Hợp tác Nhật - Việt - Phi: Những khởi đầu mới!

10/06/2014 06:17
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN) - Sự liên kết giữa Nhật – Việt – Phi sẽ làm phá sản âm mưu của Bắc Kinh là chia rẽ các nước ASEAN...

Đã hơn một tháng kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tình hình vẫn đang tiếp tục căng thẳng. Việt Nam vẫn duy trì sự hiện diện của lực lượng chấp pháp tại hiện trường. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ ra manh động.

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động “đơn phương”, “khiêu khích” của Trung Quốc, tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng 6 vừa qua. Dư luận quốc tế cũng đã lên tiếng quan ngại trước những căng thẳng trên Biển Đông, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981.

Thế nhưng, Trung Quốc vẫn không cho thấy họ sẽ xuống thang trong vụ việc này. Ngược lại, hành động của Bắc Kinh trên thực địa ngày càng đáng lo ngại. Từ chỗ chỉ ngăn cản tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan 981, Trung Quốc đã tiến tới hành động cố tình đâm chìm tàu của Việt Nam. Đây là hành động hết sức nguy hiểm. Thậm chí đã có những lời cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột vũ trang.

Tàu đổ bộ Kunisaki thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có mặt tại Đà Nẵng sáng 6/6, mở đầu Chương trình Đối tác Thái Bình Dương kéo dài đến 15/6. (Ảnh: AFP/BBC)
Tàu đổ bộ Kunisaki thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có mặt tại Đà Nẵng sáng 6/6, mở đầu Chương trình Đối tác Thái Bình Dương kéo dài đến 15/6. (Ảnh: AFP/BBC)

Trong bối cảnh đó, người ta thấy ngoài sự kiềm chế trong việc xử lý căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, Việt Nam đã có những động thái mới trong sự hợp tác với Nhật Bản và Philippines.

Mặc dù chưa có một điều tra dư luận chính thức, nhưng vẫn có thể nhận thấy rằng sự hợp tác chặc chẽ hơn giữa Việt Nam với Nhật Bản và Philippines nhận được sự đồng tình của người dân Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ qua rất nhiều ý kiến của cư dân mạng, trong thời gian vừa qua.

Tăng cường sức mạnh cho Việt Nam

Lâu nay Việt Nam vẫn theo chính sách “ba không”: Không liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình; không liên minh với nước này để chống nước khác. 

Chính sách này tương tự như chính sách mà Phần Lan đã áp dụng đối với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Có thể nói chính sách này cũng đã có những kết quả nhất định. Nhưng nay thời thế đã thay đổi. Vì vậy, việc đánh giá lại chính sách này là việc nên làm, nhất là ở tầm chiến lược.

Đại diện hai đoàn Việt – Phi chụp ảnh lưu niệm trên đảo Song Tử Tây ngày 8/6 (Ảnh: Báo QĐND)
Đại diện hai đoàn Việt – Phi chụp ảnh lưu niệm trên đảo Song Tử Tây ngày 8/6 (Ảnh: Báo QĐND)

Trên phương diện hành động thực tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Philippines và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến Nhật Bản để bàn việc hợp tác. Lần đầu tiên, quân đội Việt Nam đã có những hoạt động giao lưu, hợp tác trên thực địa với quân đội Philippines ở Trường Sa và với Nhật Bản ở Đà Nẵng. Mặc dù, đây chỉ là những hoạt động “phi tác chiến”, nhưng nó đã phát đi những tín hiệu tích cực. Đối với người dân Việt Nam, họ cảm thấy bớt đi cái cảm giác đơn độc, trong việc đối phó với nước láng giềng to lớn và hung hăng ở phương Bắc. 

Việc tăng cường hợp tác giữa Việt – Nhật – Phi sẽ giúp các quốc gia này có sự tham vấn, trao đổi kinh nghiệm để đối phó hiệu quả hơn với những thách thức do Trung Quốc gây ra. Nhật Bản cũng đã quyết định cung cấp tàu tuần tra biển cho Philippines và sau đó là Việt Nam, vào năm 2015.

Tăng cường an ninh, ổn định của khu vực


Trung Quốc ngày càng giống hình ảnh một “con ngựa bất kham”. Và người ta sẽ không kiềm chế được con ngựa bất kham ấy chỉ bằng lời lẽ. Cần có một “sợi dây cương”. Sự hợp tác chặc chẽ của ba nước Nhật – Việt – Phi, cộng thêm sự ủng hộ của Hoa Kỳ, sẽ là sợi dây cương đó.

Chiến lược cơ bản của Bắc Kinh là chia rẽ các nước ASEAN, chia rẽ các nước có cùng mối quan ngại về những tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ tự tin hơn nếu “bẻ đũa từng chiếc”. Vì vậy, sự liên kết giữa Nhật – Việt – Phi sẽ làm phá sản âm mưu đó của Trung Quốc. 

Sự góp mặt của yếu tố Nhật Bản cũng có khả năng làm cho ASEAN gắn kết hơn, giảm đi tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, như đã từng xảy ra khi Campuchia làm chủ tịch luân phiên của khối ASEAN.

Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc hơn về các hành động của mình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Họ sẽ nghĩ đến giải pháp đàm phán, thương lượng nhiều hơn là giải pháp dùng sức mạnh. Điều đó sẽ làm cho tình hình an ninh của khu vực ổn định hơn.

Trần Nghĩa Sơn