Nguyên CNVP Quốc hội ‘bắt mạch’ bệnh gian dối của quan chức

30/09/2011 06:00
Ngọc Quang
(GDVN) -"Chúng ta đưa ra chủ chương học tập theo gương Bác Hồ nhưng kết quả đạt được vẫn còn kém xa kỳ vọng".

Tiếp tục cuộc trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam về nhiều sự kiện liên quan đến bệnh háo danh và gian dối của quan chức đã làm nóng dư luận những ngày qua, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  cho rằng: “Chúng ta đưa ra chủ chương học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Nhưng công bằng mà nói thì kết quả đạt được vẫn còn kém xa kỳ vọng, hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày càng tràn lan, nhiều cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu, hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày càng tràn lan, nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp thiếu gương mẫu.

Ta hãy tìm về cội nguồn: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, theo Người, đạo đức là cái căn bản nhất của người cán bộ cách mạng.

Ông Vũ Mão
Ông Vũ Mão

Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, lớp lớp cán bộ, đảng viên trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, không tiếc tuổi xuân, gác lại những hoài bão cá nhân, dũng cảm, tiên phong trong cuộc đấu tranh một mất, một còn vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện hàng vạn, hàng chục vạn cán bộ, đảng viên là những “người tốt, việc tốt”, những Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, có ý thức tiết kiệm của công, không tham ô, lãng phí… Nhờ vậy, công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Ông có thể chia sẻ một vài cảm nhận về công tác quản lý cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh?

Ông Vũ Mão: Công tác quản lý cán bộ là một phần trong công tác tổ chức cán bộ. Và tất cả những gì thuộc về công tác Đảng, công tác quản lý cán bộ xuất phát từ nền tảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây dựng từ khi còn đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nói về thời kỳ trước cách mạng tháng 8 chẳng hạn, Bác đã có những ý tưởng mang tầm chiến lược trong công tác đào tạo cán bộ. Có những người trở thành tấm gương anh dũng hy sinh trên chiến trường trong những trận đánh ác liệt, thế rồi có những đồng chí trở thành cán bộ cốt cán của Đảng và sau này có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Từ đó có thể thấy rằng Bác Hồ đặc biệt chú trọng tới công tác tuyển chọn và đào tạo cán bộ, và khi có được những con người như vậy thì chúng ta đã làm cách mạng thành công.

Người ta vẫn thường nói rằng cách mạng thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà Đảng thì không phải là cái gì ở trên trời rơi xuống, mà chính là những Đảng viên gương mẫu, kiêng cường, lúc đó chỉ có vài nghìn Đảng viên thôi vậy mà đã lãnh đạo cách mạng thành công. Điều đó cho thấy, việc tuyển chọn cán bộ Đảng viên ngay trong thời kỳ đó đã rất coi trọng về chất lượng.

Khi cách mạng thành công thì chúng ta có Quốc hội mới, mà ở đó có rất nhiều đại biểu trẻ, rất nhiều trong số họ chưa tới 30 tuổi, có những trường hợp rất trẻ như đồng chí Nguyễn Đình Thi lúc ấy mới 21 tuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy tầm nhìn xa trong công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ để giao trọng trách quan trọng trong công tác Đảng và Nhà nước. Người không chỉ chú trọng tới việc đào tạo các cán bộ cốt cán, mà cũng rất chú trọng tới các cấp lãnh đạo trẻ hơn nữa để chuẩn bị cho công tác kế cận trong thời kỳ đổi mới.

Về sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho triển khai từ Trung ương tới địa phương một hệ thống lãnh đạo phù hợp với tình hình công việc và đặc biệt chú trọng tới những người đã kinh qua thực tiễn cách mạng, có tâm có đức với nhân dân, đất nước, phải thực sự khiêm tốn. Tư tưởng của Người được thể hiện rõ qua 8 chữ “Cần – Kiệm – Liêm - Chính – Chí - Công - Vô – Tư”. Và Lê Nin cũng từng nói rằng “Bệnh kiêu ngạo cộng sản là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm”.

Bác Hồ từng nói rằng “Công việc thành hay bại đều từ cán bộ mà ra”. Đã có nhiều chương trình học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai trên cả nước. Vậy theo ông thì vì sao vẫn có nhiều cán bộ mắc sai phạm?

Ông Vũ Mão: Về căn bản thì chúng ta đều mong muốn chọn được người có tài có đức để tham gia vào hệ thống lãnh đạo xây dựng đất nước. Trước đây, chúng ta phát triển từ một nước nông nghiệp thuần túy, trải qua hai cuộc chiến tranh nên động vào đâu cũng thấy khó khăn, tuy nhiên công tác quản lý giám sát cán bộ có thể nói rằng rất chặt chẽ và bản thân các đồng chí cán bộ Đảng viên cũng rất nghiêm túc.

Khi cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đồng chí Trường Chinh đã tự nhận khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận lại những sai sót. Điều đó cho thấy, lãnh đạo cấp cao của Đảng ta ngay từ thời kỳ bắt đầu xây dựng đất nước đã rất chú ý nêu cao tính trung thực, thẳng thắn của người Đảng viên.

Giờ đây, đất nước đang trên đà đổi mới, có nhiều thành tựu đáng tự hào hơn và nhất là việc chúng ta gia nhập kinh tế thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, nền kinh tế thị trường đã ít nhiều tác động tới công tác tuyển chọn cán bộ, luân chuyển cán bộ, từ đó dẫn tới công tác quản lý cán bộ cũng ảnh hưởng theo, chuyện đó đã xảy ra ở một số địa phương, Bộ, ngành.

Điều mà người dân đang rất quan tâm hiện nay là công tác giám sát cán bộ. Theo ông thì vai trò giám sát của nhân dân đã thực sự được phát huy hay chưa?

Ông Vũ Mão: Gần đây, chúng ta đã nói nhiều về việc này. Đất nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo, mà Đảng là sinh ra là để phục vụ nhân dân, vì nhân dân, do đó phát huy vai trò làm chủ của dân, để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra là hoàn toàn xác đáng.

Các lãnh đạo cấp cao ở Chính phủ thì luôn mong làm tốt điều này, tuy nhiên công tác triển khai ở các cấp dưới cũng chưa tốt, lâu lâu chúng ta lại thấy có một lãnh đạo của Bộ này hay ngành kia mắc sai phạm nghiêm trọng, rồi “hạ cánh an toàn”, thậm chí có rất nhiều người cố bám lấy cái chức vụ ấy để xin luân chuyển sang vị trí khác, chứ mấy ai dám từ chức, vì họ sĩ diện. Khi các sự việc như vậy vỡ lở, lòng tin của người dân với hệ thống cán bộ lãnh đạo bị suy giảm, mà muốn tránh được điều đó thì cần nâng cao tính dân chủ trong công tác tuyển chọn cán bộ.

Thí dụ như việc bầu cử ở địa phương chẳng hạn, thí điểm bầu luôn Bí thư Đảng ủy mà không phải bầu ra ban chấp hành rồi mới bầu Bí thư Đảng ủy xã, chủ trương thì tốt nhưng cách làm vẫn chưa ổn, là vì khi cấp trên đã chỉ định người ra ứng cử thì không có ai muốn tranh cử với người được chọn. Vì sao? Vì người ta không muốn “chơi kiểu quân xanh, quân đỏ”.

Người đã được cấp trên định hướng sẽ có lợi thế mà nếu người muốn tự nguyện ứng cử không rút thì cũng bị mang tiếng thế này thế khác, mà thậm chí sau đó còn bị ghét… có quá nhiều vấn đề như thế nên có thể thấy là chưa phát huy được công tác “bầu” mà thực chất vẫn là “cử”.

Vậy theo ông chúng ta cần thay đổi thế nào?

Ông Vũ Mão: Quy hoạch cán bộ là công tác mà chúng ta vẫn cần triển khai và phải làm tốt hơn nữa, nhưng đó không phải là cách làm duy nhất, bởi vì khi đi vào thực tế thì có nhiều người giỏi nhưng chưa đưa vào diện quy hoạch, do đó khi bầu cử thì cũng không nên chỉ nhằm vào nhóm cán bộ trong diện quy hoạch mà cần phải cởi mở hơn, muốn vậy thì cần có tranh cử.

Thí dụ ở các xã, trong quá trình chuẩn bị là phải cho tranh cử. Ai có khả năng đảm đương được các công việc thì ứng cử và trình bày về chương trình công tác của mình ở cương vị lãnh đạo của xã ấy, như vậy thì nhân dân mới biết khả năng của từng người mà bầu.

Tôi xin lấy thí dụ cụ thể: Vào năm 1988, bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bên Đảng thì giới thiệu Đồng chỉ Đỗ Mười, nhưng khi đưa ra Quốc hội thì các đại biểu muốn thêm một người nữa để có sự tranh cử và giới thiệu đồng chí Võ Văn Kiện. Kết quả bầu là đồng chí Đỗ Mười trúng với đa số phiếu. Tôi kể ra việc đó cũng để thấy rằng, chúng ta đã bắt đầu thực hiện dân chủ từ lâu rồi, nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm nhân rộng ra hơn nữa. Đây là điều đáng tiếc!

Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ cũng làm nảy sinh nhiều tiêu cực, động cơ phía sau việc luân chuyển ấy lộ liễu quá. Tôi có thể điểm ra hàng loạt vụ luân chuyển cán bộ khiến cho các địa phương rất tâm tư, bởi vì thời gian cán bộ về với địa phương ngắn và những dấu ấn để lại không rõ nét. Tôi cũng đã từng có gần 10 năm công tác ở Quảng Ninh và trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau nên tôi rất hiểu vấn đề này, điều quan trọng là cấp trên phải đánh giá được thực chất khả năng của cán bộ chứ không nên coi việc cán bộ đó đã có thời gian công tác tại cơ sở là thành tích.

Muốn dẹp bỏ thói hư tật xấu của cán bộ Đảng viên (nhất là cán bộ lãnh đạo) để làm tròn trách nhiệm như Bác Hồ nói “cán bộ là công bộc của dân” thì nên làm thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Bên cạnh những tấm gương tiêu biểu như tôi vừa nói thì vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trước công việc, ngại rèn luyện, sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh; quan liêu, tham nhũng, lãng phí… trở thành một lực cản của tiến bộ xã hội; là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Theo tôi có bốn vấn đề cần lưu ý giải quyết:

Thứ nhất là tự bản thân mỗi cán bộ Đảng viên phải phấn đấu rèn luyện, sống đúng với giá trị của một con người có văn hóa. Những biểu hiện của tệ tham nhũng, lãng phí của công, bớt xén của người lao động... phải bị nghiêm trị. Đồng thời là phải quan tâm giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, bộ phận với toàn bộ, trong đó lợi ích của quốc gia, của nhân dân bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu. Sự lười biếng, vô trách nhiệm, cùng các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống phải bị lên án, loại trừ một cách mạnh mẽ.

Thứ hai là cần làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tư tưởng và đạo đức của Bác Hồ. Thực hiện lời Bác dạy: “Cần kiệm liêm chính - Chí công vô tư”. Phải đổi mới phương thức giáo dục. Bấy lâu nay chúng ta vẫn nặng về tuyên truyền chung chung nhưng cái chính là phải hướng dẫn để áp dụng vào từng loại đối tượng, kể cả cấp lãnh đạo.

Trong một số cán bộ đảng viên thường nêu câu hỏi: Không biết các đồng chí lãnh đạo có Chương trình (hoặc kế hoạch) học tập tư tưởng và đạo đức của Bác Hồ không? Nếu có thì cần công bố cho nhân dân được biết để học tập, làm theo và giám sát những Chương trình ấy. Nếu làm được như thế thì thật là tuyệt vời.

Thứ ba là cần rà soát và nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, đào tạo,  tuyển chọn cán bộ. Cần thành lập Hội đồng Quốc gia để kiểm định và thông qua những Chương trình ấy. Làm được như thế sẽ tránh được tình trạng tùy tiện, cục bộ như lâu nay thường thấy.

Thứ tư là cần nghiên cứu để đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên. Người lãnh đạo phải công tâm, tránh tình trạng, đối với người này thì định kiến, chụp mũ, ghét cay ghét đắng; đối với người khác thì ưu ái, đề cao quá mức, yêu thương nồng nàn. Bác Hồ  đã nói: “Mỗi con người ta đều có cái thiện và ác ở trong lòng.

Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Đấy là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta


Ngọc Quang