LHQ: Đưa Biển Đông ra trọng tài quốc tế có lợi cho các bên

22/02/2013 08:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Liên Hợp Quốc nhắc lại sự ủng hộ cho một giải pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, và trọng tài quốc tế là một giải pháp có lợi cho các bên, cũng như hòa bình khu vực và thế giới.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon
Giới truyền thông Philippines ngày 22/2 dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, Liên Hợp Quốc nhắc lại sự ủng hộ cho một giải pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, và trọng tài quốc tế là một giải pháp có lợi cho các bên, cũng như hòa bình khu vực và thế giới.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã có buổi gặp và làm việc với Đại sứ Philippines và Đại diện thường trực Hội đồng Bảo an Libran Cabactulan tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York hôm 19/2. Tổng thư ký Ban Ki-moon cho hay, ông vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình tranh chấp trên Biển Đông, Đại diện thường trực Hội đồng Bảo an Libran Cabactulan cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện thì việc kêu gọi Liên Hợp Quốc can thiệp vào tranh chấp Biển Đông "không nên được coi là một hành động thân thiện." Ông Cabactulan giải thích thêm với Tổng thư ký Ban Ki-moon, giải quyết tranh chấp Biển Đông qua trọng tài quốc tế sẽ có lợi cho cả Philippines và Trung Quốc cũng như khu vực và thế giới. "Nó sẽ cho Trung Quốc một cơ hội để chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng nước này đang trỗi dậy hòa bình", Cabactulan giải thích với Tổng thư ký Ban Ki-moon. Trong một động thái có liên quan, ngày hôm qua 21/2 Phủ Tổng thống Philippines lên tiếng cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện, thậm chí việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện có khi lại tốt hơn cho Philippines. Philippines đã tính trước điều này và tiến hành các thủ tục tố tụng phù hợp với Phụ lục VII của UNCLOS. Đánh giá về vụ kiện này, Giáo sư Myron Nordquist thuộc Trung tâm Luật và chính sách biển thuộc đại học Virginia, Mỹ gọi vụ kiện này là "khá kỳ lạ". "Thông thường có thể xem như vụ kiện này thất bại, bởi vì khi một bên không đồng ý đưa vụ kiện ra trọng tài thì sao có thể mong chờ bên này chấp nhận một phán quyết mà họ không tham gia?", Nordquist nói, tuy nhiên vị học giả này cũng khẳng định, Philippines khởi kiện Trung Quốc không phải là hoàn toàn vô ích. "Việc khởi kiện Trung Quốc đã giúp Philippines giành được sự chú ý của công luận quốc tế và hoàn thành một mục đích chính trị khi thể hiện cho Trung Quốc thấy: Này, chúng tôi đã cố gắng để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và các anh đã không tham gia", Giáo sư Nordquist nói thêm.

Hồng Thủy