khẳng định là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số đó, hơn 1.500 trường trung cấp, cao đẳng nghề thuộc diện công lập. Tự chủ được Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) khẳng định là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang được coi là điểm sáng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Được biết, đến thời điểm hiện tại, trường đã tự chủ được 50% chi thường xuyên.

Đây là ngôi trường chất lượng cao luôn đóng góp sinh viên xuất sắc đại diện cho sinh viên Việt Nam tham dự kỳ thi kỹ năng nghề các cấp và thế giới.

Trường được kiểm định quốc tế công nhận thí điểm theo tiêu chuẩn của Anh và Đức.

Năm nay, thủ khoa đầu vào của trường là 27,8 điểm. Á khoa là em có số điểm 26,7 điểm. Sinh viên nhập học năm 2020 đến từ 40 tỉnh thành trong cả nước.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NTCC

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội về bước đi để hướng tới tự chủ thành công của nhà trường.

Phóng viên: Thời gian vừa qua, tự chủ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một vấn đề được nhiều trường quan tâm, đặc biệt là việc triển khai trong thực tiễn. Vậy theo ông, cần phải hiểu như thế nào về việc tự chủ ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp?

Ông Đồng Văn Ngọc: Tự chủ là một xu thế tất yếu. Đó cũng là xu thế chung trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Cũng như tại thời điểm này, vấn đề tự chủ ở các trường cao đẳng và các trường cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần phải làm rõ khái niệm.

Hầu hết, hiện nay rất nhiều người, thậm chí là cả chính lãnh đạo các trường đều hiểu tự chủ nghĩa là nhà nước cắt ngân sách, phần tài chính, ngân sách chi thường xuyên cho các trường. Đây là nhận thức không đúng.

Nghị định 16/2015/NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập hướng đến có 3 nội dung Nhà nước đang giao tự chủ. Thứ nhất là tự chủ tài chính. Thứ hai là tự chủ tổ chức bộ máy, nhân sự. Thứ ba là nhiệm vụ.

Nghị định này đang được sửa đổi thay bằng nghị định mới tăng tính tự chủ trong đó.

Về tài chính, Nhà nước chắc chắn phải thay đổi cách thức, ngân sách đầu tư cho hệ thống giáo dục công lập, đặc biệt với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề.

Việc này theo tôi chắc chắn Nhà nước không bao giờ buông được. Bởi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhân lực.

Nhân lực là một trong yếu tố quyết định năng suất làm ra của cải trực tiếp cho xã hội và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ đóng góp nhân lực rất nhiều.

Việc đào tạo nhân lực ở lĩnh vực này, Nhà nước chắc chắn sẽ không thể cắt mà thay thế bằng các hình thức khác như đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu chọn ra đơn vị nào cung ứng được dịch vụ Nhà nước yêu cầu một cách tốt nhất, với giá thành chi phí hợp lý nhất. Hoặc có thể Nhà nước sẽ đặt hàng, doanh nghiệp đặt hàng các cơ sở đào tạo.

Những ngành nghề không thể đấu thầu, đặt hàng được thuộc lĩnh vực đặc thù thì chắc chắn Nhà nước phải giao nhiệm vụ.

Ví dụ đào tạo cho những người yếu thế hoặc nghề đặc thù như ngành nghề liên quan văn hóa, nghệ thuật…

Ba hình thức này, Nhà nước sẽ giao cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quyền nhiều hơn để tổ chức bộ máy nhân sự, chi trả tiền lương, khoản lương tăng thêm, phụ cấp cho người lao động làm thế nào linh hoạt, thúc đẩy cho người lao động làm việc hiệu quả nhất.

Tiếp đó là tự chủ nhân sự và thực hiện nhiệm vụ. Ứng với các vị trí công việc trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người đứng đầu sẽ có quyền lựa chọn nhân lực nào, chứ không phải gò bó đi xin Nhà nước năm nay xin vài chỉ tiêu hay xin Nhà nước cho tuyển viên chức.

Hiệu trưởng trường sẽ chủ động thực hiện dưới cơ chế giám sát của các đơn vị chức năng trong trường.

Nếu lãnh đạo tuyển một cách bừa bãi thì lấy tiền đâu mà trả? Nếu họ tuyển các nhân sự không làm được việc thì cơ sở đó sẽ đào thải, người đó sẽ bị tự đào thải. Nó tạo thành sức ép, sự canh tranh rõ ràng.

Chúng ta nói đến đào tạo linh hoạt và mở. Nếu nói về linh hoạt, thì phải giao quyền tự chủ cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đào tạo.

Ví dụ hôm nay, hiệu trưởng thương thảo hợp tác đào tạo với một doanh nghiệp A xong, họ đặt hàng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đào tạo một nhóm đối tượng ngành nghề với chuẩn đầu ra, đầu vào cụ thể… 2 bên công bố công khai và giám sát. Nhưng ngành nghề đó lại phải đi xin cơ quan quản lý Nhà nước.

Để có được giấy phép đào tạo này thì có khi phải mất một tháng, một tháng này, doanh nghiệp có khi họ không cần nữa.

Rõ ràng, cần phải giao quyền tự chủ cho người đứng đầu. Họ chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm giải trình.

Theo tôi, khái niệm tự chủ cần phải được hiểu theo nghĩa rộng đó là tăng quyền tự chủ cho người đứng đầu ở tất cả các lĩnh vực Nhà nước sẽ giao quyền.

Thủ tướng thăm gian hàng của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tại Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” tổ chức vào tháng 11/2019. Ảnh: NTCC

Thủ tướng thăm gian hàng của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tại Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” tổ chức vào tháng 11/2019. Ảnh: NTCC

Phóng viên: Được biết, đến thời điểm hiện tại, trường đã tự chủ được 50% chi thường xuyên. Đặc biệt, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội là một thương hiệu uy tín thu hút học sinh, tạo được niềm tin với doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của trường?

Ông Đồng Văn Ngọc: Muốn phát triển một cơ sở giáo dục và đích đến là tự chủ được thì chất lượng đào tạo của nhà trường phải đảm bảo.

Khi chất lượng của nhà trường định vị tạo thành một thương hiệu, khẳng định được vị thế trong xã hội, với doanh nghiệp thì người học, nhà trường, doanh nghiệp, xã hội đều được hưởng lợi.

Cụ thể, người học không bị thất nghiệp. Bởi nhà trường đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào tất cả quá trình đào tạo của nhà trường.

Với các sinh viên học ở trường tốt nghiệp, không những các em có việc mà còn có quyền lựa chọn vị trí việc làm có thu nhập cao và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp tốt.

Đối với doanh nghiệp, họ không phải lãng phí thời gian đào tạo bổ sung hay đào tạo lại. Họ phối hợp với nhà trường đào tạo ngay trong nhà trường.

Đối với nhà trường khi thương hiệu được khẳng định, người học, xã hội, doanh nghiệp thừa nhận thì việc tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào sẽ rất đơn giản.

Việc tuyển sinh ổn định, các hoạt động đào tạo đa dạng thì nguồn thu của trường sẽ được đảm bảo.

Nhiều sinh viên của Trường đạt giải cao trong các kỳ thi tay nghề. Ảnh: NTCC

Nhiều sinh viên của Trường đạt giải cao trong các kỳ thi tay nghề. Ảnh: NTCC

Phóng viên: Nguồn thu được xem là bài toán nan giải khi các cơ sở giáo dục tự chủ. Trường đã giải quyết bài toán này khá hiệu quả, thưa ông?

Ông Đồng Văn Ngọc: Nguồn thu của nhà trường được đảm bảo từ 2 kênh. Thứ nhất là từ học phí người học, hai là nhà nước đầu tư theo kênh đấu thầu, đặt hàng như đã nói ở trên.

Có nguồn thu ổn định, trường hoàn toàn có thể tự chủ được theo cách thức Nhà nước đang định hướng.

Kinh nghiệm từ Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, chúng tôi hiểu rằng, không phải nói một câu “đây là trường chất lượng cao” mà trở thành trường chất lượng cao”.

Chất lượng cao phải do người học, doanh nghiệp, xã hội công nhận, không phải ông hiệu trưởng nói hay tự nhận mà được.

Việc này cũng phải do các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế vào kiểm định theo một kênh độc lập và công nhận.

Định vị thương hiệu là cả một quá trình, giữ được thương hiệu và nâng tầm thương hiệu là một nỗ lực rất lớn. Chúng tôi hiểu được điều đó, vì vậy toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường đều không ngừng nỗ lực.

Khi đã xây dựng mục tiêu là định vị thương hiệu ở một vị trí nào đấy thì phải tính đến việc làm liên tục, cần mẫn từ việc nhỏ nhất đến việc vĩ mô của trường.

Từ việc nhỏ nhất như vệ sinh môi trường học tập, chúng tôi cũng quan tâm thực hiện liên tục.

Chất lượng được nhà trường khẳng định ở việc sinh viên tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế, giảng viên của nhà trường cũng vậy.

Tổng hợp các giá trị của tất các hoạt động để tạo nên thương hiệu nhà trường, định vị nó ở phân khúc đào tạo chất lượng cao.

Như kinh nghiệm của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, phân khúc và định vị thương hiệu của trường là trường chất lượng cao. Mọi việc phải hướng đến chất lượng cao và hiệu quả.

Có 4 cụm từ mà chúng tôi đang duy trì và làm theo là “Chất lượng, hiệu quả, nâng tầm, hội nhập”.

Làm việc gì cũng phải hướng tới chất lượng nếu không sẽ tự mình đào thải. Chất lượng mà không mang lại hiệu quả thì là vu vơ. Phải hiệu quả thì mới tự chủ được. Đã hiệu quả thì phải nâng tầm nó lên. Nếu không sẽ là thụt lùi.

Xã hội chúng ta hội nhập, nền kinh tế hội nhập rất sâu rộng. Nếu đào tạo nhân lực cho nền kinh tế mà không hội nhập thì cũng không thể phát triển được.

Vì thế, chúng tôi chọn 4 cụm từ trên làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Sinh viên của Trường được đào tạo trên các thiết bị tiên tiến. Ảnh: NTCC

Sinh viên của Trường được đào tạo trên các thiết bị tiên tiến. Ảnh: NTCC

Sinh viên của Trường tham dự kỳ thi nghề. Ảnh: NTCC

Sinh viên của Trường tham dự kỳ thi nghề. Ảnh: NTCC

Phóng viên: Ông có thể tiết lộ về tỷ lệ sinh viên có việc làm và mức thu nhập của sinh viên tốt nghiệp của trường?

Ông Đồng Văn Ngọc: Ngay từ trước khi tổ chức thi tốt nghiệp, tôi có tổ chức một buổi đối thoại với sinh viên xem các em có nhu cầu sao, cần nhà trường hỗ trợ gì về việc làm không, các em ký cam kết việc làm có vướng mắc gì không, thì không có một cánh tay nào giơ lên cả. Lúc đó, chúng tôi tổ chức thi tốt nghiệp.

Sinh viên tháng 9 ra trường, tháng 10/2020, trường có tổ chức khảo sát, lần vết. Theo kết quả thì 100% sinh viên có việc làm.

Về phổ thu nhập, số lượng sinh viên vừa ra trường có thu nhập ở mức thấp là từ 7-8 triệu đồng/tháng. Phổ thu nhập trung bình là 10-12 triệu đồng/tháng.

Mức cao vọt lên 15-18 triệu đồng/tháng chiếm khoảng 10%. Mức lương của sinh viên ra trường trong 1 năm đầu có thể đạt được 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, tôi tin các em có thể yên tâm đảm bảo cuộc sống và có thể khởi nghiệp được.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.

Đỗ Thơm (thực hiện)