EU có lý do để tăng cường vai trò ở Biển Đông

09/08/2019 09:37
Thanh Bình
(GDVN) - Liên minh châu Âu (EU), khối thương mại lớn nhất thế giới, có lợi ích sống còn trong việc duy trì một khu vực Biển Đông tự do, an toàn và ổn định.

Nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 05/8/2019, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini đã lên án việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên cần giải quyết các bất đồng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh làm phương hại đến hòa bình và an ninh của khu vực.

EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, có lợi ích sống còn trong việc duy trì một khu vực Biển Đông tự do, an toàn và ổn định. Trong quá khứ, EU thường bị cáo buộc ngồi không hưởng lợi trước các nỗ lực của Mỹ.

Gần đây, họ đã trở nên chủ động hơn, kết quả của chính sách đối ngoại thực dụng hơn của tổ chức này, sự cảnh báo lớn hơn đối với khả năng gây gián đoạn của Trung Quốc và tham vọng gia tăng ảnh hưởng an ninh của nước này ở châu Á.

EU luôn có lý do để quan tâm đến các diễn biến ở Biển Đông. Khối thương mại lớn nhất thế giới này có lợi ích kinh tế sống còn trong việc bảo vệ các hành lang vận chuyển bằng tàu tự do, an toàn và ổn định, đặc biệt là các hành lang nối khu vực này với các nhà máy điện kinh tế ở Đông Á.

Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini (Ảnh: TTXVN).
Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini (Ảnh: TTXVN).

Các nước Đông Bắc Á tạo nên thị trường xuất khẩu và là nguồn FDI quan trọng nhất của EU, với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối và chỉ riêng thương mại với Nhật Bản chiếm 25% GDP toàn cầu.

EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.

Ngoài lợi ích kinh tế, EU cũng có những cam kết pháp lý và chính trị đối với sự ổn định khu vực, bắt nguồn từ việc EU tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012 và trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Cuối cùng và quan trọng nhất là lý do căn bản đằng sau tranh chấp Biển Đông: chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc và mối đe dọa mà nước này gây ra cho trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc đã khiến châu Âu, tự đặt mình vào vị trí là một siêu cường quy chuẩn, phải cảnh giác.

Brussels đã trở nên cảnh giác hơn trước tiềm năng gây gián đoạn của Trung Quốc và thực hiện chính sách đối ngoại thận trọng hơn.

Một số diễn biến bên trong cũng như bên ngoài đã thúc đẩy sự hợp nhất về an ninh và phòng thủ của EU, tăng cường uy tín của tổ chức này với tư cách là bên tham gia an ninh toàn cầu.

Nhóm tàu Hải Dương 08 dừng hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Nhóm tàu Hải Dương 08 dừng hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

Khi EU mong muốn có được địa vị quan sát viên tại diễn đàn ADMM+ và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), điều quan trọng đối với họ là đánh giá lại đóng góp của mình đối với an ninh khu vực và trường hợp Biển Đông là một nghiên cứu hữu ích.

Lập trường của EU là rõ ràng ở ba cấp độ. Thứ nhất, một số nước thành viên gia tăng hoạt động trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON).

Thứ hai, tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hoạt động tăng cường năng lực với ASEAN và từng nước Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống.

Cuối cùng, châu Âu tiếp tục là bên có sức nặng quy chuẩn toàn cầu, điều có thể là một trong những tài sản lớn nhất của họ xét tới trật tự dựa trên nguyên tắc quốc tế mong manh hiện nay.

Chiến lược an ninh hàng hải EU công khai khuyến khích các nước thành viên đóng vai trò chiến lược trong việc đem lại tầm nhìn với toàn cầu, tính linh hoạt và khả năng tiếp cận cho Liên minh và sử dụng các lực lượng vũ trang của mình để hỗ trợ quyền tự do hàng hải và đóng góp cho sự quản trị toàn cầu bằng cách răn đe, ngăn chặn và chống lại các hoạt động bất hợp pháp.

Hai trong ba nước thành viên có năng lực hải quân viễn dương hiện can dự tích cực vào việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Pháp, với các vùng lãnh thổ trải khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 9 triệu km2, sự hiện diện quân sự thường trực ở New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp, tự coi mình là một bên tham gia an ninh hàng hải khu vực hợp pháp.

Tàu hải quân Pháp Vendemiare trong chuyến thăm Manila, Philippines ngày 12/3/2018 (Ảnh: AP).
Tàu hải quân Pháp Vendemiare trong chuyến thăm Manila, Philippines ngày 12/3/2018 (Ảnh: AP).

Ngoài việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của riêng nước Pháp, Pháp còn hối thúc châu Âu đóng vai trò chủ động hơn nữa trong khu vực, khuyến khích các lực lượng hải quân phối hợp nỗ lực nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên và rõ ràng trong lĩnh vực hàng hải châu Á.

Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Florence Parly cam kết tiếp tục các cuộc diễn tập, gia nhập lực lượng với Anh, chia sẻ tầm nhìn, giá trị và sự sẵn sàng đạt được các mục tiêu đó.

Cả hai nước cũng chia sẻ các mối quan hệ đối tác phòng thủ chặt chẽ với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ.

Do những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông kể từ đầu năm 2019, việc các nước có cùng tư tưởng hình thành một mặt trận thống nhất bảo vệ tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế chung được coi là một điều quan trọng.

Mặc dù EU và Mỹ có thể khác nhau về lập trường và cách đối xử hiện nay của họ với Trung Quốc nhưng họ đều có chung lợi ích trong việc duy trì một môi trường hàng hải toàn cầu tự do, dựa trên nguyên tắc.

Tài liệu tham khảo:

1. http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/7224-vai-tro-ngay-cang-tang-cua-eu-o-bien-dong

2. https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2019-01-16/how-us-can-step-south-china-sea

3. https://www.independent.co.uk/news/uk/politics/uk-iran-gulf-us-navy-straits-of-hormuz-oil-tankers-a9040421.html

4. https://news.yahoo.com/eu-criticises-militarisation-south-china-sea-092958995.html

5. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2149062/france-britain-sail-warships-contested-south-china-sea

Thanh Bình