“Người thầy đáng kính nhất của Mỹ” và "chiếc chìa khóa" nhân văn

29/08/2013 13:36
Theo Thanh niên
Một trong những “Người thầy đáng kính nhất của Mỹ”, tiến sĩ Châu Nhật Tân đang nắm trong tay chìa khóa giúp khai mở điểm tốt đẹp nhất ở con người thông qua giáo dục.
Vào một ngày giữa tháng 5, trời nắng đẹp, không khí dịu mát trong khung cảnh còn nhuốm màu hoang sơ của đồi núi Tehachapi, bang California. Chúng tôi đang thăm Golden Hills (tạm dịch Đồi Vàng), từng thuộc công viên quốc gia Mỹ, nơi đang mọc lên một khu trung tâm bảo tàng văn hóa và tôn giáo trên toàn cầu. Và công trình trong giai đoạn thi công là khu văn hóa người Việt (đã đưa trên Thanh Niên Tuần San số 363). Chủ nhân khu đất kiêm người chủ trì công trình này chính là tiến sĩ (TS) Châu Nhật Tân.

Khởi nghiệp gian khổ

Theo lời TS Châu Nhật Tân, ông đến Mỹ vào đầu năm 1986, ở tiểu bang Virginia khoảng 3 tháng rồi chuyển về California định cư. Ông cho hay đã không nhận trợ cấp của chính phủ như nhiều người VN khác, dù đủ điều kiện.
Mặc dù điều kiện kinh tế không đủ sống nhưng sau khi mướn được căn hộ chung cư một phòng ở Canoga Park, Los Angeles, ông đã mở cửa căn hộ đó cho những ai không nhà muốn vào ở thì cứ vào ở.

TS Châu Nhật Tân kể lại rằng căn hộ luôn được mở cửa, và mỗi lần về đi học hoặc đi làm về lại thấy trong nhà có thêm người mới. Người đủ quốc tịch nhưng đại đa số là người VN, vốn gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập môi trường mới với văn hóa đầy khác biệt. Ngoài việc cho họ nương náu, ông giúp họ biết thêm những chương trình học miễn phí của chính phủ, hay những chương trình tài trợ, học bổng nếu họ muốn đi học hoặc giúp họ tìm kiếm việc làm… Từ căn chung cư một phòng nhỏ bé ấy, không biết bao nhiêu người có được cuộc sống mới.
 
Công trình chùa Một Cột tại khu văn hóa Việt ở Đồi Vàng, California
Công trình chùa Một Cột tại khu văn hóa Việt ở Đồi Vàng, California
Vài năm sau, TS Châu Nhật Tân mở ra một số cơ sở điện tử và thành lập được quan hệ rộng rãi trong ngành. Lúc đó các viên chức lo về trợ cấp đã liên hệ với ông để nhờ giới thiệu công ăn việc làm cho rất nhiều người mới định cư tại Mỹ. Đến năm 1990, ông vận động thành công với Quốc hội Mỹ để tiếp tục ngân sách cho người vào Mỹ và hỗ trợ ngân sách cho các học khu, các trung tâm dạy nghề. Cũng trong năm đó, ông được Quốc hội đề nghị trao giải thưởng là người thành công nhất, nhưng ông đã từ chối nhận.

Chia sẻ bí quyết để thành công trong một môi trường đầy khác biệt, TS Châu Nhật Tân cho biết: “Chìa khóa để có được thành công là mình phải tự luyện tâm tánh của mình, tự trao cho mình một lý tưởng, một tình cảm thật lớn, lý tưởng càng cao thượng bao nhiêu, tình cảm càng thiêng liêng bao nhiêu thì sẽ là cái phao càng lớn bấy nhiêu để cho mình không bị sa ngã, dễ dàng vực dậy và quên đi khó khăn mà mình phải đối mặt”.
Người thầy đáng kính nhất
Vào tháng 9/2005, TS Châu Nhật Tân đã được vinh danh là “Người thầy đáng kính nhất của Mỹ” trong ấn bản thứ 9 của Who's Who Among America's Teachers, xuất bản năm 2004 - 2005. Ông cũng là tác giả soạn thảo nhiều tài liệu học thuật như bộ tự điển bách khoa Voviology Encyclopedia hiện được lưu tại Thư viện Quốc hội Mỹ tại Washington DC và nhiều tài liệu khác dành cho các đại học/thư viện tại Mỹ và toàn thế giới.  Ông đã trả lời Báo Thanh Niên một số câu hỏi xung quanh về vấn đề học vấn tại VN và Mỹ:
- Theo TS, xã hội VN và Mỹ gặp vấn đề ở chỗ nào? Và hướng giải quyết?
TS Châu Nhật Tân: Cả thế giới, chứ không riêng gì ở VN đều gặp chung một vấn đề chính là giáo dục. Chỉ khác nhau ở mức độ phương tiện giáo dục thôi cứ cốt lõi thì nơi nào cũng như như nhau. Nền giáo dục chỉ nhằm ở logic - hiện tượng và giai đoạn, tức là cứ thấy sai là sửa chứ không tiên liệu được, cái gì sẽ là cái sai và điểm nào sẽ đưa đến thất bại.

Nói rõ hơn, nền giáo dục chung chỉ dựa trên 2 nền khoa học chính là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Hai nền khoa học này hỗ tương nhau, phát minh những phương tiện rồi phương tiện ấy áp dụng vào xã hội hay từ nhu cầu của xã hội nên dẫn đến những phát minh cho đời sống. Nhưng ở đời sống, nhu cầu vẫn có nhu cầu sai nên sự tìm tòi cũng sẽ sai rồi kéo theo kết quả sai, rồi lại sửa sai, rồi lại sai, hay làm một chuyện xong thì để lại cái hậu quả của chuyện đó, rồi lại tìm tòi sự giải quyết chuyện sai ấy để rồi để ra cái sai tiếp…
Thế nên, ngoài hai nền khoa học trên tựa như hai lực hỗ tương với nhau như một trái banh lăn vô định thì cần có một nền khoa học khác đó là khoa học tâm linh. Tâm linh ở đây không phải là tôn giáo mà là một logic về đạo đức, một tình cảm cao thượng làm chất liệu gắn kết giữa con người và con người, con người và xã hội. Có như thế, trái banh vô định ở trên mới có được quỹ đạo chuyển vận đúng đắn. Có như vậy, con người mới trở thành một tác nhân tốt cho bản thân, gia đình và xã hội.
- Triết lý sống, theo quan điểm của TS là như thế nào? Và TS thấy mình đã thực hiện thành công bao nhiêu phần trăm của triết lý sống đó?
TS Châu Nhật Tân: Tình người! Giữ cho đẹp cái tình người. Trong giáo dục cũng vậy, các bậc cha mẹ đừng nên quá lo lắng, sợ con mình sẽ hư hỏng rồi cứ luôn tìm mọi cách trông chừng bọn chúng… Hãy cho con cái lương tâm, hãy tạo cho con một cái tình người trong lòng, rồi chính cái lương tâm đó, cái tình đó sẽ thế mình trông chừng chúng, nhắc nhở chúng trên cả cuộc đời của chúng. Triết lý của tôi chỉ vậy và tôi luôn thành công ở bất kỳ vấn đề, phương diện nào mà tôi làm, kể cả phương diện áp dụng cái tình trong khoa học và kỹ thuật.
- Xin TS chia sẻ thông tin về Học viện Voviology.
TS Châu Nhật Tân: Học viện Voviology được thành lập vào năm 2006. Thông thường các sinh viên được các trường đại học gửi đến đây đại đa số đều ở bậc cao học và tiến sĩ. Ngoài bảng điểm tốt, tiêu chí tuyển chọn chú trọng các yếu tố về đạo đức, bản năng sống và khả năng hòa đồng. Đây là 3 yếu tố mà theo tôi mới là điểm then chốt để cho một sinh viên có thể thành công. Điểm số cao không có nghĩa là người sinh viên ấy biết áp dụng kiến thức vào đời sống nên thành tích học tập cao ngất cũng không có nghĩa là người sinh viên ấy có thể thành công.

Theo Thanh niên