EVNNPT khắc phục khó khăn do COVID-19, đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện

02/08/2021 13:51
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- EVNNPT đã có nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu kép vừa thực hiện đầu tư xây dựng, vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng các dự án truyền tải điện. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) xoay quanh chủ đề này.

Ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNNPT

Ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNNPT

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay dịch COVID-19 đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ các dự án truyền tải, đặc biệt là các dự án khu vực phía Nam?

Ông Bùi Văn Kiên: Dịch bệnh COVID-19 bắt đầu từ cuối năm 2019. Hiện nay, đại dịch này đang lan rộng và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu; gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội.

Ở Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay với bốn đợt dịch. Tính đến nay, đợt dịch thứ tư này là đợt dịch lớn nhất và phức tạp nhất; lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly từ 14 đến 21 ngày người đến từ vùng dịch hoặc kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cần Thơ, Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh Nam Bộ và Trung Bộ,…

Chính quyền địa phương các cấp đều căng mình ra tổ chức công tác chống dịch nên không có nhiều thời gian giải quyết đối với các công việc khác.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư lưới điện truyền tải dẫn đến chậm tiến độ; cụ thể:

- Các chương trình, kế hoạch phối hợp làm việc với chính quyền các địa phương của Lãnh đạo EVN, EVNNPT và các đơn vị quản lý dự án gần như không thể thực hiện được.

Cán bộ các ban quản lý dự án đều ở vùng dịch nên rất khó khăn khi cần đi công trường làm công tác quản lý, điều hành dự án, phối hợp với địa phương thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (bồi thường giải phóng mặt bằng),…

- Trong khâu chuẩn bị đầu tư, các đơn vị tư vấn gặp khó khăn trong công tác đi lại thực hiện triển khai thực địa khảo sát địa hình, địa điểm, đo vẽ giải thửa, đo đạc thống kê xin chuyển đổi mục đích đất rừng..., liên hệ các ban ngành địa phương, các cơ quan Bộ, ngành để thỏa thuận địa điểm, hướng tuyến…

- Các địa phương cũng hầu như không triển khai thực hiện được công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án do phải giãn cách xã hội và hệ thống chính trị của các địa phương đều đang tập trung chống dịch nên không thể thực hiện các bước tiếp theo của quy trình, kể cả trong việc vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ;

- Công tác di chuyển lực lượng, mua sắm, cung cấp vật tư, vật liệu và tổ chức thi công của các nhà thầu xây lắp gặp rất nhiều khó khăn do các quy định về kiểm dịch, cách ly và giá cả tăng cao;

- Công tác sản xuất, vận chuyển và cung cấp của các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị cũng gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy ngừng hoặc giãn tiến độ sản xuất theo quy định chống dịch, việc vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam gần như không thực hiện được hoặc giá vận chuyển tăng cao do các cảng dừng hoạt động, việc vận chuyển trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn;

- Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng và sắt thép, kim loại màu vẫn đang tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh trong khi các bộ, ngành chưa có hướng dẫn về việc bù giá vật liệu do biến động giá lớn khiến công tác lựa chọn nhà thầu và thực hiện các hợp đồng có liên quan cũng hết sức khó khăn.

Các khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra nêu trên làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nói chung, các dự án đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện khu vực các tỉnh miền Nam và nam miền Trung nói riêng. Có thể điểm tên một vài dự án như sau: Các dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân, Sông Hậu – Đức Hòa, Chơn Thành – Đức Hòa; các dự án trạm biến áp 500kV Đức Hòa, Vân Phong và đấu nối; Trạm biến áp 220kV Cam Ranh,…

Dự án đường dây 500kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 hoàn thành đóng điện trong tháng 7/2021

Dự án đường dây 500kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 hoàn thành đóng điện trong tháng 7/2021

Phóng viên: Trước những khó khăn này, EVNNPT đã đề ra những giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu kép vừa thực hiện đầu tư xây dựng, vừa phòng chống dịch?

Ông Bùi Văn Kiên: Để đảm bảo vừa phòng chống dịch tốt vừa hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch được giao, trong đó có kế hoạch đầu tư xây dựng; EVNNPT đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vừa tăng cường tuyên truyền, động viên để cán bộ công nhân viên trong toàn Tổng công ty vừa hiểu và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, vừa đồng thời đề ra và áp dụng các giải pháp phù hợp để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao; cụ thể:

- Kịp thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị vừa tuân thủ thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, chính quyền các địa phương có liên quan và EVN về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhất là các dự án trọng điểm cấp bách phù hợp với đặc điểm về chức năng, nhiệm vụ của mình;

- Tổng công ty có nhiều văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tiếp tục phối hợp triển khai công các bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên của EVNNPT và các nhà thầu của EVNNPT trong việc đi lại, vận chuyển VTTB, tổ chức thi công theo nguyên tắc vừa đảm bảo phòng dịch vừa thực hiện được dự án.

Các địa phương cũng đã kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị của EVNNPT và các ban quản lý dự án nên đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc do dịch bệnh để triển khai các dự án;

- Ứng dụng tối đa các công cụ về công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý, điều hanh của Tổng công ty và các đơn vị như: xử lý công văn, công việc từ xa trên phần mềm E-Office/D-Office; đẩy mạnh quản lý tiến độ dự án trên phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng; tổ chức các cuộc họp xem xét, thông qua dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các dự án bằng hình thức trực tuyến qua hội nghị truyền hình hoặc zoom,…

- Yêu cầu các nhà thầu tư vấn không thể bố trí người di chuyển từ đơn vị đến khu vực dự án thực hiện công tác khảo sát, đo đạc, thỏa thuận tuyến,… cần có giải pháp phù hợp để giảm ảnh hưởng đến tiến độ dự án như thuê nhà thầu phụ đủ năng lực, liên kết giải quyết công việc với các đơn vị khác phù hợp,…

- Các ban quản lý dự án và các nhà thầu xây lắp bố trí lực lượng bám sát công trường theo nguyên tắc hạn chế di chuyển ra ngoài địa bàn; bám sát, phối hợp tích cực, chủ động với chính quyền địa phương để khắc phục khó khăn do dịch bệnh để triển khai các công việc có thể thực hiện được trong bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công dự án.

Các đơn vị đã tổ chức xét nghiệm và bố trí cho những người có liên quan tham gia thực hiện dự án theo mô hình bong bóng (ăn, nghỉ, sinh hoạt và làm việc trong một khu vực nhất định cách ly với môi trường xung quanh hoặc mô hình một cung đường hai điểm đến).

- Bám sát tình hình thực hiện hợp đồng của các nhà thầu cung cấp VTTB để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tiến độ thực hiện hợp đồng như: tổ chức chứng kiến thử nghiệm online, bố trí cho chuyên gia nước ngoài của nhà cấp hàng giám sát quá trình lắp đặt thiết bị online,…

Với tinh thần “tuân thủ - tận tâm - trách nhiệm” đồng bộ với việc đề ra và áp dụng những giải pháp phù hợp, kịp thời và linh hoạt nêu trên; trong thời gian vừa qua tập thể cán bộ công nhân viên EVNNPT đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra để hoàn thành, đóng điện nhiều dự án như: đường dây 500 kV Dốc Sỏi – Pleiku 2; TBA 500 kV Chơn Thành, TBA 220 kV Mường Tè và đường dây Mường Tè – Lai Châu, TBA 500 kV Đức Hòa, nâng công suất TBA 500 kV Đắc Nông, đường dây 220 kV Nho Quan – Thanh Nghị, TBA 220 kV Thủy Nguyên, Đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Dự án TBA 220 kV Ninh Phước và đấu nối hoàn thành và được gắn biển “Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ EVN lần thứ III”. Dự án nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân hoàn thành và được gắn biển “Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ EVNNPT lần thứ III”.

Phóng viên: Đối với những dự án điện cấp bách phải hoàn thành trong năm 2021, đặc biệt là các dự án giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo theo kế hoạch, EVNNPT có giải pháp gì đặc biệt?

Ông Bùi Văn Kiên: Mặc dù bị tác động không nhỏ bởi COVID-19 nhưng với tinh thần khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo, EVNNPT đã và đang tập trung chỉ đạo “thực hiện nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng. Đối với các dự án trọng điểm, cấp bách, bên cạnh các giải pháp chung để khắc phục các khó khăn do đại dịch COVID-19 thì EVNNPT cũng có những giải pháp riêng, cụ thể:

- Thành lập Ban Chỉ đạo dự án từ Tổng công ty đến các Ban QLDA để chỉ đạo, điều hành các dự án này một cách thông suốt, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các công việc có liên quan. Ban Chỉ đạo của EVNNPT do Tổng giám đốc trực tiếp phụ trách, họp thường kỳ hàng quý và đột xuất khi cần thiết. Ban Chỉ đạo của các Ban QLDA do Giám đốc trực tiếp phụ trách, họp thường kỳ hàng tháng và đột xuất khi cần thiết;

- Hàng tuần đều tổ chức kiểm điểm tiến độ các dự án này tại các cuộc họp giao ban để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh;

- Ban Quản lý dự án xây dựng và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc các tiến độ điều hành chi tiết nhằm kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án; thành lập các Ban Tiền phương với các cán bộ có năng lực để bám sát công trường, đôn đốc và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trên công trường;

- Phối hợp với Công đoàn Tổng công ty để tổ chức các phong trào thi đua hoàn thành dự án và nhiều phong trào thi đua nước rút nhằm huy động mọi nguồn lực để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án;

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, EVNNPT hy vọng các dự án truyền tải điện trọng điểm, cấp bách sẽ được hoàn thành đóng điện trong thời gian sớm nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng và diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.

Trạm biến áp 220 kV Mường La được hoàn thành đóng điện ngày 15/7/2021 nhằm giải tỏa nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc theo chỉ đạo của EVN

Trạm biến áp 220 kV Mường La được hoàn thành đóng điện ngày 15/7/2021 nhằm giải tỏa nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc theo chỉ đạo của EVN

Phóng viên: Tổng công ty có đề xuất, kiến nghị gì trước những lý do bất khả kháng là dịch bệnh này?

Ông Bùi Văn Kiên: Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và EVN giao; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang nỗ lực điều hành, đôn đốc các ban quản lý dự án, các nhà thầu áp dụng nhiều giải pháp phù hợp nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án.

Tuy nhiên; thực tế thì ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến tiến độ các dự án đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện là rất lớn. Có thể khảng định đây là các khó khăn khách quan, thuộc vào yếu tố bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Để giúp EVNNPT sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do dịch bệnh gây ra để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, chúng tôi rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương:

- Xác định ngành Điện nói chung, lĩnh vực truyền tải điện nói riêng là ngành nghề cung cấp dịch vụ thiết yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước để tạo điều kiện tối đa cho người, phương tiện, dụng cụ, vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác quản lý vận hành, đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải được ưu tiên tạo điều kiện trong đi lại, di chuyển, làm việc khi đáp ứng với quy định kiểm dịch;

- Các bộ, ngành sớm có hướng dẫn bù giá đối với các vật tư, vật liệu tăng cao trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh;

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng các cấp và các trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp chặt chẽ với EVNNPT, các Ban Quản lý dự án để triển khai các công tác thỏa thuận tuyến, chuyển mục đích sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng kể cả trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh;

- Xem xét miễn trừ trách nhiệm của EVN, EVNNPT khi không đáp ứng được tiến độ các dự án đầu tư xây dựng do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19;

Với sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng để vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Giang