Vì sao không kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án oan của ông Chấn?

07/11/2013 16:51
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, kháng nghị tái thẩm là khi có những tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án, mà cụ thể trong vụ án này có sự xuất hiện của đối tượng Lý Nguyễn Chung.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao.

Trước những quan điểm cho rằng, VKSND Tối cao chỉ kháng nghị tái thẩm mà không kháng nghị Giám đốc thẩm đối với hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân về tội giết người, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, tái thẩm hay giám đốc thẩm, cuối cùng những vi phạm nếu có của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý.

“Không phải tái thẩm là anh lẩn tránh được trách nhiệm hay giám đốc thẩm thì anh mới bị xử lý. Vì đã sai ở giai đoạn nào khi đã có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm những tập thể và cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều được đặt ra và xử lý nghiêm.

Tôi cũng rất tiếc có một số người có ý kiến về việc tái thẩm hay giám đốc thẩm. Nhưng việc tái thẩm và giám đốc thẩm khác nhau như thế nào? Tôi nói rõ, tái thẩm là khi có những tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Trong vụ này, có sự xuất hiện của đối tượng Lý Nguyễn Chung. Tuy tòa chưa tuyên, nhưng khả năng phạm tội của đối tượng Chung là khá rõ ràng. Tái thẩm có làm cho cá nhân và tập thể các cơ quan tiến hành tố tụng tránh được trách nhiệm không? Tôi xin trả lời là không tránh được nếu có vi phạm. Tái thẩm hay Giám đốc thẩm thì đều phải xử lý, đó là quá trình sau khi xử lý điểm vụ án này”, ông Bình nói.

Trả lời câu hỏi: VKSND Tối cao có những chứng cứ cho thấy quá trình điều tra truy tố trước đây có những dấu hiệu vi phạm, vì sao không căn cứ vào đó để kháng nghị Giám đốc thẩm bản án này để việc minh oan cho ông Chấn sẽ nhanh hơn?

Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay: “Giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận của toà án trong luật đã ghi rồi hoặc bác kháng nghị đó, hoặc chấp nhận kháng nghị hoặc hủy án trả lại điều tra bổ sung từ đầu. Các kết luận của tái thẩm, giám đốc thẩm đều giống nhau, không phải tái thẩm thì có kết luận khác và giám đốc thẩm thì có kết luận khác, điều này đã được pháp luật quy định”.

Ngọc Quang