Sao không có "Giáo dục lao động và đức tính trung thực"?

10/08/2015 07:49
Nhà giáo Văn Như Cương
(GDVN) - “Khi xác định đúng những yêu cầu của “đầu ra”, chúng ta mới định hướng phù hợp cho những hoạt động nhiều mặt của nhà trường” thầy Văn Như Cương nhấn mạnh.

LTS: Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” đang được Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý từ xã hội. Bản dự thảo về một chương trình có thể nói “quy mô” nhất từ trước tới nay đang được dư luận quan tâm. 

Ngay sau khi công bố, dư luận đánh giá cao về mục tiêu và định hướng thực hiện nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới. Một số nội dung được vạch ra đang chảy theo dòng chảy của giáo dục thế giới hiện đại. Vấn đề còn lại là cách thực hiện và kết quả đạt đến đâu.

Trong bài viết riêng cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới đây của Nhà giáo Văn Như Cương, ông đã vạch ra nhiều nội dung tập trung vào việc phát triển năng lực cần có của học sinh phổ thông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và đây cũng là một ý kiến tâm huyết từ một nhà sư phạm, một nhà quản lí giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi tới quý bạn đọc.

Trong bài viết này tôi chỉ bàn đến một vài vấn đề trong chương trình tổng thể của nền giáo dục phổ thông. Vấn đề cốt lõi nhất của giáo dục phổ thông nằm ở chỗ: Chúng ta muốn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT sẽ là những con người như thế nào? 

Họ cần có những phẩm chất gì và có những năng lực gì? Khi xác định đúng những yêu cầu của “đầu ra” như thế, chúng ta mới định hướng phù hợp cho những hoạt động nhiều mặt của nhà trường và làm tiêu chuẩn cho việc đánh giá, kiểm định chất lượng của quá trình dạy và học. 

Tất cả những vấn đề cụ thể như: Học cái gì, học như thế nào, chia cấp học ra sao, tích hợp và phân loại ở mức độ nào, bắt buộc những môn học nào và những môn nào có thể tự chọn….đều nhằm để đạt được cái “đầu ra” mà chúng ta mong muốn.

Trong Chương trình tổng thể hai vấn đề đó (phẩm chất và năng lực) được đề cập một cách ngắn gọn, và vì không được giải thích đầy đủ và cụ thể nên chưa có tính thuyết phục cao.

Bản dự thảo viết: “Chương trình giáo dục phổ thông nhằm hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: 1) Sống yêu thương; 2) Sống tự chủ; 3) Sống trách nhiệm”.

Thầy Văn Như Cương trong giờ nghỉ với học trò trường Lương Thế Vinh. Ảnh do tác giả cung cấp
Thầy Văn Như Cương trong giờ nghỉ với học trò trường Lương Thế Vinh. Ảnh do tác giả cung cấp

Có thể đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ có ba phẩm chất như vậy? Tại sao ta bỏ qua nhiều phẩm chất quan trọng và cần thiết khác?”.

Hãy lấy một vấn đề rất nhức nhối trong xã hội ta, đó là sự dối trá. Sự dối trá và lừa đảo tràn lan khắp nơi, khắp mọi lĩnh vực của đời sống, từ nơi công quyền, từ chốn chợ búa, siêu thị, từ chốn tâm linh của đền chùa, từ nơi tôn nghiêm của học thuật, khoa học và nghiên cứu…

Trong giáo dục sự dối trá và lừa đảo ngày càng tăng, học sinh làm bài thi thì quay cóp, các kì thi thì trắng trường các “phao” cứu hộ. Học sinh nói dối từ khuyết điểm nhỏ đến lỗi lầm lớn.

Thầy cô giáo bị áp lực từ nhiều phía nên không thể trung thực khi cho điểm học sinh, cho học sinh lên lớp, các ông Hiệu trưởng thì không trung thực khi báo cáo lên cấp trên để khuếch trương thành tích, để được tặng bằng khen, được thưởng huân chương này nọ…. 

Sự nghiêm trọng đến mức mà ngành giáo dục có lúc đã phải phát động một phong trào rất rầm rộ và có vẻ được lòng người. 

Đó là phong trào HAI KHÔNG; “nói không với bệnh thành tích và sự gian lận trong thi cử”. Kết quả là kì thi tốt nghiệp THPT năm ấy chỉ có 68% học sinh tốt nghiệp, một con số thấp kỉ lục, một con số chứng minh cho sự dối trá và gian lận của các kì thi trước…

Tiếc rằng mọi việc theo thời gian cứ từ từ trở lại như cũ...Vậy thì tại sao ta lại không đưa ra một phẩm chất hết sức cần thiết, đó là Sống trung thực, không dối trá…? Sống yêu thương, sống tự chủ, sống trung thực là những phẩm chất cần có, nhưng nếu sống dối trá  thì yêu thương cũng chỉ là dối trá, tự chủ cũng chỉ là dối trá, trách nhiêm cũng chỉ là dối trá!

Vấn đề thứ hai mà bản dự tảo quy định là năng lực chủ yếu cần có của học sinh. Bản dự thảo viết: “Chương trình giáo dục phổ thông nhằm hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực chung chủ yếu sau: 1) Năng lực tự học; 2) Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; 3) Năng lực thẩm mỹ; 4) Năng lực thể chất; 5) Năng lực giao tiếp; 6) Năng lực hợp tác; 7) Năng lực tính toán; 8) Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông. 

(Bản dự thảo giải thích: "Năng lực chung là năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kỳ một người nào cũng cần có để sống, học tập và làm việc. Các hoạt động giáo dục (bao gồm các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo), với khả năng khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực chung của học sinh ).

Như vậy là có đến 8 năng lực chung mà học sinh cần đạt được. Có thể ghép một số năng lực với nhau vì chúng gần nhau. Ví dụ ; năng lực tự học và năng lực giải quyết vấn đề và sang tạo có thể ghép thành năng lực tìm hiểu và sáng tạo; năng lực giao tiếp và hợp tác có thể ghép thành năng lực giao tiếp hòa đồng và hợp tác…

Ngoài ra, theo tôi, còn thiếu hai năng lực rất quan trọng mà chúng ta cần giáo dục ngay  trong nhà trường ; đó là năng lực lao động ( hoặc nói rộng hơn là năng lực làm việc ) và năng lực phản biện. 
        
Chúng ta lại cũng thấy rằng năng lực và năng xuất lao động của người Việt Nam đều rất thấp kém trong mọi lĩnh vực,  mọi ngành nghề , mọi cơ quan đoàn thể, trên đồng ruộng, trong xưởng máy và trên bàn giấy…

Đó là người lớn, còn học sinh Việt Nam phần đông đều không biết làm công việc lao động đơn giản nhất , kể cả những công việc phục vụ cho bản thân mình. Họ không biết cầm chổi quét nhà, dùng khăn lau bàn ghế hay cửa kính, không biết giặt quần áo (kể cả dùng máy giặt), thậm chí không biết cách gấp quần áo… 

Một số lớn gia đình cho con được phép không làm gì hết ngoài việc học, mọi công việc đều do Osin hay bố mẹ làm. Trong nhà trường thì hoàn toàn không có môn học nào để dạy cho trẻ con lao động phù hợp với lứa tuổi, để giáo dục cho họ ý thức và thái độ đối với lao động.

Điều rất đáng ngạc nhiên là trong toàn bộ bản dự thảo không hề có cụm từ “giáo dục lao động”. Đã một thời trước kia giáo dục lao động được coi trọng, được đánh giá cao trong việc hình thành nhân cách cho một công dân tương lai. 

Tôi nhớ rằng hồi đó mỗi tuần một học sinh phải tham gia một buổi lao động tập thể…Tôi đề nghị không thể bỏ qua năng lực này.

Một năng lực thứ hai cần bổ sung là năng lực phản biện. Chúng ta đang phê phán cách dạy “thầy đọc trò chép” hiện nay. Cách dạy và học đó làm cho học sinh hoàn toàn thụ động, luôn luôn xem những điều thầy nói, những điều sách giáo khoa  viết đều là những chân lí tuyệt đối, chỉ cần chép lại cho đúng và học cho thuộc lòng. 

Cách dạy đó biến học sinh thành những con vẹt và vì vậy họ không có chút sáng tạo hay suy luận hợp lí nào. Chúng ta phải dần dần tập cho học sinh có thói quen phản biện, bắt đầu bằng cách đặt lại vấn đề, nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ khác, hoài nghi những kết luận sẵn có…

Cố nhiên, không phải hoài nghi một cách vô cớ mà còn phải phản biện chính mình để có lòng tin về những vấn đề “không thể chối cãi”. 

Nói khác đi học sinh phải biết “tin tưởng một cách thông minh và hoài nghi một cách lành mạnh”. Bây giờ đây khi các trang mạng được phát triển rầm rộ, các thông tin trên mạng thì muôn hình muôn vẻ, đúng sai lẫn lộn thì sự tin tưởng đúng và hoài nghi đúng là rất cần thiết cho mọi người và cho toàn xã hội. 

Vậy năng lực phản biện cũng rất cần thiết cho một công dân tương lai và do đó cần được huấn luyện khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhà giáo Văn Như Cương