Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: Do thám Biển Đông do TQ thiếu minh bạch

17/09/2014 15:04
Đông Bình
(GDVN) - "Trung Quốc làm loạn tình hình, làm cho các nước có yêu cầu chủ quyền khó hơn chứ không phải dễ hơn giải quyết hòa bình tranh chấp".

Ngày 15 tháng 9 dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel ngày 12 tháng 9 cho biết: "Chúng tôi có quyền tiến hành nhiệm vụ hợp pháp ở ngoài không phận Trung Quốc, làm như vậy là có lý do thuyết phục".

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell

Theo bài báo, ông Daniel Russel bảo vệ cho hoạt động bay do thám ở Biển Đông của Mỹ, cho rằng: "Nói một cách thẳng thắn, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc thiếu minh mạch, gây lo ngại cho một số nước láng giềng".

Ông Daniel tấn công Trung Quốc cho rằng, người Trung Quốc làm loạn tình hình, làm cho các nước có yêu cầu chủ quyền khó hơn chứ không phải dễ hơn giải quyết hòa bình tranh chấp của họ.

Tờ "The Boston Herald" Mỹ ngày 14 tháng 9 thậm chí có bài bình luận, yêu cầu Mỹ nói “không” với Trung Quốc, kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama cần thể hiện rõ ràng, Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay ở không phận quốc tế, "giương buồm" ở vùng biển quốc tế.

Bài báo còn cho rằng, nếu bị thách thức thì lấy vũ lực để bảo vệ tuần tra, "khi trinh sát lần tiếp theo, máy bay chiến đấu hộ tống sẽ tăng cường tín hiệu này".

Trang mạng Presstv Iran dẫn dân mạng "Clouds" cho rằng: "Quan chức Mỹ bảo vệ cho việc theo dõi Biển Đông", theo logic tương tự, Trung Quốc có thể điều máy bay do thám đến toàn bộ châu Mỹ duy trì hòa bình, ổn định, xã hội cởi mở, dân chủ, minh bạch và chủ quyền của láng giềng Mỹ. Nhưng, dân mạng này cho rằng "logic của Mỹ luôn là một chiều".

Bất kể thông tin Malaysia mời máy bay do thám Mỹ là thật hay giả, 500 binh sĩ Mỹ ngày 12 tháng 9 đã đến Malaysia, tổ chức diễn tập liên hợp với binh sĩ Malaysia, kéo dài đến ngày 26 tháng 9, cuộc diễn tập này do Mỹ tài trợ.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon, Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon, Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)

Từ ngày 29 - 30 tháng 9, 2.700 binh sĩ Mỹ-Philippines sẽ tổ chức diễn tập quân sự ở tỉnh Zambales và Palawan của Philippines.

Chủ nhiệm Văn phòng công vụ Hải quân Philippines Domingo cho biết: "Cuộc diễn tập nhằm thúc đẩy quan hệ giữa quân đội Philippines-Mỹ, phát triển khả năng trên các phương diện tác chiến liên hợp, hoạt động đổ bộ, tác chiến đặc biệt, cung cấp hậu cần".

Malaysia thực sự mời Mỹ do thám Biển Đông?

Tờ “Thời báo New York” Mỹ ngày 13 tháng 9 dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, Malaysia gần đây mời máy bay tuần tra P-8 Poseidon Mỹ cất cánh từ khu vực cực đông nước này, điều này giúp Mỹ tiếp cận hơn với Biển Đông.

Theo bài báo, Malaysia đã cùng Mỹ tham vấn một thời gian về việc cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân ở bang Sabah, đông bắc Malaysia.

Điều khác với Philippines và Việt Nam là, mặc dù có “tranh chấp lãnh thổ” với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Malaysia và Trung Quốc duy trì quan hệ “tốt đẹp”.

Ví dụ, Malaysia tuyên bố có chủ quyền đối với bãi ngầm James cách nước này chỉ 50 dặm Anh, cách Trung Quốc tới trên 930 dặm Anh. Trong khi đó, Trung Quốc coi bãi ngầm James là cực nam của “đường 9 đoạn”.

Mặc dù vậy, Trung Quốc hoàn toàn không “báo thù” đối với việc Malaysia cho Công ty dầu khí quốc gia Malaysia thăm dò dầu khí ở trong “đường 9 đoạn”.

Một quan chức cấp cao châu Á giấu tên cho rằng, đằng sau sự “thiện chí” của hai nước, Malaysia cảm nhận được sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, muốn thông qua tiếp xúc với Mỹ để đạt “cân bằng”.

Trung Quốc cho quân xuống tận bãi ngầm James - phía nam Biển Đông giáp Malaysia để tuyên bố "chủ quyền".
Trung Quốc cho quân xuống tận bãi ngầm James - phía nam Biển Đông giáp Malaysia để tuyên bố "chủ quyền".

Chuyên gia Mỹ cho rằng, một trong những nguyên nhân Malaysia mời Mỹ như trên là Trung Quốc bất ngờ triển khai tàu chiến ở vùng biển của Malaysia, đe dọa hoạt động thăm dò dầu khí ở duyên hải Malaysia.

Chủ nhiệm Ngô Tâm Bá, Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Phục Đán, Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc sẽ giải thích thỏa thuận giữa Mỹ và Malaysia là “thách thức trực tiếp” đối với lập trường của Bắc Kinh. Bắc Kinh coi hoạt động do thám của máy bay Mỹ là “xâm phạm chủ quyền” của họ.

Mỹ cho rằng, máy bay nước ngoài có quyền bay trên bầu trời vùng biển ngoài lãnh hải 12 hải lý của một nước, còn Trung Quốc luôn cho rằng, trong tình hình không cho phép, máy bay nước ngoài “không có quyền bay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” của họ.

Theo bài báo, Mỹ hy vọng tận dụng căn cứ của Malaysia để triển khai bay do thám – đây tiếp tục là một sức ép đối với Trung Quốc và khả năng quân sự liên tục tăng lên của họ. Nhưng sức ép này có tác dụng như thế nào thì chưa rõ.

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 15 tháng 9 cũng có bài viết về vấn đề này, cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia phủ nhận đã cho phép máy bay chiến đấu Mỹ cất cánh từ căn cứ của Malaysia, nhưng lại im lặng về khả năng Kuala Lumpur mời máy bay trinh sát Mỹ gần đây.

Bài báo còn cho biết, ngày 15 tháng 9, cuộc diễn tập “Valiant Shield” của Quân đội Mỹ đã mở màn ở Guam, cách Tokyo 1.500 dặm Anh về phía nam, thời gian kéo dài 1 tuần. Theo hãng AP Mỹ, tham gia diễn tập gồm có 2 tàu sân bay, 19 tàu chiến, hơn 200 máy bay và khoảng 18.000 binh sĩ, đa số binh sĩ đến từ hải, không quân; binh sĩ Thủy quân lục chiến và Lục quân cũng tham gia.

Quân đội Mỹ tập trận (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Quân đội Mỹ tập trận (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

P-8 mang theo tên lửa và triển khai ở Biển Đông

Tờ “The Malaysian Insider” ngày 14 tháng 9 cũng có bài viết cho rằng, Chính phủ Malaysia còn chưa xác nhận khả năng mời máy bay trinh sát Mỹ đến. Để máy bay trinh sát Mỹ cất cánh từ bang Sabah sẽ là vấn đề gai góc, bởi vì quan hệ Malaysia-Trung Quốc rất mật thiết, cho dù hai nước còn tồn tại “tranh chấp lãnh thổ Biển Đông”.

Theo tờ “The Korea Herald”, gần đây, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã đánh chặn máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ trên Biển Đông, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ Trung-Mỹ.

Được biết, trong cuộc hội kiến với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice gần đây ở Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cũng đề nghị Mỹ giảm hoạt động trinh sát cự ly gần bằng tàu chiến, máy bay.

Theo bài báo, đối với người Trung Quốc, máy bay quân sự Mỹ tiến hành giám sát ở vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngoài lãnh hải Trung Quốc là một sự “khiêu khích”, thể hiện vị thế thống trị quân sự của Mỹ ở châu Á, chứng minh “Mỹ không có ý định xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới”.

Theo tờ “Asahi Shimbun” Nhật Bản, Trung Quốc cho rằng, máy bay trinh sát Mỹ thường xuyên trinh sát Trung Quốc đã gây tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc và quan hệ lòng tin chiến lược Mỹ-Trung.

Tờ “Nhật báo Phố Wall” dẫn lời một sĩ quan Hải quân Mỹ giấu tên cho biết, căn cứ liên quan đến Mỹ và Malaysia rất có thể là căn cứ không quân hoàng gia Malaysia ở đảo Labuan, Quân đội Mỹ từng sử dụng căn cứ này trong diễn tập trước đây. Đảo này rất gần cực nam của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Sát thủ săn ngầm P-8A Poseidon, Hải quân Mỹ
Sát thủ săn ngầm P-8A Poseidon, Hải quân Mỹ

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, máy bay Mỹ hiện tiến hành trinh sát ở Biển Đông phần lớn đến từ Okinawa, Nhật Bản. Trong các nước Đông Nam Á, chỉ có Philippines và Singapore cho phép máy bay tuần tra Mỹ triển khai thời gian ngắn ở lãnh thổ của họ, nhưng không triển khai lâu dài.

Lý Kiệt cho rằng, thái độ của Malaysia đối với vấn đề triển khai P-8 có thể là “ỡm ờ”, Mỹ cần chủ động hơn. Máy bay P-8 đã trang bị phao sonar, radar tìm kiếm, tốc độ đạt hơn 800 km/giờ, khả năng bay liên tục nổi bật, khả năng trinh sát mạnh, không chỉ có vậy, P-8 ngoài trang bị ngư lôi ngăn ngầm, thậm chí đã mang theo tên lửa, khả năng tấn công cũng không thể coi thường.

Mỹ triển khai máy bay trinh sát mạnh như vậy ở Biển Đông, nếu không “bớt phóng túng”, chắc chắn sẽ tạo ra “mối đe dọa rất lớn” đối với an ninh và quốc phòng của Trung Quốc.

Đông Bình