Trung - Nhật đánh nhau sẽ gây suy thoái kinh tế thế giới?

06/02/2014 09:43
Đông Bình
(GDVN) - Trong tình hình Nhật-Mỹ nắm quyền kiểm soát trên không-trên biển, nếu Trung Quốc đổ bộ lên đảo chắc chắn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku
Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku

"Sẽ không có chuyện Trung Quốc tấn công đảo Senkaku trên thực tế"

Tờ "Tokyo Shimbun" Nhật Bản ngày 3 tháng 2 đưa tin, trong nội các đầu tiên của ông Shinzo Abe, ông Kyoji Yanagisawa, người từng đảm nhiệm Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản cho rằng: "Việc Trung Quốc sẽ tấn công đảo Senkaku, mặc dù về lý thuyết, có thể tưởng tượng, nhưng trong hiện thực tuyệt đối sẽ không xảy ra".

Kyoji Yanagisawa giải thích cho rằng: "Đảo Senkaku là hòn đảo nhỏ nổi được tạo thành bởi nham thạch. Trong tình hình Nhật-Mỹ có quyền kiểm soát trên không và quyền kiểm soát biển, nếu đổ bộ lên đảo chắc chắn toàn quân sẽ bị tiêu diệt do trở thành mục tiêu bắn của pháo hạm. Đối với vấn đề này, Trung Quốc hiểu rất rõ".

Đối với quan điểm "Quân đội Trung Quốc sẽ tập kích từ các hòn đảo tây nam" của ông Shinzo Abe, Kyoji Yanagisawa cho rằng, điều này là "quá gò ép'. Ông chỉ ra: "Trong bối cảnh Mỹ-Trung dốc sức cho đi sâu hợp tác kinh tế, Trung Quốc muốn chiếm đảo Okinawa - nơi có căn cứ quân Mỹ, từ đó gây ra chiến tranh đánh chiếm đảo, điều này có khả năng không? .

Cựu Cục trưởng Tình báo quốc tế của Bộ Ngoại giao, Magosaki Ukeru cho rằng: "Mặc dù giữa tàu cảnh giới Nhật-Trung có thể xuất hiện xung đột, nhưng không thể vì vậy cho rằng, Trung Quốc sẽ tấn công đảo Senkaku".

Tàu tuần tra cỡ lớn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Tàu tuần tra cỡ lớn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản

Trong vấn đề làm thế nào ứng phó với việc Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải, không phận, ông Kyoji Yanagisawa cho rằng "hai bên ai động thủ trước thì người đó sẽ thua. Vì vậy, đối với tàu Trung Quốc xâm phạm, tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển chỉ có thể yêu cầu rút lui".

Đối với vấn đề Trung Quốc không ngừng tăng chi tiêu quân sự, môi trường bảo đảm an ninh của Nhật Bản bị đe dọa, Kyoji Yanagisawa cho rằng, Nhật Bản có thể dựa vào khả năng ngăn chặn hạt nhân của Mỹ, nhưng vấn đề là chính quyền Shinzo Abe hiện nay quá chú trọng tới quân sự. Muốn ngăn chặn Trung Quốc bành trướng quân sự, điều quan trọng là khả năng ngoại giao tranh thủ dư luận quốc tế.

Nhưng, chính quyền Shinzo Abe - quyết định phải thực hiện quyền tự vệ tập thể. Kyoji Yanagisawa cho rằng: "Hành động thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe đã xóa bỏ triệt để hy vọng tổ chức đàm phán Nhật-Trung của chính quyền hai nước hiện nay".

Kyoji Yanagisawa cho rằng, các hành động của ông Shinzo Abe "không chỉ không phải là xóa bỏ ảnh hưởng của thuyết mối đe dọa Trung Quốc, trái lại kích động tư tưởng này”.

Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku
Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku

Xung đột Trung-Nhật sẽ làm kinh tế thế giới suy thoái 4 năm

Dư luận quốc tế gần đây cũng đặc biệt lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh Trung-Nhật. Thủ tướng Nhật Bản thậm chí ví quan hệ Trung-Nhật như quan hệ Đức-Anh năm 1914. Phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản bị báo giới Trung Quốc coi là kích động xung đột với Trung Quốc.

Ông Shinzo Abe cảnh báo, sự cố bất ngờ có thể trở thành điểm bùng nổ xung đột. Nếu xảy ra chiến tranh, Trung Quốc là bên tổn thất lớn nhất. Chiến tranh Trung-Nhật sẽ phá hoại toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Theo báo Pháp, Mỹ hiện nay ở hoàn cảnh lúng túng, Tổng thống Mỹ Obama vừa muốn ủng hộ Nhật Bản đối đầu với Trung Quốc, vừa không thể ủng hộ ông Shinzo Abe thăm đền Yasukuni, vừa không thể thể hiện yếu ớt trước Trung Quốc, vừa không thể thực sự dám mạo hiểm trực tiếp đối đầu với Trung Quốc.

Gần đây, có dấu hiệu Mỹ không muốn tiếp tục can thiệp vào vấn đề Thủ tướng Nhật thăm đền Yasukuni. Phản ứng của Mỹ chỉ mang tính chất hình thức. Mỹ và Nhật Bản là đồng minh, nên thực sự rất khó công khai bàn đến vấn đề của đồng minh.

Phương châm của Mỹ là tách rời ứng xử vấn đề lịch sử của Nhật Bản với vấn đề ngoại giao, an ninh Đông Bắc Á. Vì vậy, Chính phủ Mỹ có thể ngầm thừa nhận, buông lỏng hành động của ông Shinzo Abe. Đối mặt với khó khăn tài chính hiện nay, Mỹ cần Nhật Bản phát huy vai trò ở châu Á.

Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku
Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku

Theo tuyên truyền không hề ngại ngùng của tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc, "hiện nay, một số nước vì lợi ích của mình nên không tiến hành phê phán đối với hành động của ông Shinzo Abe, điều này sẽ khiến cho Nhật Bản tiến lên “chủ nghĩa quân phiệt” toàn diện".

Nga đang tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế với Nhật Bản, đồng thời tiếp tục thảo luận vấn đề ký Hiệp ước hòa bình. Nga hiện không muốn can thiệp vào xung đột Trung-Nhật, không muốn làm xấu đi quan hệ với Nhật Bản, gây ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế song phương.

Theo báo Singapore, trong trường hợp xấu nhất, xung đột Trung-Nhật sẽ cho suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài 18 tháng cho tới 4 năm, gây tổn thất vài chục nghìn tỷ USD. Vì vậy, xung đột Trung-Nhật là “thảm họa lớn” của kinh tế thế giới.

Theo báo Thái Lan, trong 40 năm qua, quan hệ Nhật Bản-ASEAN phát triển thận trọng trên nền tảng kinh tế và chủ nghĩa hòa bình. ASEAN không muốn gây thiệt hại cho quan hệ hợp tác toàn diện những năm qua, đồng thời lo ngại quan hệ Trung-Nhật tiếp tục bất ổn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ chế hợp tác 10+3 của ASEAN và tiến trình nhất thể hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Kissinger: Âm hồn chiến tranh quanh quẩn ở châu Á

Tại Hội nghị an ninh toàn cầu Munich lần thứ 50, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ngày 1 tháng 2 cho rằng, cùng với quan hệ Trung-Nhật căng thẳng trầm trọng hơn, âm hồn chiến tranh đang quanh quẩn ở châu Á.

Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Theo hãng tin BBC Anh, ông Henry Kissinger năm nay 90 tuổi. Ông nói: "Châu Á càng giống châu Âu thế kỷ 19, xung đột quân sự không thể bị loại trừ". "Đối với những người như chúng tôi, bất cứ bên nào giữa Trung-Nhật đều không muốn bị mê muội, dựa vào vũ lực giải quyết vấn đề".

Đồng thời, Phó Oánh, Ủy viên chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc cho rằng, quan hệ Trung-Nhật hiện đang ở "thời kỳ rất khó khăn". Phó Oánh cũng tham gia hội nghị an ninh nêu trên và tham gia bàn về chủ đề "Sức mạnh toàn cầu và ổn định khu vực". Về hiện trạng quan hệ Trung-Nhật, Phó Oánh cho rằng: "Quan hệ của chúng tôi có thể ở thời kỳ khó khăn nhất, rất nhiều người cảm thấy lo ngại về điều đó. Quan hệ và hợp tác song phương bị tác động ảnh hưởng rất lớn".

Bà này cho rằng, trở ngại lớn nhất của quan hệ song phương là Nhật Bản phủ nhận lịch sử xâm lược và tội ác đã phạm phải trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. "Nhà lãnh đạo Nhật Bản truyền đi những thông điệp đầy mâu thuẫn.

Đằng sau các biểu hiện, hiện tượng, một số nhà lãnh đạo Nhật Bản phủ nhận tội ác chiến tranh xâm lược, thậm chí có người không cho rằng, chiến tranh tàn khốc do Nhật Bản phát động trước đây là chiến tranh xâm lược".

Thảo luận về vấn đề này, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản đã có thức tỉnh sâu sắc về Chiến tranh thế giới thứ hai và quá khứ thực dân. Ông nêu ví dụ, Nhật Bản đang tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Trung Đông và châu Á cùng những đóng góp của Nhật Bản đối với chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông nói: "Chúng tôi nguyện cùng Trung Quốc triển khai đối thoại về vấn đề an ninh".

Biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải từng xâm nhập vùng biển đảo Senkaku
Biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải từng xâm nhập vùng biển đảo Senkaku

Theo bài báo, quan hệ Trung-Nhật rơi vào trạng thái căng thẳng kể từ khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku vào tháng 9 năm 2012. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này. Năm 2013, việc Trung Quốc lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông và Thủ tướng Nhật Bản thăm đền Yasukuni cũng đã làm trầm trọng hơn quan hệ căng thẳng này.

Đông Bình