Tập Cận Bình muốn viếng đài tưởng niệm ở Berlin, Đức từ chối thẳng

26/02/2014 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh đang cố gắng lợi dụng sự hối lỗi của Đức về quá khứ chiến tranh để gây khó khăn cho Nhật Bản.
Ông Tập Cận Bình viếng đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh khi thăm Nga.
Ông Tập Cận Bình viếng đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh khi thăm Nga.

Bưu điện Hoa Nam ngày  25/2 đưa tin, Bắc Kinh muốn xoáy sâu vào vấn đề Chiến tranh Thế giới thứ II trong chương trình nghị sự khi Tập Cận Bình công du nước Đức vào tháng tới, điều này đã khiên Berlin thực sự khó chịu.

Nguồn tin ngoại giao nói với Bưu điện Hoa Nam, Bắc Kinh đang cố gắng lợi dụng sự hối lỗi của Đức về quá khứ chiến tranh để gây khó khăn cho Nhật Bản. Quan hệ Trung - Nhật đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe viếng đền Yasukuni cuối năm ngoái.

Tập Cận Bình sẽ thăm Đức vào cuối tháng 3 tới, trong chuyến xuất ngoại lần này ông Bình còn tới thăm Pháp, Hà Lan và Bỉ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về chương trình của Tập Cận Bình và chuyến công du của ông vẫn chưa được công bố chính thức.

Chính phủ Đức hiện cũng từ chối bình luận thông tin này. Nhưng các nguồn tin ngoại giao cho hay, Đức không muốn bị lôi kéo vào tranh cãi giữa Trung Quốc với Nhật Bản, và càng không thích Bắc Kinh liên tục xới lại quá khứ đau thương của họ.

Một nguồn tin ngoại giao thứ 2 cho biết, Trung Quốc đề xuất để Tập Cận Bình viếng đài tưởng niệm Holocaust ở Berlin, nhưng Đức đã ngay lập tức từ chối. Trung Quốc tiếp tục đề xuất để ông  Bình đi viếng đài tưởng niệm Neue Wache ở Berlin.

Đức không muốn những di sản tiêu cực của cuộc chiến tranh ngày trước thống trị nghị trình chuyến thăm chính thức của Tập Cận Bình trong khi Bắc Kinh rất muốn các quan chức Đức nói với Nhật Bản rằng họ đã ứng xử như thế nào với vấn đề lịch sử.

Ông Shinzo Abe nhiều lần khẳng định chuyến viếng đền Yauskuni là để tưởng niệm những người Nhật chết trong chiến tranh và cam kết Nhật Bản sẽ không bao giờ gây chiến.
Ông Shinzo Abe nhiều lần khẳng định chuyến viếng đền Yauskuni là để tưởng niệm những người Nhật chết trong chiến tranh và cam kết Nhật Bản sẽ không bao giờ gây chiến.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nhiều lần xin lỗi vì dân tộc này từng gây ra đau khổ cho các dân tộc khác bởi chiến tranh, trong đó có lời xin lỗi của Thủ tướng Tomiichi Murayama năm 1995, nhưng các chính trị gia bảo thủ vẫn "nghi ngờ sự chân thành" của Tokyo.

Phát biểu trước Quốc hội hôm Thứ Năm tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: Trong quá khứ nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á đã phải chịu thiệt hại và đau thương do đất nước Nhật gây ra. Chính phủ của ông nhận thức rõ điều này, cũng như các chính phủ tiền nhiệm, Nội các của ông vẫn giữ lập trường xin lỗi những nạn nhân của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản một thời.

Trung Quốc đã tấn công Nhật Bản trên mặt trận truyền thông khi chính phủ nước này tổ chức cho các phóng viên nước ngoài tham dự các hoạt động kỷ niệm vụ thảm sát Nam Kinh. 

Trung Quốc nói rằng lính Nhật Bản đã sát hại 300 ngàn người, trong khi một tòa án của quân đồng minh sau chiến tranh đưa ra con số người chết là 142 ngàn.

Truyền hình nhà nước Trung Quốc gần đây đã cho phát sóng hình ảnh cựu Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt quỳ gối trước một đài tưởng niệm các nạn nhân Do Thái bị phát xít Đức tàn sát năm 1943.

Khi được hỏi về những so sánh giữa thái độ của Đức và Nhật Bản với lịch sử, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ tiếp tục con đường hòa bình và những so sánh này chỉ là hành động khiêu khích của Trung Quốc.

"Chúng ta không được quên quá khứ, nhưng không thể cứ sống mãi với quá khứ. Hòa giải không chỉ đòi hỏi sự chân thành và các cử chỉ chuộc tội từ cựu thủ phạm mà cần có cả sự chấp nhận của những cựu nạn nhân." Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masaru Sato nói.

Giới phân tích cho rằng dường như mục đích của các cuộc tấn công ngoại giao Bắc Kinh nhằm vào Tokyo là muốn đánh lạc hướng dư luận khu vực và quốc tế đang tập trung vào sự gia tăng sức mạnh quân sự bất thường của Bắc Kinh.
Giới phân tích cho rằng dường như mục đích của các cuộc tấn công ngoại giao Bắc Kinh nhằm vào Tokyo là muốn đánh lạc hướng dư luận khu vực và quốc tế đang tập trung vào sự gia tăng sức mạnh quân sự bất thường của Bắc Kinh.

Nhiều nguồn tin ngoại giao nói Trung Quốc đã gây áp lực lên các đại sứ quán phương Tây ở Bắc Kinh để chính phủ của họ lên án chuyến viếng đền Ysukuin của Thủ tướng Shinzo Abe. 

Thủ tướng Nhật Bản nhiều lần nhấn mạnh ông viếng đền Yasukuni không phải để tôn vinh tội phạm chiến tranh, mà để tỏ lòng kính trọng với những người Nhật Bản đã chết cho đất nước và cam kết Nhật Bản sẽ không bao giờ gây chiến tranh.

Ngay cả cuộc đối thoại thường niên giữa Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Đức hồi tháng trước, Bắc Kinh cũng tìm cách gán ghép vấn đề thái độ với lịch sử vào chương trình nghị sự khi đưa tin, Berlin bày tỏ sự "chia sẻ quan điểm của Trung Quốc".

Người Đức thực sự không thoải mái với động thái này của Trung Quốc, họ không thích Bắc Kinh so sánh họ với Nhật Bản và lôi kéo họ vào tranh cãi đang diễn ra.

Ông Sato lưu ý rằng, đền Yasukuni tôn vinh 2,5 triệu người Nhật Bản đã chết trong chiến tranh, bao gồm Chiến tranh Thế giới II, và sẽ là sai lầm khi cho rằng viếng đền Yasukuni có nghĩa là Nhật Bản không ăn năn về quá khứ.

Hồng Thủy