Đối thoại với tác giả bài: Đại học, lễ tốt nghiệp hay "lễ thất nghiệp"

03/09/2013 10:46
Hồng Anh (Thực hiện)
(GDVN) - "Thi tốt nghiệp, luận án tốt nghiệp, bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ , tất cả những cái bạn làm chỉ để vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất – Nhà tuyển dụng. Ngay khi bạn vượt qua nhà tuyển dụng, các bạn có làm được việc và công ty có giữ lâu dài hay không vẫn còn là thách thức. Các bạn có thể hiểu , đi làm là quá trình đào thải tự nhiên diễn ra hàng ngày không khoan nhượng. Hôm nay có việc nhưng nếu các bạn không cố gắng ngày mai sẽ không có việc".
LTS: Bài viết Đại học: Lễ tốt nghiệp hay "lễ thất nghiệp"? đã mang lại nhiều giá trị cho các bạn sinh viên và độc giả. Đặc biệt trong thời gian này khi hàng triệu các bạn tân cử nhân ra trường và tân sinh viên vào  nhập học.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn anh Vũ Tuấn Anh, tác giả bài viết Đại học: Lễ tốt nghiệp hay "lễ thất nghiệp"? – chuyên gia về giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về những suy nghĩ, trải nghiệm và lý do tại sao Tốt Nghiệp là Thất nghiệp, các bạn tân sinh viên và tân cử nhân nên làm những gì để có thể vượt qua.

Anh Vũ Tuấn Anh, tác giả bài viết Đại học: Lễ tốt nghiệp hay "lễ thất nghiệp"?
Anh Vũ Tuấn Anh, tác giả bài viết Đại học: Lễ tốt nghiệp hay "lễ thất nghiệp"?

PV: Anh suy nghĩ thế nào khi viết Lễ Tốt Nghiệp là Lễ Thất Nghiệp?

Anh Vũ Tuấn Anh
: Muốn vượt qua được khó khăn, chúng ta phải chấp nhận và khẳng định với thực tại. Các bạn sinh viên khi ra trường thất nghiệp tương đối – làm các nghề khác đào tạo và thất nghiệp tuyệt đối- không đi làm rất nhiều. Các bạn trẻ và gia đình cần phải hiểu 4 năm đại học sẽ căng thẳng hơn rất nhiều 12 năm học phổ thông. 
Các bạn sinh viên và gia đình cần xác định đi học đại học là học một nghề. Một nghề sẽ đi theo các bạn suốt cả cuộc đời để nuôi sống bạn, gia đình bạn và hoàn trả những khoản tiền đầu tư. Các bạn phải tự hỏi: các bạn có làm gì tạo ra giá trị hay không. Nếu không, có bao nhiêu bằng cấp cũng coi như vô dụng.
Thi tốt nghiệp, luận án tốt nghiệp, bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ , tất cả những cái bạn làm chỉ để vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất – Nhà tuyển dụng. Ngay khi bạn vượt qua nhà tuyển dụng, các bạn có làm được việc và công ty có giữ lâu dài hay không vẫn còn là thách thức. Các bạn có thể hiểu , đi làm là quá trình đào thải tự nhiên diễn ra hàng ngày không khoan nhượng. Hôm nay có việc nhưng nếu các bạn không cố gắng ngày mai sẽ không có việc.
PV: Tại sao các bạn sinh viên mới vào trường lại chịu áp lực như vậy khi ra trường?
Vũ Tuấn Anh: Mô hình kinh doanh tại Việt Nam đang biến đổi từ mô hình sản xuất các sản phẩm có giá trị thấp – giá thấp sang các sản phẩm có giá trị cao, giá cao. Điều đó đòi hỏi người lao động cần phải có năng suất hơn, hiệu suất hơn, sáng tạo hơn, tạo nhiều giá trị hơn.
Các bạn đi làm việc câu hỏi sẽ là các bạn làm ra được thêm bao nhiêu thay vì các bạn làm rẻ bao nhiêu. Nếu không tạo ra giá trị thặng dư từ các bạn, lương 1-2 triệu cũng là cao. Nếu các bạn làm ra nhiều giá trị thặng dư, lương cao cũng không thành vấn đề.
Quay trở lại ý câu 1, các bạn sinh viên muốn không thất nghiệp các bạn cần phải trở thành người lao động thực thụ chuyển được từ cái “học" sang “hành" được. Hành ở đây phải có năng suất, chất lượng và sáng tạo. Doanh nghiệp cần người nhân viên làm việc có năng suất, chất lượng, chuyên  nghiệp và sáng tạo đi kèm với những yêu cầu như học vấn, tiếng anh, kỹ năng mềm v/v.
Các bạn sinh viên và gia đình có thể thốt lên: Trời ơi tại sao doanh nghiệp yêu cầu cao như vậy? Câu trả lời ở đây bản thân doanh nghiệp cũng không muốn- họ phải làm như vậy để cạnh tranh. Họ chính là khách hàng của “hàng hóa sức lao động". Trong kinh doanh, khách hàng là thượng đế và họ có quyền chọn lựa những “hàng hóa" phù hợp nhất. Các bạn trẻ là nhà cung cấp “hàng hóa sức lao động" và không còn cách nào khác phải chuẩn bị đáp ứng yêu cầu của họ.
PV: Theo quan điểm của anh, đâu là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng Lễ tốt nghiệp là lễ thất nghiệp hoặc những tấm bằng đại học thiu  và giải pháp như thế nào?
Anh Vũ Tuấn Anh có hai bằng MBA và nhận học bổng của chính phủ Thụy Sỹ và ngân hàng phát triển châu Á – ADB vào năm 1996-2001. Anh có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, quản lý nguồn nhân lực và phát triển con người.
Vũ Tuấn Anh: Có ba nhóm nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này và quan trọng muốn khắc phục nó lại nằm phần nhiều về sinh viên và gia đình. Nguyên nhân đầu tiên đó là công tác hướng nghiệp sơ sài và không đi vào thực chất. Tôi đã khẳng định hướng nghiệp sai, chính sinh viên và gia đình lãnh chịu những hậu quả.
Xã hội, trường , giảng viên, nhà nước chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp bởi vì chính sinh viên và phụ huynh quyết định chọn nghề, ngành  và trường. Không ông hiệu trưởng hay nhà quản lý nào nhét sinh viên đi học mà bản thân học sinh và cha mẹ không đồng ý.
Điều quan trọng thứ hai đó là chúng ta phải cân nhắc về dự báo nguồn nhân lực. Tâm lý người việt nam thường chạy theo đám đông. Ví dụ 3-4 năm trước ai ai cũng xô vào ngành ngân hàng. Bây giờ kết quả ra sao thì chúng ta đã rõ. 
Ở đây vai trò dự báo từ các trung tâm như trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM rất quan trọng. Đáng quý hơn nữa, các thông tin hoàn toàn miễn phí. Nguyên nhân thứ hai đó là hiểu thế nào về việc học trong đại học. Tôi khẳng định với các bạn trẻ sinh viên rằng nếu các bạn muốn làm đúng ngành đào tạo,muốn công việc tốt chắc chắn các bạn phải từ học lực khá trở lên.
Rơi rớt tốt nghiệp với hàng chục lần thi lại là con đường ngắn nhất thất nghiệp ngay khi tốt nghiệp. Tại đây tôi rất tâm đắc với khái niệm Khởi Nghiệp và Lập Nghiệp khi sinh viên tốt nghiệp của Chị Nguyễn Kim Hà đại học UEF.
Chị Hà đã đưa ra khái niệm rằng sinh viên cần phải hiểu quá trình học đại học là quá trình chuẩn bị cho lập nghiệp và khởi nghiệp. Điều đó có nghĩa là các bạn sinh viên cần phải học chuyên môn kiến thức đồng thời học "hành" như thế nào. Quá trình học “hành" chính là quá trình chuẩn bị cho lập nghiệp. Các nhóm công việc như kỹ năng mềm, nhận thức, tiếng anh, thực tập, kiến tập, tốt nghiệp, thí nghiệm v/v chính đảm bảo các sinh viên “hành” được. Như vậy học đại học là có hai việc học song song nhau học để “học” và học để “hành”.  Nguyên nhân thứ ba đó chính là các bạn sinh viên. Tôi sẽ nói kỹ hơn về vấn đề này

PV: Anh vừa nói nguyên nhân chủ yếu của việc tốt nghiệp là thất nghiệp do chính các bạn sinh viên. Anh có thể trao đổi kỹ hơn được không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Vũ Tuấn Anh: Các bạn sinh viên thường chỉ trích và đổ tại thay vì xem xét lại chính bản thân mình. Các bạn trên 18 tuổi và các bạn phải chịu trách nhiệm vì những gì mình làm và mình nghĩ. Trường học, cha mẹ, xã hội chỉ tạo môi trường, chính các bạn phải học để “học” và học để “hành”.
Tuy nhiên các bạn có những thái độ không tốt như an phận , không chủ động và quan trọng hơn quá thực dụng và đòi hỏi nhanh. Các bạn hay kêu ca nhà trường, giảng viên chất lượng không tốt tuy nhiên các bạn hãy nhìn xem mình đã học tốt những thứ cho rằng không tốt đó chưa. Các tài liệu đào tạo có rất nhiều trên internet, các bạn có thể tìm. Câu hỏi quan trọng các bạn có sử dụng hay không thay vì lên facebook 2-3 tiếng một ngày.
Cái thứ hai, các bạn sinh viên quá thực dụng và muốn cái gì cũng nhanh. Ví dụ muốn qua được phỏng vấn, quan trọng các bạn cần năng lực tốt. Các bạn lại không bỏ thời gian mà chỉ quan tâm học các chiêu trò làm thế nào qua mặt nhà tuyển dụng.
Ví dụ học cách trả lời câu hỏi phỏng vấn sao cho mượt mà thay vì rèn luyện khả năng tiếng Anh. Một cây gỗ tốt cần 10-15 năm phát triển. Tương tự như vậy, các bạn muốn có nghề nghiệp tốt, các bạn cần phải rèn luyện 4 năm học đại học. Nếu là thần đồng, các bạn có thể rút ngắn. Tôi hay thường nói với các bạn trong các buổi tư vấn, các em không phải là Bill Gates hay Steven Job vì vậy đừng ảo tưởng mình có thể thành công không cần bằng đại học hoặc nỗ lực.
Tất cả các cá nhân thành công đều làm việc rất nỗ lực trong cả cuộc đời. Các bạn sinh viên cũng cần rất thận trọng với những khóa học phát triển bản thân với những lời hứa hẹn và khoản học phí khổng lồ. Thành công có nghĩa là hiểu – hành – vượt khó khăn – sáng tạo – thành công. Quá trình thành công cần phải làm- hành động và vượt qua rất nhiều khó khăn. Có thể nói công thức thành công đi học 1-2 ngày là biết nhưng làm được hay không lại là chuyện ý chí, quyết tâm, vượt qua khó khăn và nghịch cảnh
PV: Nếu các bạn sinh viên muốn thật sự làm như anh nói thì cách thức các bạn sẽ phải tiến hành như thế nào?

Vũ Tuấn Anh: Nếu như các bạn sinh viên quyết tâm lập nghiệp ngay từ năm thứ nhất các bạn cần phải có được những thái độ đúng đắn. Từ năm 2011 VIM đã thực hiện rất nhiều các chương trình tư vấn cho các bạn sinh viên và các bạn có thể xem hơn 100 bài viết trên web site www.ngayhoivieclam.vn (http://ngayhoivieclam.wordpress.com).
Vấn đề thứ hai, các bạn cần phải học thật sự đàng hoang các môn trong giai đoạn cơ bản và giai đoạn chuyên môn. Các bạn phải đảm bảo trong top 20 % trong khóa học của các bạn. Vấn đề thứ ba các bạn cần nghiêm túc thực hiện học để “hành” các hoạt động như thực tập, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, tốt nghiệp.
Không chịu khó và dấn thân trong hoạt động, các bạn sẽ không thành công. Để giúp các bạn trong tháng 4-8 tôi và các chuyên gia cộng đồng đã thực hiện Hành Trang Nghề Nghiệp bao gồm 15 Talkshow nhằm giúp các bạn phát triển nghề nghiệp. Vấn đề thứ 4 các bạn phải cần tập trung vào tiếng Anh. Tôi nhấn mạnh lại các bạn rất chú trọng về thái độ để có thể thực hiện thành công.
Thành công là cần phải làm việc chăm chỉ và nghiêm túc. Thành công không thể tới được thông qua khóa học vài ngày. Các bạn cần kiên trì, khiêm tốn lắng nghe, học mọi nơi, mọi lúc từ mọi người, làm việc tập thể, lắng nghe. Các bạn sẽ thành công.

PV: Đứng trên quan điểm của nhà trường đại học. Các đơn vị đào tạo đại học có những lợi ích gì khi thực hiện chương trình này?

Vũ Tuấn Anh: Các trường đại học hiện tại rất quan tâm tới việc hỗ trợ các bạn sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm. Các trung tâm doanh nghiệp, đoàn thanh niên trong các trường là các đơn vị thực hiện chương trình này. Như tôi đã nói, các trường thường hàng năm tổ chức định kỳ tuy nhiên việc tổ chức cũng mất thời gian và kinh phí.
Do vậy việc sử dụng các video này sẽ mang lại những giá trị to lớn cho nhà trường và các bạn sinh viên. Một lý do khác nữa đó là không phải lúc nào cũng có thể mời các diễn giả có uy tín và kinh nghiệm vì lý do đơn giản họ rất bận việc. Các video này sẽ là những tài liệu tham khảo đầu tiên cho các bạn sinh viên và nhà trường.
Dựa trên các tài liệu video này, các buổi hội thảo tổ chức tại nhà trường sẽ không mất thời gian mà sẽ trở nên chuyên sâu và trả lời các câu hỏi thiết thực do các vấn đề căn bản đã được giải quyết trước triệt để. Các trường đại học và đoàn thanh niên nên copy và chuyển các clip video cho các bạn sinh viên trong khoa hoặc qua thư viện tại nhà trường. 
Ngoài ra các trường đại học có thể phát triển thêm các tài liệu đào tạo kết hợp thêm các video này tạo kết quả tốt hơn cho các bạn sinh viên.
PV: Trong thời gian tới , sau thành công của chương trình Hành Trang Nghề Nghiệp , anh có dự tính thực hiện các chương trình khác không?

Vũ Tuấn Anh:
Chắc chắn là có. Các chương trình có thể sẽ ở mức độ cao hơn hoặc chuyên sâu hơn nhằm giúp các bạn sinh viên tiếp tục phát triển nghề nghiệp

Xin cám ơn anh Vũ Tuấn Anh!
15 Talkshow và các bạn sẽ sử dụng nó như thế nào trong các năm học đại học?

Chương trình Hành Trang Nghề Nghiệp đã thực hiện và phát trên FBNC từ tháng 4 cho tới tháng 8 /2013 tại các tỉnh phía Nam. Một số bạn tại phía Bắc có thể xem được. Các bạn không lo vì chương trình hoàn toàn do FBNC thực hiện cho cộng đồng và các video được đặt trên youtube tại www.youtube.com/user/vimtraining.

Thực hiện chương trình là MC Quốc Khánh của FBNC khá quen thuộc với giới trẻ và văn phòng tại TP HCM. Chương trình  được chia làm 2 phần khá rõ rệt. Phần 1 bao gồm các module nhằm giúp cho các bạn sinhv iên trẻ giải quyết các vấn đề cần thiết ngay khi ra trường. Đó là các module chuẩn bị phỏng vấn, hoạch định nghề nghiệp, phỏng vấn, thử việc và thực tập.

Phần 2 bao gồm các module để giúp các bạn trẻ xây dựng cốt lõi năng lực cho bản thân. Thật sự tìm việc không phải chỉ là những thủ thuật trả lời phỏng vấn hay đánh bóng CV. Các bạn trẻ cần phải hiểu và rèn luyện mình để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp . Các module cùng có cấu trúc 30 phút nói chuyện với 3 diễn giả là giám đốc nhân sự, tiến sỹ giảng viên đại học, chuyên gia tư vấn và các cấp quản lý tại các đơn vị nhà nước, thành đoàn.

Phần 2 giúp cho các bạn nhận thức được, hiểu được và nắm được các ý chính để tự chuẩn bị, tự phát triển cho bản thân đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Khi tôi và các cộng sự trong VIM thực hiện chương trình Ngày Hội Việc Làm cho hơn 10 ngàn sinh viên trong năm 2011-2012, chúng tôi nhận thấy các bạn sinh viên nước tới cổ mới bơi. Lời khuyên cho các bạn đó là chúng ta nên xem video này thật sớm ngay từ năm thứ nhất đại học.

Có những video các bạn rất cần xem trước  ví du hoạch định nghề nghiệp. Các bạn cần hiểu tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Muốn có gỗ tốt các bạn phải chuẩn bị rất lâu dài. Các module trong phần 2 các bạn nên xem càng sớm càng tốt để chuẩn bị cho bản thân qua học tập, đào tạo, thực tập. Các bạn muốn thực tập tốt, các bạn cần phải chuẩn bị từ năm thứ 2-3 chứ không phải vài tháng cuối cùng mới lo tìm chỗ thực tập.

Cũng tương tự như vậy, để có CV tốt , các bạn sinh viên cần phải viết CV ngay từ năm thứ nhất. Không có hoạt động, không có thành tích, các bạn không thể có một CV ấn tượng. Tất nhiên nếu như các  bạn đã ở năm cuối cùng thì giá trị sẽ nằm ở trong phần 1- các module giúp cho các bạn kỹ năng xin việc. Tuy nhiên tôi nhất mạnh, giá trị nhất chính ở phần 2 vì nó tạo nên cốt lõi cho các bạn.

Giá trị của chương trình nằm ở chỗ  định hướng, hướng dẫn và đào tạo cho các bạn sinh viên trẻ. Các bạn sinh viên trẻ bây giờ rất giỏi và thông minh. Cái họ cần chỉ là những phần nhỏ - tôi gọi là xúc tác để cho các bạn sinh viên bùng nổ , đóng góp nhiều cho chính bản thân họ, nhà trường, doanh nghiệp và xã hội. Tất cả các bên thực hiện FBNC, VIM , tất cả các anh chị em diễn giả đều thực hiện chương trình hoàn toàn không lợi nhuận. Tất cả đều muốn cống hiến và đóng góp cho các bạn sinh viên trẻ và giúp cho các bạn sinh viên trẻ có việc làm ngay khi tốt nghiệ.

Các bạn trẻ có thể xem lại video tại www.youtube.com/user/vimtraining , các bài viết tại http://ngayhoivieclam.wordpress.com/ , các bạn có thể tương tác tại www.facebook.com/ngayhoivieclam
Hồng Anh (Thực hiện)