Ý đồ của Trung Quốc bị New Delhi bóp chết trong trứng nước

26/03/2014 07:26
Đông Bình
(GDVN) - Ấn Độ đã thể hiện vị thế cường quốc, ý đồ muốn có chỗ đứng chân ở sân sau Ấn Độ của Trung Quốc bị New Delhi bóp chết trong trứng nước.
Quần đảo Andaman Nicobar Ấn Độ án ngữ eo biển Malacca
Quần đảo Andaman Nicobar Ấn Độ án ngữ eo biển Malacca

Tờ "The Hindu" Ấn Độ ngày 23 tháng 3 đăng bài viết nhan đề "Ấn Độ, Trung Quốc thể hiện sức mạnh trên biển ở Ấn Độ Dương".

Theo bài báo, vào đầu tuần này, cùng với việc hành động tìm kiếm máy bay chở khách Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia mở rộng đến Ấn Độ Dương, Trung Quốc đề nghị Ấn Độ cho phép họ điều 4 tàu chiến đến vùng biển Andaman.

Ấn Độ đã từ chối đề nghị của Trung Quốc tìm kiếm ở "sân sau" của mình, cho rằng Ấn Độ đang thực hiện tìm kiếm quy mô lớn ở Ấn Độ Dương, đáp trả lại lời đề nghị của Trung Quốc.

Tìm kiếm chuyến bay MH370 chắc chắn là một hành động nhân đạo từ đầu đến cuối, quy mô và mức độ hợp tác quốc tế của nó đều chưa từng có. Nhưng, đồng thời, việc tìm kiếm cũng được dùng để thể hiện khả năng mới của hải quân châu Á - trong thời điểm hiện nay, chi tiêu quân sự của các nước trong khu vực tăng trưởng đạt kỷ lục mới, hải quân của những nước này luôn tiến hành hiện đại hóa nhanh chóng.

Các chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc cho rằng, việc tìm kiếm lần này đã nhấn mạnh đến phương diện thường bị coi nhẹ trong quan hệ Ấn-Trung.

Quần đảo Andaman Nicobar Ấn Độ án ngữ eo biển Malacca
Quần đảo Andaman Nicobar Ấn Độ án ngữ eo biển Malacca

Chuyên gia vấn đề chiến lược, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc Lâu Xuân Hào cho rằng, điều quan tâm của phần lớn các nhà quan sát chủ yếu vẫn là tranh chấp biên giới trên dãy Himalayas, nhưng, cùng với việc hải quân hai nước gia tăng hoạt động trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, sự tiếp xúc và đụng độ trong sự phát triển nhanh chóng của họ có lúc đã bị coi nhẹ.

Lâu Xuân Hào đưa ra quan điểm trên trong một hoạt động hiếm có với chủ đề quan hệ trên biển giữa Ấn-Trung ở Bắc Kinh. Chuyên gia vấn đề ngoại giao của Ấn Độ Raja Mohan cho rằng: "Do phải nhập khẩu năng lượng từ vịnh Ba Tư, tiến hành quan hệ thương mại với châu Âu, sự lệ thuộc của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương sẽ tiếp tục gia tăng".

Tờ "Tin nhanh" Ấn Độ ngày 23 tháng 3 đăng bài viết nhan đề "Trong vấn đề biển Andaman, con hổ Ấn Độ đánh lừa con rồng Trung Quốc".

Theo bài viết, câu đố về sự mất tích của chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia đã gây ra cuộc chơi "mèo vờn chuột" ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc đề xuất hỗ trợ tìm kiếm máy bay chở khách mất tích ở biển Andaman, kết quả bị phía Ấn Độ từ chối một cách lịch sự.

Trong thời điểm dư luận kêu gọi cung cấp viện trợ nhân đạo, tầm quan trọng chiến lược của đảo Andaman nổi lên, Ấn Độ dựa vào đây tuyên bố vị thế cường quốc biển của họ.

Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài số hiệu 538 Type 054A của Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài số hiệu 538 Type 054A của Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh minh họa)

Trung Quốc chịu sức ép trong nước to lớn về tìm kiếm máy bay mất tích, tìm cách xâm nhập quần đảo Andaman và Nicobar cắt ngang qua eo biển Malacca. Eo biển Malacca là tuyến đường hàng hải yết hầu rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Bắc Kinh.

Nhưng ý đồ muốn có chỗ đứng chân ở sân sau Ấn Độ của Trung Quốc bị New Delhi bóp chết trong trứng nước. Ấn Độ không muốn để cho tàu chiến Trung Quốc tiếp cận trạm nghe lén của họ, tức là căn cứ quân sự ở vịnh Campbell.

Một quan chức Ấn Độ nói: "Ở mức độ nhất định, mối quan tâm của Trung Quốc đến từ sức ép trong nước, bởi vì đa số hành khách trên máy bay là người Trung Quốc, Ấn Độ đang tiến hành tìm kiếm ở mức độ tối đa.

Nhưng, nếu tàu chiến và trang bị quân sự khác được phép đi vào vùng biển gần lãnh thổ Ấn Độ thì đã cung cấp cơ hội cho hoạt động do thám tình báo của nước ngoài. Ấn Độ có thể không thích thú với điều này".

Trước đó, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 21 tháng 3 dẫn “Thời báo Ấn Độ” đưa tin, Bắc Kinh đã đề nghị cho 4 tàu chiến của họ (trong đó có 2 tàu hộ vệ, 1 tàu tìm kiếm cứu nạn) đi vào vùng biển quần đảo Andaman và Nicobar để tìm kiếm máy bay MH370, nhưng New Delhi đã từ chối.

Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 Ấn Độ thuê của Nga (ảnh minh họa)
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 Ấn Độ thuê của Nga (ảnh minh họa)

Để đề phòng Trung Quốc, Ấn Độ từng bước tăng cường sức chiến đấu cho lực lượng quân đội đóng trên quần đảo này, Quân đội Ấn Độ đã mạnh mẽ phản đối tàu chiến Trung Quốc đến gần bất cứ nơi nào của cứ điểm chiến lược này.

Ấn Độ lấy lý do là trước đó họ đã điều tàu chiến và máy bay đến tìm kiếm ở vịnh Bengal và quần đảo này.

Được biết, quần đảo Andaman và Nicobar là tiền tiêu quân sự của Ấn Độ ở khu vực cách không xa eo biển Malacca. Ấn Độ từ chối đề nghị của Trung Quốc là để tránh bị do thám.

Đông Bình