"Lực lượng Phòng vệ sẽ trợ giúp Quân đội Mỹ tác chiến ở Biển Đông"

22/09/2015 07:48
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ sẽ còn bảo đảm năng lực răn đe tin cậy ở Biển Đông, muốn xây dựng một khuôn khổ hải quân đa phương đối phó bành trướng.

"Lực lượng Phòng vệ sẽ trợ giúp Quân đội Mỹ tác chiến ở Biển Đông"

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 9 đưa tin, sáng sớm ngày 19 tháng 9, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, khi bên ngoài đang đánh giá ảnh hưởng của luật này đối với tình hình khu vực, hãng tin Kyodo Nhật Bản đã nhanh chóng tưởng tượng ra 3 tình huống Nhật Bản tham chiến.

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Trong 3 tình huống Lực lượng Phòng vệ tham chiến, tình huống thứ hai là Quân đội Mỹ và "nước C" xảy ra xung đột quân sự với "nước B" ở đảo nhân tạo trên Biển Đông,

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bị kéo vào xung đột trực tiếp với "nước B" do cung cấp "chi viện phía sau" như tiếp tế cho Quân đội Mỹ và "nước C". Ở đây, "nước B" rõ ràng là chỉ Trung Quốc.

Theo bài viết, căn cứ vào quy định của Luật bảo đảm an ninh mới, tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản phụ trách vận chuyển đạn dược. Trên bầu trời Biển Đông, Lực lượng Phòng vệ còn tiến hành tiếp dầu trên không cho máy bay chiến đấu Mỹ tiến hành không kích "nước B". 

Tình huống thứ ba mà hãng tin Kyodo Nhật Bản tưởng tượng đã điểm danh CHDCND Triều Tiên, còn tình huống thứ nhất chỉ tàu ngầm "nước A" bất ngờ bắn nhầm ngư lôi đối với tàu chiến Mỹ diễn tập quân sự liên hợp với Nhật Bản và Australia, khi đó, Lực lượng Phòng vệ quả quyết bắn chìm tàu ngầm này.

Hải quân Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung "Keen Sword 2012" (ảnh tư liệu)
Hải quân Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung "Keen Sword 2012" (ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng, đối tượng tác chiến của 3 tình huống chiến tranh do báo Nhật nêu ra chính là các nước láng giềng như Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên;

Điều này cho thấy, luật an ninh mới của Nhật Bản "cực kỳ nguy hiểm, lộ ra ý đồ thực sự đằng sau sửa đổi luật an ninh của chính quyền Shinzo Abe".

Theo Trương Quân Xã, rất nhiều quy định của Luật an ninh mới đều cho phép Nhật Bản tham chiến trong tình hình bản thân không bị tấn công, điều này đã vượt xa phạm vi phòng vệ, đã giảm rào cản phát động chiến tranh.

Theo bài báo, Nhật Bản thông qua luật an ninh mới đã đem lại một nhân tố mới cho cục diện khu vực, đã đại diện cho một xu hướng "làm thay đổi hiện trạng".

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Bài báo lo ngại rủi ro xảy ra xung đột giữa Trung-Nhật sẽ ngày càng cao và đòi Chính phủ Nhật Bản giải thích về những đồn đoán của dư luận. Bài báo đồng thời dọa Nhật Bản, cho rằng, Trung Quốc ngày càng có ưu thế khi xảy ra xung đột với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Theo báo Trung Quốc, Nhật Bản đã ra sức gây khiêu khích quân sự đối với Trung Quốc. Đồng thời bài báo tiếp tục khai thác mâu thuẫn trong lòng người Nhật để chia rẽ xã hội Nhật liên quan đến việc "tham chiến" ở nước ngoài mà luật an ninh mới cho phép.

Bài báo kết thúc với mong muốn không để "bi kịch" (chiến tranh Trung-Nhật) tái diễn, thể hiện tâm lý lo sợ phổ biến của “truyền thông Trung Quốc” trước một nước Nhật mạnh hơn, đang chủ động tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực - PV.

Nhật Bản bảo đảm năng lực răn đe, thúc đẩy xây dựng khuôn khổ đa phương

Tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 16 tháng 9 đưa tin, tại Hội chợ quốc tế thiết bị quốc phòng và an ninh Anh năm 2015 tổ chức ở London, ngày 13 tháng 9 năm 2015, các quan chức quân sự Trung Quốc và Nhật Bản đã đấu khẩu với nhau.

Phó đô đốc Viên Dự Bách - Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc và Phó đô đốc Umio Otsuka - Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tại London, Anh ngày 13 tháng 9 năm 2015
Phó đô đốc Viên Dự Bách - Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc và Phó đô đốc Umio Otsuka - Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tại London, Anh ngày 13 tháng 9 năm 2015

Phó đô đốc hải quân hai nước này đã đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác nhau về tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo bài báo, tại hội chợ này, Phó đô đốc Viên Dự Bách, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc đã mô tả một bản đồ vùng biển châu Á-Thái Bình Dương rất khác. Ông đã ngang nhiên cho rằng Biển Đông là "biển của Trung Quốc" giống như tên gọi của nó (Trung Quốc gọi Biển Đông là biển Nam Trung Hoa).

Nhưng, luận điệu bành trướng này hoàn toàn bị bác bỏ, bởi vì nhiều vùng biển quốc tế, thậm chí đại dương như Ấn Độ Dương đã đặt tên theo tên của một quốc gia, song vùng biển hay đại dương đó không thuộc chủ quyền riêng của nước đó. Ở đây, viên tướng Trung Quốc định chơi chữ lòe bịp thiên hạ, nhưng ngay cả đứa trẻ con cũng nhận rõ luận điệu lố bịch, phi logic này - PV.

Theo bài báo, phát biểu của tướng Viên Dự Bách đã phản ánh yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc (yêu sách bành trướng, lố bịch, bất hợp pháp), phát biểu này của ông ta rõ ràng ngang ngược hơn nhiều các quan chức khác.

Quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ lập thể nhiều binh chủng đánh chiếm đảo trên Biển Đông, có sử dụng tàu đổ bộ đệm khí Zubr (nguồn mạng sina ngày 20 tháng 7 năm 2015)
Quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ lập thể nhiều binh chủng đánh chiếm đảo trên Biển Đông, có sử dụng tàu đổ bộ đệm khí Zubr (nguồn mạng sina ngày 20 tháng 7 năm 2015)

Bài báo cho rằng, Viên Dự Bách còn tập trung tuyên truyền về việc sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" do Chính phủ Trung Quốc đưa ra sẽ đem lại "cơ hội" tự do thương mại.

Theo bài viết, Hải quân Trung Quốc có ý đồ trở thành người cung cấp "an ninh biển chung" của sáng kiến này. Viên Dự Bách cho hay, sáng kiến này hy vọng cung cấp hạ tầng cơ sở, giao lưu nhân văn, "thương mại tự do có trật tự" và "kết nối hạ tầng" từ Trung Quốc cho tới bờ biển Đông Phi.

Cũng tại hội chợ London lần này, Phó đô đốc Otsuka Umio – Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã công khai lên án Trung Quốc tiến hành lấn biển xây đảo ở Biển Đông (trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là đe dọa sự ổn định khu vực.

Ông cho biết, để ứng phó với tình hình này, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ “bảo đảm độ tin cậy của năng lực răn đe”, đồng thời tìm kiếm “khuôn khổ đa phương” (hải quân) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cuối năm 2015, Nhật Bản sẽ tham gia diễn tập với Mỹ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương
Cuối năm 2015, Nhật Bản sẽ tham gia diễn tập với Mỹ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương

Tướng Otsuka Umio còn đề cập đến một động thái mới trong nguyên tắc hành động của Trung Quốc: Bắc Kinh sử dụng tàu thuyền không thuộc hải quân như tàu cá thương mại biên chế cho lực lượng dân quân trên biển.

Ông nói: "Điều này sớm muộn sẽ gây ra tranh luận liên quan đến việc làm thế nào để ứng phó với cuộc xung đột giữa quân đội và lực lượng dân quân trên biển, nếu hai bên có xung đột".

Theo bài báo, vấn đề này rất nhạy cảm, bởi vì bất cứ nước nào sử dụng hải quân tấn công tàu dân sự (về bề ngoài) đều sẽ lập tức bị lên án là làm leo thang tình hình, bất kể tình hình thực tế như thế nào.

Nhật Bản từng "ăn quả đắng" vào tháng 9 năm 2010, vì vậy rất nhạy cảm đối với điểm này. Khi đó, một ngư dân Trung Quốc nhiều lần lao vào tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ở vùng biển nhóm đảo Senkaku. Sau một cuộc tranh chấp ngoại giao, Nhật Bản đã phải thả thuyền trưởng của tàu cá này.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản kiên quyết trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku (ảnh tư liệu)
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản kiên quyết trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku (ảnh tư liệu)

Đồng thời, ngày 15 tháng 9 tại Tokyo, sau cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết cung cấp nhiều tàu cũ hơn cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Nhật Bản đã đồng ý dựa vào chính sách giúp các nước Đông Nam Á xây dựng năng lực an ninh biển, cung cấp 6 tàu cá và tàu bảo vệ cho Hà Nội.

Đông Bình (Tổng hợp)