Trung Quốc đang dùng tàu ngầm để đe dọa các nước ở Biển Đông

14/04/2013 07:08
Việt Dũng
(GDVN) - Hạm đội Nam Hải TQ đang tăng cường khả năng tác chiến tàu ngầm, triển khai tàu ngầm thông thường và hạt nhân ở 3 căn cứ tàu ngầm ven biển biển Đông.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, mua của Nga
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, mua của Nga

Trang mạng sina vừa có bài viết về tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc. Bài viết dẫn nguồn tin từ tờ nguyệt san “Nghiên cứu quân sự” Nhật Bản cho biết, trên biển châu Á đang diễn ra một cuộc chạy đua tàu ngầm.

Trung Quốc, với tham vọng tìm kiếm các nguồn tài nguyên ở các khu vực trên thế giới, đang gia tăng số lượng tàu ngầm, đồng thời, các nước Đông Á lệ thuộc vào biển cũng tới tấp tăng cường sức mạnh tàu ngầm.

Theo bài viết, tuy thông thường cho rằng tàu ngầm Mỹ có thể kiểm soát Thái Bình Dương, nhưng Trung Quốc đã tạo ra thách thức ưu thế của Mỹ ở khu vực duyên hải-biển gần. Đến nay, số lượng tàu ngầm của Mỹ ở Thái Bình Dương đã nhiều hơn ở Đại Tây Dương, trong tương lai còn có thể tiếp tục tăng lên.

7 năm qua, Trung Quốc luôn xây dựng căn cứ tàu ngầm mới và tàu nổi cỡ lớn mới ở vịnh Á Long, thuộc Tam Á, đảo Hải Nam. Các căn cứ hải quân ở Tam Á và khu vực lân cận gồm:

Căn cứ tàu ngầm Du Lâm: Triển khai ít nhất 4 tàu ngầm lớp Kilo và 4 tàu ngầm Type 039A trở lên.

Căn cứ tàu ngầm hạt nhân Á Long: Từ hình ảnh vệ tinh có thể nhìn thấy 3 cầu tàu của tàu ngầm hạt nhân, độ dài 230 m, qua đó có thể thấy quy mô của Hạm đội Nam Hải. Tại căn cứ này, còn có công trình ngầm và thiết bị khử từ. Trong đó, công trình ngầm có thể giúp cho tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn ra vào.

Tàu ngầm thông thường lớp 039A của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường lớp 039A của Hải quân Trung Quốc

Căn cứ đảo Hạ Xuyên: Trên đảo Hạ Xuyên ở tỉnh Quảng Đông, có tin cho rằng ở đây cũng đã xây dựng một căn cứ. Hình ảnh năm 2010 cho thấy, ở đây đã xây thêm 3 cầu tàu dành cho tàu ngầm. Đảo Hạ Xuyên gần Đài Loan hơn là đảo Hải Nam, đặc biệt có lợi cho tàu ngầm nhanh chóng tiến ra vùng biển phía nam và phía đông Đài Loan.

Theo bài viết, tháng 8/2010, căn cứ vịnh Á Long đã xuất hiện 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093. Như vậy, Hạm đội Nam Hải đã trang bị tàu ngầm hạt nhân tấn công mới nhất, thuận lợi hơn cho việc xâm nhập Ấn Độ Dương. Hơn nữa, đối với cụm chiến đấu tàu sân bay tương lai, tàu ngầm hạt nhân Type 093 cũng không thể thiếu. Điều này có nghĩa là, Hải quân Trung Quốc đang tăng cường khả năng tác chiến tàu ngầm ở biển Đông, đồng thời trong thời chiến sẽ theo dõi cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ đến từ phía bắc.

Từ năm 2005 đến nay, tàu ngầm hạt nhân trong đó có tàu Type 091 xuất phát từ đảo Hải Nam, xâm nhập biển Đông, vùng biển quanh Guam và vùng biển ven bờ của Nhật Bản.

Nguồn tin từ Hải quân Ấn Độ cho biết, Hải quân Ấn Độ luôn quan tâm đến hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, “tần suất của hoạt động này đang gia tăng một cách ổn định”. Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 cũng xuất hiện ở biển Đông.

Sau năm 2008, bên ngoài nhiều lần xác nhận hình ảnh của tàu ngầm hạt nhân Type 094 bỏ neo ở Tam Á. Bài viết cho rằng, ý đồ của việc bố trí này rất rõ ràng: Tận dụng nước sâu ở biển Đông, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có thể tăng độ khó cho hoạt động tìm kiếm săn ngầm của Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương Type 093 của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương Type 093 của Hải quân Trung Quốc

Bài viết cho rằng, sở dĩ bố trí tách riêng 2 loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 và Type 094 là do vùng biển ở ngoài căn cứ tàu ngầm hạt nhân Thanh Đảo có độ sâu đều chỉ khoảng 100 m, đối với tàu ngầm hạt nhân có tiếng ồn khá lớn, rất khó tránh được hoạt động tìm kiếm của thiết bị sonar. Khi hoạt động ở vùng biển nông, nếu thời tiếng nắng ráo, máy bay săn ngầm P-3C thậm chí có thể sử dụng mắt thường phát hiện đường tàu ngầm dưới nước.

Trong khi đó, ở biển Đông, sau khi tàu ngầm ra khỏi vịnh Á Long 80 km, nước sâu đã lên đến 200 m, điều này có thể nâng cao rất lớn tính bí mật cho tàu ngầm hạt nhân Type 094. Vì vậy Type 094 rất có thể hoạt động ở nửa vùng biển vịnh Bắc Bộ thuộc Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc tuyên truyền rằng, chính vì vậy, Trung Quốc rất quan tâm tới việc Hải quân Việt Nam nhập khẩu 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo của Nga. Đối với vấn đề này, 2 tàu ngầm hạt nhân Type 093 và các tàu ngầm thông thường khác được TQ  triển khai ở vịnh Á Long với mục đích sẽ tạo ra 2 tuyến phong tỏa trong thời chiến, ngăn chặn Hải quân  Mỹ và Việt Nam ở khu vực vịnh Bắc Bộ trong thời chiến.

Theo bài viết, trong 10 năm tới, tàu ngầm Trung Quốc sẽ đổi mới toàn bộ thành tàu ngầm hiện đại. Đồng thời, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và các nước Đông Nam Á đang đẩy nhanh mua sắm tàu ngầm. Năm 2020, tổng số tàu ngầm thông thường của những nước này sẽ trên 100 chiếc.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn Type 094 Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn Type 094 Trung Quốc

So với tàu sân bay và tàu khu trục, hiệu quả răn đe của tàu ngầm rất mạnh, hơn nữa nó chính là vũ khí rất tốt để đối phó với tàu ngầm của nước khác. Vùng biển châu Á sẽ xuất hiện cục diện đối đầu sức mạnh trên biển phức tạp hơn.

Việt Dũng