Đổi mới Chương trình- Sách giáo khoa: Bộ làm nhiều sách, thầy có quyền chọn

05/04/2015 07:46
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Cải tiến, thay đổi chương trình, sách giáo khoa là một việc hệ trọng, có ảnh hưởng, tác động lớn đến mục tiêu giáo dục, chất lượng dạy học của thầy và trò.

LTS: Cùng với các hoạt động đổi mới giáo dục đang được thực hiện ráo riết khác, cải tiến chương trình-sách giáo khoa được rất nhiều chuyên gian nhắc đến với vai trò đặc việc quan trọng.

Đã có nhiều so sánh về mức độ quan trọng giữa nhân lực (thầy, cô giáo) và chương trình-sách giáo khoa phù hợp và nhiều ý kiến nghiêng về phía thứ hai ở mức độ quan trọng.

Đóng góp cho việc này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, đến từ Quảng Ngãi đã có bài viết nêu lên ý kiến của ông, một người hơn 20 năm làm giáo dục.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đề án đổi mới, biên soạn mới chương trình, sách giáo khoa ở các bậc học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xướng, những ngày qua nhận được sự quan tâm, ý kiến đóng góp rất nhiều từ các vị  đại biểu quốc hội đến giới quản lý, chuyên môn, các thầy giáo. 

Có thể nói, việc cải tiến, thay đổi chương trình, sách giáo khoa là một việc hệ trọng, có ảnh hưởng, tác động lớn đến mục tiêu giáo dục, chất lượng dạy học của thầy và trò.

Muốn có sản phẩm giáo dục tốt, những thế hệ học trò được cung cấp, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, có đủ sức khỏe, đạo đức, trí tuệ, năng động, sáng tạo …khi bước vào đời thì trước hết nền giáo dục, trong nhà trường cần có các công cụ, phương tiện phù hợp, ấy chính là Chương trình, Sách giáo khoa để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên. 

Là người trong ngành, trong nghề, tôi biết, để làm ra một chương trình, nhiều bộ SGK đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu không hề đơn giản tí nào, nói thì dễ, làm thì cực kỳ khó. 

Chính vì thế, chúng tôi thấu hiểu chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “Thực tế, không phải lúc nào cũng có người sẵn sàng viết. Có người nói giỏi, nhưng thực tế sách của họ viết không dùng được. 

Tôi thành tâm muốn có nhiều bộ sách, và điều mà tôi lo không phải là bộ không dùng sách của các tổ chức viết ra mà là lo có ai viết không, sách viết có đảm bảo chất lượng không? 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc lựa chọn bộ sách của bộ hay không không ảnh hưởng đến các đơn vị sử dụng sách. Điều tôi lo là tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, tác động của nhà trường về ăn chia phần trăm, chưa chắc đã tốt nhất cho địa phương”. 

Tuy nhiên, dù có khó khăn, phức tạp đến mấy thì cơ quan chủ quản Bộ GD&ĐT vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, để Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam sớm đi vào thực tiễn, cuộc sống. 

Theo tôi , Bộ GD&ĐT nên có những bước đi cụ thể sau đây:

Thứ nhất, Bộ GD&ĐT cần thành lập hội đồng về thiết kế, soạn thảo, thẩm định chương trình xuyên suốt các bậc học giáo dục phổ thông, tập hợp được những nhà khoa học, chuyên gia, thầy cô giáo đầu ngành, tâm huyết, có khả năng xây dựng, thiết kế một chương trình chuẩn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đặt ra, vừa kế thừa được tinh hoa của giáo dục hiện đại thế giới vừa phù hợp với thực tiễn, văn hóa, xã hội đất nước hiện nay. 

Chương trình mới này cần được thẩm định, phản biện, soi xét hết sức kỹ lưỡng, nên công khai rộng rãi trên các thông tin đại chúng trong một thời gian dài để nhiều người, nhất là đội ngũ thầy cô giáo góp ý, đề xuất.

Đổi mới Chương trình- Sách giáo khoa: Bộ làm nhiều sách, thầy có quyền chọn ảnh 2

Chương trình – sách giáo khoa: Tìm nhạc trưởng, đừng chỉ cố tìm nhạc công

(GDVN) - “Chúng ta không được nhầm lẫn theo kiểu thay đổi phương pháp thì phải làm lại sách giáo khoa”.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT soạn thảo và ban hành những nguyên tắc, quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, chặt chẽ để các đơn vị, tổ chức, cá nhân ngoài Bộ giáo dục có đủ điều kiện, năng lực tham gia vào việc biên soạn các bộ sách giáo khoa.

Bộ cũng có thể tổ chức các cuộc thi viết, soạn sách giáo khoa, sau đó thẩm định, tuyển chọn những sản phẩm đạt chất lượng, tập hợp thành sách, các Nhà xuất bản mua bản quyền, cung ứng ra thị trường.

Các nhà trường, thầy cô giáo được tự do lựa chọn một hoặc nhiều bộ SGK để dạy học. Bộ GD&ĐT không nên “độc quyền”,  “vừa đá bóng vừa thổi còi” như lâu nay.

Thứ ba, về thay đổi SGK, Bộ GD&ĐT nên đưa ra yêu cầu, nguyên tắc kế thừa thành tựu chương trình, SGK hiện hành, chỉ thay đổi những quyển, những nội dung không phù hợp. Làm theo hướng này là phù hợp với thời gian biên soạn, thử nghiệm, tập huấn quá ngắn và đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo được yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra. 

Việc tự thực hiện, tự đánh giá dạy thử nghiệm những nội dung mới cần giao cho bộ phận chuyên môn của Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm thì tốt hơn, nếu giao cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa e rằng  khó có thể yên tâm về chất lượng và tính khả thi của những bộ sách giáo khoa đó.

Thứ tư, song song đổi mới chương trình, SGK phổ thông thì chúng ta cần thay đổi, viết mới nhiều giáo trình ở các trường đào tạo sư phạm từ địa phương đến trung ương. Vì nhiều giáo trình, cách đào tạo giáo viên ở trường sư phạm hiện tại sẽ trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu mới. 

Hai việc này không diễn ra song song, cùng lúc thì nhất định thế hệ giáo sinh, thầy cô giáo trẻ trong thời gian tới khó mà đảm đương, tiếp cận được những cái mới của chương trình, SGK hướng tới phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của học sinh. 

Công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ hàng triệu giáo viên phổ thông hiện nay cần được quan tâm, chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng, giúp họ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ và đặc biệt nắm được những kỹ năng, phương pháp dạy học mới để truyền đạt, thực hiện đúng theo yêu cầu, tinh thần của Chương trình, SGK mới.

ĐỖ TẤN NGỌC