Để Trung Quốc đặt vũ khí (phi pháp) ở Trường Sa sẽ không ai loại bỏ được nó

18/02/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Đây là một thủ đoạn, cũng là một chiến dịch được lên kế hoạch để tạo ra một chuỗi pháo đài không - hải quân vắt chéo qua trung tâm quần đảo Trường Sa.
Căn cứ nhà nổi công sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Tư Nghĩa nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam sau khi cất quân xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988 đến nay.
Căn cứ nhà nổi công sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Tư Nghĩa nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam sau khi cất quân xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988 đến nay.

Đài CNN ngày 17/2 đưa tin, Trung Quốc đã tạo ra một sự hiện diện (bất hợp pháp) "đáng kể" ở Biển Đông thông qua hoạt động cải tạo (phi pháp). Tuần san Quốc phòng IHS Jane phân tích hình ảnh vệ tinh từ cuối tháng Giêng cho thấy, Trung Quốc đã khai hoang đáng kể tại 3 điểm tiếp theo trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) ngoài 2 điểm đã được ghi nhận trước đó.

James Hardy, biên tập viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói với CNN, ban đầu nó chỉ là một số nền bê tông nhỏ, nhưng bây giờ nó đã trở thành những hòn đảo nhân tạo với đầy đủ sân đỗ trực thăng, bãi đáp máy bay, cầu cảng và các phương tiện để hỗ trợ một đơn vị quân sự lớn đứng chân (bất hợp pháp).

"Chúng ta có thể thấy rằng đây là một thủ đoạn, cũng là một chiến dịch được lên kế hoạch để tạo ra một chuỗi pháo đài không - hải quân vắt chéo qua trung tâm quần đảo Trường Sa", James Hardy bình luận. Trong tháng 11 năm ngoái đã có báo cáo được công bố cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một đường băng (bất hợp pháp) dài ít nhất 3000 mét trên đá Chữ Thập.

Biển Đông là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng (thực tế là Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp, âm mưu độc chiếm Biển Đông làm ao nhà). Những hình ảnh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã tạo ra một căn cứ lớn  trên đá Tư Nghĩa với diện tích 75 ngàn mét vuông đất khai hoang trong khi sự phình ra đáng kể cũng đã được thực hiện tại đá Gạc Ma và Ga Ven.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh tuần san Quốc phòng IHS Jane thu thập được về công trình biến đá thành đảo nhân tạo bất hợp pháp và căn cứ quân sự phi pháp Trung Quốc tạo ra trên đá Ga Ven nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Thời điểm chụp ảnh vệ tinh từ trái qua phải: 30/3/2014, 7/8/2014 và 30/1/2015. Diện tích Trung Quốc bồi đắp phi pháp lên tới 75 ngàn mét vuông.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh tuần san Quốc phòng IHS Jane thu thập được về công trình biến đá thành đảo nhân tạo bất hợp pháp và căn cứ quân sự phi pháp Trung Quốc tạo ra trên đá Ga Ven nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Thời điểm chụp ảnh vệ tinh từ trái qua phải: 30/3/2014, 7/8/2014 và 30/1/2015. Diện tích Trung Quốc bồi đắp phi pháp lên tới 75 ngàn mét vuông.

"Các tòa nhà trên đá Tư Nghĩa và đá Ga Ven gần như giống hệt nhau, đó là một tòa nhà hình vuông với cấu trúc dường như là một tháp phòng không hoặc mái che radar ở mỗi góc. Điều này cho thấy Trung Quốc đã tiêu chuẩn hóa thiết kế các công trình trọng điểm và triển khai trên những hòn đảo nhân tạo mới (bất hợp pháp)", James Hardy nói với CNN.

Theo biên tập viên IHS Jane, cả Đài Loan, Việt Nam và Philippines cũng không khai hoang quy mô lớn ở Trường Sa như Trung Quốc đang làm. Ông cho rằng động thái kỹ thuật này không có ích gì trong việc giúp Trung Quốc thúc đẩy các yêu sách (vô lý) đối với các đảo nhân tạo (trái phép) ở Trường Sa, bởi theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tất cả các tính năng trên biển chỉ có hiệu lực pháp lý khi nó là đối tượng có trong tự nhiên.

"Điều đó nói nên rằng, nếu Trung Quốc bồi đắp và trang bị vũ khí (ở Trường Sa), sau đó họ sẽ không để cho bất cứ ai phản đối hoặc loại bỏ nó, vì vậy luật pháp quốc tế mới phải tranh luận về vấn đề này", James Hardy nói với CNN. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa trả lời bình luận về thông tin mới này theo câu hỏi từ CNN.

Hồng Thủy