Cảm xúc của người lính Trường Sa về lá thư gửi lãnh đạo Trung Quốc

06/04/2013 07:10
Minh Tuệ
(GDVN) - “Mỗi khi nghe thấy tin tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu của Trung Quốc xua đuổi và gây thiệt hại thì chúng tôi cảm thấy bức xúc lắm. Và khi đó lại nung nấu ý chí cần có những hành động lên án thể để cảnh gây hấn của chúng không còn tái diễn như thế nữa…”.
LTS: Sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng tải Thư học sinh lớp 4 Việt Nam gửi lãnh đạo Trung Quốc, tòa soạn đã nhận được rất nhiều bài viết, những ý kiến của độc giả gửi về hưởng ứng bức thư trên của cháu Trương Ánh Dương, học sinh Lớp Trí Đức 4H2 do cô Đặng Nguyệt Anh phụ trách. Nhất là những bài viết, tâm sự, tình cảm của các chiến sĩ đã và đang có thời gian công tác tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng luôn hướng về đất liền, và những tình cảm của thế hệ trẻ hôm nay cũng gửi gắm đến các anh lính đảo những tinh thần nhiệt huyết, chân thành nhất...

Luôn chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Những ngày đầu tháng 4/2013, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có một cuộc nói chuyện với Thượng uý Hoàng Tùng – người vừa từ Trường Sa trở về đất liền công tác được 2 tháng và đang công tác tại Tổng Cục kỹ thuật. Thượng uý Tùng đã có 4 năm làm nhiệm vụ thuộc đơn vị sửa chữa cơ động tại Trường Sa. Với Thượng uý Tùng, 4 năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng nó đủ để Trường Sa có một vị trí trang trọng trong trái tim anh.

Nụ cười của các chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió
Nụ cười của các chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió

Khi được hỏi về cảm xúc trước những cánh thư từ trong đất liền gửi ra khi còn ở Trường Sa, Thượng uý Hoàng Tùng xúc động chia sẻ: “Là người Việt Nam, ai cũng thế, khi thấy có hành động xâm phạm chủ quyền từ nước khác vào bờ cõi đất nước thì lòng tự tôn dân tộc đều lên cao. Được sự động viên của đất liền, trước mọi âm mưu, quấy rối của lẻ thù thì mình vẫn vững tâm, chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
“Mỗi khi nghe thấy tin tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu của Trung Quốc xua đuổi và gây thiệt hại thì chúng tôi cảm thấy bức xúc lắm. Và khi đó chỉ muốn làm việc gì đó để cho hành động gây hấn của chúng không còn tái diễn nữa. Mỗi lúc như thế, lòng tự hào dân tộc lại dâng cao và muốn góp một phần sức lực nhỏ nhoi để bảo vệ tổ quốc, không cho kẻ thù xâm phạm và biến mong muốn đó thành hành động”, Thượng uý Tùng chia sẻ trong niềm xúc động mạnh. Khi đọc những lá thư của thế hệ trẻ Việt Nam gửi lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là lá thư của các em học sinh lớp 4 do cô Đặng Nguyệt Anh dạy, Thượng uý Hoàng Tùng cho biết: "Tôi thật sự bất ngờ và xúc động trước các lá thư của các em. Việc các em làm mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống dân tộc, thể hiện lòng tự tôn dân tộc rất lớn. Tôi mong những đề văn như vậy sẽ có ở nhiều lớp và các nhà quản lý giáo dục cũng nên xem xét việc đưa vào chương trình để giáo dục cho các em về chủ quyền biển đảo của đất nước và tăng thêm lòng tự tôn dân tộc cho các em”. Và trước những sự việc như SGK có cờ TQ, nho Việt Nam dán cờ TQ, thương lái trộn hàng TQ lẫn vào hàng Việt Nam để dễ bán…, Thượng uý Tùng cũng cho rằng việc làm dù là chủ quan nhưng đã ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của đất nước và những hành động như vậy rất đáng trách. Và những người lớn đó thật đáng xấu hổ trước các em học sinh lớp 4 bởi họ đã vô tình đặt lợi ích cá nhân cao hơn lòng tự tôn dân tộc chính trong họ.

"Dù ở ngoài đảo xa hay trong đất liền đều là tổ quốc mình
"

PV: Là người đã từng nhiều lần nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với những em học sinh trong đất liền khi còn ở Trường Sa do cô giáo Đặng Nguyệt Anh làm cầu nối, cảm xúc của anh lúc đó ra sao?

Thượng uý Hoàng Tùng: Khi tôi còn ngoài đảo được nói chuyện trực tiếp với những học sinh do cô Nguyệt Anh dạy, tôi đươc nghe các em tâm sự, chia sẻ và cảm thấy rất ấm lòng. Việc các em hiểu về chủ quyền biển đảo là rất tốt. Các em có hỏi về sự vất vả của các chú hải quân ngoài đảo. Khi nghe được những lời hỏi thăm như vậy, anh em chúng tôi cảm thấy rất yên tâm, mọi mệt mỏi tiêu tan hết. 

PV: Vào đất liền được 2 tháng, anh cảm thấy thế nào?

Thượng uý Hoàng Tùng: Ở đảo xa hay trong đất liền cũng đều là tổ quốc mình thôi. Về điều kiện vật chất, trong đất liền hơn ngoài đảo xa nhưng tôi cũng rất nhớ Trường Sa. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”. Mỗi một lần nhắc đến từ “biển đảo”  hoặc nghe một bài hát nào đó như bài “Nơi đảo xa” thì lại càng nhớ, nhớ da diết Trường Sa. Những lúc như thế, tôi chỉ muốn ra ngay tại đảo để gặp lại những hình ảnh thân quen: cột mốc chủ quyền và cây bàng vuông. Chính những hình ảnh này đã làm tôi thêm yêu tổ quốc.

Ngồi dười tán cây bàng lá vuông mát rượi, các chiến sĩ hạnh phúc đọc những dòng thư của người thân từ đất liền gửi ra.
Ngồi dười tán cây bàng lá vuông mát rượi, các chiến sĩ hạnh phúc đọc những dòng thư của người thân từ đất liền gửi ra.

PV: Anh có thể chia sẻ đôi điều về cảm xúc của những người lính ngoài đảo xa mỗi khi có người từ trong đất liền ra thăm…

Thượng uý Hoàng Tùng: Chẳng riêng một ai, anh em chúng tôi ở ngoài đảo đều khao khát những người từ đất liền ra thăm. Mỗi khi có một người từ trong đất liền ra thăm thôi thì dù không biết họ tên, quê quán nhưng lúc đó, tôi có cảm giác nhớ lắm. Mỗi khi có tàu cá ghé vào xin nước thôi thì chúng tôi đã cảm thấy rất vui và đã thấy rất gắn bó dù lần đầu gặp mặt…

PV: Khoảng thời gian từ lúc đầu ra đảo cho đến lần đầu tiên anh gặp người trong đất liền ra là bao lâu?

Thượng uý Hoàng Tùng: Khoảng thời gian đó của tôi là khoảng 4 – 5 tháng đối với đảo lớn. Còn những anh em ở đảo chìm thì phải khoảng 7- 8 tháng mới được gặp người trong đất liền ra.

PV: Cảm xúc khi đó của anh như thế nào?

Thượng uý Hoàng Tùng: Lần đó tôi nhìn thấy tàu thì tôi bỗng thấy có cảm giác như một người thân ra thăm mình. Tôi liền chạy ra cầu cảng và đứng vẫy tay theo một phản xạ rất tự nhiên và mồm liên tục gọi to: “Tàu ơ….i!”. Và khi những người từ đất liền lên đảo thì cảm giác lúc đó khó mà diễn tả được bằng lời mà chỉ có hành động giống như một người đi xa trở về với tổ quốc. Lúc đó, an hem chúng tôi vui lắm.

PV: Lúc đó anh có khóc không?

Thượng uý Hoàng Tùng: Cảm xúc lúc đó dâng trào, những cái bắt tay thắm thiết, ôm nhau thật chặt. Khi gặp những người trong đất liền ra thì rơm rớm nước mắt và nghẹn ngào dù chưa biết những người đó ở đơn vị nào, an hem trong đất liền ra sao.

PV: Thế còn lúc lính đảo chia tay những vị khách từ đất liền…

Thượng uý Hoàng Tùng: Khoảng khắc chia tay nó cứ bịn rịn và muốn níu kéo làm sao ấy. Cái cảm giác lúc đó giống hệt cảm giác lúc những người thân của mình tiễn đưa mình lên đường nhập ngũ. Chúng tôi còn xin số điện thoại của nhau. Thời gian đó, điện thoại rất khó khăn nhưng cũng đã có những sự chia sẻ với nhau và sau đó, có những món quà từ đất liền gửi ra...

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Minh Tuệ