Đường dây 500kV, quyết định táo bạo và thành quả cho việc dám nghĩ dám làm

09/07/2018 07:00
Nhật Minh
(GDVN) - Đường dây 500kV đưa vào vận hành đã tiếp sức cho việc phát triển kinh tế - xã hội của miền Nam.

Công trình đường dây 500kV là một kỳ tích vô cùng đáng tự hào của những người lính truyền tải điện.

Đi tìm lời giải cho bài toán cân não

Vào thập niên 1980, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc Đổi mới cải cách toàn diện bao gồm kinh tế và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội. Chính sách đổi mới được chính thức thực hiện từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào năm 1986.

Bước đột phát về tư duy và phát triển kinh tế đã tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế, xã hội, nhưng ở đây lại nảy sinh một thách thức lớn về điện năng.

Ở khu vực miền Bắc, lợi thế thủy điện được khai thác tối ưu với thành quả mỗi năm lại có thêm một vài tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành. Nhưng nhu cầu sử dụng của khu vực này lại không cao.

Trong khi đó, miền Nam và miền Trung cùng lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, nếu nói một cách hình ảnh là “nạn đói điện” gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp... Nhất là ở miền Nam, nhu cầu sử dụng điện cao, tình trạng ngày càng gay gắt.

Trong một cuộc họp bàn về thiết kế tại Công ty Khảo sát Điện 1 (Thủ tướng Võ Văn Kiệt - thứ 2 từ trái sang, GĐ. Trương Bảo Ngọc...)
Trong một cuộc họp bàn về thiết kế tại Công ty Khảo sát Điện 1 (Thủ tướng Võ Văn Kiệt - thứ 2 từ trái sang, GĐ. Trương Bảo Ngọc...)

Nhiệm vụ đặt ra cấp bách lúc này là phải cải thiện được nguồn điện cấp cho miền Trung và miền Nam. Nhưng bằng cách nào? Đơn giản nhất là giải pháp xây lắp gấp những tổ máy tuabin khí chu trình đơn, dùng dầu DO.

Nhưng chi phí cho nhiên liệu là một khoản lớn, đẩy giá thành điện lên mức không dưới 1100đ/kWh. Với nhu cầu vài ba tỷ kWh một năm ở thời điểm đó, khoản lỗ của ngành điện sẽ rất lớn. Trước tình hình đó, một số tổ chức hữu quan có văn bản trình Hội đồng Bộ trưởng đề xuất phương án xin xuất khẩu điện ở miền Bắc sang Trung Quốc mỗi năm khoảng 2 tỷ kWh, lấy kinh phí để tính chuyện cho nâng cao khả năng cung cấp điện cho các khu vực còn lại.

Một phương án khác cũng được tính đến là hoãn lắp đặt một số tổ máy của Thủy điện Hòa Bình, để dành nguồn lực tăng cường nguồn điện cho miền Nam.

Mỗi phương án đưa ra đều có những mặt ưu điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là giải bài toán cung ứng điện một cách bền vững, lâu dài với chi phí hợp lý nhất thì đều chưa thỏa đáng.

Đó là bài toán cân não và muốn giải được nó, chúng ta phải xây dựng Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam để tận dụng nguồn thủy điện và nhiệt điện than ở miền Bắc.

Quyết định sống còn

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành Điện, có thể thấy, vấn đề xây dựng Đường dây truyền tải điện siêu cao áp Bắc - Nam nhằm hợp nhất các hệ thống điện Việt Nam từng được đề cập đến từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước trong các chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước, trong luận chứng kinh tế kỹ thuật về truyền tải công suất của nhà máy Thủy điện Hòa Bình…

Nó được hình thành trên cơ sở các nguồn năng lượng sơ cấp có trong nước, có thể dùng cho phát điện thời bấy giờ là thủy điện và than đều tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc.

Với việc xây dựng Đường dây truyền tải siêu cao áp Bắc - Nam, trục truyền tải sẽ đóng vai trò quyết định nhiệm vụ điện khí hóa đất nước.

Bởi, với các trạm biến áp công suất lớn ở miền Trung, đường dây siêu cao áp sẽ đảm bảo những liên kết mạnh với các nguồn điện lớn phía Bắc và phía Nam, và hợp nhất các hệ thống điện đang vận hành riêng lẻ ở cả ba miền vào hệ thống điện toàn quốc với hiệu quả khai thác hệ thống và cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân cao hơn nhiều so với trước khi hợp nhất.

Ngày 31/1/1992 Bộ Năng lượng lập Tờ trình về chủ chương, cơ chế đầu tư các công trình đường dây 500kV Bắc - Nam và được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thông qua.

Ngay sau đó, Bộ Năng lượng đã cho triển khai các thủ tục để chuẩn bị xây dựng Đường dây siêu cao áp 500kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam.

Điểm nhấn của mùa xuân năm 1992 là sự kiện Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải ký quyết định thành lập Ban Chỉ huy xây dựng Đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam do Thứ trưởng Lê Liêm làm Trưởng Ban.

Kèm theo quyết định này là Thông báo của Bộ Năng lượng về Kết luận trong cuộc họp triển khai xây dựng đường dây 500kV với mục tiêu hoàn thành đưa điện vào miền Nam cuối năm 1993, đầu năm 1994. Và rất nhanh sau đó, ngày 25/2/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng công trình hệ thống tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam. Con số rất đáng chú ý ở đây, chính là thời hạn 2 năm cho một dự án có quy mô và tầm quan trọng quá lớn đối với đất nước.

Còn nhớ, ở thời điểm đó, phê duyệt Luận chứng kinh tế - Kỹ thuật của Quyết định táo bạo này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Bên cạnh niềm phấn khởi về sự phát triển vượt bậc của ngành điện, sự tăng trưởng về công ăn việc làm liên hệ trực tiếp và gián tiếp tới công trình, niềm hy vọng thoát khỏi cảnh thiếu điện là những mối hoài nghi về phương tiện kỹ thuật, sự mạo hiểm về thời gian và nguồn vốn… Trong đó đáng chú ý là lá thư của một Giáo sư, trường Đại học Grenoble  - Pháp gửi cho Bộ Chính trị.

Trong thư vị giáo sư này đã nêu ra ba nghi vấn về đường dây 500kV: Đường dây dài gần 1.500km, là chiều dài của 1/4 bước sóng cho nên không thể tải điện ổn định đi miền Nam; chưa có luận chứng kỹ thuật mà đặt mục tiêu thi công trong hai năm là không tưởng vì trên thế giới chưa có quốc gia nào có thể xây dựng đường dây 1.500km trong hai năm; giá thành sẽ rất cao, trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn nên về mặt hiệu quả kinh tế là không có. Lá thư đó lập tức gây xôn xao dư luận, một số đại biểu Quốc hội trước đó đã đồng tình ủng hộ, hôm sau lại hoài nghi.

Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ Khoa học Trần Đình Long kể lại: Với suy nghĩ “Không có ai chỉ ra những điểm yếu của mình đầy đủ như những người phản đối mình”, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã nhận ra đó chính là “những cảnh báo mà anh em chưa đặt ra hết”.

Vì vậy dù tin anh em, ông Kiệt vẫn bị ám ảnh bởi ý kiến của vị Giáo sư đó. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng triệu tập cán bộ kỹ thuật và yêu cầu: “Nhiệm vụ của cán bộ khoa học, kỹ thuật là chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, những việc khác.... đã có Chính phủ lo”.

Ông Long đã thức trắng một đêm, xem tài liệu và tự mình tính toán. Việc xử lý chênh lệch 1/4 bước sóng bằng năm trạm bù đã được các chuyên gia nước ngoài thẩm định.

Để đảm bảo cho điện áp ổn định, các chuyên gia đã thiết kế các trạm bù đặt dọc đường dây. Mục đích của trạm bù là nơi điện áp lên cao nó sẽ kéo xuống, ngược lại nơi nào điện áp yếu, trạm bù sẽ bổ sung để điện áp luôn ổn định.

Bản vẽ phân bố dòng điện ngắn mạch và tính toán phục vụ thiết kế kỹ thuật. Ảnh: Trần Quang Huy - Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam)
Bản vẽ phân bố dòng điện ngắn mạch và tính toán phục vụ thiết kế kỹ thuật.  Ảnh: Trần Quang Huy - Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam)

Vững lòng, ông báo cáo lại Thủ tướng: “Anh an tâm, tôi lo nhất là vấn đề an ninh chứ không phải là an toàn. Anh đảm bảo vấn đề an ninh, vấn đề kỹ thuật, tôi đảm bảo”. Ông Kiệt quyết định và nói: “Cứ làm, nếu thất bại thì không đợi cách chức, tôi sẽ chủ động từ chức”.

Ngày 29/3/1992, “Hội nghị diên hồng” về việc xây dựng Đường dây 500kV đã diễn ra. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã nêu rõ: “Công trình đường dây siêu cao áp có tầm vóc to lớn cả về kinh tế, kỹ thuật và thời gian thi công.

Hoàn thành công trình này sẽ tạo ra một bước phát triển mới về kinh tế cho cả nước. Đồng thời với công trình này, cần khẩn trưởng chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhanh và hoàn thành các công trình nguồn điện như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Thác Mơ, Tạ Bú, Yaly. Các ngành các cấp từ Trung ương đến các tỉnh phải phối hợp đồng bộ thực hiện khẩn trương, liên tục và dứt điểm các công việc”.

Cũng trong hội nghị này Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã nêu cao quyết tâm: “Việc xây dựng công trình điện rất tốn kém, khó khăn nhưng nhất định phải làm và làm bằng được vì sự nghiệp đổi mới đất nước, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân”.

Không chờ cho sự ngổn ngang của dư luận lắng xuống, với tinh thần nhìn thẳng, nói thật của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ai ủng hộ thì đứng vào hàng ngũ, ai không ủng hộ thì đứng ra một bên”, ngày 5/4/1992 Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công công trình.

Đó như là “thời khắc nổ phát súng lệnh cho đội quân Năng lượng tiến vào cuộc chinh phục kỳ vĩ này”. Ngày này đã trở thành mốc son trong lịch sử ngành Điện nói riêng, ngành năng lượng nói chung.

Trước thềm “trận đánh lớn”

Quyết định lịch sử đã được ban ra, nhưng khó khăn lớn nhất là “làm sao có thể hoàn thành thi công trong vòng 2 năm, trong điều kiện địa hình đất nước ta và công nghệ, cơ giới hóa của chúng ta còn yếu kém. Giờ đây, “điều kiện về thời gian” là nỗi trăn trở lớn của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là những người chịu trách nhiệm chính thi công đường dây.

Theo đó, Ban chỉ đạo - Chỉ huy toàn bộ công trình được thành lập do Thứ trưởng Lê Liêm làm Trưởng Ban. Kỹ sư Trần Viết Ngãi - Tổng giám đốc Công ty Xây lắp Điện 3 làm Phó Chỉ huy. Ban Quản lý công trình do đồng chí Chu Đăng Bảng làm Trưởng Ban (sau khi đồng chí Bảng mất đồng chí Nguyễn Bá Hòa thay). Ban Quản lý chia thành nhiều chi nhánh: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Đông Hà, Pleiku, Phú Lâm.

Đường dây 500kV Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.487km đi qua 14 tỉnh thành: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó chỉ có 297km đi qua vùng đồng bằng (chiếm 20%), 669km đi qua vùng trung du - cap nguyên (chiếm 45%); còn lại 521km là núi cao, rừng rậm. Đường dây cũng bắc qua 8 con sông là sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương và sông Sài Gòn.

Trong bản phê duyệt báo cáo khả thi, nhà nước đã ấn định thời hạn phải hoàn thành xây dựng công trình là hai năm, vì vậy, Công ty Khảo sát Thiết kế Điện 1 phải gấp rút chuẩn bị để kịp thời hạn khởi công vào ngày 5/4/1992. Cả Công ty Khảo sát Thiết kế Điện 1 lúc đó như một nhà máy làm việc ba ca, đèn ở các phòng làm việc không khi nào tắt.

Với nguyên tắc “chất lượng là hàng đầu”, vật tư thiết bị được chọn mua từ những nước có truyền thống sản xuất, có công nghệ cao nổi tiếng như: Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Đức, Anh, Italia, Phần Lan, Hàn Quốc, Nga. Ý chí là vậy nhưng lần đầu tiên triển khai lập hồ sơ mời thầu mua sắm vật tư thiết bị cho công trình lớn như vậy, lại trong điều kiện thiếu hướng dẫn, tài liệu tham khảo, chúng ta đã gặp không ít khó khăn.

Niềm tin, ý chí, sáng tạo và cuộc đua với thời gian

Công tác “hậu cần” cho việc xây đựng Đường dây 500kV Bắc Nam đã cơ bản lên khuôn. Ngày 5/4/1992 tại vị trí móng số 54, 852, 2702 và ngày 21/1/1993 tại Trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm đưa điện từ miền Bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Việc hợp tác giữa các đơn vị thiết kế với các công ty xây lắp hết sức khoa học chặt chẽ; để rút ngắn thời gian cho bàn giao tim, mốc tuyến công ty thiết kế chỉ bàn giao các vị trí cột néo, cột vượt, cột góc còn tất cả phóng tuyến để xác định các vị trí trung gian đều do các công ty xây lắp thực hiện.

Như vậy, việc xác định khoảng 3.600 vị trí móng, cột chỉ giải quyết trong một thời gian ngắn

Trong các khâu thi công: Đúc móng, dựng cột, kéo dây thì khâu đúc móng là khó khăn nhất. Để có thể đào móng dựng cột trên núi việc đầu tiên là phải chặt cây rừng già để làm đường để vận chuyển vật tư, thiết bị lên núi. Với điều kiện cơ giới hóa còn hạn chế việc chặt cây hoàn toàn phải chặt bằng rìu, cưa tay... rừng già lại chủ yếu là cây cổ thụ đường kính tới 1,5m, hạ được cây để mở đường là chuyện không đơn giản.

 Khi đó Ban Chỉ huy công trình phải huy động lực lượng dân quân, lao động địa phương, quân đội từ Quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn 15 tham gia chặt cây, làm đường. Sau đó làm các đường đồng mức để cho các phương tiện máy móc vận chuyển vật liệu lên các vị trị thi công. Khi đào móng tại đoạn Đại Lộc - Quảng Nam, vị trí móng rơi vào vùng địa chất toàn đá, máy móc cũng không đào được, phải thuê người dân lao động đục thủ công.

Đằng sau những vất vả, khó khăn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trực tiếp thi công còn có sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân ở các địa phương có đường dây đi qua.

Một câu chuyện hết sức cảm động khác đó là khi thi công vượt sông Gianh, Bộ Năng lượng đưa phương án kéo dây vượt sông Gianh, nhưng nguyên tắc là dây dẫn không được tiếp nước. Lực lượng thi công đã đưa ra phương án kết nối mấy trăm cái phà để kéo dây qua sông. Nhưng lấy phà ở đâu là một vấn đề? Được sự ủng hộ của bà con nhân dân xứ đạo Vân Phú, hơn hai trăm chiếc thuyền đã được huy động để kéo dây cáp vượt sông Gianh.  Đó chính là sức mạnh tổng hợp của lòng dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Ghép hơn hai trăm chiếc thuyền đánh cá để kéo dây vượt sông Gianh đưa điện từ miền Bắc vào miền Trung. Ảnh tư liệu

Ghép hơn hai trăm chiếc thuyền đánh cá để kéo dây vượt sông Gianh đưa điện từ miền Bắc vào miền Trung. Ảnh tư liệu

Ý nghĩa lịch sử của Đường dây 500kV

Tháng 5/1994, đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công trình 500kV Mạch 1 là công trình trọng điểm trong phát triển kinh tế đất nước, trong cả giai đoạn đầu và các giai đoạn về sau. Giải quyết tình trạng thừa điện miền Bắc, thiếu điện ở miền Trung và miền Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Đường dây hữu hình 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam cũng chính là “sợi dây vô hình”, nhưng cũng hết sức “bền chặt” nối liền hai miền Nam - Bắc. Là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bằng và miền núi trên cả nước.

Đối với ngành Điện, đây là công trình đánh dấu sự chuyển hóa từ trạng thái lạc hậu sang trạng thái văn minh. Hiện đại hóa ngành điện, thống nhất ngành Điện, điều hòa hệ thống truyền tải từ Bắc vào Nam; nối liền hệ thống điện trong cả nước, giải quyết được bài toán thiếu điện liên miên ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Nhìn nhận một cách khách quan, cho thấy việc đưa Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho miền Trung và miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở miền Bắc và các mỏ cung cấp than thời bấy giờ.

Đây là công trình hoạt động tin cậy, bền vững sau hơn 20 năm vận hành, cũng là công trình đầu tiên áp dụng dây chống sét kết hợp với cáp quang, một xa lộ truyền tải thông tin hữu ích để tham gia phát triển công nghệ thông tin.

Nhật Minh