Mỹ khuyến khích Nhật Bản chi tiền xây dựng căn cứ ở Philippines

30/04/2015 06:53
Đông Bình
(GDVN) - Phillippines mong Mỹ-Nhật giúp sức để giải quyết vấn đề Biển Đông; Mỹ thiếu tiền, muốn Nhật chi tiền thi công căn cứ quân sự để cùng sử dụng.
Mỹ-Philippines tổ chức diễn tập quân sự liên hợp Balikatan-2015
Mỹ-Philippines tổ chức diễn tập quân sự liên hợp Balikatan-2015

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 29 tháng 4 dẫn hãng tin Reuters Anh ngày 25 tháng 4 đưa tin, cùng với việc Mỹ chuyển binh lực tới châu Á và Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, Mỹ đã yêu cầu tiến hành đồn trú luân phiên lực lượng, tàu chiến và máy bay chiến đấu ở 8 căn cứ quân sự của Philippines.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, Philippines hầu như muốn phá bỏ quy định của Hiến pháp để Quân đội Mỹ đồn trú lâu dài ở nước này. Mỹ có ý định huy động các nước như Nhật Bản thi công căn cứ quân sự ở Philippines, điều này có thể giúp cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến hiện diện ở Biển Đông như một trạng thái bình thường.

Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Gregorio Pio Catapang Jr. vừa nói với truyền thông địa phương rằng, Mỹ đã xác nhận sẽ thông qua triển khai một loạt hoạt động huấn luyện và diễn tập quân sự, triển khai đồn trú luân phiên binh lực, tàu chiến và máy bay chiến đấu ở ít nhất 8 căn cứ quân sự của Philippines.

Trong đó, 4 căn cứ quân sự nằm ở đảo Luzon, 2 căn cứ quân sự nằm ở giữa đảo Cebu, 2 căn cứ quân sự khác nằm ở đảo Palawan gần quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Hồng Lâm, Hiến pháp của Philippines không cho phép nước ngoài sử dụng lâu dài căn cứ quân sự của nước này, nếu Quân đội Mỹ đồn trú lâu dài sẽ dẫn tới vi phạm Hiến pháp. "Hơn nữa, hiện nay, Philippines dường như muốn phá vỡ điểm này, để cho Quân đội Mỹ đồn trú lâu dài".

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22B Osprey Mỹ tham gia cuộc diễn tập quân sự Balikatan-2015 Mỹ-Philippines
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22B Osprey Mỹ tham gia cuộc diễn tập quân sự Balikatan-2015 Mỹ-Philippines

Bài báo còn cho biết, Mỹ cũng quan tâm tới sử dụng lại 2 căn cứ quân sự cũ ở Subic và Clark.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, trong tương lai Quân đội Mỹ có quay trở lại căn cứ hải quân Subic hay không tùy thuộc vào 2 điều kiện, một mặt tùy thuộc vào Philippines có sửa đổi Hiến pháp hay không, mặt khác tùy thuộc vào "kích thước túi tiền" của Mỹ.

Kinh phí hải quân và vũ khí trang bị tiên tiến khác hiện nay của Mỹ đã “giật gấu vá vai”, chưa chắc còn có khả năng cấp kinh phí xây dựng căn cứ quân sự cỡ lớn.

"Tuy nhiên, Quân đội Mỹ có một biện pháp, đó là huy động các nước có nguyện vọng và có tiền như Nhật Bản để thi công căn cứ, sau đó Mỹ-Nhật cùng sử dụng.

Nhật Bản nếu chi tiền thi công căn cứ quân sự ở Philippines, sẽ giúp cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện diện ở Biển Đông như một trạng thái bình thường. Nếu đã có bàn đạp này, các hành động quân sự liên hợp của Mỹ-Nhật-Philippines có thể sẽ đạt cấp độ cao hơn" - Đỗ Văn Long nói.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng, cách tiếp cận của Philippines trong vấn đề Biển Đông hoàn toàn khác với Trung Quốc.

Trung Quốc muốn các nước đương sự ngồi xuống đàm phán (trực tiếp, tay đôi), trong khi đó Philippines luôn muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, cách làm của Philippines bị ông Đông cho là “không có lợi cho giải quyết vấn đề Biển Đông” (thực tế là Philippines đang kiện Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế, nên ý của ông Đông là luật pháp quốc tế không có lợi lộc gì cho Trung Quốc - PV).

Hồng Lâm bôi đen Philippines, cho rằng, chính phủ và quân đội Philippines muốn bám chặt lấy Mỹ và Nhật Bản, “khuấy đục” vấn đề Biển Đông, dựa vào sự can thiệp của thế lực bên ngoài để hỗ trợ cho chủ trương của họ.

Biên đội tàu ngầm, tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu ngầm, tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Đông Bình