Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Nợ công Việt Nam trong ngưỡng an toàn"

11/06/2014 07:20
Ngọc Quang
(GDVN) - Nợ công Việt Nam hiện giờ ra sao? Nợ của Chính phủ đang ở mức nào? Giải pháp nào để đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia?

Chiều qua (10/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng là người mở đầu cho chương trình trả lời chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Nhiều câu hỏi tập trung vào vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia.

Nợ Chính phủ cũng thấp hơn mức cho phép

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, số lượng tuyệt đối của nợ công trong những năm gần đây đều có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của danh mục nợ công thì cần tính đến các yếu tố cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ, đây là hai yếu tố rất quan trọng.

“Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn, bao gồm chỉ tiêu tỷ lệ nợ công trên GDP, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách hàng năm, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích: Thứ nhất, về chỉ tiêu nợ công trên GDP, tỷ lệ này thay đổi không nhiều qua các năm, năm 2010 là 51,7%, năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 53,4% bao gồm cả con số Quốc hội đã biểu quyết chuyển nợ hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2012 vào trong bội chi, trước đây để nợ. Nợ năm 2012 cộng với 2011 là 33 ngàn tỷ, trong đó có 19.600 tỷ của năm 2012 Quốc hội biểu quyết thông qua về quyết toán chi Quốc hội đưa tăng vào bội chi cho nên bội chi 2012 hôm qua Quốc hội đưa lên 5,36% của năm 2012.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: “Như thế chúng tôi cho cũng đúng, minh bạch, đằng nào số nợ hoàn thuế giá trị gia tăng ta cũng phải vay thì đưa vào bội chi thì minh bạch và theo dõi dễ, còn trước để ngoài. Chúng tôi cho điều đó rất tốt và tỷ lệ này nằm trong ngưỡng Quốc hội cho phép 65%. Riêng nợ Chính phủ hiện nay 41,5% thấp hơn chỉ tiêu 55% Quốc hội cho phép. Chúng tôi cho rằng cùng với tăng trưởng GDP ở mức trung bình trong những năm tới kết hợp với việc kiểm sát chặt chẽ tính bền vững và khả năng trả nợ sẽ tiếp tục duy trì”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng, khẳng định: Nợ công Việt Nam trong ngưỡng an toàn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng, khẳng định: Nợ công Việt Nam trong ngưỡng an toàn.

Thứ hai, thời điểm trả nợ, đây là việc rất quan trong, do bị trùng lặp theo cơ cấu nợ công hiện nay có khoảng 50% nợ nước ngoài, nợ vay ODA lãi xuất thấp, thời hạn còn lại phải trả nợ khoảng 14 - 15 năm, việc này còn dài dài, xấp xỉ 50%, còn lại huy động trong nước bằng trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác. Trong điều kiện những năm vừa qua kinh tế khó khăn, huy động khó khăn, cho nên thời hạn huy động rất ngắn 2 năm, 3 năm, 5 năm.

“Vừa qua chúng tôi đã huy động 5 năm, 10 năm, có cả đến 15 năm nhưng số lượng rất ít, cơ cấu nợ công này rất quan trọng, đặc biệt trong nước khoảng 30% huy động trong nước ở thời gian phải trả nợ trong vòng 1 đến 3 năm. Đây là vấn đề cần phải bàn, phải tính, vấn đề rất quang trọng, rất hệ trọng và việc này đã báo cáo với Chính phủ, với Thủ tướng Chính phủ cần phải có giải pháp để cơ cấu lại nợ công và từng bước. Trong thực tế từ cuối năm 2013 đầu năm 2014 chúng tôi đã có những bước cho phát hành trái phiếu Chính phủ số lượng trái phiếu Chính phủ phát hành thời hạn 5 năm, 10 năm so với năm trước đã lớn hơn, tăng dần tỷ trọng này lên”, ông Dũng cho biết.

Thứ ba, các chỉ tiêu quan trọng khác là thời điểm cuối năm 2013 tỷ lệ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách, nếu tổng số thì nó vượt ngưỡng 25%, nhưng phân tích sâu thì trong này có khoảng trên 10% là vay đảo nợ, do đó tính đúng mà vay đảo nợ thì không làm phát sinh thêm nghĩa vụ nợ. Do vậy, nếu trừ nghĩa vụ vay đảo nợ thì vẫn nằm ở mức khoảng 20-21%, dưới mức 25%. Đây là việc đặt ra với việc điều hành trong thời gian tới trong vấn đề bố trí ngân sách để trả nợ huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nước để phục vụ cho đầu tư, phát triển thì phải tính đến đoạn dài hạn hơn trong điều kiện hiện nay kinh tế của chúng ta đã khởi sắc, nhưng còn khó khăn.

“Trong điều kiện thị trường tài chính có bước khởi sắc, nhưng phải thấy quy mô rất nhỏ và đánh giá của chúng tôi, nếu loại trừ yếu tố vay đảo nợ trong nghĩa vụ nợ phải trả từng năm từ nay đến 2016, 2017, 2018 thì nghĩa vụ trả nợ đều nằm ở dưới 25% là nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội và trong chiến lược nợ công của Thủ tướng Chính phủ đã duyệt”, Bộ trưởng chia sẻ.

Giải pháp nào huy động vốn trả nợ?

Tư lệnh ngành tài chính khẳng định, vấn đề quan trọng đặt ra là phải huy động được vốn để vừa phục vụ cho phát triển mới, vừa phục vụ cho vay đảo nợ, nghĩa là thời gian tiếp theo sau đây phải dài hạn so với hiện nay và những năm trước.

Bộ trưởng Dũng chỉ rõ: “Chỗ này rất quan trọng, các đại biểu Quốc hội nhìn thấy sốt ruột là rất đúng, nhưng nếu loại trừ vay đáo nợ thì vẫn nằm trong ngưỡng 20, 21% nhỏ hơn 25%. Vay đảo nợ không làm phát sinh thêm nghĩa vụ nợ mới, chỗ này có ý như thế. Chúng tôi cũng quán triệt tinh thần điều hành thận trọng, nhận thức đầy đủ các yếu tố rủi ro trong vay nợ, Bộ Tài chính đã thường xuyên đánh giá danh mục nợ công không chỉ trên phương diện số tuyệt đối mà kể cả số tương đối tỷ trọng so với GDP và các chỉ tiêu đánh giá an toàn khác như đã báo cáo bên trên. Việc đánh giá này đúng với quy định của Luật quản lý nợ công đã báo cáo với Quốc hội”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu rõ 5 giải pháp trả nợ công:

Thứ nhất, tiếp tục đánh giá định kỳ về tình hình nợ công, về nợ công có tính vay nợ của doanh nghiệp nhà nước không, hiện nay theo quy định của Luật nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Phần doanh nghiệp nhà nước kể cả doanh nghiệp thành phần kinh tế khác; không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay không nhà nước, nếu được Chính phủ bảo lãnh thì phần Chính phủ bảo lãnh được tính trong nợ công. Thực tế vừa qua chúng ta đã bảo lãnh cho cả doanh nghiệp không phải doanh nghiệp nhà nước.

Vay đảo nợ nếu không phát sinh nghĩa vụ nợ mới, có khi còn vay được nợ mới mà lãi suất thấp hơn thì nợ công không bị ảnh hưởng. Đảo nợ tức là không phát sinh nghĩa vụ nợ mới, như trên tôi đã báo cáo không phát sinh nghĩa vụ trả nợ thì nhìn chung không ảnh hưởng đến nợ công. Vấn đề ở đây làm sao chúng ta phải huy động được vốn trong thời gian tới có thời hạn huy động dài hơn thời hạn hiện nay. Chúng tôi thấy đây là một trong những giải pháp chúng ta phải tái cơ cấu lại nợ công, cùng với các giải pháp khác có tác dụng quản lý thì giải pháp tái cơ cấu nợ công rất quan trọng.

Thứ hai là khẩn trương rà soát, thực hiện phân kỳ đầu tư với chương trình, dự án như có đại biểu đã nêu vay về quản lý không được, kém hiệu quả cũng là vấn đề đại sự. Vay nhưng quản lý đồng tiền vay trong nước và nước ngoài là vấn đề đại sự liên quan đến rất nhiều ngành nhiều cấp. Đây là câu chuyện phải tiếp tục cùng với nó là phòng ngừa, chống lãng phí, dàn trải, đặc biệt là các khoản vay, phải tăng cường quản lý tiền vay gắn với các chương trình, dự án cụ thể.

Thứ ba là kiểm soát chặt chẽ việc cấp phát và quản lý Chính phủ, ở đây cũng có vấn đề phải tính toán lại các hạn mức Chính phủ hàng năm. Hàng năm Bộ Tài chính có báo cáo với Chính phủ hạn mức bảo lãnh, Thủ tướng đã phê duyệt thì tiến hành theo cái đó, chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với những dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh.

Thứ tư, trong quá trình điều hành chủ động giảm dần bội chi qua điều hành ngân sách và hạn chế tối đa việc tạm ứng ngân sách và kiên quyết thu hồi các khoản ứng trước đây. Đây cũng là câu chuyện nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ năm, thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu, thị trường trái phiếu rất mới, quy mô năm nay 5 tháng đầu năm đã huy động được trên 150 ngàn tỷ, nhưng vướng là thời hạn huy động, thời hạn vay rất ngắn, có cái 1 năm, có cái 3 năm, có cái 5 năm, có cái 10 năm, dồn cục vào năm 2016-2017 vào trả nợ. Điều này sẽ phải xử lý trong thời gian tới tức là đáo nợ mà đáo nợ thì không làm tăng nghĩa vụ của nhà nước và cũng không làm tăng nợ công.

Ngọc Quang