Ngày 27/2, xem lại câu chuyện "Y đức" đạt HCV Truyền hình toàn quốc

27/02/2014 11:29
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Độ dày mỏng của phong bì lắm khi kéo theo mức độ cao thấp của sự nhiệt tình, tầm nhìn của y đức lắm khi không dài hết chiều dài của tờ giấy bạc polymer...

LTS: Tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33 được tổ chức tại Khu du lịch giải trí quốc tế Tuần Châu tháng 12/2013, tác phẩm "Y đức không ranh giới" do Đài phát thanh và truyền hình TP.Cần Thơ sản xuất đã xuất sắc giành Huy chương vàng với thể loại phim tài liệu.

Bộ phim ngắn dài hơn 20 phút nói về vấn đề y đức trong đội ngũ y bác sĩ hiện nay. Đồng thời, câu chuyện về những y bác sĩ tình nguyện trong đội ngũ bác sĩ tình nguyện TP. Cần Thơ hơn 10 năm lặn lội đến với những đồng bào vùng sâu cùng xa để chữa bệnh khiến nhiều người có một góc nhìn khác về những người hành nghề y.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), báo Giáo dục Việt Nam xin trích đăng những nội dung chính quanh câu chuyện "Y đức không ranh giới" như bộ phim đã chuyển tải:

"10 năm qua, với hơn 300 chuyến đi, bước chân của đội thầy thuốc tình nguyện TP.Cần Thơ đã in dấu khắp nơi trên hành trang khám chữa bệnh cho người nghèo... Từ các làng quê nghèo ở ĐBSCL xa xôi đến tận huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), vùng lũ Quảng Bình, Khánh Hòa và vươn xa đến tận đất bạn Lào, Campuchia.

10 năm miệt mài với thử thách gian khó chỉ hướng đến một mục tiêu cao nhất là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người nghèo, cho cộng đồng. Hành trình của đội thầy thuốc tình nguyện TP.Cần Thơ và hàng chục, hàng trăm đội thầy thuốc tình nguyện khác cũng chính là cuộc hành trình rèn luyện y đức, hành trình của viêc cho đi và nhận về.

>> Bạn đọc Giáo Dục Việt Nam có thể xem lại bộ phim tài liệu "Y đức không ranh giới Tại đây.

TS Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Hậu Giang cho biết: "Cái họ cho đó là thời gian. Thời gian đó có thể họ ở nhà với vợ, với con, thậm chí nhiều người còn ở nhà với phòng mạch tư. Bởi họ đi đa số là đi ngoài giờ. Thứ hai, họ cho kiến thức họ học được ở ngoài trường.

Nhưng họ cũng nhận lại rất nhiều. Đó là tấm lòng của người dân. Rồi họ còn học được kinh nghiệm trong quá trình khám bệnh. Có thể họ sẽ phát hiện được ra nhiều bệnh mà trong quá trình làm việc trong bệnh viện họ không có dịp để gặp nó. Tôi nghĩ sự nhận lại của các bác sĩ ở đội bác sĩ tình nguyện cũng không ít so với cái họ cho đi".
Y đức vẫn sống trong lòng của các y bác sĩ trẻ, có điều nếu như ngày trước, thế hệ những người thầy thuốc như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm họ khát khao cống hiến, khát khao cho đi hơn là nhận về thì giờ đây do tác động của cuộc sống thị trường, người ta quen dần với việc cho đi hơn là nhận về, rồi so đo tính toán thiệt hơn. Nghĩa là đồng tiền đã chen vào giữa người bệnh và thầy thuốc.
Thầy thuốc ưu tú Lê Thành Lập, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho rằng: "Đồng tiền đã chen vào giữa người bệnh và thầy thuốc. Theo tôi cần giáo dục căn cơ từ nhà trường, rồi Đảng bộ trong các cơ sở y tế cần phải mạnh lên để làm công tác giao dục rèn luyện y đức cho đội ngũ y bác sĩ. Đặc biệt, quy chế chế độ chuyên môn. Vì cái đó là cái ràng buộc để đảm bảo y đức "vuông tròn", chứ mình chỉ có một mặt giáo dục không thì không an".
Những buổi khám bệnh ngoài giờ từ phòng mạch tư mà người trong ngành gọi vui bằng cái tên "câu cá". Có không ít bác sĩ khá lên từ việc này và không ít người bệnh sức khỏe khá lên từ loại hình dịch vụ y tế tư nhân tương tự thế. 
Dù là đội trưởng đội bác sĩ tình nguyện hay là tấm gương bác sĩ trẻ tiêu biểu toàn quốc, bác sĩ Huỳnh Minh Phú cũng phải sống, cũng phải kiếm tiền. Y đức không đối lập với đồng tiền, có điều đồng tiền cũng có năm đường bảy nẻo.
"Y đức và đồng tiền gắn bó với nhau. Bởi vì anh thu tiền theo quy định nhà nước để có đồng tiền phục vụ người khác. Chứ không phải thu tiền là bất đức. Theo tôi cái này hoàn toàn không mâu thuẫn, nhưng do người làm công tác quản lý, điều hành như thế nào, quan niệm của người thầy thuốc như thế nào để xử lý vấn đề cho hài hòa", thầy thuốc ưu tú Lê Thành Lập chia sẻ.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13, các đại biểu từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về sự xuống cấp của y đức và vấn nạn phong bì trong ngành. Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi: "Tôi cũng mong muốn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dứt khoát không đưa phong bì và cùng giám sát việc nhân phong bì trong ngành y tế. Thấy chỗ nào, bác sĩ, nhân viên y tế nào nhận phong bì thì chụp hình, ghi tên lại để chúng tôi xử lý".
Buồn thay, độ dày mỏng của phong bì lắm khi kéo theo mức độ cao thấp của sự nhiệt tình, tầm nhìn của y đức lắm khi không dài hết chiều dài của tờ giấy bạc polymer.
TS Phạm Thị Việt Nga cho rằng: "Trong thời kháng chiến tôi nhớ mẹ tôi làm ở nhà hộ sinh, hầu như nhà tôi không phải mua gạo, hết người này đến người kia cho gạo. Đó là việc hết sức bình thường trong kháng chiến cũng có. Chỉ có điều, chúng ta đừng biến cái đó thành cái chúng ta đòi hỏi, giống như một sự trao đổi".
Hàng loạt sự cố y tế động trời được phanh phui trong năm vừa qua. Những bản xét nghiệm động trời của bệnh viện đa khoa Hoài Đức (HN), vụ ăn bớt vắc-xin của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, vụ tiêm vacxin làm 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị, hàng loạt sản phụ tử vong vì bác sĩ tắc trách...
"Tôi cũng đau lòng. Vấn đề y đức không nói đến nhưng tại sao khi mình cầm sinh mạng người trong tay lại để xảy ra tình trạng như vậy. Nhưng đó không phải là tất cả, vì trong ngành y còn nhiều bác sĩ tốt, hi sinh trong sự nghiệp công lao của họ ít được nhắc đến. Nhưng khi có sự cố xảy ra thì báo đài lại nắm khá rõ. Vì vậy, nhìn lại tỷ lệ không giữ được y đức là ít hơn", TS Phạm Thị Việt Nga nói.
Dù không vơ đũa cả nắm nhưng con sâu vẫn có thể làm rầu nồi canh, hàng loạt sự cố chuyên môn, vụ việc xảy ra trong ngành y tế thời gian qua đã ít nhiều làm méo mó đi hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc để người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm với những người đáng ra phải được gọi bằng "mẹ hiền"./.
Hồng Anh (Tổng hợp)