Tai nạn thảm khốc ở Cam Ranh: "Thủ phạm" nguy hiểm nhất lộ mặt

11/03/2013 06:00
Bùi Hải
(GDVN) - Chưa có kết luận chính thức từ công an về dải bùn 100m vãi trên đường có phải là nguyên nhân gây trượt xe, dẫn đến tai nạn thảm khốc làm 12 người chết, hơn 60 người bị thương hay không. Nhưng nếu giả thiết này là đúng, thì chúng ta đã có thể nhìn thấy "thủ phạm" cực kì nguy hiểm đang lộ mặt.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại tỉnh Khánh Hòa.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại tỉnh Khánh Hòa.
Bà N, một nhân chứng của vụ tai nạn kể lại: "Khoảng 0h30, tôi nghe có tiếng va chạm nhẹ, mở cửa ra xem thì thấy bùn đầy đường, cách đó không xa là một chiếc xe container đang đỗ theo chiều Nam - Bắc. Những người trong xóm ra hỏi thăm thì tài xế xe container nói có va chạm với một xe bồn đi ngược chiều bị mất lái do đống bùn. Vài phút sau thì có một người đi xe máy đổ ngã ngay trước cửa nhà tôi vì chạy vào đống bùn. Chỉ vài phút sau, lúc tôi vừa vô nhà chưa kịp ngủ lại thì vụ tai nạn khủng khiếp này đã xảy ra". Chẳng biết nhiều năm nữa, bà N và những người dân đã nhìn thấy đống bùn đêm hôm ấy, có còn ngủ ngon được nữa hay không? Nỗi ám ảnh của những thân thể bầm dập, những tiếng kêu cứu ai oán, những gương mặt tuyệt vọng của chồng mất vợ, mẹ mất con, có thể hiện về mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trong giấc ngủ. Biết rõ sự nguy hiểm của đống bùn tử thần ẩn mình trong đêm và đã chứng kiến vài vụ tai nạn trước đó, nhưng những người dân ấy vẫn có thể bình thản quay trở vào nhà để ngủ tiếp mà không có bất cứ một nỗ lực nào báo hiệu cho các phương tiện khác đang lao đến cung đường định mệnh. Chỉ cần một cái đèn pin hoặc một tấm bảng trắng làm hiệu, hàng trăm người dân vô tội đã có thể không phải đeo vành tang trắng. Rất nhiều đau đớn, mất mát, suy thoái có cùng một thủ phạm nguy hiểm, đó là sự vô cảm. Nhiều nhân chứng khác đã kể rằng họ thấy nhân viên y tế bắt những người bị nạn đang quằn quại ấy nộp 200 ngàn đồng mới được đưa đi cấp cứu. Nếu điều này là sự thực, thì sự vô cảm đã trở thành tội ác. Cuối năm 2012, Viện Gallup, một cơ quan khảo sát quốc tế, công bố Việt Nam đứng thứ 13 trong danh sách các quốc gia ít cảm xúc nhất thế giới. Bình luận về kết quả khảo sát này, các nhà khoa học Việt đã khẳng định rằng: Người Việt không có cái gene nào gọi là gene vô cảm! Truyền thống "bầu ơi thương lấy cùng", "lá lành đùm lá rách" đã trở thành niềm tự hào của người Việt. Có những câu chuyện khiến chúng ta phải cảm động. Cụ già Nguyễn Thành Long (Phủ Lý, Hà Nam) 13 năm nay lặng lẽ đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày, để nhặt đinh trên đường quốc lộ để đinh tặc không có cơ hội cướp đi mạng sống của bao người. Bác Nguyễn Văn Thành cùng 24 người khác ở Dĩ An (Bình Dương), nhiều năm nay đã tình nguyện đứng vào đội xe ôm cứu thương. Khi có tai nạn, những Tài xế xe ôm rất nghèo này, vội vàng xin lỗi khách đi xe, đến ngay hiện trường chở người bị nạn đi cấp cứu mà không lấy một cắc bạc. "Lẽ ở đời, giúp được ai thì nên giúp thôi" - bác Thành mộc mạc thổ lộ. Cụ già Đặng Văn Lợi (Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhiều năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, tự nguyện đứng gác đường tàu, giúp bao người thoát nạn hỏa xa. "Tàu còn chạy, tôi còn đứng gác" - cụ Lợi khẳng định. Cũng 10 năm nay, chị Hà Thị Long (Yên Bình, Yên Bái) cần mẫn tình nguyện làm công việc mà nhiều người khiếp sợ. Người đàn bà nghèo khổ đến độ phải bán cả con chó đang chửa và cái công tơ điện để chữa bệnh cho con ấy, hàng ngày vẫn đi nhặt hàng trăm kim tiêm máu me do con nghiện vứt lại, để tránh hoạ HIV cho nhiều người khác. Chị Long rất sợ nhà báo. Chị bảo "tốt nhất chú đừng viết gì về tôi, như thế nó mất cái lòng thơm thảo đi". Thế nhưng, tiếc rằng hiện nay, những câu chuyện như trên không còn nhiều nữa. Thậm chí đối với một bộ phận không nhỏ người thực dụng, hành động cao cả của cụ Long, cụ Lợi, bác Thành, chị Long, giống như hành động dại khờ, "hâm dở". Thực tế đã có nhiều người không vô cảm bị côn đồ đánh đập dã man, bị hao khuyết tài sản, bị vướng vòng lao lý...khi "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha". Làm sao chữa được bệnh vô cảm khi mà, như nhà thơ Hồng Thanh Quang, đã có một đúc kết lo sợ: "Đôi khi vô cảm đang là phương tiện để tự bảo vệ chúng ta"?
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Bùi Hải