Mối tình duy nhất và đám cưới phải chui xuống hầm trú ẩn của Trà Giang

23/08/2013 07:43
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Với gương mặt ăn ảnh và một đôi mắt rất “có thần”, Trà Giang đã khởi nghiệp diễn xuất bằng một vai phụ trong phim “Vợ chồng A Phủ”. Bộ Phim "Chị Tư Hậu" và "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" đưa tên tuổi Trà Giang lên đỉnh cao của nền điện ảnh nước nhà.
Gương mặt điện ảnh và đôi mắt biết nói

Nổi tiếng trong thế giới điện ảnh từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, với những vai chính gây ấn tượng sâu sắc trong các phim Chung một dòng sông (Bộ phim truyền hình đầu tiên của nước ta - Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai ), Mối tình đầu, Chị Tư Hậu (Giải Bông sen vàng Việt Nam và Huy chương bạc Liên hoan phim Quốc tế Mátxcơva năm 1963), Ngày lễ Thánh, Huyền thoại mẹ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (Giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai Dịu). Trà Giang đã nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân khi tuổi đời chưa tròn 50, nhờ những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh nước nhà.

Sinh năm 1942 tại miền đất gió cát Bình Thuận nhưng Trà Giang đã theo cha mẹ tập kết ra Bắc từ khi mới 12 tuổi. Suốt quãng thời niên thiếu và trong những năm tháng vất vả với nghiệp diễn, Trà Giang đã ngày càng khắc sâu trong mình tình yêu với mảnh đất miền Bắc đầy thân thương. Dù sau này, khi đã chuyển về Nam sinh sống nhưng năm nào, NSND cũng bay ra Hà Nội để thăm và gặp bạn bè thân thiết, ôn lại những kỷ niệm của một thời điện ảnh khốn khó.

NSND Trà Giang trong phim "Chị Tư Hậu".
NSND Trà Giang trong phim "Chị Tư Hậu".

Khi ấy, Trà Giang mới chỉ là một cô bé thích văn nghệ, thích xem tuồng, chèo, cải lương, xem xiếc, múa… Sớm nhìn ra được tố chất nghệ sĩ của Trà Giang nhưng cha bà – NSƯT Nguyễn Văn Khánh vẫn muốn con gái mình tập trung vào việc học tập. Thế nhưng, sống trong khu văn công, Trà Giang lại trở nên say mê nghệ thuật.

Năm 1959, Trà Giang thi đỗ vào trường múa. Cha bà chính là người định hướng con gái theo nghiệp điện ảnh bởi Trà Giang có khuôn mặt rất thu hút. Nghiệp múa của bà đã dang dở khi Bộ Văn hóa tổ chức thi tuyển diễn viên cho khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh. Trà Giang nhanh chóng lọt qua vòng tuyển sinh, trở thành lớp diễn viên đầu tiên của Trường Điện ảnh.

Điện ảnh Việt Nam lúc ấy còn rất mới, chỉ có một hai phim ra mắt; diễn viên lúc ấy chỉ diễn đơn thuần theo bản năng và sự cảm nhận riêng của mỗi người. Với gương mặt ăn ảnh và một đôi mắt rất “có thần”, Trà Giang đã khởi nghiệp diễn xuất bằng một vai phụ trong phim “Vợ chồng A Phủ”. Được đào tạo bài bản, lối diễn bớt tính sân khấu và mang nhiều chất điện ảnh của Trà Giang trong vai diễn chỉ lướt qua màn ảnh đã để lại ấn tượng với các đạo diễn.

Sắp đặt cuộc đời đưa cô đến với vai tiếp theo trong “Một ngày đầu thu”. Nhân vật của Trà Giang có chồng tham gia du kích. Đó là bước đầu tiên để Trà Giang nhận ra được ý nghĩa của sự đấu tranh sinh tồn, của một cuộc sống cách mạng.

Bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" do NSND Trà Giang đóng vai chính.
Bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" do NSND Trà Giang  đóng vai chính.

Sau đó, các vai diễn quan trọng lần lượt đến với Trà Giang. “Chị Tư Hậu” là người phụ nữ biết cầm súng đấu tranh bởi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”; rồi vai diễn trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, người phụ nữ được giác ngộ và có ý thức cách mạng sâu sắc. Các bộ phim này dần trở thành những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam và mang lại tên tuổi cho Trà Giang. Bao nhiêu năm đã trôi qua từ thế hệ lớp diễn viên đầu tiên nhưng những vai diễn của NSND Trà Giang vẫn làm rung động hàng triệu trái tim khán giả.

NSND Trà Giang tâm sự: “Tôi rất may mắn vì được đóng vai người phụ nữ qua nhiều thời kỳ cách mạng Việt Nam. Một diễn viên, nếu không diễn bằng tâm hồn, bằng sự hiểu biết thì cũng chỉ là người kể chuyện một cách máy móc, khô khan mà thôi. Thời ấy, cái gì cũng vất vả, vừa đóng phim lại vừa trốn địch nhưng thế hệ diễn viên chúng tôi lại có vốn sống phong phú và cảm giác chân thật để nhập hồn vào vai diễn”.

Mối tình đầu tiên và duy nhất

Là một người phụ nữ đẹp, nhưng cả cuộc đời mình, NSND Trà Giang chỉ có có duy nhất một mối tình. Người đàn ông may mắn đó là cố Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc.

Trà Giang nổi tiếng từ rất sớm nên được nhiều người biết tới. Ngày trẻ có không ít người đàn ông ngưỡng mộ nhan sắc của chị. Chị không đẹp rực rỡ, nhưng vẻ đẹp của chị là vẻ đẹp mà càng nhìn người ta càng cảm thấy đi vào lòng người. Thời ấy trong đoàn làm phim, rất nhiều nghệ sĩ, quay phim, đạo diễn ngỏ ý với Trà Giang. Nhưng cuối cùng chị lại chọn Bích Ngọc.

Với NSND Trà Giang, điều khiến chị yêu và cảm phục nhất ở chồng mình chính là ý chí bền bỉ và sự đồng điệu về tâm hồn giữa hai con người. Ngày trẻ, Bích Ngọc làm việc trong đoàn văn công của NSƯT Nguyễn Văn Khánh – cha của Trà Giang. 

Có thể coi NSND Trà Giang là nữ diễn viên nổi tiến nhất thuộc thế hệ đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam.
Có thể coi NSND Trà Giang là nữ diễn viên nổi tiến nhất thuộc thế hệ đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam.

Thời gian học tại Học viện âm nhạc Tchaiscopky, khi bộ phim “Chị Tư Hậu” do Trà Giang đóng vai chính được mang sang Liên Xô (cũ) chiếu tại liên hoan phim, Bích Ngọc đã vô cùng ấn tượng với cô diễn viên có đôi mắt biết nói trong phim. Anh nhanh chóng nhận ra đó chính là cô con gái nhỏ của NSƯT Nguyễn Văn Khánh – “sếp” cũ của anh khi anh còn công tác tại Đoàn Văn công Liên khu 5. Ngay khi xem bộ phim đó, Bích Ngọc dường như đã thầm thương trộm nhớ Trà Giang. 

Sau này khi về Việt Nam, Bích Ngọc đã nhiều lần tìm cách gặp Trà Giang nhưng không tìm được, thế nhưng duyên số sắp đặt trong một lần Bích Ngọc và Trà Giang tình cờ chạm mặt nhau khi cùng đến thăm bạn tại đường Trần Phú. 

Sau lần gặp bất ngờ đó, Bích Ngọc và Trà Giang thường xuyên liên lạc với nhau. Năm 1964, khi Bích Ngọc tham gia cuộc biểu tình chống Mỹ tại Matxcova bị thương (nhân sự kiện Vịnh Bắc Bộ 5/8/1964), Trà Giang đã viết thư sang động viên Bích Ngọc với những lời lẽ quan tâm và bày tỏ sự lo lắng. 

Sau lá thư đó, họ dần nhận ra tình cảm dành cho nhau. Năm 1966, khi Bích Ngọc trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp Học viện âm nhạc Tchaixcopky, tình yêu giữa Bích Ngọc và Trà Giang càng được thắt chặt. Năm 1967, trước khi Bích Ngọc quay trở lại Liên Xô học nghiên cứu sinh, Trà Giang và Bích ngọc đã quyết định làm đám cưới.
 
Trà Giang cùng chồng nghệ sỹ violon Bích Ngọc.
Trà Giang cùng chồng nghệ sỹ violon Bích Ngọc.

Đám cưới của Trà Giang – Bích Ngọc diễn ra vào năm 1967 là một đám cưới giản dị đến bất ngờ. Ngày đó ai cũng nghĩ một nữ diễn viên nổi tiếng như Trà Giang thì sẽ phải làm một đám cưới trang trọng, linh đình. 

Nhưng chị lại chọn cách tổ chức một đám cưới ấm cúng, giản dị. Bởi khi đó thấy hoàn cảnh đất nước chiến tranh, cha thì đi chiến trường, mẹ thì vất vả nuôi hai em nhỏ, nên Trà Giang không muốn đám cưới của mình phô trương, rình rang quá mức cần thiết. 

Ngày đi lấy chồng, chị nhờ mẹ làm cho bữa cơm mời khách, với đại diện gia đình hai bên và vài bạn bè thân thiết của Trà Giang. Trong lễ cưới, cô dâu mặc quần lụa đen, áo sơ mi hồng giản dị. Còn nhớ hôm đó, đúng bữa cơm thân mật mừng đám cưới, giặc Mỹ ném bom bất ngờ, nên tất cả mọi người tham dự đám cưới, từ cô dâu, chú rể đến gia đình, bạn bè hai bên đều phải chui xuống hầm trú ẩn, đợi máy bay Mỹ hết ném bom mới dám lên. 

Khoảng lặng bình yên sau bão tố

Sau khi kết hôn, Trà Giang và Bích Ngọc được phân cho một căn phòng nhỏ chừng 9m2, nguyên là phòng dựng phim của Hãng Phim truyện, sau khi bộ phận dựng phim chuyển về số 4 Thụy Khuê. 

Cả căn phòng nhỏ 9m2 đó chỉ có một cái bàn, một cái chạn bát, một cái giường và một cái tủ quần áo. Căn phòng chật chội đến nỗi để có chỗ để chạn bát, Bích Ngọc và Trà Giang phải cơi nới thêm ra một góc nhỏ ở đầu nhà. Còn mỗi lần muốn lấy quần áo treo trong tủ thì phải trèo hẳn lên giường để lấy vì không có chỗ đứng. Căn phòng không có bếp. Mọi việc nấu nướng đều phải chung với các gia đình khác trong căn bếp tập thể của cả khu.

Ngày đó đời sống nghệ sĩ vô cùng khó khăn. Ngay cả Trà Giang – một nữ diễn viên nổi tiếng cũng không phải ngoại lệ. Sau khi cô con gái Bích Trà – con gái đầu lòng và cũng là duy nhất của vợ chồng Trà Giang – Bích Ngọc chào đời, cuộc sống của gia đình Trà Giang càng thêm vất vả. 

NSND Trà Giang và con gái.
NSND Trà Giang và con gái.

Muốn mua cho con một cây đàn dương cầm, nhưng phải dành dụm rất nhiều năm, vợ chồng Trà Giang – Bích Ngọc mới có đủ số tiền để thực hiện ước mơ đó. Thế nhưng tất cả những khó khăn đó không làm cho tình yêu của vợ chồng Trà Giang – Bích Ngọc thay đổi. Đến cuối đời, họ vẫn dành cho nhau những tình cảm yêu thương, chân thành và say đắm.

Sống với chồng mấy chục năm trời, điều mà NSND Trà Giang trân trọng và yêu thương nhất ở chồng mình chính là tính cách điềm đạm, ít nói nhưng tình cảm và sự hết lòng chăm lo cho vợ con của chồng. Hai vợ chồng chị sống với nhau rất tình cảm nhưng chân thành và không hề màu mè. 

Sự đồng điệu về tâm hồn đã khiến họ gắn bó suốt mấy chục năm trời, cho đến khi Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Bích Ngọc ra đi vì bạo bệnh cách đây hơn 10 năm. Đến giờ nhắc đến chồng mình, nhớ đến những kỉ niệm về chồng, nhớ đến sự quan tâm của người chồng quá cố, chị vẫn rơi nước mắt. 

Sự ra đi của Bích Ngọc đã để lại trong lòng Trà Giang một nỗi trống vắng không thể bù đắp được. Ngay trước lúc mất, trên giường bệnh, Bích Ngọc vẫn nắm tay Trà Giang và nói: “Anh còn làm được gì cho em và con thì anh sẽ làm”. Cho đến tận phút cuối cùng sống cạnh nhau, chị vẫn luôn cảm động về tình yêu mà chị nhận được từ người chồng tuyệt vời của mình.

Những ngày sau khi chồng mất, Trà Giang thường đi đi lại lại trong căn nhà quen thuộc và đầy ắp kỉ niệm của mình. Có những lúc chị cảm thấy tưởng như không thể lấy lại thăng bằng. Khi chồng còn sống, chị đi tập thể dục buổi sáng hay đi bách bộ buổi chiều cũng đều có chồng bên cạnh sóng đôi. 

Con gái Bích Trà – kết quả của tình yêu giữa Trà Giang và Bích Ngọc đã trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng, là niềm tự hào vô cùng của chị. Bích Trà cũng là “nhân vật” quen thuộc trong các tác phẩm hội họa của Trà Giang, là tình yêu và niềm an ủi của Trà Giang sau khi chồng chị qua đời. 

Giờ chị không còn xuất hiện nhiều trước công chúng mà ẩn mình trong căn nhà của mình giữa Sài Gòn rộng lớn, dành thời gian cho hội họa và cho những nỗi nhớ thương của riêng mình. Trong khoảng không gian riêng của mình, chị tìm được sự bình yên cho tâm hồn, sau những nỗi đau đã qua…

Liễu Phạm (Tổng hợp)