TS Lê Đăng Doanh: Bức tranh kinh tế Việt Nam 2014 có nhiều mảng sáng

26/12/2014 07:36
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã chỉ rõ những mảng sáng – tối trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 đồng thời có những dự đoán cho năm 2015.

Năm 2014 sắp qua đi với nhiều nấc thăng trầm của nền kinh tế Việt. Để độc giả có cái nhìn khái quát về tình hình kinh tế Việt trong năm 2014 và năm 2015 sắp tới, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương.

- Nhìn lại năm 2014 sắp qua, theo ông nền kinh tế nước ta có những điểm sáng đáng mừng nào?

TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Danviet)
TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Danviet)

Năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có những sự phát triển đáng mừng như tăng trưởng GDP đã vượt lên chỉ tiêu - đạt 5,93%, lạm phát đã giảm đáng kể - đạt hơn 2%, lãi suất tín dụng giảm…tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp  có thể tiếp cận được với nguồn vốn.

Hàng hóa xuất khẩu tăng khá. Sự tăng trưởng ấy chủ yếu là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.  Các doanh nghiệp này chiếm khoảng  68% tổng số lượng hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ đã có những nỗ lực lớn với nhiều chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh. Thủ tướng đã có những yêu cầu cắt giảm các thủ tục phiền hà như thuế, hải quan… Đó là những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

- Ngoài những điểm sáng đáng mừng như ông đã nói, hẳn nền kinh tế nước ta vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế?

Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đáng mừng, tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Thứ nhất, trang thiết bị cho người lao động trong nước còn đơn giản, cơ sở vật chất - hạ tầng còn yếu kém.

Hơn nữa, lượng lao động được đào tạo về chuyên môn - kỹ thuật không nhiều, đa số là lao động phổ thông… dẫn đến năng suất lao động chưa cao.

Thứ hai, tuy rằng nguồn lao động giá rẻ ở nước ta dồi dào, môi trường kinh doanh đã có sự cạnh tranh lành mạnh, nhưng sức hút đầu tư nước ngoài chưa lớn.

- Vậy trong năm mới 2015 chúng ta cần phải làm gì để thu hút đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Theo TS. Lê Đăng Doanh nguồn lao động giá rẻ ở nước ta dồi dào, môi trường kinh doanh đã có sự cạnh tranh lành mạnh, nhưng sức hút đầu tư nước ngoài chưa lớn.
Theo TS. Lê Đăng Doanh nguồn lao động giá rẻ ở nước ta dồi dào, môi trường kinh doanh đã có sự cạnh tranh lành mạnh, nhưng sức hút đầu tư nước ngoài chưa lớn.

Chúng ta cần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phải cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng. Chi phí vận chuyển phải được giảm bớt. Hơn nữa, chúng ta phải giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng , những thủ tục hành chính rườm rà, hệ thống quan liêu hoạt động kém hiệu quả.

Cùng với đó, chúng ta cũng phải có những nỗ lực để giảm bớt được nợ công cũng như giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách. Hiện nay, ngân sách dùng để chi thường xuyên chiếm tỷ lệ phần trăm quá lớn, chiếm khoảng 72% tổng số chi ngân sách. Đó cũng là điều đáng lo ngại, cần phải có sự điều chỉnh.

- Thưa ông, thời điểm hiện tại thì nền kinh tế nước ta còn đang gặp những khó khăn gì?

Hiện nay, khó khăn lớn của nền kinh tế Việt Nam là làm sao cải cách được các thể chế, chính sách, giảm bớt được gánh nặng tham nhũng, hệ thống quan liêu. Thứ hai, giải quyết được vấn đề cơ sở vật chất hạ tầng bởi hiện cơ sở vật chất, hạ tầng của ta vẫn còn đang yếu kém. Thứ ba, nguồn nhân lực của chúng ta còn ít được đào tạo và đào tạo chất lượng chưa cao…

Nếu chúng ta làm tốt được những mặt còn hạn chế, tồn tại đó thì chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào một nền kinh tế khởi sắc và phát triển.

- Với những khó khăn như hiện tại, theo ông, đời sống của người lao động sẽ ra sao trong dịp tết năm nay?

Năm nay, giá xăng dầu đã giảm ở mức kỷ lục dẫn đến giá các mặt hàng khác cũng giảm đáng kể. Tôi nghĩ rằng, đời sống người lao động trong dịp tết năm nay sẽ có cải thiện hơn và sức mua của người dân cũng có những biến chuyển tốt hơn.

- Theo đánh giá của ông, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 sẽ ra sao?

Tôi hi vọng rằng, bức tranh kinh tế trong năm 2015 của Việt Nam sẽ theo phương hướng tiếp tục ổn định về kinh tế vĩ mô đồng thời tăng cường những cải cách tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh… như Thủ tướng đã từng phát biểu.

Năm 2015, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ phải đạt 6,2%, cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao nguồn nhân lực của nước ta. Đấy là những mục tiêu rất quan trọng, chúng ta phải làm sao để thực sự nâng cao được hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế.

- Theo ông việc Việt Nam ký kết và gia nhập Hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế của chúng ta trong thời gian tới?

Đó là một trong những hiệp định quan trọng. Nó sẽ giúp mở rộng khả năng tiêu thụ hàng hóa của chúng ta ở thị trường 28 nước thuộc cộng đồng kinh tế Châu Âu.

- Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN