Hàng không và sự văn minh

06/08/2015 09:20
LÊ THANH PHONG/Lao động
Hàng không phát triển sẽ hỗ trợ xây dựng cộng đồng ngày càng văn minh hơn, đến cảng sân bay đương nhiên phải khác bến xe khách, lên máy bay không thể như ngồi xe đò...

Các hãng hàng không của Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng ghi nhận. Chỉ trong mấy năm gần đây, hành khách đi máy bay tăng đột biến, bỏ lại những ga tàu hỏa hoang vắng đìu hiu ngay cả mùa tết.

Để biết sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia, một trong những cách đo đạc khá chuẩn xác, đó là nhìn vào ngành hàng không. Hình ảnh của quốc gia cũng được phản chiếu qua chất lượng hoạt động của ngành hàng không. Điều này đã được lịch sử hàng không thế giới chứng minh với những tên tuổi lớn như Emirates, Lufthansa, Qatar Airways, Qantas Airways, trong khu vực có Singapore Airlines.

Người dân thực sự cảm nhận được sự sôi động và náo nhiệt của thị trường hàng không trong nước. Cạnh tranh tạo ra những hiệu ứng tích cực và người dân trực tiếp hưởng lợi, cạnh tranh giúp cho các hãng máy bay hoàn thiện mình hơn, ai cũng muốn mình có được chân dung mới mẻ, thân thiện.

Chính vì vậy mà chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, trong lúc giá vé lại giảm. Cạnh tranh lành mạnh còn có xu hướng thúc đẩy nhau mở rộng thị trường, cùng phát triển và cùng vững mạnh. 

Thật ấn tượng khi Vietnam Airlines trình diễn chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner tại Paris Air Show 15/6/2015. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ đón nhận chiếc Boeing 787-9 thứ hai vào ngày 10/8 tới. Vietjet cũng mua nhiều máy bay hạng sang của Airbus để tham gia khai thác thị trường trong và ngoài nước. Các đường bay quốc tế mới liên tục được mở ra, các hãng hàng không trở thành “đại sứ” của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.

Ngành giao thông và Cục Hàng không Việt Nam “chạy bở hơi tai” để hỗ trợ cho các hãng hàng không. Hạ tầng được nâng cấp, tổ chức sắp xếp lại để đáp ứng với nhu cầu phát triển. Tuy còn nhiều tồn tại chưa kịp giải quyết, nhưng việc làm được cũng không ít.

Một điều quan trọng khác, nhìn vào hàng không cũng để đo đạc trình độ văn minh, dân trí của một quốc gia. Điều này không chỉ thuộc về trách nhiệm của ngành hàng không, các hãng máy bay, mà còn có sự hợp tác tích cực từ phía hành khách.

Những sự kiện hay sự cố của hàng không trong nước đều được bên ngoài quan sát, sẽ không đẹp mắt tí nào khi xảy ra việc hành khách tát nhân viên hàng không, kích động bạo lực trên máy bay, phản ứng tiêu cực khi máy bay chậm chuyến.

Hàng không phát triển sẽ hỗ trợ xây dựng cộng đồng ngày càng văn minh hơn, đến cảng sân bay đương nhiên phải khác bến xe khách, lên máy bay chắc chắn không thể như ngồi xe đò. 

Thái độ ứng xử và hiểu biết khi đi máy bay cũng giúp con người hội nhập với văn minh thế giới. Vì thế, phải xem việc xây dựng văn minh hàng không là mục tiêu quan trọng như mở rộng thị trường hay sắm những đội bay hiện đại.

LÊ THANH PHONG/Lao động