Thủ tướng chỉ đạo xem xét loại hình hoạt động taxi Uber

19/12/2014 07:25
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ Giao thông vận tải chủ trì cân nhắc thời điểm cho phép dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber) hoạt động tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh liên quan đến việc xem xét, cân nhắc thời điểm cho phép dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber) hoạt động tại Việt Nam.

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều về hoạt động của dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber). Hiện nay, dịch vụ này vẫn đang hoạt động, chủ yếu tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Việc ứng dụng công nghệ mạng để điều hành của Uber là hoạt động hoàn toàn mới so với hoạt động của các hãng taxi tuyền thống. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu để có giải pháp quản lý loại hình doanh nghiệp này, trong đó có việc xem xét vi phạm (nếu có) của Uber.

Taxi Uber xuất hiện tại Việt Nam gây nhiều quan điểm trái chiều.
Taxi Uber xuất hiện tại Việt Nam gây nhiều quan điểm trái chiều.

Uber là loại hình dịch vụ taxi mới với những tiện ích: chỉ thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe taxi. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón.

Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.

Liên quan đến câu chuyện tranh luận cấm Taxi Uber hay không? Trong cuộc họp tại Bộ GTVT ngày 3/12, khác với nhiều ý kiến, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói chỉ rõ: “Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường. Chi phí thấp, người dân thấy lợi khi sử dụng. Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm?”.

Bộ trưởng Thăng nêu quan điểm, nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn thì người làm chính sách phải có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hoá; phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân.

Quan điểm của Bộ trưởng Thăng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía dư luận vì rất nhiều người cho rằng, loại hình taxi này mang lại rất nhiều tiện ích cho khách hàng, làm tăng tính cạnh tranh với các hãng khác.

Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội vừa mới gửi văn bản gửi tới Bộ Giao thông Vận tải đề nghị dừng loại hình taxi này, với lý do bên cạnh những tiện ích thì Uber Taxi tại Việt Nam còn nhiều nhược điểm như: Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa lái xe và hành khách, không được điều chỉnh bởi Luật Giao thông đường bộ Việt Nam; Taxi Uber là hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải là trái với luật GTĐB và nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô, không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải: không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh vận tải.

Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng…Việc hoạt động kinh doanh của Taxi Uber cũng chưa được sự đồng ý cho phép của các cơ quan nhà nước, hoạt động ngoài tầm kiểm soát, không đóng thuế nên gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các hãng khác.

Tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội… hiện tại theo chính sách của cơ quan nhà nước không phát triển thêm phương tiện phục vụ SXKD taxi bằng xe ô tô do cơ sở hạ tầng chưa cho phép. Việc phát triển hoạt động kinh doanh của Taxi Uber ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến trật tự giao thông đô thị.

Thực tế cho thấy, đối với hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber là không đảm bảo quyền lợi cho người đi xe. Quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ sẽ không được đảm bảo trong trường hợp khi xảy ra sự vụ, sự việc do lái xe không được quản lý, hoạt động không theo tổ chức, không được đào tạo.

Với những nhận định như trên, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng Taxi cũng như quyền lợi của khách hàng, bằng công văn này kính đề nghị Bộ GTVT tạm dừng hoạt động của Taxi qua dịch vụ Uber tại Việt Nam cho đến khi cơ quan Nhà nước có chế tài, quy định cụ thể đối với loại hình dịch vụ này.

Ngọc Quang