Báo Nga: Tương quan sức mạnh quân sự Trung - Mỹ ở Đông Á

19/09/2015 08:57
Nguyễn Hường
(GDVN) - Khả năng bên nào sẽ giành chiến thắng trong hai kịch bản giả định: Trung Quốc chiếm đảo Trường Sa và tấn công Đài Loan?

Nếu Bắc Kinh tiếp tục yêu sách, bành trướng lãnh hải, độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có hay không? Bên nào sẽ giành phần thắng trong một cuộc chiến như vậy?

Theo Sputnik ngày 19/9, RAND Corporation, một tổ chức phi lợi nhuận, mới đây đã đưa ra báo cáo dài 430 trang với tựa đề "US-China Military Scorecard: Forces, Geography, and the Evolving Balance of Power, 1997-2017" (tạm dịch: Các lá bài chiến lược Mỹ-Trung: Lực lượng, Địa lý và Phát triển cán cân sức mạnh từ năm 1997-2007).

Ảnh Sputnik
Ảnh Sputnik

Báo cáo là kết quả nghiên cứu và phân thích của 14 học giả hàng đầu về chiến lược quân sự nhằm so sánh tiềm lực của quân đội Mỹ và Trung Quốc, khả năng bên nào sẽ giành chiến thắng trong hai kịch bản giả định: Trung Quốc xâm lược Trường Sa và tấn công Đài Loan.

Báo cáo so sánh khả năng của Mỹ và Trung Quốc trong 10 lĩnh vực riêng biệt trong giai đoạn từ năm 1997 tới 2017, các sách lược tiến hành chiến tranh và khả năng giành chiến thắng của các bên.

Trung Quốc sẽ tấn công căn cứ không quân Okinawa trước

Năm 1997, quân đội Trung Quốc chỉ có một ít tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Nhưng hiện nay, con số này đã tăng mạnh, lên 1.400 tên lửa và thậm chí có thể dễ dàng làm tê liệt cả căn cứ không quân Kadena của Mỹ trên đảo Okinawa. 

Trung Quốc có thể đóng cửa căn cứ này của Mỹ trong vòng một tuần và kéo dài khoảng cách cần phải di chuyển của không quân Mỹ, buộc quân đội Mỹ phải huy động lực lượng từ các căn cứ khác như Alaska, Guam, Hawaii. Điều đó giúp Trung Quốc có nhiều thời gian chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công trả đũa hơn, báo cáo cho biết.

Không quân Mỹ-Trung

Lực lượng không quân Trung Quốc đã có sự cải thiện nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ hiện đại hóa được một nửa số máy bay của mình. Theo RAND, sức mạnh của không quân Mỹ và Trung Quốc hiện ở thế gần như cân bằng, Washington chỉ nhỉnh hơn một chút.

Tuy nhiên, để bảo vệ Đài Loan trong một cuộc tấn công giả định của Trung Quốc, hiện Mỹ không thể tìm thấy căn cứ quân sự nào ở vị trí thích hợp có thể giúp họ đảm bảo giành được chiến thắng trong một chiến dịch dài 7 ngày.

Khả năng thâm nhập không phận của Mỹ

Ảnh Sputnik
Ảnh Sputnik

Quân đội Trung Quốc đã bổ sung một lượng lớn tên lửa đất đối không từ năm 2007 (hiện có gần 200 tên lửa loại này), cải thiện hệ thống radar không khí. Do đó, các máy bay của Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ Đài Loan khi xảy ra trường hợp xung đột.

Trong kịch bản chiến tranh ở Trường Sa, máy bay tàng hình của Mỹ có thể chiếm ưu thế thượng phong do khu vực này nằm cách đất liền Trung Quốc 800 dặm, ở xa tầm với của lực lượng phòng không Trung Quốc. (Khi báo cáo này công bố Trung Quốc chưa xây dựng 3 đường băng quân sự 3000 mét bất hợp pháp ở Trường Sa, bây giờ 3 đường băng này đang hình thành có thể ít nhiều làm thay đổi cán cân lực lượng - PV).

Khả năng tấn công căn cứ của không quân Mỹ

Các vũ khí tầm xa hiện có có thể cung cấp cho Mỹ khả năng đóng cửa các căn cứ không quân Trung Quốc. Từ Đài Loan, trước kia Mỹ có thể đóng cửa 40 căn cứ của Trung Quốc trong khoảng 8 giờ. Nhưng sau một số điều chỉnh, khoảng thời gian cần thiết thực hiện hoạt động này trong năm 2017 có thể tăng lên đến khoảng 2-3 ngày.  

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng lợi thế này của Mỹ đang phụ thuộc lớn vào một kho dự trữ tên lửa hạn chế. Trong một cuộc xung đột kéo dài, khả năng thành công sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố có được tên lửa phạm vi rộng lớn hơn.

Khả năng chống hạm của Trung Quốc

Ảnh Sputnik
Ảnh Sputnik


Washington chắc chắn sẽ phải dựa rất nhiều vào các tàu sân bay trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông. Nhưng các tên lửa chống hạm (ASBM) của Trung Quốc có thể gây ra một mối đe dọa đáng kể cho lực lượng hải quân Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ còn phải đối mặt với năng lực tình báo, giám sát, trinh sát và hạm đội tàu ngầm được cải thiện đáng kể của Trung Quốc.

Khả năng chống hạm của Mỹ

Trong kịch bản chiến tranh Đài Loan, RAND ước tính rằng Mỹ có lợi thế hơn trong việc đẩy lui được các cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc. Mỹ có thể loại bỏ khoảng 40% đội tàu đổ bộ, khiến Trung Quốc phải chịu thiệt hại có thể phá hủy toàn bộ lực lượng đổ bộ của mình.

Về phần mình, Trung Quốc đã tăng gấp đôi khả năng lội nước của mình kể từ năm 1997 và đang nhanh chóng cải thiện khả năng tác chiến chống ngầm. 

Khả năng tấn công vũ trụ của Mỹ

Washington đã cải thiện khả năng phòng không vũ trụ mạnh mẽ từ năm 2002 và các tính năng của hệ thống phòng không vũ trụ, có thể làm tê liệt vệ tinh của đối phương. Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ cũng có thể bắn hạ các vệ tinh tình báo của đối thủ. 

RAND cũng khuyến cáo rằng Mỹ đang chế tạo ra một hệ thống laser năng lượng cao có thể áp đảo các chương trình không gian của Trung Quốc.

Khả năng phòng không vũ trụ của Trung Quốc

Ảnh Sputnik
Ảnh Sputnik

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng các vệ tinh truyền thông của Mỹ đang đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng sau khi Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh vào năm 2007. Hơn nữa, còn cần lo ngại hơn khi Trung Quốc đã sở hữu hệ thống gây nhiễu vệ tinh do Nga chế tạo.

Chiến tranh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc

RAND ước tính rằng lực lượng US Cyber ​​Command và Cơ quan An ninh Quốc gia sẽ cung cấp cho Washington một lợi thế trong trường hợp xảy ra chiến tranh mạng. Tuy nhiên, cả hai bên sẽ "vẫn phải đối mặt với những bất ngờ đáng kể." Báo cáo cũng chỉ ra rằng Mỹ dựa chủ yếu trên mạng Internet không được phân loại, mà có thể dễ dàng bị các tin tặc đối phương xâm nhập phá hoại.

Tính ổn định hạt nhân

Trong khi Trung Quốc đã dần được cải thiện lực lượng hạt nhân từ năm 1997, nó vẫn còn xa mới đủ mạnh để ngăn chặn một cuộc tấn công trả đũa từ Mỹ, trong đó có một kho dự trữ đáng kể. RAND cho biết, lợi thế hạt nhân của Mỹ trước Trung Quốc có tỷ lệ là 13:1.

Phần kết luận

Báo cáo dự đoán rằng sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc có thể tạo ra sự sụt giảm lớn đối với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương. Bắc Kinh có thể, theo giả thiết, "đạt được mục tiêu giới hạn mà không cần đánh bại lực lượng Mỹ."

Về mặt địa lý, xương sống của chiến lược, Mỹ đối mặt với vô số thách thức phức tạp, báo cáo cho biết.

Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai bên sẽ phải chịu tổn thất nặng nề, nhưng kết quả là Washington cũng sẽ không còn giữ được sự thống trị ở Thái Bình Dương như họ từng có trước kia./.

Nguyễn Hường