Nghi vấn nhờ người thi hộ cao học tại Trường Đại học Luật Hà Nội

16/12/2014 14:42
Anh Minh
(GDVN) - Thí sinh Trần Thị Phương có đơn khiếu nại đối với việc mình không có tên trong danh sách trúng tuyển cao học vào Trường Đại học Luật Hà Nội.

2 lần gửi đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết?

Trong đơn gửi Báo Giáo dục Việt Nam, thí sinh Trần Thị Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trong 3 ngày 29,30,31/8/2014, có tham gia kỳ thi tuyển sinh cao học luật Khóa 22 mở tại Trường Đại học Luật Hà Nội (niên khóa 2014-2016), ngành thi Luật Dân sự và Tố tụng dân sự.

Ngày 8/10/2014, trên trang web của Trường Đại học Luật Hà Nội có đăng thông tin về điểm thi của mình như sau: Môn Ngoại ngữ (Nghe: 18, Đọc + Viết: 52.50; Nói: 16). Môn Triết học: 6,75; Môn Chuyên ngành (Luật Dân sự và Tố tụng dân sự): 5,25. Tổng điểm là: 12.

Thí sinh Trần Thị Phương có đơn khiếu nại về kết quả tuyển sinh cao học tại Trường Đại học Luật Hà Nội
Thí sinh Trần Thị Phương có đơn khiếu nại về kết quả tuyển sinh cao học tại Trường Đại học Luật Hà Nội

Tuy nhiên, ngày 24/10/2014, trên trang web của trường công bố danh sách trúng tuyển Ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự có 62 thí sinh, trong đó có 22 thí bằng hoặc kém điểm với thí sinh Trần Thị Phương nhưng lại không có tên thí sinh này trong danh sách trúng tuyển.

Theo thí sinh Trần Thị Phương “ngày 27/10/2014, tôi gọi điện đến Khoa sau đại học thì được biết: Khoa Luật Dân sự và Tố tụng dân sự lấy điểm trúng tuyển từ 11,50 trở lên. Đối chiếu với số điểm của tôi thì tôi phải có tên trong danh sách trúng tuyển ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự”.

Trong đơn, thí sinh Trần Thị Phương cho biết, trong các ngày 27/10/2014, 3/11/2014, thí sinh Trần Thị Phương có gửi đơn Khiếu nại lần 1, lần 2 đến Trường Đại học Luật Hà Nội để được xem xét, giải quyết nhưng không được trả lời.

“Nhà trường có quyền tuyển hay không tuyển nhưng phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm với những quyết định của mình. Nhà trường công bố điểm của tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng có nghĩa là đã thừa nhận kết quả của tôi trong kì thi do nhà trường tổ chức. Vậy lí do gì khiến nhà trường gạt tên tôi khỏi danh sách trúng tuyển?” – bạn Trần Thị Phương viết trong đơn gửi Báo Giáo dục Việt Nam.

Nghi vấn về việc nhờ người đi thi hộ

Sau phản ánh của bạn Trần Thị Phương, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ làm việc với Trường Đại học Luật Hà Nội vào chiều ngày 2/12/2014.

Trường Đại học Luật Hà Nội đã có văn bản trả lời đơn khiếu nại của thí sinh Trần Thị Phương, văn bản được kí ngày 25/11/2014.

Trong văn bản nêu rõ: “Trong quá trình kiểm tra, Ban Thanh tra tuyển sinh đã phát hiện trường hợp hai bài thi của cùng một thí sinh có dấu hiệu bất thường, có biểu hiện vi phạm quy chế”. Cụ thể là trong bài thi viết môn Tiếng Anh và bài thi môn Luật Dân sự của cùng một số báo danh nhưng chữ viết trong hai bài thi này không giống nhau, có thể do 2 người làm, tức là có dấu hiệu nghi vấn về việc nhờ người đi thi hộ.

Nghi vấn nhờ người thi hộ cao học tại Trường Đại học Luật Hà Nội ảnh 2

Điểm mới trong tuyển sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2015

Phương án tuyển sinh cử nhân chính quy tập trung của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2015 có nhiều nét mới.

Nhận thấy nghi vấn, Ban thanh tra tuyển sinh phối hợp với Ban Thư ký HĐTS của trường yêu cầu thí sinh lên giải trình (có lập biên bản về buổi làm việc với thí sinh). Trong buổi làm việc này, thí sinh kiên quyết phủ nhận việc có nhờ người đi thi hộ và khẳng định chữ viết trong hai bài thi đều là của thí sinh. Tuy nhiên, khi được Ban thanh tra tuyển sinh yêu cầu viết lại kiểu chữ viết đã thể hiện trong bài thi tiếng Anh thì thí sinh từ chối không viết và giải thích rằng do tâm trạng không tốt nên không thể viết ngay trong buổi giải trình được.

Do đó, nhà trường đã tạm thời chưa công nhận trúng tuyển đối với thí sinh Trần Thị Phương, đồng thời tiến hành các thủ tục trưng cầu giám định chữ viết đối với bài thi này.

Kết quả giám định chữ viết 

Chiều ngày 15/12, ông Nguyễn Văn Tuyến, trưởng khoa Sau Đại học (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết, trường đã phải gửi công văn tới Viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đề nghị giám định chữ viết, với tài liệu cần giám định là bài thi môn Tiếng Anh (ký hiệu A) của thí sinh Trần Thị Phương, với tài liệu mẫu so sánh là bài thi môn Luật Dân sự (ký hiệu M1) và bản chữ viết tay (ký hiệu M2) của Trần Thị Phương.

Ông Tuyến cho biết: “Trường vừa nhận được công văn của Viện Khoa học hình sự, công văn số 3424/C54(P5) ký ngày 11/12/2014, trả lời về kết quả giám định”.

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự có ghi: “Chữ viết tại phần“Bài làm" trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ viết trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 không phải do cùng một người viết ra”.

Căn cứ vào kết quả giám định này, ông Tuyến cho biết nhà trường sẽ có sẽ có công văn thông báo cho Trần Thị Phương và các cơ quan liên quan, cũng như đơn vị thí sinh này công tác.

Về việc xử lý vi phạm của thí sinh trong quá trình tuyển sinh, ông Tuyến cho biết sẽ theo đúng các quy định hiện hành.

Anh Minh