Nếu không "trượt" 6 năm, FPT lớn mạnh "không thể hình dung nổi"

30/04/2013 15:46
Theo Vietnam+
Người viết thực sự lấy làm tiếc vì lẽ ra, nếu không bị trượt mất 6 năm trở lại đây, sự lớn mạnh của FPT là không thể hình dung nổi.
FPT đang hướng đên kỷ niệm mốc 1/4 thế kỷ hình thành. 25 năm là con số không hề ngắn trong cuộc đời của con người cũng như của một công ty mà khởi nguồn được xây dựng lên từ những hoài bão: thoát nghèo và cống hiến cho đất nước. Khi viết chùm bài này, tác giả bài viết không hề có ý định "xấu" hay gây bất lợi cho FPT, chỉ trên quan điểm báo chí muốn đưa một nhìn nhận khách quan. Người viết cũng thực sự lấy làm tiếc vì lẽ ra, nếu không bị trượt mất 6 năm trở lại đây, sự lớn mạnh của FPT là không thể hình dung nổi.
Lễ ký liên doanh giữa BPO đầu tiên tại Đông Nam Á giữa FPT Sofware và đối tác lâu năm Nhật Bản. (Nguồn: FPT)
Lễ ký liên doanh giữa BPO đầu tiên tại Đông Nam Á giữa FPT Sofware và đối tác lâu năm Nhật Bản. (Nguồn: FPT)
Có thể sẽ chưa sánh ngang Microsoft, Intel, IBM, Apple... nhưng tầm ảnh hưởng của FPT với quốc gia và vươn ra toàn cầu là không phải bàn cãi. Họ đã lãng phí mất quá nhiều thời gian, tiền bạc và khuếch trương thương hiệu cho kinh doanh đa ngành nghề. Trong khi, ở một khoảng khuất lấp thì thương hiệu FPT đã, đang âm thầm lan tỏa giúp "cứu vãn" cho lợi nhuận của FPT, cũng như góp một phần tích cực vào ngành công nghệ thông tin cũng như nền kinh tế.
FPT IS - ráp nên xương sống nền công nghệ thông tin và kinh tế Việt
Ai cũng rõ là công nghệ thông tin là xương sống của nền kinh tế. Nhưng không phải ai cũng biết hệ thống xương sống đó của kinh tế Việt Nam đa phần là do FPT, đúng hơn là đơn vị thành viên của họ, Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) xây dựng. Hầu hết các dự án hạ tầng công nghệ thông tin lớn nhất quốc gia đều do FPT IS xây dựng, hoàn thành và
đưa vào vận hành chuyển giao công nghệ trong suốt gần 20 năm qua, chiếm khoảng trên 60% các dự án. Có đến 90% ứng dụng quan trọng của ngành thuế; 50% hệ thống ngân hàng (từ ATM đến core banking...) do FPT IS xây dựng. 100% công ty viễn thông dùng phần mềm tính toán của FFPT IS và 22 tỉnh, tới đây là khoảng từng đó nữa do FPT IS triển khai Chính phủ điện tử.... Cuối năm 2012, Vietcombank đã trao cho FPT IS triển khai hợp đồng corebanking lớn nhất từ trước tới nay. Cùng đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng tin tưởng giao cho FPT IS xây dựng phần mềm cho ngành. Đây chính là bàn đạp để FPT IS toàn cầu hóa. Dự án “Triển khai ứng dụng quản trị nguồn lực doanh nghiệp” có giá trị lớn nhất trong lịch sử ERP Việt Nam cho Petrolimex cũng vừa được FPT IS tổng kết vào ngày 16/4. Dự án này được ký từ cuối năm 2009 với trị giá gần 13 triệu USD, là hợp đồng có giá trị lớn nhất trong lịch sử ERP tại Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn, công ty lớn đều do FPT IS triển khai ERP - được thực hiện nhằm xây dựng và áp dụng thống nhất các quy trình nghiệp vụ từ các phòng, ban trên công ty mẹ xuống các chi nhánh thành viên bao gồm cả quy trình sản xuất, xuất nhập khẩu, kho, hàng tồn, lỗ lãi... nhằm giúp lãnh đạo các đơn vị nắm được mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh... của mình để phục vụ tốt yêu cầu tác nghiệp, điều hành và hỗ trợ ra quyết định. Bên cạnh đó, tích hợp, tập trung và chia sẻ thông tin giữa các phòng ban để từ đó tạo ra những báo cáo tức thời và tin cậy, sớm có cơ chế kiểm soát công việc hợp lý, với khả năng phân định trách nhiệm rõ ràng. "FPT IS tự hào vì đã xây dựng những hệ thống thông tin lớn của quốc gia, mang lại lợi ích cho đất nước, doanh nghiệp và chủ đầu tư” trong lễ tri ân khách hàng vừa qua, ông Đỗ Cao Bảo, thủ lĩnh của FPT IS chia sẻ. Theo ông, cùng với đất nước, FPT IS đang ra biển lớn. Trong đại dương đó, tri thức mênh mông và khó khăn thì vô tận. Người đứng đầu FPT IS tin tưởng, công nghệ thông tin chính là con đường, là hy vọng để cho dân giàu, nước mạnh và FPT IS sẽ thực hiện sứ mệnh này cùng FPT. Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng tỏ ra rất ấn tượng với kết quả của FPT IS: “Công nghệ thông tin là động lực phát triển mọi ngành kinh tế. FPT hiện là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Và những thành quả FPT IS đã làm là không hề nhỏ." Tuy nhiên, sao thành quả đó, một FPT - nền tảng công nghệ lại không được nhiều người biết đến? Câu trả lời dành cho Hội đồng quản trị và vị Tổng Giám đốc của FPT.
Phần mềm: Khi lãng mạn lại là hiện thực
Phần mềm, xuất khẩu phần mềm, FPT Software đã làm một thời làm khuynh đảo, rạng danh cho FPT, gắn liền với một nền kinh tế tri thức. Nhưng, đúng lúc đang tăng trưởng tốt, người sinh ra chỉ để làm phần mềm - ông Nguyễn Thành Nam đột nhiên bị ẩy lên ghế nóng cho những toan tính đầy khó hiểu của Hội đồng quản trị FPT bỏ lại FPT Software bơ vơ như thuyền không lái. Cùng thời điểm thị trường toàn cầu rơi vào cuộc khó khăn, mà người kế cận ông Nam không thể đủ sức đảm đương. Vẫn phát triển, vẫn tăng trưởng, nhưng nhiều khách hàng cũ do khủng hoảng tài chính đã không còn đủ lực để kéo dài thêm hợp đồng. Thị trường khách hàng mới khó khăn và công tác PR quên lãng, một FPT- phần mềm đã dần chìm đi sau những bảng hiệu màu mè, những khánh thành khai trương rầm rĩ của bán lẻ, của những cái điện thoại lắp ráp gắn chữ FPT- làm rẻ rúng đi thương hiệu này. Tháng 10/2011, FPT đưa ông Hoàng Nam Tiến về thay ông Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Software. Một quyết định có lẽ là đúng đắn nhất của Hội đồng quản trị FPT. Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến được coi là vị lãnh đạo "lãng mạn" với ước mơ phát triển nhân sự FPT Software đến năm 2016 đạt 10.000 người với doanh thu 200 triệu USD. Và xa hơn đến năm 2023 sẽ có 100.000 cán bộ nhân viên. Với con số nhân sự hiện là 5.000 người, nhưng tự tin, và tin vào đội ngũ lãnh đạo kế cận, ông Tiến chia sẻ: "Quan trọng nhất là phải biết kế thừa và phát huy được năng lực của con người. Tôi rất tự hào là đến nay đội ngũ 'key person' của FPT Software vẫn được giữ nguyên. Mong muốn rằng mỗi lãnh đạo trẻ của FPT Software sẽ đứng vững trên đôi chân của mình, không phụ thuộc vào bất cứ ông sếp nào. Trong các giá trị cốt lõi của FPT, chữ Tôn nghĩa là tôn trọng sự khác biệt của người khác. Cách làm của tôi không giống anh Nam, và anh Nam chắc cũng không thể làm giống tôi. Đấy cũng là một biểu hiện của sự kế thừa và phát triển văn hóa”. Ông Tiến khẳng định ngoài tập trung vào gia công phần mềm (outsourcing) thì sẽ đầu tư vào công nghệ. Trong tương lai, đơn vị vẫn coi outsourcing là nền tảng, tuy nhiên sẽ có những phát triển mới theo hướng khác. "Toàn cầu hóa" chính là sứ mệnh lâu dài của FPT Software. Theo đó, cơ cấu doanh thu đơn vị cũng sẽ thay đổi. 80% doanh thu đến từ các công việc truyền thống, 20% đến từ những công đoạn sâu, giúp FPT Software nâng cao chuỗi giá trị, mở rộng phạm vi công việc và vị thế trên thị trường. “Các lãnh đạo thường mất nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch công việc, nhưng ít thấy mọi người xây dựng kế hoạch phát triển bản thân mình với những mục tiêu rõ ràng. Quan điểm của tôi là động lực của mỗi cá nhân chính là động lực phát triển của cả xã hội. Mỗi một người mong muốn phát triển bản thân mình tốt hơn thì thực sự xã hội sẽ tốt hơn”. Và những kết quả mà FPT Software "đệ nhị" làm được trong hơn một năm qua thật ấn tượng và đáng khám phục. Sau năm 2012, FPT Software quay trở lại với tốc độ tăng trưởng kinh doanh 30% và cán mốc 4.000 nhân viên. FPT Software là công ty Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn Độ) cùng NeoGroup (Mỹ) đánh giá. Quý I/2013, FPT Software đứng đầu trong các đơn vị của FPT với mức tăng trưởng 46%.Vĩ thanh Quay lại nói một chút về chiếc ghế Tổng Giám đốc, trong nhiều ứng viên, bao giờ cũng có tên ông Đỗ Cao Bảo. Nhưng nhiều người, kể cả người FPT đều không tính đến khả năng ông sẽ ngồi lên chiếc ghế này. Các bình luận cho rằng do ông Bảo chủ yếu gắn bó mới mảng Hệ thống thông tin - mảng xương xẩu nhất và gặp rất nhiều khó khăn, nên sẽ không có cái nhìn toàn cục. Hoàng Nam Tiến cũng luôn là một ứng cử viên sáng giá, lại trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, từng xây dựng và phát triển Công ty Phân phối FPT (nay thuộc FPT Trading) với đỉnh cao là giai đoạn 2003-2008 là mạng lưới phân phối lớn nhất tại Việt Nam và liên tục đem lại doanh thu cũng như lợi nhuận cao nhất cho FPT. Giờ FPT Software cũng là công ty thành viên đang lấy lại tốc độ tăng trưởng rất cao kể từ khi ông Tiến về chỉ huy. Có thể nói, ông Nam Tiến làm gì cũng được, nói là làm, và làm hết mình, nên chiếc ghế Tổng Giám đốc FPT mà nói, với ông cũng chẳng có gì ngoài tầm với. Nhưng sẽ dại dột nếu để ông Tiến rời FPT Sofware lúc này, vì cái nhiệt huyết lao động và khát khao thành cường quốc xuất khẩu phần mềm bùng cháy từ thời ông Thành Nam đã được ông Tiến khơi lại và đang làm rất tốt. Dưới quyết tâm của mình, không hề lãng mạn để ông Tiến và FPT đưa "FPT Software thành Infosys của Việt Nam." Tương tự, ở vị trí là thuyền trưởng lái con tàu tạo nên huyết mạch công nghệ thông tin của đất nước, một đơn vị luôn giữ tăng trưởng cao, lợi nhuận chiếm 30% trong cơ cấu lợi nhuận của FPT bất kể thời điểm kinh tế khó khăn hay thuận lợi thì mục tiêu chính, cũng là đam mê duy nhất khiến ông Bảo từ bỏ áo lính để bước chân vào FPT đã thoả nguyện. Có lẽ niềm đam mê đó chưa hề mai một để ông Bảo dừng cuộc hành trình cho một vai trò mới. Chẳng thà dồn lực và tạo điều kiện cho họ xây dựng đôi chân thật vững chãi đủ lực cho người khổng lồ bước nhanh vào hội nhập. Từ phân tích giá trị thương hiệu/công nghệ qua hai điển hình FPT IS và FPT Software, dễ dàng nhìn thấy thương hiệu FPT đã và cần được làm nên từ những giá trị công nghệ đó, dù không phủ nhận là FPT còn rất nhiều mảng đem lại lợi nhuận cao. Nên ông Bình, ông Ngọc, ông Bảo, ông Tiến hay dù là vị CEO nào ngồi lên chiếc ghế Tổng giám đốc FPT thì cũng cần bám chắc vào nền tảng đó. Quan trọng hơn cả, từ Hội đồng quản trị và ban điều hành FPT cần không được quên, họ là công ty hàng đầu về công nghệ thông tin của Việt Nam, của cả khu vực. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh," đầu tư sâu vào công nghệ chứ mới là chiến lược bài bản, lâu dài và vững chắc thay vì kinh doanh an toàn, thủ cựu và cái gì đang lời thì làm. Chắc chắn 13 người sáng lập ra FPT không hề muốn FPT của họ cả đời tâm huyết chỉ dừng lại ở tuổi 25, 30 hay 50... Và giá trị để FPT sống với thời gian kể cả khi 13 người sáng lập đó không còn ai ở FPT thì câu chuyện giá trị thương hiệu trên nền tảng công nghệ đặt ra hôm nay chưa phải là quá muộn.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Vietnam+