Máy bay Malaysia mất tích: Trách nhiệm của Việt Nam đến đâu?

11/03/2014 09:45
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Trước sự cố máy bay Malaysia mất tích, nhiều người đặt câu hỏi: Trách nhiệm của Việt Nam đến đâu trong việc tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay trên?

Được biết, Việt Nam là một quốc gia thành viên của Công ước về hàng không dân dụng quốc tế, ký tại Chicago ngày 07/12/1944. Điều 25 Công ước này quy định khi tàu bay lâm nguy:

Mỗi Quốc gia ký kết cam kết thực hiện các biện pháp mà họ thấy có thể thực hiện được để cứu giúp tàu bay bị lâm nguy trong lãnh thổ của mình và cho phép chủ sở hữu của tàu bay và nhà chức trách của Quốc gia mà tàu bay đăng ký tiến hành các biện pháp cứu giúp cần thiết mà hoàn cảnh đòi hỏi, phụ thuộc vào sự kiểm soát của nhà chức trách tại Quốc gia này.

Mỗi Quốc gia ký kết, khi tiến hành tìm kiếm tàu bay mất tích, phải cộng tác với nhau thực hiện các biện pháp phối hợp có thể được khuyến nghị từng thời kỳ theo Công ước này.

Về việc điều tra tai nạn, Theo Điều 26 của Công ước này thì:

Trong trường hợp xảy ra đối với tàu bay của một Quốc gia ký kết trong lãnh thổ của một Quốc gia ký kết khác và gây ra chết người hoặc thương tích nghiêm trọng, hoặc phát hiện ra khuyết tật kỹ thuật nghiêm trọng hoặc thiếu phương tiện đảm bảo không lưu, thì Quốc gia nơi xảy ra tai nạn phải mở cuộc điều tra về những trường hợp tai nạn phù hợp với thủ tục được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế khuyến nghị; trong chừng mực mà pháp luật của Quốc gia đó cho phép, Quốc gia nơi tàu bay đăng ký được tạo cơ hội để chỉ định các giám sát viên có mặt tại cuộc điều tra và Quốc gia tiến hành điều tra phải gửi báo cáo và thông báo mọi điều được phát hiện trong vụ việc cho Quốc gia đăng ký tàu bay.

Thực hiện trách nhiệm của mình, tính đến ngày 9/3, Việt Nam đã sử dụng 7 máy bay (gồm 3 AN 26, 2 Mi 171, 1 DHC6, 1 CASA 212), bay 16 lần chuyến và điều 8 tàu các loại (SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888) tham gia tìm kiếm tại hiện trường. Số phương tiện trong ngày 10/3 tiếp tục được huy động tăng thêm để phục vụ cho công tác TKCN.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lập nhóm công tác đặc biệt ứng trực 24/24 giờ để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện và phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Trung Quốc, các nước liên quan tham gia tìm kiếm trong khu vực nghi máy bay mất tích, cũng như giải quyết các công việc liên quan tiếp theo. 

Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý cho tàu nước ngoài tham gia cứu hộ, nhưng phải có tàu Việt Nam đi cùng. 

NHẤT NGÔN