Báo Mỹ cảnh báo Ấn Độ về bài học trong chiến tranh năm 1962 với TQ

10/05/2013 09:34
Đông Bình
(GDVN) - Việc xây dựng đường sá nối tới khu vực biên giới Trung-Ấn của Ấn Độ gặp nhiều khó khăn, do hiệu quả thấp của hệ thống hành chính nước này.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ tại căn cứ
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ tại căn cứ

Ngày 7/5, trang mạng “StrategyPage” Mỹ đăng bài viết cho rằng, trên phương diện xử lý vấn đề tranh chấp biên giới Trung-Ấn, Ấn Độ không thể rút ra bài học thất bại năm 1962 và có thể giẫm lên vết xe đổ, nguyên nhân là Ấn Độ không khắc phục được điểm yếu to lớn khi giao tranh quân sự với Trung Quốc năm 1962, đến nay Ấn Độ vẫn thiếu đường sá nối với biên giới Trung-Ấn.

Tuy Ấn Độ đã sửa chữa sân bay ở khu vực gần biên giới Trung-Ấn và tăng triển khai quân đội, nhưng so với Trung Quốc, Ấn Độ đã thua trong xây dựng đường giao thông.

Trong hơn 5 năm qua, Ấn Độ hạ lệnh xây dựng đường nối với biên giới Trung-Ấn để khi cần thiết Ấn Độ có thể điều quân đội đầy đủ tới biên giới. Nhưng, đến nay phần lớn các con đường chưa được khởi công.

Bài viết cho rằng, chủ nghĩa quan liêu và hiệu quả thấp của hệ thống quan liêu ở Ấn Độ là nguyên nhân chính của vấn đề này. Ví dụ điển hình nhất là cơ quan mua sắm quân sự của Ấn Độ, chẳng hạn cơ quan này nghiên cứu phát triển và sản xuất trang bị nội địa phải bỏ ra tới vài chục năm và thường xuyên trì hoãn thời gian bàn giao; đồng thời, do vấn đề tham nhũng, do dự khiến cho các chương trình bị trì hoãn, thậm chí có lúc tạm dừng các chương trình mua sắm.

Mặc dù chính trị quan liêu tồn tại vấn đề nêu trên, nhưng Ấn Độ vẫn đạt được một số tiến triển. 3 năm trước, Ấn Độ đã lặng lẽ xây dựng một sân bay ở bang Uttarakhand miền bắc và đưa vào sử dụng. Sân bay này nằm ở gần biên giới với Trung Quốc, chủ yếu sử dụng cho mục đích quân sự. Đồng thời, trong thời gian những con đường này bị tê liệt vì tuyết rơi, sân bay này còn dùng để tiếp nhận những máy bay vận chuyển vật tư khan hiếm cho người dân gặp nạn.

Bài viết cho rằng, để phòng bị Trung Quốc, Ấn Độ mới triển khai mấy dự án tương tự trong đó có xây dựng sân bay. Nhưng, Ấn Độ đã ý thức được tiến hành hoạt động xây dựng ở những khu vực này hoàn toàn không dễ dàng. Không xây dựng được đường mới thì tất cả những hoạt động xây dựng khác đều hoàn toàn không có ý nghĩa gì.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI Ấn Độ triển khai ở biên giới Trung-Ấn
Máy bay chiến đấu Su-30MKI Ấn Độ triển khai ở biên giới Trung-Ấn

Bài báo cho rằng, so với sân bay ở các khu vực khác, sân bay ở những khu vực xa xôi này cần nhiều nhiên liệu và vật tư hơn. Đồng thời, Ấn Độ phát hiện bản thân bị Trung Quốc đẩy lùi xa ở phía sau. 3 năm trước, quan chức Ấn Độ phát hiện, ở khu vực biên giới chung Trung-Ấn kéo dài 4.000 km, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống đường sá.

Các nhân viên quy hoạch quân sự Ấn Độ tính toán, sử dụng mạng lưới đường sá đã xây dựng, Quân đội Trung Quốc có thể hành quân 400 km trên đường cứng trong 1 ngày, trong khi đó tốc độ nhanh nhất của Ấn Độ chỉ bằng 1 nửa, hơn nữa sẽ có nhiều xe bị tổn thất do điều kiện đường sá kém.

Theo báo Mỹ, vấn đề của Ấn Độ còn lâu mới kết thúc. Giải quyết vấn đề chủ nghĩa quan liêu của Ấn Độ thường cần mất tới chục năm, cho dù vấn đề được giải quyết thì Ấn Độ xây thêm đường sá ở biên giới còn cần vài năm nữa. Đường sá là điều kiện cần thiết để hỗ trợ Ấn Độ trong xây dựng sân bay và triển khai quân đội hiện đại ở biên giới.

Sau khi tiến hành khảo sát địa hình, các nhân viên quy hoạch quân sự Ấn Độ phát hiện, nước này có thể sẽ cần thời gian nhiều hơn, bởi vì Ấn Độ cần xây dựng các cơ sở bảo trì, các con đường dùng để vận chuyển nhiên liệu và tiếp tế vật tư, cùng với nhà ở cho gia đình binh sĩ.

Trên thực tế, mấy chục năm qua, người dân địa phương Ấn Độ sống ở khu vực biên giới với Trung Quốc luôn kêu gọi Chính phủ Ấn Độ tăng cường xây dựng đường sá và phát triển kinh tế địa phương. Bài viết cho rằng, Ấn Độ tăng xây dựng đường sá ở khu vực nêu trên chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nhưng lời kêu gọi của người dân địa phương đã bị từ chối, bởi vì chính sách của Chính phủ Ấn Độ .

Ấn Độ đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động xây dựng đường sá từ phía Trung Quốc, đến nay bản thân phải nhanh chóng đưa ra phản ứng, nếu không lại giẫm lên vết xe đổ thất bại năm 1962.

Ấn Độ mua trực thăng vũ trang Apache của Mỹ
Ấn Độ mua trực thăng vũ trang Apache của Mỹ

Nhưng theo bài viết, trong tình hình thiếu đường sá, Ấn Độ sử dụng các đường sá hiện có, triển khai lực lượng quân sự ở khu vực có đường nối tới biên giới hai nước gần nhất, gồm có vài sư đoàn bộ binh, biên đội máy bay chiến đấu Su-30 và 6 trung đội tên lửa phòng không.

Gần đây, những lực lượng quân sự này chỉ triển khai ở bang Assam khu vực đông bắc; đợi sau khi mạng lưới đường sá được xây dựng, việc triển khai những lực lượng quân sự này sẽ áp sát biên giới hơn. Chỉ có điều, điều này sẽ phải mất tới 10 năm hoặc lâu hơn.

Xét tới một loạt vấn đề trên, Lục quân Ấn Độ đã yêu cầu chi 3,5 tỷ USD thành lập 3 lữ đoàn (2 lữ đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn thiết giáp), dùng để phòng thủ biên giới. Trên thực tế, 3 lữ đoàn này là sự bổ sung cho quân đoàn miền núi mới được phê chuẩn thành lập gần đây. Quân số của lực lượng tác chiến miền núi này khoảng 80.000 người, sẽ hoàn thành biên chế trong 4 năm, chi tiêu khoảng 11,5 tỷ USD. 3 lữ đoàn mới sẽ chuẩn bị bố trí xong trong 4-5 năm tới.

Trong 10 năm tới, Ấn Độ sẽ chi 5 tỷ USD, dùng để xây dựng đường bộ, đường sắt và sân bay ở khu vực biên giới dài hơn 4.000 km với Trung Quốc. Chi tiêu như vậy sẽ cao hơn chi tiêu sử dụng thực tế cho xây dựng đường bộ và đường sắt.

Báo Mỹ cuối cùng chỉ ra, sách lược của hai bên Trung-Ấn là “binh mã chưa sử dụng, lương thảo phải đi trước”. Trung Quốc ý thức được điểm này sớm nhất và đã xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt tới khu vực biên giới Trung-Ấn. Như vậy, Trung Quốc có khả năng điều 30 sư đoàn tới khu vực biên giới Trung-Ấn, nhiều gấp 3 lần khả năng điều động binh lực của Ấn Độ tới khu vực này.

Xe tăng T-72 Ấn Độ diễn tập
Xe tăng T-72 Ấn Độ diễn tập
Đông Bình