Các cường quốc đã bắt đầu chạy đua phát triển vũ khí tấn công toàn cầu

28/01/2013 07:38
Đông Bình
(GDVN) - Vũ khí tấn công tức thời toàn cầu sẽ trở thành điểm nóng mới trong cuộc chạy đua vũ trang quốc tế như vũ khí hạt nhân và vũ khí tàng hình trước đây.
Báo TQ mô phỏng hệ thống tấn công tức thì toàn cầu của quân Mỹ
Báo TQ mô phỏng hệ thống tấn công tức thì toàn cầu của quân Mỹ

Tờ “Thanh niên Trung Quốc” vừa đăng bài viết của tác giả Khang Vĩnh Thăng, Viện khoa học quân sự Trung Quốc cho hay, ngày 12/12/2012, hãng Boeing tuyên bố, máy bay không gian X-37B thứ hai đã phóng thành công từ căn cứ không quân Patrick, bang Florida, đây là lần thứ ba máy bay không gian X-37B được phóng lên, cũng là lần thứ sáu thử nghiệm vũ khí siêu thanh trên thế giới năm 2012.

Với tính chất là sản phẩm “quả đấm” của hệ thống vũ khí tấn công toàn cầu tức thời (tốc độ nhanh), máy bay không gian X-37B của quân Mỹ đã đi đầu đột phá trong rất nhiều chương trình thử nghiệm, cho thấy “tấn công toàn cầu trong vòng 1 giờ” của quân Mỹ đang từ ý tưởng, thử nghiệm từng bước chuyển sang ứng dụng chiến đấu thực tế.

Vấn đề không chỉ ở đó, do tư tưởng cơ bản của vũ khí tấn công tức thời toàn cầu đã bắt đầu dẫn dắt trào lưu phát triển công nghệ quân sự quốc tế, ngoài Mỹ, chương trình thử nghiệm của một số nước cũng lần lượt được khởi động.

Có chuyên gia khẳng định, kế tiếp vũ khí hạt nhân và vũ khí tàng hình, vũ khí tấn công tức thời toàn cầu sẽ trở thành điểm nóng mới trong cuộc chạy đua vũ trang quốc tế.

Muốn không còn quá lệ thuộc vào vũ khí hạt nhân

Tháng 6/2012, báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) chỉ ra, “tấn công tức thời toàn cầu” chính là “trong vòng vài phút hoặc vài giờ”, “sử dụng lực lượng thông thường, tiến hành tấn công tốc độ nhanh đối với các mục tiêu có giá trị cao trên phạm vi toàn cầu”. Ý tưởng này của quân Mỹ ban đầu khởi nguồn từ vũ khí hạt nhân.

Máy bay không gian không người lái X-37B Không quân Mỹ
Máy bay không gian không người lái X-37B Không quân Mỹ

Với tư cách là nước lớn hạt nhân số một trên thế giới, từ khi sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đến nay, Mỹ đã có khả năng tấn công tức thời toàn cầu.

Tên lửa hạt nhân chiến lược Minuteman-III có thời gian chuẩn bị phóng nhanh nhất là 32 giây, tốc độ bay cao nhất có thể đạt 20 lần tốc độ âm thanh, đủ để tấn công toàn cầu trong vòng 60 phút.

Nhưng, trong tình hình mới, là nền tảng duy trì khả năng tấn công toàn cầu, bảo vệ bá quyền toàn cầu của quân Mỹ, vũ khí hạt nhân đã không còn là công cụ lý tưởng để Lầu Năm Góc tiến hành tấn công tức thời toàn cầu.

Một mặt, trong tình hình mất đi vị thế độc quyền hạt nhân, tùy tiện sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ vi phạm Công ước quốc tế, hơn nữa còn có thể tự chuốc lấy tai họa, gây ra phản công hạt nhân.

Mặt khác, cuộc chiến tranh chống khủng bố trong thế kỷ 21 cũng làm cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ ý thức được, đối với các phần tử khủng bố, vũ khí hạt nhân vừa không thể răn đe tin cậy vừa không thể dùng cho chiến đấu thực tế, rốt cuộc Mỹ không thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công các phần tử khủng bố chạy trốn trên toàn cầu.

Lầu Năm Góc cho rằng, để chống khủng bố, quân Mỹ phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí hạt nhân, phát triển vũ khí tấn công toàn cầu thông thường.

Năm 2001, trong “Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân”, chính quyền Bush lần đầu tiên đề xuất, phải kết hợp sức mạnh tấn công hạt nhân với sức mạnh tấn công thông thường, chế tạo vũ khí chiến lược mới có thể tiến hành tấn công tầm xa. Theo đó, Lầu Năm Góc đã đề xuất ý tưởng rõ ràng về sử dụng vũ khí thông thường tấn công toàn cầu trong vòng 1 giờ.

Thiết bị bay siêu thanh Falcon HTV-2 Mỹ
Thiết bị bay siêu thanh Falcon HTV-2 Mỹ

Kế tiếp chính quyền Bush, chương trình vũ khí tấn công tức thì toàn cầu đã được sự ủng hộ của chính quyền Obama. Chính quyền Obama coi vũ khí tấn công tức thời toàn cầu là một mắt xích quan trọng nhất trong một loạt vũ khí phòng thủ và tấn công có thể thay thế vũ khí hạt nhân, đề xuất, trong “thời đại hậu vũ khí hạt nhân”, phải làm cho vũ khí tấn công tức thời toàn cầu trở thành “át chủ bài” của vũ khí chiến lược Mỹ trong thế kỷ 21.

Đương nhiên, quân Mỹ phát triển vũ khí tấn công tức thời toàn cầu hoàn toàn không phải là muốn hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân, mà là muốn duy trì sự cân bằng giữa vũ khí hạt nhân có số lượng thấp nhất và khả năng răn đe chiến lược có hiệu quả nhất.

Trong báo cáo “Triển vọng và vấn đề tấn công toàn cầu tức thời thông thường, tên lửa đạn đạo tầm xa” hoàn thành tháng 7/2012, chuyên gia chính sách hạt nhân Mỹ, Amie Woolf cho rằng, tấn công toàn cầu tức thời thông thường hoàn toàn không làm giảm giá trị của vũ khí hạt nhân trong chiến lược răn đe của Mỹ, ngược lại sẽ giúp cho Tổng thống có thêm nhiều sự lựa chọn khi ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu.

Năm tình huống cần tấn công tức thời toàn cầu

Để chỉ đạo sự phát triển vũ khí tấn công tức thời toàn cầu của quân Mỹ, năm 2009, báo cáo của “Tiểu ban nhiệm vụ tấn công tức thời thông thường” của Ủy ban khoa học quốc phòng Mỹ đã phác họa ra 5 tình huống quân Mỹ có thể tiến hành tấn công toàn cầu trong tương lai: Một là, đối thủ có thể sử dụng vũ khí không gian phá hủy vệ tinh của Mỹ.

Hai là, phát hiện nguyên liệu hạt nhân do các tổ chức khủng bố tàng trữ. Ba là, các tổ chức khủng bố cất trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt ở khu vực xa xôi của các nước trung lập. Bốn là, các phần tử nòng cốt của tổ chức khủng bố tập kết. Năm là, các nước “lưu manh” sở hữu vũ khí hạt nhân đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thiết bị bay siêu thanh Falcon HTV-2 Mỹ
Thiết bị bay siêu thanh Falcon HTV-2 Mỹ

Ngoài việc ứng phó với vũ khí hạt nhân, mối đe dọa khủng bố, không gian vũ trụ là lĩnh vực quan trọng để quân Mỹ tiến hành tấn công toàn cầu trong tương lai.

Lầu Năm Góc cho rằng, tấn công tức thời toàn cầu là thủ đoạn quan trọng để Mỹ đối phó với vũ khí chống vệ tinh của nước khác. Nếu phát hiện đối phương có thể đe dọa đến an ninh không gian của Mỹ, Mỹ có thể sử dụng vũ khí tấn công tức thời toàn cầu tiến hành phá hủy trước khi đối phương phóng vũ khí lên trên không, hoặc giải quyết vấn đề trong không gian vũ trụ.

Các chuyên gia cho rằng, quân Mỹ phát triển khả năng tấn công tức thời toàn cầu có ý đồ sẵn sàng chiến đấu trong không gian rất rõ ràng. Máy bay không người lái siêu thanh Falcon, máy bay không gian X-37B đang được thử nghiệm hiện nay đều đã đại diện cho phương hướng phát triển của công nghệ vận tải hàng không vũ trụ trong tương lai, một khi thử nghiệm thành công, sẽ trở thành trang bị tác chiến chủ yếu của quân Mỹ trong chiến tranh vũ trụ tương lai.

X-37B có dáng dấp như một chiếc máy bay chiến đấu không gian, có thể tiến hành bám theo mục tiêu quân sự trong không gian, không những có thể sử dụng cánh tay của người máy để bắt vào tàu vũ trụ của đối phương, mà còn có thể được trang bị vũ khí laser hoặc tên lửa, trực tiếp tiêu diệt mục tiêu trong không gian vũ trụ.

Thiết bị bay siêu thanh X-51 Mỹ
Thiết bị bay siêu thanh X-51 Mỹ

4 phương án lớn mở đường cho tiến hành tấn công tức thời toàn cầu

Không còn nghi ngờ gì nữa, vấn đề then chốt của tiến hành tấn công tức thời toàn cầu là tốc độ. Căn cứ vào suy đoán, quân Mỹ muốn tiến hành tấn công tức thời toàn cầu, tốc độ bay vũ khí của họ ít nhất phải gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Để nghiên cứu vũ khí siêu thanh, Bộ Quốc phòng và các quân chủng Mỹ trước sau đã đưa ra mấy chục phương án. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, có 4 phương án đã hoàn thiện.

Một là, phương án tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lắp đầu đạn thông thường. Ý tưởng cơ bản của nó là, tiến hành cải tiến vũ khí hạt nhân sử dụng trên mặt đất, trên biển, trên không hiện có thành vũ khí thông thường, bỏ đầu đạn hạt nhân, đổi sang lắp đầu đạn thông thường, để nó có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công thông thường.

Phương án tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lắp đầu đạn thông thường tuy khả thi về công nghệ, nhưng do đường đạn của nó tương tự như tên lửa hạt nhân trước đây, rất dễ bị đối phương phán đoán nhầm là tấn công hạt nhân, từ đó có thể gây ra chiến tranh hạt nhân.

Tháng 4/2011, tạp chí “Kiểm soát quân bị ngày nay” Mỹ cho rằng, Lầu Năm Góc đã quyết định không tiếp tục lựa chọn phương án này khi phát triển chương trình “tấn công tức thời toàn cầu” thông thường.

Nguyên lý cơ bản của phương án này là sử dụng thiết bị đẩy được nâng lên bởi tên lửa để nâng tải trọng có hiệu quả, bay lượn siêu thanh trong bầu khí quyển.  Do phương án này có thể tạo ra quỹ đạo bay kiểu không có đường đạn, khác với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vì vậy có thể tránh rủi ro hạt nhân có hiệu quả.

Thiết bị bay siêu thanh X-51 Mỹ
Thiết bị bay siêu thanh X-51 Mỹ

Hai là, phương án đẩy thiết bị bay siêu thanh lượn trên không

Được sự nâng đỡ của phương án thiết bị bay siêu thanh này, Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng - Bộ Quốc phòng và Không quân Mỹ đã cùng khởi động chương trình HTV-2 Falcon để nghiên cứu chế tạo thiết bị bay không động lực duy nhất. Thiết kế, thử nghiệm cho thấy, thiết bị bay này mang theo vật tư nặng 5 tấn, bay đến bất cứ nơi nào trên thế giới với tốc độ gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh.

Ba là, phương án thiết bị bay siêu thanh hành trình kiểu hút khí. Theo giới thiệu của chuyên gia, thiết bị bay sẽ bay với tốc độ siêu thanh ở rìa tầng khí quyển, trong vòng hơn 1 giờ có thể vượt Thái Bình Dương, có khả năng răn đe chiến lược siêu mạnh, độ khó trong đánh chặn tương đối cao.

Phương án này có đại diện là thiết bị bay X-51A WaveRider. Ngày 14/8/2012, phòng thử nghiệm của Không quân Mỹ đã tiến hành thử bay lần ba cho X-51A. Thiết bị bay đã được phóng thành công từ máy bay ném bom B-52, nhưng đã xảy ra sai sót sau khi đã bay được 16 giây, X-51A mất kiểm soát, rơi xuống Thái Bình Dương. Quân Mỹ có kế hoạch tiến hành thử nghiệm lần thứ tư trong năm nay.

Bốn là, phương án thiết bị bay cơ động quỹ đạo không gian, được gọi là phương án máy bay không gian. Căn cứ vào ý tưởng, máy bay không gian tương lai vừa có thể tiến hành nhiệm vụ đa dạng như do thám, thông tin, bắt vệ tinh trong không gian vũ trụ, vừa có thể đi vào bầu khí quyển và tự bay với tốc độ siêu thanh, X-37B chính là chương trình đại diện của phương án này.

Cục Không gian châu Âu nghiên cứu phát triển máy bay không gian mini tương tự như X-37B Mỹ
Cục Không gian châu Âu nghiên cứu phát triển máy bay không gian mini tương tự như X-37B Mỹ

Chạy đua vũ trang mới vừa bắt đầu

Lầu Năm Góc sở dĩ đưa ra khái niệm tấn công tức thời toàn cầu, ngoài thỏa mãn nhu cầu bá quyền toàn cầu, còn có một mục đích quan trọng, đó chính là giống như vũ khí hạt nhân, máy bay tàng hình trước đây, thông qua tạo ra được khả năng mới, giúp cho vũ khí tác chiến của quân Mỹ ít nhất duy trì được khoảng cách 1-2 thế hệ so với các đối thủ.

Vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước, quân Mỹ đã dựa vào công nghệ tàng hình để cho máy bay chiến đấu không quân của họ duy trì ưu thế phi đối xứng hơn 30 năm so với máy bay của không quân các nước khác.

Hiện nay, các cuộc thử nghiệm được quân Mỹ tiến hành xoay quanh chương trình tấn công tức thời toàn cầu đã nhóm lên một mồi lửa trong lĩnh vực quân sự quốc tế, cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực có liên quan đã được triển khai. Một số quốc gia tuy không có tham vọng “tấn công tức thời toàn cầu” như quân Mỹ, nhưng đã đưa công nghệ siêu thanh vào phương hướng quan trọng phát triển công nghệ quân sự.

Năm 2012, toàn cầu tổng cộng đã tiến hành 6 cuộc thử nghiệm bay công nghệ thiết bị bay siêu thanh, ngoài Mỹ bị thất bại 1 lần, Đức, Nga đều đạt thành công về thử nghiệm công nghệ siêu thanh. Ngày 27/6/2012, tàu vũ trụ ShefexII của Đức bay thử thành công, tốc độ đạt 7 Mach.

Tàu vũ trụ ShefexII của Đức
Tàu vũ trụ ShefexII của Đức

Điều gây lo ngại cho Lầu Năm Góc là, những nước này tuy kém xa Mỹ về quy mô đầu tư và tiến độ nghiên cứu chế tạo, nhưng có thể tham khảo kinh nghiệm đi trước của Mỹ, họ có ưu thế phát triển đi sau rõ ràng.

Theo mạng “Tin tức hàng không” Nga ngày 28/8/2012, Phó Thủ tướng Nga Dmitry tuyên bố, máy bay ném bom chiến lược tương lai của Không quân Nga sẽ là máy bay siêu thanh. Ông cho rằng, quân Nga cần đến công nghệ siêu thanh, đồng thời sẽ ứng dụng cho máy bay ném bom kiểu mới.

Thực ra, vấn đề tự thân mới là điều mà quân Mỹ lo lắng nhất. Chương trình tấn công toàn cầu tốc độ nhanh của quân Mỹ tuy dẫn trước, nhưng đối mặt với không ít vấn đề nan giải.

Căn cứ vào quy hoạch phát triển của nó, đến năm 2020, quân Mỹ muốn giành được đột phá trong nghiên cứu phát triển vũ khí tấn công tức thời toàn cầu, đồng thời sơ bộ có khả năng tác chiến tấn công tức thời toàn cầu. Nhưng do thiếu sự hỗ trợ công nghệ hoàn thiện và bảo đảm vốn ổn định, quân Mỹ có thể thực hiện mục tiêu trên đúng hạn hay không còn mang tính chưa xác định rất lớn.

Lấy X-51 WaveRider làm ví dụ, hiện nay quân Mỹ đã tiến hành 3 lần thử nghiệm, chưa một lần thành công, nhưng đã tiêu tốn 140 triệu USD.

Nhà phân tích Viện nghiên cứu Lexington Mỹ cho rằng, muốn thúc đẩy chương trình này, Lầu Năm Góc ít nhất cần đầu tư 10 tỷ USD. Đây còn là con số khiêm tốn, bởi vì theo kinh nghiệm, chương trình nghiên cứu khoa học quân sự cấp tiến thường sẽ chi vượt kế hoạch 50-150%.

Không còn nghi ngờ gì nữa, vũ khí tấn công tức thì toàn cầu là phương hướng phát triển trang bị tương lai, Mỹ nhất định sẽ kiên trì. Nhưng do chịu tác động bởi các nhân tố không xác định, con đường phát triển phát triển vũ khí tấn công tức thì toàn cầu sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Máy bay không gian Thần Long được máy bay ném bom H-6 chuyên chở trong cuộc thử nghiệm năm 2007 (dân mạng Trung Quốc tuyên truyền)
Máy bay không gian Thần Long được máy bay ném bom H-6 chuyên chở trong cuộc thử nghiệm năm 2007 (dân mạng Trung Quốc tuyên truyền)
Dân mạng Trung Quốc tuyên truyền về máy bay không gian Thần Long của nước này.
Dân mạng Trung Quốc tuyên truyền về máy bay không gian Thần Long của nước này.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình